Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Chuyện ít biết về pho tượng nữ thần tự do tại Hà Nội
 
Cách đây hơn 125 năm, Việt Nam chúng ta cũng đã có một tượng Nữ Thần Tự Do. Vậy lịch sử tượng Tự do soi sáng Thế giới (thông thường được gọi là Nữ Thần Tự Do) từ khi xuất hiện cho đến khi biến mất tại Hà Nội, Việt Nam, là như thế nào?
Chuyện ít biết về pho tượng nữ thần tự do tại Hà Nội
Trái: Đảo Tự do, Mỹ; Giữa: Đảo Thiên Nga, sông Seine, Pháp; Phải: Vườn Hoa Cửa Nam, Việt Nam.
Trước hết cần có vài hàng nói về tượng Nữ Thần Tự Do tại cảng New York.
Tượng Nữ Thần Tự Do tại hải cảng New York trên đảo Liberty phía nam đảo Ellis là một món quà đặc biệt của Pháp tặng Hoa Kỳ và được chính thức khánh thành ngày 28 tháng 10, 1886, sau hơn hai năm thực hiện tượng cùng làm chân đài, để kỷ niệm lễ độc lập ngày 4 tháng 7 1884 của Hoa Kỳ. Người thực hiện là điêu khắc gia Frédéric Auguste Bartholdi. Tượng đúng ra mang tên “Tự do Soi Sáng Thế giới” với biểu hiệu tượng là một người phụ nữ mặc áo choàng rộng đại diện cho Nữ thần La mã mang tên Libertas, đầu đội vương miện có bẩy tia dài và nhọn tượng trưng cho nguồn sáng tỏa chiếu ra khắp 7 đại dương và 7 châu, tay phải dơ cao một bó đuốc, trong tay trái ôm một tấm bảng có ghi ngày độc lập Hoa Kỳ (4/7/1776). Tượng cao 46 m. Dưới chân tượng có sợi xích sắt chặt đứt đoạn hàm ý chống lại ách nô lệ. Tượng là một biểu tượng cho Tự do và cho Hợp Chủng Quốc: một dấu hiệu đón chào tất cả những người di dân từ khắp nơi đến đất hứa.
Khi làm tượng Nữ thần, ngoài tượng chính, và một phiên bản gốc kích thước cao hơn 11 m đặt ở trên đảo Grenelle, sông Seine, Paris, Bartholdi có làm một số phiên bản gốc nhỏ có kích thước cỡ 2.85m (chiếm tỷ lệ 1/16 so với tượng chính), trong số đó, một bản đặt trong vườn Luxembourg, Paris, và một phiên bản nhỏ cùng cỡ được cho lên tàu mang sang Việt Nam để dự tham dự Hội chợ Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung văn hóa Hữu Nghị Việt – Xô) vào năm 1887.
Lý do sau khi chinh phục được vùng Đông Dương, và có Hòa ước Patenôtre vào năm 1884 (hòa ước Giáp Thân 1884), chính phủ Pháp muốn tổ chức một cuộc đấu xảo/triển lãm (thời đó hai chữ đấu xảo được hiểu theo nghĩa là triển lãm). Địa điểm là một khu đất cỏ trống rộng, nơi thường được tổ chức thi Hương vào những nãm có cuộc thi. Cuộc triển lãm có mục đích phô trương sự văn minh, kỹ thuật tân tiến của Pháp cùng ý đồ “khai hóa”, mang ánh sáng văn minh soi sáng dân thuộc địa qua tượng “Tự Do soi sáng Thế giới”.
Sau cuộc triển lãm năm 1887, khu đất trống phải trả lại cho trường thi Hương diễn ra cứ bốn nãm một lần, tượng được hội Bắc kỳ tương tế (Fraternite Tonkinoise) mượn tạm để khánh thành trụ sở, sau đó tượng được Pháp trao lại cho cho chính quyền Hà Nội, Việt Nam, và được mang đặt tại quảng trường bốn tòa nhà, nơi có một vườn hoa mới làm giữa bốn tòa nhà được dùng làm tòa Thị chính, Kho bạc, nhà Bưu điện, và phủ Thống sứ , nơi này sau đó được mang tên là vườn hoa Chí Linh (nơi hiện nay có tượng đài Lý Thái Tổ và mang tên công viên Lý Thái Tổ).
Khi chính phủ bảo hộ muốn mang tượng ông Paul Bert – vị Thống sứ đầu tiên của nhà nước bảo hộ đã qua đời vào ngày 11, ttháng 11, 1886, chỉ sau bẩy tháng nhậm chức Thống sứ- từ Pháp qua để kỷ niệm Quốc Khánh nước Pháp (14 tháng 7, 1890), họ muốn đặt tượng ông Paul Bert tại vườn hoa Chí Linh, và như thế là tượng Nữ Thần phải mang đi chỗ khác. Trong khi chờ đợi một chỗ đặt, tượng Nữ thần phải đứng trên bãi đất đâu đó. Một kỹ sư Pháp tên Daurelle đề nghị đặt tượng ngay trên nóc Tháp Rùa (Quy sơn Tháp), thế là sau một thời gian nằm trên đất, dân Hà nội thấy tượng Nữ thần (hay tượng Bà Đầm Xòe) đứng trên nóc Tháp Rùa, quay mặt về vườn hoa Chí Linh/vườn hoa Paul Bert/Ngân hàng Đông Dương gần cạnh đó. Vườn hoa Paul Bert còn được gọi là vườn hoa Nhà kèn, vì ở đấy có một nhà bát giác mà hàng tuần đội kèn đồng của dàn quân nhạc Pháp ra đó biểu diễn. Những chi tiết này được viết rõ trong cuốn “Le vieux Tonkin” (Bắc Ký cổ xưa) của Claude Bourrin, viết về xứ Bắc Kỳ trong thời điểm từ 1890 đến 1894 (nhà in IDEO, Hà Nội, 1941, tr. 48-49).
Chuyện ít biết về pho tượng nữ thần tự do tại Hà Nội
(1) Hình chụp từ phía tây hồ Gươm: tượng thần Tư do trên nóc Tháp rùa nhìn về tượng Paul Bert (góc bên tay trái), hình này lấy từ báo L’ Indépendance tonkinoise, số đặc biệt, ra tháng 7/1891
