Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

CHÓ LAIKA VÀ SỰ THẬT NGHIỆT NGÃ

Laika - chú chó duy nhất bị trôi dạt ngoài không gian

ĐỨC KHƯƠNG , THEO TRÍ THỨC TRẺ 
Sự thật về "Người tiên phong" trong lịch sử hàng không vũ trụ của con người chỉ là một con chó đi lạc ở Moscow trước khi trở thành một chú chó không gian.
Lycra/Laika - một chú chó không gian hai năm tuổi của Liên Xô đã cất cánh trên phi thuyền Sputnik 2 vào ngày 3 tháng 11 năm 1957, chú chó này trở thành động vật Trái Đất còn sống đầu tiên đi vào quỹ đạo quanh hành tinh của chúng ta, đồng thời cũng là động vật Trái Đất đầu tiên bỏ mạng ngoài không gian. 
Giống như số phận của Laika, cũng có nhiều chú chó hoang khác đã được Liên Xô dùng để thực hiện thí nghiệm.
Họ thực hiện các nhiệm vụ không gian nhiều lần trong khoảng thời gian từ những năm 1950 đến 1960, và một trong số đó đã trở lại thành công, trong khi những con khác gì không được may mắn như vậy. Con số cụ thể được ước tính là khoảng 57 chú chó.
Nhưng nếu suy xét kĩ càng hơn thì Laika không phải là sinh vật có vú đầu tiên bay ra ngoài không gian vũ trụ.
Sinh vật sống đầu tiên được tham gia nhiệm vụ chinh phục vũ trụ lại là một con ruồi giấm do Mỹ mang theo để bay ra ngoài không gian vào năm 1947. Động vật có vú đầu tiên được ra ngoài không gian lại là một con khỉ Rhesus (khỉ vàng) có tên "Albert II" do Hoa Kỳ phóng lên, nhưng nó đã chết trên đường trở về mặt đất.  
Động vật có vú đầu tiên đi vào vũ trụ và trở về thành công là hai con chó không gian của Liên Xô, Tsygan và Dezik.
Nhưng những con chó không gian nổi tiếng nhất của Liên Xô lại là Belka và Strelka, chúng đã dành một ngày trên vũ trụ trước khi trở về Trái Đất trên phi thuyền Sputnik 5 vào ngày 19 tháng 8 năm 1960.
Sau khi trở về mặt đất, Strelka hạ sinh sáu chú chó con, một trong số chúng được gọi là Pushinka và được tặng cho con của Tổng thống Kennedy như một món quà, hậu duệ của Pushinka vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Sau khi chết, hài cốt của Belka và Strelka vẫn được lưu giữ lại cho tới ngày nay.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và Liên Xô đã liên tục chạy đua trong công cuộc chinh phục vũ trụ, họ đã mang rất nhiều ruồi giấm, chó cũng như khỉ đưa ra ngoài không gian và trở về Trái Đất thành công, nhưng tại sao chúng ta chỉ nhớ tới Laika?
Cái chết của Laika
Tên ban đầu của Laika được gọi là "Kudryavka", có nghĩa là "lông xoăn nhỏ". Lúc đầu, nó chỉ là một con chó đi lạc trên đường phố Moscow.
Nó là một chú chó lai mang trong mình dòng máu của giống chó Siberian Husky, các nhà khoa học Liên Xô tin rằng những chú chó đi lạc có sức đề kháng tốt và sẽ dễ dàng thích nghi hơn trong môi trường sống khắc nghiệt so với những chú chó nhà, vì vậy họ đã lựa chọn chú. 
Tất nhiên họ cũng căn cứ vào khả năng thích nghi và tồn tại thần kì của Laika dưới cái lạnh âm 20 độ vào mùa đông trên đường phố Moscow.
Người ta nói rằng vào thời điểm Khrushchev (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông là người kế nhiệm Stalin) đang gấp rút tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười, thời gian xây dựng Sputnik 2 bị rút ngắn và gấp gáp tới mức các nhà khoa học không thể hoàn thành kế hoạch trở về mặt đất cho Laika và dĩ nhiên chú chó này chỉ nhận được tấm vé 1 chiều để đi ra ngoài không gian.
Chiếc kén dành cho Laika chỉ được thiết kế theo dạng tiêu chuẩn, được trang bị các thiết bị sinh tồn cơ bản nhất. 
Điều đó có nghĩa là ngay từ đầu, mọi người đều biết rằng Laika sẽ cầm chắc cái chết trong tay sau khi chú được phóng đi ra ngoài bầu khí quyển.
Theo các quan chức Liên Xô, Laika đã tiêu hóa hết bữa ăn cuối cùng vài giờ trước khi bỏ mạng vì thiếu oxy.
Nhưng trên thực tế, Laika đã hoàn thành nhiệm vụ, chịu qua những tiếng ồn và áp lực khi phi thuyền cất cánh và bay vòng quanh Trái Đất trong khoảng thời gian 103 phút bên trong con tàu nặng hơn 500kg. 
Chỉ vài giờ sau khi hoàn thành nhiệm vụ, có một sự cố kỹ thuật đã xảy ra đối với phi thuyền Sputnik 2, con tàu bất ngờ bị mất là chắn nhiệt và làm nhiệt độ tăng cao kéo theo sự bốc cháy của con tàu cũng như chiếc kém mà Laika nằm trong đó.
Khoảng hai tháng sau cái chết, cơ thể Laika và chiếc kén vẫn bị bỏ rơi và âm thầm trôi dạt trên quỹ đạo Trái Đất. Mãi đến năm 1958, Liên Xô mới thu hồi được xác của phi thuyền còn Laika và chiếc kén của mình đã cùng nhau trở thành tro bụi bởi nhiệt độ cao của ma sát với bầu khí quyển. 
Trong và sau chuyến bay của Sputnik 2, Liên Xô đã cố che giấu chuyện Laika và con tàu chết sau khi khởi hành vài tiếng.
Họ lo sợ dư luận lên án việc Sputnik 2 chưa đáp ứng đủ kỹ thuật (như việc hạ cánh và chống cháy) mà vẫn thực hiện việc đo tác động của không gian lên sinh vật sống. Các chương trình phát sóng của Liên Xô đều nói rằng Laika vẫn còn sống cho đến ngày 12/11.

