Nhà thơ
Vương Trọng với bài thơ nhớ mẹ
Nhà thơ Vương Trọng - người con của Đô Lương xứ Nghệ. Ông có nhiều bài thơ cảm động viết về những người phụ nữ ruột thịt và gần gụi trong gia đình. Trong những bài thơ đó có bài "Khóc giữa chiêm bao" nhà thơ viết về người mẹ kính yêu của mình đã khuất núi từ nhiều năm nay.
Nhà thơ Vương Trọng giới thiệu tới các nhà văn cựu binh Mỹ bài thơ về 10 cô gái Đồng Lộc.
Vương Trọng sinh năm 1943
trong ngôi nhà nhỏ làng Đông Bích, xã Trung Sơn, Đô Lương, giống như bao mảnh
đất khác của Nghệ An, từng nghèo đến xác xơ. Người dân phải chống chọi với cái
đói, với thiên tai, bệnh dịch trong vô vàn khó khăn, lam lũ.
Mỗi ngày lớn lên, được
đắm mình trong bầu không khí ấm áp của gia đình, trong phong cảnh hữu tình nên
thơ của mảnh đất giàu truyền thống xứ Nghệ. Chính mảnh đất thuần nông nghèo khó
đó đã nuôi dưỡng tâm hồn Vương Trọng. Con người chúng ta không ai muốn tuổi thơ
nghèo khổ, nhưng ở góc độ nào đó, chính cái nghèo khó của tuổi thơ đã giúp ông nhiều
trong sáng tác. Nó đã găm hồn ông với quê hương và khiến cho ký ức của ông trở
nên đậm đặc trong thơ. Ông thường trêu hai đứa con ở Hà Nội: “Chúng mày không
có tuổi thơ”. Với Vương Trọng, tuổi thơ ông đã đánh thức cái phần sâu sắc nhất,
nhân bản nhất trong tiềm thức và trái tim ông – những thứ con người chúng ta có
được khi lăn lộn với cuộc sống ở những chiều kích gai góc nhất của nó.
Nhà Vương Trọng cách Sông
Lam một cây số, nhưng ngọn Quỳ Sơn thì năm trong tầm ngắm của ông hàng ngày. Có
lẽ ngày xưa dân nghèo nên núi cũng trọc. Tuy vậy, núi Quỳ đã gắn bó với Vương
Trọng như biết bao ngọn núi, con sông quê đã gắn bó với những tâm hồn thi nhân.
Bố VươngTrọng là ông
đồ nho, các anh trai yêu thơ và hay đọc thơ. Bởi thế mà trước khi biết đến thơ
trong sách vở, thậm chí là trước khi biết chữ, Vương Trọng đã thuộc nhiều bài
thơ từ chính những người thân trong gia đình mình. Anh trai của ông là Vương
Đình Trâm cũng là một nhà thơ. Ông có biệt tài thuộc thơ rất nhanh. Từ nhỏ,
Vương Trọng đã thuộc “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, “Truyện Kiều” –
những truyện thơ thuộc hàng dài nhất của thơ Việt Nam trung đại. Trên tất cả,
ông tha thiết yêu “Truyện Kiều” như yêu những gì tinh túy nhất của nền văn học
Việt Nam từ cổ đến kim. Ông nói: “Đã là người của văn học thì không thể không
yêu Truyện Kiều được”, vì nó là thước đo cho khả năng và sự cảm thụ văn học.
Từ năm học lớp 4,
Vương Trọng đã biết làm thơ. Cũng mày mò gửi một vài báo nhưng không được đăng
nhưng được thư tòa soạn xác nhận đã nhận được bài tác giả gửi. Bài thơ đầu tiên
mà ông sáng tác, có nhan đề đặc sệt phong cách của các bậc tiền bối: “Vịnh khe
Bò Đái”. Đây là kỷ niệm mà Vương Trọng mãi mãi khắc ghi, bởi nó đánh dấu lần
đầu tiên ông sáng tác một bài thơ hoàn chỉnh, diễn tả nỗi lòng ông với quê hương,
nơi có khe nước mang cái tên rất dân dã chảy những dòng nhỏ trong vắt mà lũ trẻ
con thời trước thường ra tắm.
Vương Trọng giỏi đều
các môn khi tốt nghiệp phổ thông, ông đã không chọn văn học để bắt đầu sự
nghiệp. Năm 1962, Vương Trọng thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Toán.