(2) Hình do Bác sĩ Louis Sadoul chụp năm 1890, có tượng thần Tự do trên nóc Tháp rùa, quay lưng vào Nhà Thờ Lớn St. Joseph bên góc phải.
Chuyện ít biết về pho tượng nữ thần tự do tại Hà Nội
(3) Hình vẽ (khuyết danh) từ gần đến xa cho thấy lưng tượng Paul Bert tay trái dương cờ Pháp nằm tại vườn hoa Paul Bert/vườn Nhà Kèn nhìn ra hồ Hoàn Kiếm có tượng thần Tự Do trên nóc Tháp Rùa, và xa hơn nữa là nhà Thờ Lớn bên góc phải.
(4) Post card: Công viên Chí Linh/Paul Bert/vườn nhà Kèn tám cạnh và tòa nhà Kho bạc.
Chuyện ít biết về pho tượng nữ thần tự do tại Hà Nội
(5) Hình vẽ Nữ Thần Tự Do phía sau có Nhà thờ Lớn, có Tượng Tự Do trên nóc Tháp Rùa ở Hà Nội, của Cesard, với ghi chú “Liberté sur le Pagodon du Petit – Lac à Hanoi” được đãng trong báo La Vie Indochinoise, tháng 12 năm 1896. (Nguyễn Phúc Giác Hải- DCV online.net).
(6) Hình thuộc tài liệu của R. Duboil
(7) Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, và cầu Thê Húc.
Qua ghi chú trên những tấm hình kể trên, chúng có thể đoán rằng tượng Nữ Thần đã đứng trên nóc Tháp Rùa từ khoảng từ năm 1890 (dựa theo hình của Louis Sadoul) cho đến 1896 (theo hình vẽ và ghi chú của báo La Vie Indochinoise vào năm 1896.
Như vậy, tượng Nữ Thần bị đặt trên đất một thời gian rồi được đặt trên nóc Tháp Rùa, rồi đến năm 1896 lại được mang xuống vì bị sự phản đối và chỉ trích nặng nề của người dân địa phương và cả một số giới chức Pháp. Và rồi, tượng được chuyển đến vườn hoa Neyret ở phía đông hồ Hoàn kiếm (tức Vườn Hoa Cửa Nam gần Thư viện Quốc gia) cho đến ngày Cách Mạng Tháng 8 1945. Tượng vào thời điểm đó được mệnh danh là Tượng Đài Công Lý (Monument de La Justice).
Chuyện ít biết về pho tượng nữ thần tự do tại Hà Nội
(8) – (9): Bức tượng toàn thân của Paul Bert tay cầm lá cờ Pháp và một người bản xứ nhỏ bé ngồi dưới chân đã tạo nên nhiều bất bình và chỉ trích.
Chuyện ít biết về pho tượng nữ thần tự do tại Hà Nội
(10) – (11): Tượng Nữ Thần đặt tại vườn hoa Cửa Nam – vườn hoa Neyret – (1896-1945)
Vào ngày 1 tháng 8, 1945, tượng Nữ thần, và một số tượng khác (kể cả tượng Paul Bert) bị kéo đổ do lệnh của ông Trần văn Lai, thị trưởng đầu tiên người Việt của Hà Nội. (Bản tin trên báo Đông Pháp ngày 2/8/1945 cho biết, pho tượng Paul Bert bị kéo đổ lúc 9 giờ 10 phút, “Bà đầm xoè” bị giật đổ lúc 9 giờ 45 phút ngày 1/8/1945).
Những tượng đồng bị kéo đổ này được mang cất vào trong kho phế vật của sở Lục lộ thành phố Hà Nội từ năm 1945. Vào năm 1949, chùa Thần Quang thuộc làng Ngũ Xã khởi công dự án đúc tượng phật A Di Ðà. Tài liệu cho biết trong ba năm chuẩn bị đúc tượng (1949-1952), chùa đã kêu gọi khách thập phương đóng góp nhiều đồ đồng để đúc tượng nhưng vẫn không đủ số lượng nên đã đến xin chính quyền cho những tượng đồng trong kho của sở Lục lộ Thành phố, và ông thị trưởng thành phố đã chấp thuận cho chùa Thần Quang tất cả số tượng đồng trong kho, trong số đó có cả tượng Nữ thần và tượng Paul Bert.
Ngày 26 tháng 10, 1952, sồ đồng thu thập đủ loại và từ nhiều tượng kể cả tượng Nữ thần và tượng Paul Bert được đun nóng chảy rồi đổ vào khuôn để đúc tượng A Di Đà cho chùa Thần Quang, làng Ngũ Xã. Pho đại tượng Phật A Di Đà ở chùa Thần Quang này có tư thế ngồi bằng. Tượng có chiều cao 3.95 m, chu vi phần dưới là 11.6m, chu vi toà sen (bệ tượng) là 15 m, tổng cộng trọng lượng là khoảng trên dưới 10 tấn.
Chuyện ít biết về pho tượng nữ thần tự do tại Hà Nội
(12) Tượng A Di Đà: chùa Thần Quang, làng Ngũ Xã
Kết luận
Phiên bản Tượng Nữ thần “Tự Do soi sáng Thế giới” được Pháp tặng cho Việt Nam vào năm 1887, qua nhiều thăng trầm di chuyển nhiều lần, rồi nằm trong bóng tối nhà kho hơn bảy năm trời, sau cùng tượng đã bị nấu chảy để lấy đồng đúc tượng A Di Đà vào năm 1952. Như vậy tổng cộng tượng Tư do đã hiện diện ở Hà Nội, Việt Nam được khoảng 65 năm (1887-1952)
Năm nay 2012 là vừa tròn 60 năm tượng “Tự do soi sáng Thế giới” ở Việt Nam đã nằm trong tâm, thân của tượng A Di Đà của chùa Thần Quang, làng Ngũ Xã.
Trong cõi vô thường sở hữu chủ có có không không, sự xót xa ngậm ngùi tiếc nuối nếu có tưởng cũng chẳng nên lấy thế mà mang thêm phiền muộn. Thôi thì cũng có thể nghĩ dù tượng thần “Tự do soi sáng Thế giới” ở Hà nội không còn nữa nhưng ít nhất người dân Hà Nội hay người Việt trong nước cũng vẫn còn tượng Phật A Di Đà Từ Bi Đức Độ để thờ cúng.
Đăng lại từ bài viết “Tượng Thần Tự Do Tại Hà Nội, Việt Nam”
Tạp chí Chim Việt Cành Nam
 