Thế giới mới tuyệt đẹp của Laika

Vài thập kỷ sau, những người đã đi qua cuộc Chiến tranh Lạnh vẫn không quên Laika. Họ nhìn con chó từ góc độ của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa anh hùng dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Laika lại một lần nữa được xuất hiện dưới dạng những tác phẩm lãng mạn và nghệ thuật. 
Năm 2009, BBC đã quay 5 tập truyện ngắn về chú chó không gian của Liên Xô. Vào cuối tập 5, các kỹ sư Liên Xô đã nói: "Laika chết trong đau đớn, bị bốc cháy ở nhiệt độ cao chỉ sau 1-2 giờ khi con tàu cất cánh".  
Lycra trở thành nguồn cảm hứng cho Haruki Murakami , và sau đó ông đã viết một cuốn sách có tên Sputnik Lovers. Ban nhạc Surf-Rock của Phần Lan "Laika & the Cosmonauts" được biết đến rộng rãi ở Bắc Âu vào cuối những năm 1980.
Dự án âm nhạc Nhật Bản "The Hatsune Miku " đã xuất bản một bài hát có tên "Câu chuyện về chú chó không gian đầu tiên Lycra" và nhiều tác phẩm khác.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

CỔ PHẦN HÓA THỰC CHẤT LÀ GÌ?

TS Trần Đình Thiên: 'Chúng ta sai lầm khi kéo dài việc sử dụng khái niệm cổ phần hóa'

(VNF) – “Cổ phần hóa là một khái niệm không có liên quan đến khái niệm thông thường của kinh tế học, một khái niệm hoàn toàn mang ý nghĩa định hướng xã hội chủ nghĩa”,TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói.