Chính tư duy toán học đã giúp ông có được khả năng khá nổi trội về mặt diễn
thuyết với cách nói rành mạch, bố cục rõ ràng, khúc chiết. Song, thơ ca như đã
ngấm vào trong máu. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học, được điều về làm ở Cục
Quân báo với công việc thám dịch mật mã của địch. Đến năm 1970, Vương Trọng trở
thành giáo viên dạy toán luyện thi đại học ở Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng đóng
tại Thị xã Lạng Sơn. Năm 1972, ông tham gia học lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn
Du và công tác cho đến ngày về hưu tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xa quê quá nửa đời
người mà khi gặp lại ta vẫn nghe giọng nói của nhà thơ Vương Trọng vẫn đậm đặc
chất Nghệ.
Ông có nhiều bài
thơ cảm động viết về những người phụ nữ ruột thịt và gần gụi trong gia đình.
Trong những bài thơ đó có bài "Khóc giữa chiêm bao" nhà thơ viết về
người mẹ kính yêu của mình đã khuất núi từ nhiều năm nay.
Ông đã kể về xuất xứ của bài thơ này:
Đó là một đêm ở Hà Nội ông nằm mơ thấy mẹ
mình. Lạ lùng là trong giấc mơ nào cũng vậy bao giờ ông cũng mơ về những tháng
năm khốn khó của gia đình. Những năm mà cuộc sống của anh em ông đè trên đôi
vai gánh gồng của mẹ. Ông thường khóc trong giấc mơ gặp mẹ.
Giấc mơ là kí ức hiện về sau nỗi nhớ. Nó là
vầng huyền ảo kỳ diệu của cảm xúc. Đấy là những ký ức cốt nhục khó có thể quên
nhưng lại không thể hiện hữu. Mơ gặp mẹ khi tỉnh dậy biết là mẹ đã đi xa lâu rồi
mà tâm hồn con vẫn bổi hổi bao nỗi nhớ thương. Lúc ấy người làm thơ đã khóc.
Đúng ra là đứa con trai đã khóc khi gặp lại mẹ mình. Những giọt nước mắt hiếu
thảo trong một đêm Hà Nội vào năm 1988 cách đây hơn hai mươi năm ấy đã thao
thức với Vương Trọng để cùng ông hiện lên những dòng chữ cảm động trong bài thơ
"Khóc giữa chiêm bao":
Đã có lần con khóc giữa chiêm bao
Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt đường đê sụt lở,
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.
Anh em con chịu đói suốt ngày tròn,
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa.
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về.
Chiêm bao tan nước mắt dầm dề,
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng.
Dù biết lời con chẳng thể nào vang vọng,
Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.
Con lang thang vất vưởng giữa đời thường,
Đâu cũng sống không đâu thành quê được.
Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp,
Con ít về từ ngày mẹ ra đi.
Đêm tha hương con tìm lại những gì
Với đời thực chẳng bao giờ gặp nữa.
Mong hình mẹ lại hiện về giấc ngủ
Dù thêm lần con khóc giữa chiêm bao.
Bài thơ của riêng ông cũng là tình cảm chung
nhiều người.
Trước ngày mẹ mất Vương Trọng đã có thơ về mẹ,
sau ngày mẹ mất ông vẫn viết thơ về mẹ nhưng phải đợi đến nhiều năm sau, năm
1988 nhà thơ mới bật lên được thi khúc khóc mẹ thấm lòng này. Theo ông có
chuyện khó như vậy bởi mẹ mình là cái gì quá thân thương, quá gắn bó với mình.
Có ai gần gũi với mẹ hơn con. Có ai thương con hơn mẹ. Mẹ thật vĩ đại, niềm vĩ
đại cốt nhục trong mỗi đứa con. Cảm nhận về sự khôn cùng ấy thì dễ nhưng thể hiện
được nó ra bằng chữ bằng lời không dễ. Nhiều khi ta viết về mẹ mà cảm thấy chưa
thật vừa lòng về những điều ta viết ra. Nỗi niềm đó là của Vương Trọng cũng là
nỗi niềm của nhiều người làm thơ khác.