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

CÓ NÊN ĐI CÚNG CHÙA NGHÌN TỶ ?

Xuân Trường, đại gia hô biến dự án từ 72 tỷ dội lên 2.600 tỷ, lấy tiền dân xây Chùa nghìn tỷ.

Khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu Du lịch Tràng An – chùa Bái Đính, khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao, khu du lịch Cái Tráp… là những dự án gắn liền với tên tuổi đại gia Xuân Trường.

 Ông Nguyễn Văn Trường - người đứng sau hàng loạt dự án du lịch tâm linh nổi tiếng
Ông Nguyễn Văn Trường – người đứng sau hàng loạt dự án du lịch tâm linh nổi tiếng

Lấy tiền đắp tượng!
Anh Nguyễn Văn Trường, cái anh thành tâm xây chùa Bái Đính ấy. Ảnh có cái doanh nghiệp Xuân Trường khét tiếng Ninh Bình.
Năm 2004, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Bình giao cho ảnh Dự án nạo vét bảo tôn sông Sào Khê, dự án có tổng kinh phí 126 tỷ. Kinh phí ban đầu của dự án này là 72 tỷ.
Dự án này còn được gọi là dự án, “Nở dần đúng quy trình”.
Tờ Nông nghiệp Việt Nam thống kê:
“Dự án Sào Khê đã qua 4 lần điều chỉnh vào các năm 2004; 2008; 2009. Đến năm 2010 tổng mức đầu tư của Dự án đã bị điều chỉnh tăng lên 2.595 tỷ đồng.
Sau khi kí hợp đồng, từ năm 2004 đến tháng 6-2010, Chủ đầu tư đã cho anh Xuân Trường tạm ứng 6 lần với tổng giá trị tạm ứng là 683,7 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2004-2009 đã cấp tạm ứng 175,7 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị nghiệm thu, thanh toán thực tế của cty Xuân Trường chỉ đạt 3 tỷ đồng”.