TS Trần Đình Thiên: 'Chúng ta sai lầm khi kéo dài việc sử dụng khái niệm cổ phần hóa'

TS Trần Đình Thiên

Phải xem lại khái niệm kinh tế nhà nước

Theo TS Trần Đình Thiên, nói đến kinh tế nhà nước thì có 2 nhóm vấn đề: một là khái niệm kinh tế nhà nước, hai là cách đánh giá sứ mệnh của nó.
Bàn về khái niệm, ông Thiên cho rằng khái niệm kinh tế nhà nước không chỉ là “nó là thế nào” mà còn là “nó là gì trong cấu trúc của nền kinh tế’.
“Khái niệm kinh tế nhà nước đứng đối diện với kinh tế tư nhân, trong mối quan hệ với khu vực kinh tế tư nhân, đã bắt đầu có vấn đề rồi.
“Xưa nay, ta để doanh nghiệp nhà nước đối diện với doanh nghiệp tư nhân để khẳng định doanh nghiệp nhà nước chủ đạo. Sau ta thấy doanh nghiệp nhà nước không chủ đạo được thì lái sang khái niệm kinh tế nhà nước làm chủ đạo để khỏi ai cãi được. Bởi vì kinh tế nhà nước to như thế, nó chủ đạo thì ai cãi được. Nhưng khổ nỗi, khái niệm kinh tế nhà nước với khái niệm khu vực tư nhân (mà chỉ có mỗi doanh nghiệp) thì không tương đồng”, ông nói.
Thế nên ông Thiên cho rằng khái niệm kinh tế nhà nước có 2 yếu tố: một là tài sản, hai là cơ chế phân bổ.
Về tài sản, ông Thiên yêu cầu phân biệt tài sản của kinh tế nhà nước và tài sản nhà nước để cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh.
“Hai thứ này phải rõ ràng. Nếu hai thứ không ràng về cấu trúc, về cơ chế vận hành thì lập tức có chuyện méo mó ngay, lập tức khu vực nhà nước ăn tiền ngay, lạm dụng ngay”, ông Thiên nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu câu hỏi: tài sản của nhà nước, nhưng của nhà nước là của ai, lực lượng kinh tế nào có quyền sử dụng nó và dùng theo cơ chế nào. “Cho nên cơ chế phân bổ là điều quan trọng. Tài sản nhà nước như nguồn lực quốc gia, cơ chế phân bổ nguồn lực phải rõ”.
“Khi bàn đến khái niệm đó, ta thấy khái niệm kinh tế nhà nước làm chủ đạo, đứng đối lập với các lực lượng khác trở nên vô nghĩa. Còn ai nữa, tài sản ông nắm cả mà ông làm chủ đạo thì còn ai chủ đạo! Bởi vì khu vực tư nhân chỉ có doanh nghiệp không thôi. Cái doanh nghiệp đấy tương đương về mặt cấu trúc với khu vực chỉ có doanh nghiệp nhà nước thôi.
“Cho nên tôi nghĩ vấn đề đầu tiên là phải làm được khái niệm rõ ràng. Tôi cho rằng đến lúc này mọi thứ đặt ra rõ ràng rồi, có điều mình có dám nhận diện rõ không thôi. Còn cứ nhắm mắt bảo không có gì rõ ràng cả thì đất nước này có vấn đề về trí tuệ, không đáng được phát triển”, ông Thiên bình luận.

“Chủ đạo mà như thế thì đất nước chết à…”

Nói về việc đánh giá vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, ông Thiên cho rằng cần phải xem xét đến tổng thể nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi nào không.
“Công lao của kinh tế nhà nước phải được đánh giá bằng toàn bộ nền kinh tế chứ không phải ông cải thiện được một tí rồi bảo ‘mày thấy tao tốt chưa’. Đấy là mày tốt, nhưng với tư cách là mày thôi, còn mày với tư cách chủ đạo thì phải làm cho cả nền kinh tế tốt lên”.
“Chúng ta biết rằng nền kinh tế này có thể tăng trưởng nhưng về chất lượng thì không thay đổi bao nhiêu. Những vấn đề cấu trúc rất nặng thì phải xem vai trò của ông (kinh tế nhà nước – PV) là gì, từ đó mổ xẻ ra tại sao lại như vậy. Ông chủ đạo mà như thế thì đất nước chết à, phải cắt chức chủ đạo của ông đi chứ, để thằng khác thay… ví dụ thế’”, ông Thiên nói.
Ông Thiên nhấn mạnh rằng: “Chỗ này phải rất minh bạch. Cách chủ đạo, cách đối xử với không chủ đạo làm nền kinh tế này phân bổ nguồn lực hỏng hết. Và 10 năm tái cơ cấu để thay đổi cơ chế đấy mà không thay đổi được. Tôi nói đấy là vai trò của kinh tế nhà nước đấy, có vấn đề nghiêm trọng. Ông không thay đổi được thì ai thay đổi được. 10 năm rồi chỉ có thay đổi ông thôi mà không thay đổi được, hỏi sao nền kinh tế không phát triển. Phải nhìn như vậy! Mình nhân danh nhà nước quá nhiều, vì nhân danh nên ông cứ thế tùy tiện”.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ngắn gọn: “Cải cách kinh tế Việt Nam chỉ có 2 vấn đề thôi: một là giải toả khu vực nhà nước, hai là chuyển nền kinh tế nông dân lạc hậu lên nền kinh tế hiện đại”.

