Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

HỌ TRƯỚC TÊN SAU- GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH, TỘC HỌ ĐANG ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH Ở NHẬT BẢN- 

Việc đổi cách gọi Thủ tướng Shinzo Abe thành Thủ tướng ABE Shinzo báo hiệu điều gì về quan hệ Nhật với Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc?

Thủ tướng Shinzo Abe sẽ được gọi là Thủ tướng ABE Shinzo trong các văn bản tiếng Anh chính thức kể từ ngày 1/1/2020.


Một hành động nhỏ nhưng mang tính biểu tượng cao, là đề xuất của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe về việc thay đổi thứ tự tên tiếng Nhật khi được viết bằng bảng chữ cái Latin hoặc phương Tây.
Từ những năm đầu của thời đại Meiji, vào những năm 1870, người Nhật đã tự nhận mình là những người tiến bộ, hòa theo phong cách chung của phương Tây, khi trong các văn bản tiếng Anh mỗi người sẽ được gọi bằng họ gia đình, thay vì bằng tên riêng. 
Tuy nhiên, trong tiếng Nhật bản địa, thứ tự vẫn sẽ luôn là họ trước, tên sau.
Vào ngày 1/1/2020, cách gọi tên ở Nhật sẽ chính thức thay đổi. Trên các tài liệu và trang web của chính phủ, tên của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ được viết là ABE Shinzo - việc viết hoa họ của gia đình cũng được khuyến nghị - và những công chức khác cũng được khuyến khích làm điều tương tự.
Việc đổi cách gọi Thủ tướng Shinzo Abe thành Thủ tướng ABE Shinzo báo hiệu điều gì về quan hệ Nhật với Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc? - Ảnh 1.
Công dân bình thường không có nghĩa vụ phải tuân theo thay đổi này, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy việc thay đổi sẽ có lợi cho chính họ. Nam diễn viên Ken Watanabe sẽ trở thành WATANABE Ken và Chủ tịch Masayoshi Son của Tập đoàn SoftBank sẽ trở thành SON Masayoshi.
Đối với người phương Tây, sự thay đổi này của Nhật Bản có vẻ không cần thiết, và có phần khó hiểu. Nhưng theo quan điểm của Nhật Bản, nó biểu hiện cho việc họ không còn làm mọi thứ chỉ để thuận tiện cho người phương Tây. Châu Á đang trỗi dậy về cả sức mạnh địa chính trị và văn hóa, đó cũng là một phần lý do.

Sáng kiến ​​này bắt nguồn từ những năm đầu của thế kỷ 21 khi Cơ quan Văn hóa (CAA) đưa ra một đề xuất về việc sử dụng trật tự tên bản địa trong các văn bản tiếng Anh. Tuy nhiên trước đó, đề xuất này hoàn toàn bị bỏ qua.
Lần này, những ngôi sao đang lên của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền như Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono đã lên tiếng ủng hộ đề xuất này. Có vẻ như công chúng cũng đứng về phía họ. Một cuộc thăm dò ý kiến ​​gần đây cho thấy 60% ủng hộ sự thay đổi.
Nikkei dẫn lời giải thích được nêu trên trang web của CAA, "Nhật Bản sẽ hòa nhập với các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc, tất cả đều đặt họ gia đình lên hàng đầu. Các quốc gia này đặt họ lên hàng đầu vì liên kết gia đình, theo truyền thống vẫn là thông tin quan trọng nhất về một người, danh tính cá nhân chỉ đứng thứ hai".
Về bản chất, việc thay đổi này báo hiệu một xã hội gần với châu Á hơn. 
Có phải mong muốn mới của Nhật Bản là liên kết với các nước láng giềng - rời xa châu Âu, hướng về châu Á? Có lẽ là như vậy. Trong thế giới ngày nay, khu vực châu Á đã dần hoàn thiện quy trình sản xuất công nghệ cao trong khi vẫn tăng trưởng nhanh chóng. Hơn nữa, bản thân các chuẩn mực toàn cầu đang trở nên đa dạng và đa văn hóa hơn, và việc tuân thủ một khuôn mẫu phương Tây đang bắt đầu trở nên lỗi thời.
Ngôn ngữ là chính trị, như tiểu thuyết gia Minae Mizumura chứng minh. Lần đầu, người Nhật đang tham gia vào một hành động mang tính biểu tượng của sự tự khẳng định.