Dự án Sào Khê

Điều siêu nhân nhất là được Ninh Bình ứng cho 200 tỷ trong suốt một giai đoạn dài mà anh Xuân Trường cũng hem buồn động tay động chân.
Sau này được rót thêm gần 500 tỷ nữa, anh Xuân Trường mới làm phước cho cái dự án ấy khối lượng công việc quy đổi thành tiền là 382 tỷ.
Nghĩa là anh Xuân Trường ảnh cầm mấy trăm tỷ của Ninh Bình chơi cho vui vậy thôi.
Sai phạm nghiêm trọng nhất của phi vụ ưu ái quá đáng cho Xuân Trường chính là Ninh Bình sử dụng ngân sách Nhà nước để “giúp” Xuân Trường tăng vốn. Nghĩa là hem cần phải làm gì, chỉ cần bỏ ngân hàng tiền được ứng nhiêu đó, anh Xuân Trường cũng đã có mấy mươi tỷ tiền lãi.
Haiz, anh Xuân Trường thiệt là hay là giỏi.
Xây chùa phát lộc dã man, còn ngân sách thiệt hại – nghĩa là quyền lợi của nhân dân bị xâm phạm nghiêm trọng thì ảnh mặc kệ.
Phật hem lựa chúng sinh, anh Xuân Trường bái Phật hem được chứng đâu, thiệt.
Nguồn: FB Ngô Nguyệt Hữu

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

CHÚNG TA CẦN MỌI LĨNH VỰC ĐỀU PHẢI SẠCH NHƯ BÓNG ĐÁ

Khi bóng đá Việt phải mang vác một sứ mệnh quá lớn
Việt Văn        
 
Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup sẽ còn được nhắc tới nhiều trong những ngày tới, và nó như một liều doping trong cuộc sống bộn bề khó khăn. Nhiều người còn hy vọng thắng lợi của bóng đá sẽ tác động, làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành khác. Chí ít, khái niệm “sạch” của đội tuyển bóng đá cần được nhân rộng ở nhiều lĩnh vực.

Hình ảnh đông đảo người hâm mộ đổ ra đường vẫy cờ hô to “Việt Nam vô địch” với ánh mắt rạng ngời và nụ cười hân hoan những ngày qua làm ai nấy đều cảm thấy rộn ràng. Chiến thắng của đội tuyển VN đã đem lại sự giải tỏa, niềm vui và truyền cảm hứng, nâng cao khí thế cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Vì thế câu nói thậm xưng của bình luận viên bóng đá Đài truyền hình rằng 90 triệu người VN hâm mộ bóng đá đứng sau lưng đội tuyển vẫn “xuôi tai”!

Có lẽ chiến thắng trong giải AFF đã vượt ra ngoài một chiến thắng thuần túy trong thể thao, trở thành một sự thỏa mãn, niềm tự hào tinh thần mang tên Việt Nam.

Tuy nhiên, liệu bóng đá có thể truyền cảm hứng cho các ngành khác trong lĩnh vực kinh tế- xã hội khác ở ta  không thì thời gian mới có câu trả lời chính xác.

Chí ít là bóng đá Việt – với đội tuyển quốc gia, đội U23 đang là bóng đá “sạch” -  ai cũng thấy các cầu thủ đội tuyển bây giờ “ngoan” và trong sáng hơn xưa, không còn nỗi lo bán độ nữa. Và khái niệm “sạch” cần được nhân rộng ra trên rất nhiều lĩnh vực nữa.

Chưa kể lối đá cống hiến, hết mình chiến đấu theo tinh thần đoàn kết thành một khối vững chắc của các cầu thủ VN cũng sẽ là một tấm gương để nhiều cá nhân và đơn vị học hỏi. Bởi tính đoàn kết để tạo nên một tập thể vững mạnh là điều còn thiếu ở nhiều đơn vị.

Thắng lợi của đội tuyển VN còn cho thấy vai trò của người đứng đầu quan trọng như thế nào. Các huấn luyện viên trước ông Park đã không thể thành công như ông vì không biết khai thác và phát huy hết thế mạnh của mỗi cá nhân...

Bóng đá- môn thể thao vua dù chỉ là một trò chơi, nhưng chúng ta luôn hy vọng sự đổi mới, chuyển biến tích cực từ bóng đá sẽ mang lại cho các ngành khác trong thời gian tới.

(BÁO LAO ĐỘNG)
Bức thư của người mẹ Nga: Cảm ơn tất cả những ai đã tin tưởng Liova - Đặng Văn Lâm!

VŨ MẠNH CƯỜNG dịch
TTO - Bà Olga Zhukova, mẹ của thủ môn Đặng Văn Lâm, đã đăng trên Facebook của mình bức thư gửi con trai một ngày sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018. Bức thư được đồng nghiệp Vũ Mạnh Cường chuyển ngữ.




"Con trai Liova yêu thương!

Người ta thường nói "không nên bước hai lần vào một dòng sông", nhưng con lại bước vào.

Lần thứ nhất khi bước vào dòng sông, con là chàng trai 17 tuổi và đã vượt qua tất cả dũng cảm bước ra ngược dòng.

Con trưởng thành, chín chắn, khôn lớn. 

Lần thứ hai bước vào dòng sông, con đã là một người lớn, một cầu thủ chuyên nghiệp. Hãy thỏa sức vẫy vùng, con nhé! 

Cám ơn Chúa vì tất cả - Mẹ cầu chúc cho con!