Cổ phần hóa là khái niệm hoàn toàn mang định hướng xã hội chủ nghĩa

TS Trần Đình Thiên cho rằng việc thay đổi cấu trúc sở hữu (tức cổ phần hóa) doanh nghiệp nhà nước là yếu tố nền tảng để giải quyết vấn đề hiệu quả hoạt động/kinh doanh.
Tuy nhiên, ông nói ta sai lầm khi kéo dài việc sử dụng khái niệm cổ phần hóa. “Cổ phần hóa là một khái niệm không có liên quan đến khái niệm thông thường của kinh tế học, một khái niệm hoàn toàn mang ý nghĩa định hướng xã hội chủ nghĩa”.
“Vì sao? Vì khái niệm cổ phần hóa mong manh đến mức chỉ cần bán 1% cổ phần thôi cũng đã gọi là cổ phần hóa xong rồi. Khái niệm cổ phần hóa mà bán 1% ấy nó chả liên quan gì đến phân bổ nguồn lực và chả dính dáng gì đến cấu trúc sở hữu. Đó là một động tác giả”.
Đây chính là lý do vì sao Việt Nam có thể thực hiện kế hoạch cổ phần hóa 100% nhưng thực chất chuyển đổi sở hữu chỉ 5%, 7% hoặc 10%. Thậm chí trường hợp như ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) bán xong cổ phần còn muốn mua lại.
“Khái niệm cổ phần hóa có vấn đề. Ta dùng nó để biện minh cho quá trình thay đổi nguồn lực nhưng không làm thay đổi cấu trúc sở hữu. Cấu trúc sở hữu không đổi thì quản trị không đổi, vì thế không thể có thị trường bình thường được. Định hướng xã hội chủ nghĩa đấy”, ông Thiên bình luận.
Theo ông Thiên, một hệ quả nguy hiểm của việc dùng khái niệm cổ phần hóa là cách viết “doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã hiệu quả hơn”. Ông cho rằng việc bán một số cổ phần đúng là có làm doanh nghiệp tốt hơn nhưng nếu bán hẳn thì sẽ tốt hơn gấp 10 lần.
“Đất nước này cứ an ủi bằng cách tốt hơn như thế thì chết à! Lấy sự học 10 năm lên được lớp 5 rồi nói ‘Mày thấy tao tiến lên đấy chứ’. Ok, 10 năm có tiến lên nhưng 10 năm đấy người ta học Đại học được 2 lần rồi. Kiểu biện minh đấy là vô cùng nguy hiểm”.
Ông cho rằng cần thay khái niệm cổ phần hóa bằng tư nhân hóa. “Tư nhân hóa để nó trở thành động lực quan trọng và vượt qua cả động lực quan trọng. Đấy, chỉ khi nào khái niệm tư nhân hóa bình thường của loài người được áp dụng thì khi đó quá trình này may ra mới diễn ra hiệu quả”.
Ông cũng cho rằng trong cải cách kinh tế, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu phản ánh được tính thị trường rõ ràng hơn.
“Phải có tính thị trường thực, chứ sao lại một bước tiến ra thị trường. Đất nước này mỗi năm tiến một bước ra thị trường thì bao giờ mới ra thị trường?”, ông nói.