Theo Trí thức trẻ/Nikkei Asian Review

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

KHÔNG BIẾT 1+1=10 THÌ SẼ KHÔNG HIỂU SỰ THẤT BẠI CỦA NỀN GIÁO DỤC

Từ sai lầm của Bùi Tiến Dũng nghĩ về thất bại của nền giáo dục

15:01 02/12/2019
Thất bại đó là gì? Là không chấp nhận được thất bại!
Từ tối qua, chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm Google từ “sai lầm”, lập tức đưa ra gợi ý các chủ đề liên quan, trong đó “sai lầm của Bùi Tiến Dũng” là từ khóa hiện ra đầu tiên. Kế đến là sai lầm sơ đẳng của thủ môn Bùi Tiến Dũng… Bằng thuật toán của trí tuệ nhân tạo, có nghĩa đây là chủ đề đang được quan tâm nhiều nhất ở thời điểm hiện tại.
Có lẽ, thói quen đã ăn sâu trong tiềm thức rằng “tuyển” thì không thể có những sai lầm "vớ vẩn".
Một nhà tâm lý giáo dục thừa nhận: trong giáo dục, kiểu tư duy “không thể sai sơ đẳng” được thể hiện khá rõ - thầy cô không chấp nhận học sinh ưu tú vấp phải lỗi sơ đẳng, cha mẹ không chấp nhận con mình chỉ đạt điểm 9 mà không phải là 10…
Người lớn liền buông lời chất vấn: sao con (em) ngu thế, dễ ợt vậy mà cũng làm sai… Những lời chê bai, dè bỉu đã làm tắt niềm tin vào bản thân. Để rồi, thay vì bình tĩnh sửa sai, các em buông xuôi, mặc cảm và chấp nhận thất bại.
Khoa học máy tính hôm nay sẽ phát triển thế nào nếu ngay từ ban đầu tất cả mọi người đều dè bỉu những con người nghĩ ra 1 + 1 = 10 là ngu dốt? Khoa học vũ trụ sẽ ra sao nếu chúng ta cứ cười cợt mỉa mai tư duy tổng 3 góc trong tam giác không hẳn là 180 độ?
Bạn phải tin rằng, đôi lúc những thất bại ngớ ngẩn cũng có thể trở thành động lực mạnh mẽ làm bùng nổ những điều tuyệt vời mà không ai có thể lường trước được, như cú lội ngược dòng tối qua của U22 Việt Nam. Vậy thì, dội nước lạnh để dập tắt hay làm bùng nổ nghị lực tiềm tàng của người khác, đó là sự lựa chọn thái độ ứng xử của chúng ta trước những thất bại.
Phần Lan - quốc gia có nền giáo dục phổ thông được cho là số một thế giới, từ trường học đến xã hội, có cái nhìn rất bao dung về những sai lầm và thất bại. Thậm chí họ còn khởi xướng một ngày gọi là "Ngày lễ Thất bại" (National Day of Failure) vào 15/8 hằng năm.
Ngạn ngữ xứ mình cũng có câu "thất bại là mẹ thành công" nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Nhìn lại câu chuyện tối qua. Một biên tập viên đã pha trò về sai lầm này ngay phần bình luận cuối trận đấu. Anh ấy giả bộ điện thoại cho Đặng Văn Lâm (thủ môn đội tuyển Việt Nam): “A lô, Văn Lâm đấy ạ, nếu như không có việc gì thì Lâm có thể đặt vé đến Manila ngay lúc này được không, chúng tôi đang rất cần người".
Tôi cho rằng đó là lối ứng xử thô bạo, kiểu hề hước lấy cái sai của người khác để giễu một cách thiếu tế nhị, ít duyên và có lẽ biên tập viên Quốc Khánh cũng nên nhìn lại bản thân khi bỉ bai người khác, nhất là khi chính anh trở thành người bị bỉ bai hôm nay.
Người ngoài cuộc, không vai trò, không liên quan như chúng ta thì mặc sức dè bỉu. Còn người trong cuộc thì sao? Thành Chung sau khi ghi bàn gỡ hòa đã vội vàng chạy về ôm Tiến Dũng - người đồng đội vừa gây ra sai lầm - để động viên. Kết thúc trận đấu, Dũng cũng là người Chung ôm ăn mừng đầu tiên.
Người có “quyền sinh sát” với mọi cầu thủ đó là HLV Park Hang Seo thì thản nhiên trả lời khi nhận được câu hỏi về sai lầm của học trò mình: “Mọi sai lầm của cầu thủ trên sân đều là lỗi của ban huấn luyện”.
Họ cho chúng ta thấy được tinh thần đồng đội không sáo rỗng, tinh thần trách nhiệm, không đổ lỗi. Nếu có thất bại, tất cả mọi cầu thủ trên sân, kể cả ban huấn luyện đều có lỗi, không riêng Tiến Dũng.
Người làm bóng đá đã có thể thay đổi được tư duy. Thế thì vì sao các lĩnh vực khác, nhất là giáo dục vẫn chưa thể? Bao dung với những sai lầm và tôn trọng việc đứng lên từ những thất bại của người khác khó đến vậy sao?
Không ngoa khi nói ông Park là bậc thầy sư phạm. Thứ ông cho học trò mình không chỉ là sự đặt để đúng vị trí, khai thác đúng thế mạnh, bài học chiến thuật chuyên môn, mà còn có sự tự tin, thái độ lạc quan tích cực, ý chí không khuất phục và một trái tim ấm nóng.
“Sản phẩm” của nền giáo dục tốt luôn có kết quả đẹp. Rõ ràng, học trò vẫn vậy, vẫn là những lứa cầu thủ dưới tay của các đời HLV trước nhưng thầy Park đã thổi một làn gió mới. Không chỉ “chơi đẹp” với đối thủ, biết bảo vệ đồng đội mà còn rất đáng gờm trước mọi đối thủ.
Thử nghĩ, nếu như giáo dục cũng làm được như vậy thì biết đâu sẽ có rất nhiều những “chiến binh sao vàng” ở mọi lĩnh vực.
Gia Tuệ