Mẹ mừng cho con, mừng thắng lợi lớn đầu tiên của con. Chúc con thành công, Lev!

Mẹ là người mẹ hạnh phúc nhất. 

Mẹ muốn con chuyển lời chào tới đất nước Việt Nam tuyệt vời, tràn ngập ánh nắng và yêu lao động của con! 

Tới tất cả những người ruột thịt của chồng tôi, tới tất cả các cổ động viên, tới ông chủ tịch và ban huấn luyện CLB Hải Phòng, nơi Liova đang thi đấu. 

Tới huấn luyện viên và các thành viên của đội tuyển Việt Nam. 

Tới tất cả những người ở Việt Nam đã giúp đỡ con trai tôi bằng lời nói và việc làm, thành tâm mong muốn thành công và những điều tốt lành cho con trai tôi.

Xin cảm ơn tất cả!

Tôi xin được ôm các bạn thật chặt. Chung vui chiến thắng cùng các bạn!!!

Con cảm ơn Chúa đã cho trái tim con hoà nhịp và yêu hai đất nước. Con cảm ơn Chúa vì Việt Nam đã sinh ra chồng con là Đặng Văn Sơn. Cảm ơn vì con trai đã biết nghe lời Cha và trở về Tổ quốc làm việc.

Xin cảm ơn vì con trai tôi đã ở Việt Nam từ năm 17 tuổi, đã khôn lớn nên người, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và có thể cống hiến tài năng của mình.

Cảm ơn tất cả những ai đã tin tưởng Liova - Đặng Văn Lâm!

Một người mẹ".

 
Một chàng trai quả cảm,
Một người con hiếu thảo 
 Một người mẹ tuyệt vời!!!


BÀI PHỎNG VẤN TRÊN BÁO VH NGHỆ AN

Nếu nhân văn bị trói buộc sẽ kìm hãm con đường tiến lên văn minh của Dân tộc

       Nguyễn Ngọc Chu
       Chủ nhật, 16 Tháng 12 2018 20:36
LỜI TÒA SOẠN BÁO VĂN HÓA NGHỆ AN (VHNA): “Lò” đang nóng, đang cháy rực. Công cuộc chống tham nhũng, chỉnh đốn lại Đảng, cải cách thể chế đang giai đoạn quyết liệt, những kết quả đầu tiên đã đem lại nhiều hy vọng cho đông đảo các tầng lớp nhân dân. Để tiếp tục nhen nhóm niềm tin vào Đảng, vào sự chấn hưng của đất nước, là lẽ thường, chúng ta cần nhìn nhận đúng thực trạng của đất nước để cùng nhau tìm ra con đường và đi tới văn minh, hạnh phúc.

Trên tinh thần đó, VHNA đã có cuộc trao đổi với TS toán học Nguyễn Ngọc Chu đến từ Viện toán học, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.

Phan Văn Thắng:Với tư cách một trí thức, một nhà toán học, điều anh quan tâm nhất về đất nước hiện nay là gì? Vì sao?

TS Nguyễn Ngọc Chu: Thông thường, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu khoa học tự nhiên - như toán học, chỉ chú trọng đến chuyên môn mà ít quan tâm đến những vấn đề khác. Đối với họ, các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị chẳng hạn, không làm họ bận tâm và mất nhiều thời gian.

Nhưng hoàn cảnh hiện nay thì rất khác biệt. Đến những người thờ ơ nhất cũng phải quan tâm. Tại sao ư? Theo tôi, là do những nguyên nhân chính sau đây.

Điều đầu tiên là xã hội đang bị băng hoại nghiêm trọng

Tham nhũng, hối lộ đã trở thành dịch bệnh trong mọi lĩnh vực, từ chính trị cho đến kinh tế, từ giáo dục cho đến y tế, từ an ninh cho đến quốc phòng… và ở mọi địa phương, từ thôn xã cho đến tỉnh thành, từ cấp chính quyền thôn cho đến cấp chính phủ. Vì thấy được sự nguy hiểm của quốc nạn tham nhũng mà Đảng và Chính phủ đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng.

Cùng với tham nhũng là sự tung hoành của lừa đảo, giả dối. Lừa đảo để chiếm đoạt tiền bạc, tài sản. Lừa đảo để bán hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại. Lừa đảo để có được bằng cấp, chức quyền… Còn nhiều nhân tố khác nữa thể hiện sự băng hoại nghiêm trọng của xã hội mà không đủ chỗ để liệt kê ở đây.

Khi xã hội bị băng hoại thì các giá trị đạo đức nền tảng xây đắp từ ngàn đời của Dân tộc bị phá hủy, làm lâm nguy đến sự trường tồn của Dân tộc. Ở mặt khác, xã hội bị băng hoại thì nền pháp chế bị sâu mọt, không thể thực thi đúng chức năng. Do đó quốc gia không thể phát triển đúng theo quỹ đạo, nên không thể hùng mạnh.

Xã hội băng hoại đưa đến hai hậu quả vô cùng nguy hiểm: Hủy hoại sức sống của Dân tộc và Cản trở sự hùng cường của Đất nước.