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

VINH HOA PHÚ QUÝ RỐT CUỘC CŨNG CHỈ LÀ ĐỐNG RÁC

Bài diễn thuyết chấn động của bác sĩ từng chứng kiến rất nhiều người chết: "Vinh hoa phú quý đời người rốt cuộc cũng chỉ là một đống rác mà thôi..."

28-06-2019 - 22:35 PM Sống
Bài diễn thuyết chấn động của bác sĩ từng chứng kiến rất nhiều người chết: "Vinh hoa phú quý đời người rốt cuộc cũng chỉ là một đống rác mà thôi..."

"Cá nhân tôi luôn nghĩ về cái gọi là "trải nghiệm cận tử". Chỉ khi đối diện với cái chết, khi đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết, người ta mới lại nhìn thấu được đời người là gì, ý nghĩa nhân sinh đích thực là gì?", bác sĩ Kha Văn Triết nói.

Trong thời gian còn là bác sĩ ngoại khoa, ông Kha Văn Triết chính là người tạo ra quy trình cấy ghép tạng tiêu chuẩn của Đài Bắc và đưa vào ứng dụng phương pháp cấp cứu Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO).
Năm 2013, bài thuyết giảng "Trí tuệ và sinh tử" trên TED (buổi hội thảo của giới trí thức về công nghệ, thiết kế và giải trí) của Kha Văn Triết đã gây ấn tượng mạnh.
Dưới đây là toàn bộ bài diễn thuyết chấn động của ông: 
Có lẽ tôi là bác sĩ Đài Loan đã từng nhìn thấy người chết nhiều nhất, vậy nên rất thích hợp để bàn luận về vấn đề sinh tử. Hãy để tôi bắt đầu nói từ "Diệp Khắc Mạc" – Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO).
Có một người nông dân chạy đến bệnh viện Kì Mỹ Liễu Doanh, nói muốn được gặp bác sĩ Diệp. Người ở phòng cấp cứu nói, không có đâu, chỗ chúng tôi đây không có bác sĩ nào họ Diệp cả. Người nông dân nọ vẫn khẳng định chắc nịch tên bác sĩ ấy là Diệp Khắc Mạc (ECMO).
Diệp Khắc Mạc thật ra không phải là bác sĩ nào cả, nó chỉ là một phương pháp trị liệu. Vận hành của nó cũng rất đơn giản, chính là dẫn máu từ trong tĩnh mạch ra, trải qua một cái bơm huyết dịch (trái tim nhân tạo), rồi lại thông qua một thiết bị tạo ô-xy (buồng phổi nhân tạo), đưa vào cơ thể. Nó được dùng để thay thế chức năng tạm thời của phổi, tim.
ECMO chính là một máy chủ làm trái tim nhân tạo, bên cạnh là một buồng phổi nhân tạo, đưa máu trở về. Xác thực là có những trường hợp vô cùng thành công.
Bài diễn thuyết chấn động của bác sĩ từng chứng kiến rất nhiều người chết: Vinh hoa phú quý đời người rốt cuộc cũng chỉ là một đống rác mà thôi... - Ảnh 1.
Bác sĩ Kha Văn Triết.
Một vũ công trong nhóm múa của Châu Kiệt Luân, một ngày nọ bị viêm cơ tim đột ngột, tim không còn đập nữa. Lúc đó, con mắt của cô ấy mở to nhìn trừng trừng vào màn ảnh. Tín hiệu trên màn hình toàn bộ đều là một đường thẳng băng cả. Nhưng 9 ngày sau, cô ấy đã tiến hành cấy ghép tim và phổi. Chưa đến 1 tháng, đã có thể trở về tiếp tục nhảy múa rồi. Tất cả là nhờ ECMO.
Trong các tài liệu y khoa, thời gian hồi sức tim phổi dài nhất, còn có thể được cứu sống trở lại chính là trường hợp này. Mỗi lần nhìn lại tôi đều nói đây là thần tích của y học hiện đại. Một người đã trải qua hồi sức tim phổi trong 4 giờ đồng hồ, liên tục 9 ngày tim hoàn toàn không còn hoạt động mà vẫn có thể được cứu sống lại!
Lại có một thanh niên 26 tuổi, uống say rồi đi bơi, bị sặc nước đến viêm phổi nghiêm trọng (gọi là triệu chứng hô hấp cấp tính). Toàn bộ lá phổi của anh đều trắng xoá hết cả, không còn khả năng hô hấp. Anh ta đã điều trị ECMO trong 117 ngày. Trong khoảng thời gian gần 1 tháng, lượng khí thông phổi của anh ta chỉ không đến 100cc. Nhưng rồi cuối cùng anh vẫn dần dần hồi phục trở lại.
Điều này quả thật quá thần kỳ. Vậy nên, dưới sự đồn thổi của giới truyền thông, ECMO ở Đài Loan đã trở nên nổi tiếng như vậy, cũng xác thực là có một vài trường hợp rất thành công. Nhưng các kênh truyền thông chỉ đưa tin về những trường hợp thành công chứ không đả động gì đến những ca thất bại.