Ai lấp nổi khoảng đời thiếu mẹ/ Tôi xin dâng
núi bạc biển vàng/ Ai bù nổi khoảng đời không mẹ/ Tôi xin đền bằng tháng bằng
năm
Nước mắt của những đứa con mồ côi khi mẹ mất
đều có chung vị mặn như nhau. Không hẹn mà gặp. Nhà thơ Vương Trọng đã nói giúp
nhiều người khác niềm đau đáu này.
Giọt nước mắt trong mơ của Vương Trọng, giấc
mơ thì sẽ tan đi nhưng nước mắt theo nhà thơ lại là thật, lại là một hiện thực
khắc
Với mẹ của mình chúng ta mãi còn bé bỏng, trẻ
dại. Thật hạnh phúc cho những ai còn mẹ và quá đỗi thiệt thòi cho những ai đã
mất mẹ. Nhưng luật Trời đã định rồi. Làm sao qua khỏi ngưỡng của vận mệnh. Mẹ
chẳng thể sống mãi và ở mãi với ta. Từ nay mất mẹ biết bao giờ tìm. Ta chỉ còn
gặp lại được mẹ trong mơ. Xa xót vậy làm sao không thể không khóc được!
Nhà thơ Vương Trọng đã cho ta sự đồng cảm hiếu
đễ khi đọc bài khóc mẹ giữa chiêm bao của ông. Bài thơ về nước mắt nhưng thấm
đậm nghĩa tình. Giọt nước mắt ấy không thể làm chúng ta mộng mị mà chỉ có khắc
sâu thêm nỗi thương nhớ mẹ một đời vất vả nuôi ta để ta được sống tốt hơn như
những điều mẹ mong muốn.
Nhà thơ Vương Đình Trâm anh trai ruột của
Vương Trọng đã khắc bài thơ của em mình vào đá trắng và đặt bên mộ mẹ. Mộ của
thân mẫu nhà thơ ở trên núi Quỳ Sơn. Tấm bia tạc thơ về mẹ của đứa con hiếu
thảo đặt bên phía tay phải chỗ mẹ nằm.
Nơi này khi nhìn xuống thấy dòng sông Lam chảy
miên man về biển khiến ta nhớ tới câu ca dao "Nghĩa mẹ như nước trong
nguồn chảy ra!". Và khi ngước lên trong độ cao của một trăm mét núi nơi mẹ
yên nghỉ ta nhận ra mẹ của nhà thơ được tạc bằng chữ nghĩa của người con trai
đã thành đạt trong cuộc sống và gia đình vẫn khôn nguôi nhớ về những ngày mẹ
tảo tần nuôi các con thuở còn nhiều khốn khó.
Mẹ là Phúc Thần của mỗi đời con!
Từ ngày về hưu đến
nay, Vương Trọng vẫn dành nhiều thời gian sáng tác thơ, nhưng ông cảm thấy lý
thú hơn với việc nghiên cứu. Ông đã và đang thực hiện các công trình dịch thơ
chữ Hán của Nguyễn Du, dịch lại “Chinh phụ ngâm” và viết nghiên cứu về “Truyện
Kiều”. Mỗi khi có dịp, Vương Trọng lại đáp tàu về Vinh, nếu nhiều thời gian thì
nán lại thành phố gặp gỡ bạn bè, còn không thì bắt xe về Đô Lương, nơi ông gửi
trọn cả hồn mình ở đó. Ông nói, người trẻ nhiều kẻ tự hào khoe về việc đi xa
của mình, càng xa càng tốt, song người già thì lại mong muốn được về quê, càng
nhiều, càng tốt. Giờ đây về Đô Lương, Vương Trọng thấy vui vì quê hương đổi
mới. Không còn nhiều mái đình, mái chùa, không còn những đường cong của “làng
tôi nhỏ, lối vào làng cũng nhỏ”,
Không còn những ngọn núi trọc mà thay vào là một Quỳ Sơn với những dãy núi xanh
rờn màu thông.
Vương Trọng còn có những
câu thơ viết ra từ đáy lòng ông, từ nỗi khắc khoải hướng về mảnh đất nơi ông
được sinh thành:
“Khi mắt tôi khép lại cái nhìn
Hãy đưa tôi về nơi sinh nở…
Núi Quỳ Sơn sẵn dành chỗ tôi nằm
Hoa ấm lửa, đất nồng hơi than cháy
Hạnh phúc lắm được nằm xuống đấy
Dù gió mưa, không biết lạnh bao giờ…”.
|
|