Điều thứ hai là sự bất công đang bùng phát ngày càng rộng lớn

Sự bất công dung túng pháp luật dẫn đến oan trái, cướp bóc. Sự bất công mở rộng khoảng cách giàu nghèo. Sự bất công thao túng quyền lực đưa đến quyền lực vô pháp.

Kết quả là sự bất công hủy hoại sự phát triển nhân văn. Nhân văn bị trói buộc thì con đường tiến lên văn minh của Dân tộc bị kìm hãm.

Một xã hội không công bằng thì không thể là một xã hội nhân văn. Không nhân văn thì không thể theo kịp nhóm các quốc gia tiên phong của nhân loại.

Điều thứ ba là môi trường sống bị ô nhiễm đến nguy hiểm

Chưa bao giờ chúng ta phải sống trong một môi trường nguy hiểm như hôm nay. Ô nhiễm môi trường không những hủy diệt con người mà còn hủy diệt cả cá tôm, chim muông, không những hủy diệt động vật mà còn tàn phá cả thực vật.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không chỉ hại cho chúng ta mà nguy hiểm hơn là có hại cho con cháu chúng ta. Để lại môi trường sống nguy hại cho nhiều đời con cháu mai sau là tội vô cùng lớn.

Điều thứ tư là chứng cớ đất nước ngày càng tụt hậu so với các nước tiên phong

Không thể so sánh với quá khứ của chính mình để tự an ủi chúng ta tiến bộ. Không thể so sánh với năm 1945 để khẳng định chúng ta không chết đói.

Hãy so sánh với các nước bên cạnh để thấy sự tụt hậu của chúng ta.GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1998, của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 của Việt Nam là 2343 USD, của Singapore là 57714 USD. Giả thiết GDP Việt Nam tăng 7% năm thì sau 28 năm đến năm 2045 GDP theo đầu người của Việt Nam chỉ là 15 578 USD. Vậy đến bao giờ thì chúng ta mới tiến gần được Singapore?

Ở mặt khác, thử hỏi những tiện nghi hiện đại mà chúng ta có, như ô tô, máy bay, hay công nghệ hình ảnh qua iphone máy tính bảng… thì nhờ ai mà có? Toàn của nước khác.

Điều đó có nghĩa là chúng ta đang cải thiện đời sống chúng ta cơ bản nhờ vào tiến bộ của nước khác. Và như vậy nếu không thay đổi để thích nghi kịp thời thì chúng ta ngày càng tụt hậu.

Nguy hiểm hơn nữa là chúng ta không chịu nhìn thấy lối thoát.Chúng ta chỉ ngồi chờ kêu gọi đầu tư nước ngoài với những ‘hạ giá vượt trội’ phẩm giá của chính chúng ta.

Điều thứ năm là gia tăng sự lệ thuộc về kinh tế

Chúng ta chứng kiến Đất nước đang quá phụ thuộc vào nước ngoài. Lại phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc. Từ sự phụ thuộc kinh tế, theo quy luật và kinh nghiệm cho thấy, sẽ dễ dẫn đến sự phụ thuộc chính trị.

Chúng ta chịu hai gọng kìm lệ thuộc. Gọng kìm lệ thuộc từ nước ngoài, trong đó nhất là áp lực từ nước láng giềng Trung Quốc ngày càng gia tăng. Đau đớn nữa là từ gọng lìm lệ thuộc của chính chúng ta, khi ta tự trói buộc vào những thứ khác... của nước ngoài.

Đây là điều day dứt đến đớn đau của trí thức.

Trí thức đích thực không màng đến danh lợi, quyền lực. Càng không chịu bị nô lệ bởi quyền lực và danh lợi. Đối với họ, tri thức là bá chủ.

Bởi thế, họ không thể chịu sự nô lệ của bất kỳ ai, càng không thể là nước ngoài. Chỉ chịu sự nô lệ duy nhất trước tri thức.

Điều thứ sáu là sự an ninh của Tổ Quốc bị xâm phạm

Chúng ta chứng kiến Tổ Quốc đã mất đi một phần biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng ta nhìn thấy an ninh của Tổ Quốc ngày càng bị nhiều thế lực nước ngoài nhòm ngó can thiệp.

Đây là điều lo lắng nhất của mọi người dân Việt Nam. Không chỉ trí thức, mà khiến cho những người thờ ơ nhất cũng phải động tâm.

Bởi thế mà chúng ta quan sát thấy, chưa bao giờ phụ nữ nước ta lại quan tâm đến chính trị như bây giờ. Từ người phụ nữ nội trợ, người phụ nữ bán nước vỉa hè, cho đến cán bộ phụ nữ nghỉ hưu, từ miền xuôi cho đến miền ngược, từ trong nước cho đến kiều bào nước ngoài,đâu đâu cũng thấy phụ nữ Việt bàn về chính trị Đất nước.