Thân là một bác sĩ, chứng kiến những ca thành công đương nhiên rất vui mừng, nhưng cũng không thể quên đi những ca thất bại. Nó thật sự ám ảnh tôi. Từng có một đứa trẻ vừa mới chào đời được nửa tháng đã mắc phải bệnh tim bẩm sinh. Sau khi phẫu thuật tim, sự sống hoàn toàn nhờ vào máy trợ tim phổi, vậy nên đã lắp đặt ECMO. Nhưng không đến 3 ngày sau, chân của bé đã chuyển sang màu đen.
Lúc này, bác sĩ phải đối mặt với một lựa chọn đau lòng, hoặc phải cưa mất hai chân của bé rồi tiếp tục cứu chữa với cơ hội thấp, hoặc là chấm dứt điều trị tránh tổn thất, đau đớn. Đây chính là áp lực rất lớn, khiến bạn vô cùng khó xử, tiến thoái lưỡng nan.
Lại có một cậu bé 7 tuổi, mắc viêm phổi, ung thư máu khuẩn cầu đôi, khiến hô hấp vô cùng khó khăn, lại xuất hiện bệnh biến chứng, tứ chi đều đã chuyển sang màu đen.

Là một bác sĩ, bạn phải đối mặt với sự lựa chọn khủng khiếp này. Nếu muốn cứu bé, thì bạn phải cưa bỏ tứ chi, còn như không cứu, thì cần phải tháo các thiết bị đi. Nhưng đôi mắt long lanh của bé vẫn ngước nhìn bạn, ý thức vẫn còn rõ ràng, biết xin nước uống. Ai nỡ đành lòng chấm dứt cơ hội sinh tồn của sinh linh bé nhỏ ấy đây?
Mọi người hãy thử nghĩ xem, trong thời khắc sinh tử, khi bệnh nhân thần trí vẫn rõ ràng, tôi làm sao nói được với họ rằng: "Cậu bé này, nếu như cậu muốn sống tiếp, chúng tôi cần phải cắt bỏ tứ chi của cậu, hoặc là thôi, cậu không cần sống tiếp nữa". Bạn làm sao có thể nói chuyện sống chết này với một cậu bé 7 tuổi đây?
Ngoài 30 tuổi, tôi được làm chủ nhiệm, cảm thấy y học rất lợi hại, cái gì cũng đều có thể giải quyết. Sau khi tôi hơn 40 tuổi, thường có những ca lắp đặt ECMO thất bại, người nhà bệnh nhân hỏi tôi: "Tại sao người khác thì cứu sống được, còn người nhà chúng tôi lại không thể cứu sống?". Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tại sao tứ chi của người bệnh lại chuyển sang màu đen? Nếu tôi biết được thì đã có thể tránh được rồi, nhưng tôi thật sự không hiểu gì cả.
Khi ngoài 50 tuổi, cuối cùng tôi cũng đã nghĩ thông suốt. Bác sĩ là người chứ không phải là Thần, chỉ có thể tận hết sức lực, chỉ vậy mà thôi. Dù cho y học phát triển đến mức nào thì vẫn là có giới hạn. Với khoa học kỹ thuật hiện tại, không có tim, phổi, thận người ta vẫn có thể sống được, nhưng lẽ nào cứ đeo bên mình đống máy móc như vậy mà sống cả đời sao?
Trời đất có Xuân, Hạ, Thu, Đông, cây cỏ mùa Xuân thì đâm chồi, nảy lộc, mùa Hạ thì kết quả, ra hoa, mùa Thu bắt đầu thay vỏ, vàng lá, đến khi Đông về thì trút lá xạc xào, cành khô, thân nứt. Người làm vườn có cách nào thay đổi được loại quy luật ấy hay không? Họ chỉ có thể tận sức chăm sóc vun trồng để những bông hoa kia khi nở rộ trông đẹp đẽ hơn, sống được thời gian dài lâu hơn mà thôi.

Một bác sĩ có cách nào thay đổi được quy luật "Sinh – Lão – Bệnh – Tử" hay không? Điều này thực sự khó vô cùng. Bác sĩ chỉ là khiến cho người bệnh đang ở giữa vòng tuần hoàn "Sinh – Lão – Bệnh – Tử" ấy mà sống được dễ dàng hơn một chút, chỉ vậy mà thôi. Bác sĩ chỉ là người làm vườn trong vườn hoa của sinh mệnh, anh ta liệu có thể làm được gì khi đứng nhìn những cái cây đã khô héo, khi đối mặt với cái chết đây?
Một ngày nọ, trong lúc tôi đi thăm bệnh nhân, tôi đột nhiên hiểu ra đạo lý này. Kết cục của đời người chỉ có hai loại mà thôi: Cắm ống thở hay là không cắm ống thở. Nhưng rồi sau tất cả vẫn đều là cái chết.
Nếu có người hỏi tôi: "Cái chết là gì?". Đáp án của tôi là: "Làm thế nào mới được coi là sống đây?". Bởi vì con người nhất định đều sẽ chết, vậy nên cái chết không phải là mục đích của đời người. Đời người, trái lại chính là một quá trình. Chúng ta trong quá trình này không ngừng theo đuổi một điều gì đó, đây chính là đời người. Và tôi nói: "Tất cả những thứ người ta theo đuổi, vinh hoa phú quý của đời người chẳng qua chỉ là một đống rác bỏ đi".
Có một lần, tôi mời thầy giáo đã nghỉ hưu của mình và lớp trưởng cùng đi dùng cơm. Ba người chúng tôi lên lầu hai của một nhà hàng Pháp, kết quả đã tiêu hết 26.000 Đài tệ (gần 20 triệu đồng), bình quân mỗi người là 9.000 Đài tệ (6,7 triệu đồng). Khi nhìn thấy hóa đơn, mặt mày tôi tái mét: "Sao lại đắt đến vậy chứ!". Tôi chưa từng đến dùng bữa ở nơi nào đắt đỏ như vậy cả, chỉ là chọn đại mấy món, cũng không hiểu đã dùng món gì mà mất đến 26.000 Đài tệ.
Cả ngày hôm ấy và hôm sau, tôi đã không ngừng suy nghĩ về chuyện này. Bữa cơm đã tiêu tốn của tôi mất 9.000 Đài tệ, so với một suất cơm bình dân ở bệnh viện ngày thường tôi vẫn ăn thật chẳng khác nhau chút nào. Dù là cao lương mỹ vị, dù là gan rồng, tuỷ phượng, ăn vào dạ dày rồi lại phải bài tiết ra ngoài. Vinh hoa, phú quý của đời người cũng thế, tranh đoạt cả đời, gom góp một kiếp, chết rồi lại chẳng thể mang theo. 
Tư tưởng Nho gia ảnh hưởng rất mạnh mẽ ở Á Đông nhưng đối với vấn đề sự sống – cái chết, họ cũng chỉ bàn đến một mức độ rất bề mặt. "Luận Ngữ" viết: "Vị tri sinh, yên tri tử" (chưa biết đạo lý của đời sống, sao lại thắc mắc về cái chết); hoặc như Khổng Tử cũng nói: "Triêu văn Đạo, tịch khả tử" (sáng nghe đạo, chiều chết cũng yên lòng). Nói tóm lại chính là không thích luận đàm về sống chết.
Còn cá nhân tôi thì luôn nghĩ về cái gọi là "trải nghiệm cận tử". Chỉ khi đối diện với cái chết, khi đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết, người ta mới lại nhìn thấu được đời người là gì, ý nghĩa nhân sinh đích thực là gì?
Bài diễn thuyết chấn động của bác sĩ từng chứng kiến rất nhiều người chết: Vinh hoa phú quý đời người rốt cuộc cũng chỉ là một đống rác mà thôi... - Ảnh 4.
Con người cuối cùng rồi sẽ phải chết, đời người chẳng qua chỉ là một quá trình theo đuổi và tìm kiếm ý nghĩa của nhân sinh. Mà ý nghĩa nhân sinh đó đôi khi không thể dễ mà nhìn ra. Trên con đường trở về với giá trị gốc của mình, người ta sẽ phải đi qua biết bao thống khổ, bơi qua một bể khổ vô bờ. Nghĩ lại thì kiếp sống này thật quá ư mông lung, nhân sinh này chính xác chỉ là giấc mộng.
Tôi xin dùng câu nói dưới đây làm lời kết cho bài thuyết trình hôm nay: "Điều khó khăn nhất không phải là đối mặt với thất bại và sự đả kích, mà là khi phải hứng chịu những sự đả kích, dày vò, ta không hề đánh mất đi nhiệt tình đối với cuộc đời này".