Không phải họ muốn tranh dành quyền lực. Mà bởi họ không muốn mất đi những người con. Bản năng bảo vệ con đã khiến cho phụ nữ Việt Nam cảm nhận được sự đe dọa mất nước. Họ tự nguyện dâng hiến con vì Vệ Quốc. Những giọt nước mắt tiễn con ra trận, đời này sang đời khác,tích tụ mà thành tính di truyền trong máu mỗi người mẹ Việt Nam. Hơn ai hết, họ cảm nhận được sự đe dọa gia tăng mỗi khi Tổ Quốc gần đến lâm nguy.

Không phải chỉ trí thức. Không phải chỉ nam giới. Đây là thời kỳ đặc biệt mà số đông phụ nữ Việt đã tự nguyện lo lắng về chính trị Đất nước.

Phan Văn Thắng:Chưa tiện bàn về những vấn đề chính trị lớn lao, tôi muốn chúng ta bắt đều từ những vấn đề cụ thể hơn. Chuyện giàu nghèo chẳng hạn.Ông thử mổ xẻ câu chuyện giàu nghèo từ các góc độ, về tầng lớp nhà giàu thời nay? Phần nhiều họ giàu từ đâu? Bằng cách gì?Tôi  thấy bây giờ có quá nhiều trọc phú. Ông có nghĩ vậy không? Tại sao?

TS Nguyễn Ngọc Chu:Đây là những vấn đề rộng lớn. Không thể trình bày toàn diện ở đây. Chỉ xin đề cập đến một số điểm góc cạnh.

Thứ nhất, không cho dân giàu hay cào bằng tất cả đều nghèo khó, là các chính sách đi ngược lại lợi ích của dân, của nước

Năm 1923 Tưởng Giới Thạch được Tôn Trung Sơn phái sang Liên Xô để nghiên cứu về Liên Xô nhằm áp dụng ở Trung Quốc. Về nước, Tưởng Giới Thạch báo cáo với Tôn Trung Sơn rằng ở Liên Xô không cho phép dân làm giàu và không ủng hộ mô hình Liên Xô. Bởi thế sau khi Tôn Trung Sơn mất năm 1925, lên nắm quyền, Tưởng Giới Thạch quay sang đàn áp đảng cộng sản, đẫm máu là cuộc thanh trừng lịch sử :  “Chính biến Thượng Hải’ năm 1927.

Tục ngữ Việt Nam có câu ‘Dân giàu nước mạnh’. Không cho dân giàu hay cào bằng làm tất cả cùng nghèo khó, đều là các chính sách chống lại lợi ích của dân của nước.

Thứ hai,  cơ chế khác nhau đẻ ra tầng lớp người giàu khác nhau. Người giàu là sản phẩm phản ánh cơ chế

Các nhà khoa học Liên Xô rất giỏi. Họ chế tạo ra tàu vũ trụ, tên lửa đạn đạo, máy bay, máy tính điện tử… vậy mà không ai trở thành người giàu. Trong khi đó thì Bill Gatetrở thành tỷ phú.

Ấy là vì cơ chế của Mỹ biến các nhà sáng chế thành người giàu, còn cơ chế của Liên Xô thì không. Nếu Bill Gate ở Liên Xô thì chắc chắn ông cũng không giàu – giống như các nhà khoa học Liên Xô mà thôi.

Nước ta từ sau đại hội VI năm 1986, bắt đầu cho người dân làm giàu. Nhưng cơ chế của ta đẻ ra tầng lớp người giàu khác xa với tầng lớp người giàu của các nước Đức, Nhật, Mỹ.

Bill Gate trở thành tỷ phú vì sáng chế của ông được chuyển thành sản phẩm thương mại. Những ai dùng phần mềm Micrsoft (chẳng hạn) thì phải trả tiền. Luật pháp Mỹ bảo hộ điều đó. Không chỉ ở nội địa, mà luật pháp Mỹ bảo hộ bản quyền sáng chế ra ngoài biên giới nước Mỹ. Trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một điểm mấu chốt không khoan nhượng của Mỹ là Trung Quốc phải bảo hộ bản quyền. Trung Quốc là kẻ ăn cắp bản quyền khổng lồ nhất thế giới.

Cơ chế Mỹ sinh ra tầng lớp người giàu như Bill Gate, là giàu nhờ phát minh sáng chế tiên phong, đưa lại tiến bộ công nghệ vượt trội, làm cho nước Mỹ hùng cường.

Còn cơ chế nước ta đẻ ra lớp người giàu có rất khác biệt. Họ là những nhà Tư Bản ký sinh trên những lỗ hổng của cơ chế .

Đó là bởi vì chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu sang cơ chế thị trường cho chúng ta một cơ chế thị trường không hoàn thiện, thậm chí có lỗi. Cơ chế không hoàn thiện thì đẻ ra sản phẩm không hoàn thiện. 

Phan Văn Thắng: Ông có thể cho biết nhận xét của mình về  người giàu ở Việt Nam hiện nay?

TS Nguyễn Ngọc Chu:Theo tôi, có thể khắc họa ngắn gọn tầng lớp giàu có ở Việt Nam theo mấy đặc điểm sau đây.