Theo Ngọc Sương
Trí thức trẻ

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG NHẤT

MÓN QUÀ SINH NHẬT CỦA BỐ

Một ngày kia, có một cô con gái 12 tuổi hỏi bố: "Bố sẽ tặng quà gì cho con vào ngày sinh nhật sắp tới?"
Người bố mỉm cười rồi nói, "Còn nhiều thời gian mà, con cứ đợi rồi sẽ biết".
Vài ngày sau cuộc nói chuyện này, cô bé bỗng dưng bị ngất và phải đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi kiểm tra, bác sĩ nói cô bé bị bệnh tim và có lẽ sẽ không qua khỏi. Mọi người trong gia đình đều bàng hoàng, không biết phải làm gì tiếp theo.
Nghe tin mẹ hấp hối, con trai chạy đến viện dưỡng lão, bàng hoàng với lời trăn trối của mẹ - Ảnh 1.
Người bố âm thầm tặng cho con gái món quà quý giá nhất đời mình.
Cô bé tội nghiệp nằm trên giường bệnh, ngước mắt hỏi bố: "Bố ơi, con sẽ chết phải không ạ?"
Người bố ôm con gái tình cảm, trấn an, "Không, con yêu, con sẽ không sao đâu".
"Làm sao mà bố biết được?", cô con gái ngờ vực hỏi lại.
Người bố khẳng định chắc chắn, "Bố biết chứ, vì bố là bố của con mà", trước khi bước ra ngoài, trên gương mặt anh là những giọt nước mắt không ngừng tuôn rơi.  
Một thời gian sau, bệnh tình của cô bé dần thuyên giảm, sức khỏe cô bé hồi phục và em được xuất viện ngay trước ngày sinh nhật thứ 13 của mình. Khi về nhà, cô bé chạy ào vào phòng của mình vì nghĩ hẳn là trên giường sẽ có món quà sinh nhật bố tặng.
Khi không nhìn thấy thứ gì ngoài một lá thư, cô bé đã hơi tỏ ra thất vọng, nhưng rồi vẫn mở ra đọc. Không ngờ, chỉ sau vài dòng, mắt cô bé đã nhòa lệ vì không tin nổi sự thực đau lòng trước mắt.
Lá thư viết: 
"Con gái yêu của bố.
Nếu con đang đọc lá thư này, nghĩa là mọi chuyện tiến triển tốt như bố đã nói với con, nhớ chứ? Có một lần, con hỏi bố sẽ tặng gì cho con vào ngày sinh nhật. Lúc đó, thực sự bố chưa nghĩ ra món quà gì cho con gái nhỏ của mình. Nhưng bây giờ, bố đã biết mình sẽ tặng gì cho con rồi, đó chính là TRÁI TIM của bố."