Giàu lên từ thương mại và dịch vụ

Hầu hết những người giàu ở Việt Nam hiện nay đều thuộc về lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Chưa nhìn thấy người giàu có kếch sù do nhờ sản xuất công nghiệp.

Những người giàu có nhất ở Việt Nam hiện nay đều nhờ vào buôn bán đất đai, kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản. Họ giàu lên nhờ sở hữu toàn dân.

Chưa có ai giàu có kếch sù nhờ sáng chế khoa học công nghệ và đây là điều rất buồn. Nếu không có sáng chế tiên phong thì không thể trở thành cường quốc.

Giàu lên từ tham nhũng

Tầng lớp này rất đông. Là những người có chức có quyền. Bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước. Đáng kể là từ cấp huyện, cấp phường trở lên. Chức quyền đưa lại cho họ đặc quyền tham nhũng. Chức quyền càng cao thì càng giàu có. Đây là tầng lớp người giàu mà họ càng giàu có thì đất nước càng kiệt quệ.

Giàu lên nhờ đút lót và lợi dụng cơ chế

Đây là tầng lớp nhờ đút lót mà trở nên giàu có. Họ lợi dụng cơ chế, đút lót cho các kẻ tham nhũng để có được các dự án, các hợp đồng… và thậm chí cả đút lót để có chức có quyền. Sự giàu có của họ không mang lại sự cường thịnh cho đất nước mà ngược lại.

Tóm lại, những người giàu ở Việt Nam hiện nay đều bám vào nhà nước và do cơ chế nhà nước đẻ ra. Họ là sản phẩm của cơ chế nhà nước.

Phải đến một ngày xuất hiện tầng lớp người giàu nhờ vào phát minh sáng chế tiên phong thì đất nước mới thoát khỏi tụt hậu. Nhưng muốn có lớp người giàu có này thì bắt buộc phải thay đổi cơ chế.

Phan Văn Thắng: Còn người nghèo, hình như cũng càng ngày càng đông. Cơ hội bình đẳng chính trị, văn hóa, và cả pháp lý nữa hình như cũng mong manh hơn trước đối với họ. Tại sao vậy, thưa ông?

TS Nguyễn Ngọc Chu: Nếu cất công đi vào các vùng nông thôn, miền núi, thì chúng ta sẽ thấy đồng bào ta còn rất nghèo, không đủ ăn đủ mặc. Ngay cả ở hai thành phố lớn như Hà Nội, HCM cũng còn rất nhiều cuộc đời cơ cực.

Một điều chắc chắn là sự cách biệt giữa nghèo và giàu ngày càng gia tăng. Nhưng điểm mấu chốt nằm ở sự không công bằng. Cụ Hồ nói: ‘Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng’.

Lấy thí dụ, một thực tế hiện hiện thời nay, là các vụ kiện ở Việt Nam có lẽ đến hơn 90% là phải chạy quyền lực hay chạy tiền và có thể cả hai. Những người nghèo thì làm gì có tiền và có quyền lực?

Đến như đồng bào Thủ Thiêm, cả hàng trăm hộ bị cưỡng chiếm đất đai vô pháp, khiếu kiện tập thể chứ không phải đơn lẻ ròng rã 20 năm trời mà chưa lấy lại được công bằng, thì làm sao mà nói tới công bằng chân chính cho số đông người nghèo.

Hay ngay chính ở giữa thủ đô Hà Nội, có thế lực như VTV mà phóng viên còn bị đe dọa giết cả nhà, tưởng là giúp cho bà con chợ Long Biên thoát nạn bảo kê, không ngờ lại đẩy họ thêm vào vòng nguy hiểm đến có thể phải bỏ cả nơi kiếm sống.

Nêu ra hai thí dụ trên để thấy công bằng và công lý còn là vấn đề nhức nhối cho xã hội và đặc biệt là mong manh cho các thân phận nghèo.

Còn xa hơn, nếu nhìn qua biên giới, thì thân phận người Việt, giàu hay nghèo, cũng chỉ được xếp vào hàng thứ cấp.

Những điều trên đây không phải là cách nhìn tiêu cực. Chỉ khi chúng ta dám nhìn vào các khuyết tật của chính mình thì mới có cơ may hoàn thiện, loại bỏ các khuyết tật đó. Một chiếc điện thoại cầm tay hay một chiếc xe hơi hạng sang vừa mới ra đời, người tiêu dùng thấy hoàn hảo, không chê trách. Vậy mà nhà sản xuất đã lên khuôn mẫu mã đời sau hoàn hảo hơn, chuẩn bị xuất xưởng ra thị trường.

Quy luật của Tạo hóa là không ngừng cạnh tranh và không ngừng tự tối ưu. Chúng ta là một thành phần của Tạo hóa. Chỉ có không ngừng tự hoàn thiện mới không bị đào thải khỏi cuộc cạnh tranh.

Khi hiểu được quy luật, chúng ta cảm ơn mọi sự chỉ trích.

Phan Văn Thắng:Tôi nghĩ là câu chuyện giàu – nghèo ở nước ta vẫn còn rất dài. Tôi hy vọng câu chuyện này sẽ được giải mã bởi nhiều người. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay.