Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

 Kỳ 7: Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh    Đưa bài viết lên linkhay Đưa bài viết lên Google Bookmarks In bài viết này.

Cuối thập niên 1980, trong chuyến đi đầu tiên vào miền Nam sau gần 30 năm 'ẩn cư' dưới chân núi Vân Hoàn, nhà thơ Hữu Loan đã viết những câu thơ miêu tả mình:

 'Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh

suốt đời đã làm thất bại mọi âm mưu đẽo tròn'.

 
Suốt đời nhà thơ Hữu Loan sống chính trực, khí phách - Ảnh THÁI LỘC chụp lại tư liệu gia đình
Suốt đời nhà thơ Hữu Loan sống chính trực, khí phách - Ảnh THÁI LỘC chụp lại tư liệu gia đình
 
Hữu Loan bảo đó chính là "chân tính" của mình. Những người từng biết nhà thơ đều thừa nhận ông đã đi qua một cuộc đời nhiều biến động, thăng trầm chỉ bằng một lối đi duy nhất: chính trực.

"Bận làm người"

Trong khuôn viên xưa cạnh đình Vân Hoàn, đến nay vẫn còn ngôi nhà do Hữu Loan làm từ những năm 1980. Căn nhà nhỏ, ngói đã dột nát nhiều chỗ. Bờ tường vá víu xen kẽ mấy mảng gạch và bờ lô cũ kỹ loang lổ, những thanh tre làm rường cột, vì kèo cũng đã mục oằn.

Nơi tá túc thời gian dài của gia đình nhà thơ cùng khách khứa là... người ăn xin không chốn dung thân. Và đây là căn nhà thứ hai do Hữu Loan làm nên.

Trước đó khi mới về lại thôn Vân Hoàn, Hữu Loan đã tự tay dựng nên căn nhà mái cói và cỏ năn bứt ngoài bãi sông, cột kèo tre, xoan đốn hạ trong vườn. Còn vách nhà chỉ là mấy tấm phên đính tạm xung quanh.

Nhà không có cửa, ban đêm cả vợ chồng, con cái, mỗi người ngủ trên một ổ lót bằng rơm hoặc lá chuối khô. Mùa lạnh ai nấy chui vào bao gai, giữa nhà đốt thêm thanh củi lớn để sưởi ấm.

Cũng vì căn nhà tuềnh toàng chẳng giống ai như thế, có một câu chuyện về sau được lan truyền về tính khí của Hữu Loan. Người con trai Nguyễn Hữu Đán kể: "Bố vốn là một cán bộ về quê, chính quyền địa phương cho rằng ông đi thồ đá, làm nhà cửa sơ sài, họ kêu lên chất vấn ông sao không làm nhà đàng hoàng mà ở.

Ông trả lời thẳng: Tau bận làm người!". Câu nói "bận làm người" còn được kể nhắc nhiều lần, nhất là khi những vị khách mà ông không mặn mà "ghé thăm" căn nhà rách nát.

Cám cảnh túng khó, khoảng năm 1990 Hội Văn nghệ Thanh Hóa đã quyên góp được chừng 20 triệu đồng có ý in giúp Hữu Loan tập thơ bán lấy tiền hỗ trợ. Nhưng về Vân Hoàn thấy căn nhà quá dột nát, họ chuyển hướng xây nhà cho cụ.

Hội cử người sang gặp lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa xin thêm 20 triệu đồng, nói để in thơ cho Hữu Loan nhưng thực chất bù tiền làm nhà. Vị phó bí thư tỉnh ủy lúc ấy đã "quyết" những 22 triệu nên ngôi nhà tình nghĩa (nay còn thấy) mới được tiến hành.

Người trực tiếp lo việc này là ông Nguyễn Văn Túy, kể: "Chúng tôi phải đấu dịu là tiền do anh em trong hội văn nghệ quý mến góp lại, cụ mới đồng ý".

Ban đầu thi sĩ Mầu tím hoa sim đưa ý tưởng làm nhà giữa ao, trên mấy trụ bêtông rồi bắc cầu sang để trồng sen tỏa hương. Nhưng ông Túy bảo tiền chỉ đủ dựng mấy cái cọc và tấm lát cầu nên ông mới đồng ý theo bản vẽ do một kiến trúc sư chuẩn bị từ trước.

Hồi đó việc xây nhà "quy mô" ở Nga Sơn là cả vấn đề lớn, bởi "vài cọng thép, mấy bao ximăng chở đi ngoài đường cũng phải có giấy phép".

Cũng may nhờ có giấy phép cấp trên và những người thực hiện trong vai cán bộ cấp tỉnh lẫn ý kiến từ trên tác động mà công việc tiến hành thuận tiện. Kể cả việc mở mới lối đi cho xe chở vật liệu ngay sau đình Vân Hoàn. Nhờ vậy mà lối vào cố trạch Hữu Loan rộng rãi, thay cho con hẻm vòng vo nhỏ hẹp trước đó.


Một số kẻ không ưa, nhưng nhiều người rất mến mộ Hữu Loan - Ảnh THÁI LỘC chụp lại tư liệu gia đình
Một số kẻ không ưa, nhưng nhiều người rất mến mộ Hữu Loan - Ảnh THÁI LỘC chụp lại tư liệu gia đình
 
 Không bỏ qua chuyện bất bình

 Chứng kiến nhiều cảnh đói khổ quanh mình, Hữu Loan cho rằng do địa phương đã làm sai. Nhà thơ gần như cự tuyệt, không tiếp xúc với một số cán bộ từ khi về "ẩn cư" ở thôn Vân Hoàn. Ông Nguyễn Hữu Đán giải thích: "Họ lo ngại bố tôi vì nhiều vấn đề lắm.

 Về nhà rồi ông hay phản đối thẳng thừng những chính sách không hợp lý của hợp tác xã như việc bỏ lúa trồng đay mà ông dự báo sẽ làm dân đói".

 Mãi tận cuối đời, một số cán bộ đến gặp, Hữu Loan vẫn tỏ thẳng thái độ không thích. Ông Ngô Đăng Khoa, chủ tịch UBND xã Nga Phượng, thừa nhận mình là người thôn Vân Hoàn, nhưng bản thân cũng rất khó tiếp xúc được với nhà thơ yêu thích.

Sống với tâm trạng như thế, mỗi khi ra đường gặp phải chuyện gì bất bình, Hữu Loan sẵn sàng tham gia phân giải. Về điều này, cháu ngoại của Hữu Loan là Mỵ Quỳnh Lê - giảng viên khoa KHXH Đại học Hồng Đức - viết lại trên tạp chí Xứ Thanh tháng 11-2019: "Những đám tranh cãi nhau, đánh nhau không đám nào ông bỏ qua.

Đám nào ông cũng can dự với vai trò như một quan tòa. Hễ thấy ai phải là ông bênh vực bảo vệ, ai trái là ông sẵn sàng "tát sưng mồm" đứa "điêu ngoa", "xảo trá". 

Có người bị ông tát nhưng chỉ dám ôm miệng hỏi: "Cháu làm gì ông mà ông đánh cháu?". Ông trỏ thẳng mặt: "Tau đứng đây, tau lắng rồi. Mày sai, mày là đứa đểu, tau phải trừng trị những đứa đểu như mày".

Người con trai Nguyễn Hữu Vũ cũng xác nhận: "Ông hay thế lắm, thấy hai đám đánh nhau mà biết bên đúng bị yếu thế thì ông nhảy vào bênh liền. Nhiều lúc cũng bị đánh cho sứt mẻ. Nhưng ông chẳng sợ, về nhà còn lấy chuyện đó làm vui".

Rất nhiều người nhớ đến Hữu Loan với tư cách con người chính trực, hiệp nghĩa. Năm 2010, khi đám tang Hữu Loan đang diễn ra, cả người thân lẫn người chia buồn đều ngạc nhiên khi thấy một đội kèn tây từ nhà thờ giáo xứ Tam Linh (xã Nga Thắng, Nga Sơn) đến xin đồng ca đưa tiễn.

Người con trai Nguyễn Hữu Đán kể khi hành lễ xong, đội kèn tây mới giới thiệu là từ 60 năm trước, khi các vùng Công giáo còn khá biệt lập, Hữu Loan lúc bấy giờ là cán bộ cấp cao ở địa phương đã có ơn giúp đỡ giáo xứ dù chính ông phải gặp không ít khó khăn. Cha xứ lúc bấy giờ đã ghi lại di nguyện, truyền các đời cha xứ sau rằng phải trả ơn ông Hữu Loan".

Tâm sự về nhà thơ mà mình yêu quý, nhà văn lịch sử Hoàng Quốc Hải nói lời tận ruột gan: "Ông có cá tính rất ghê gớm. Tính cách ông khẳng khái.

Cả xã hội đi một đường nhưng ông có thể đi một đường khác. Một người can đảm phi thường thì mới sống như thế được. Dù những năm tháng đói, rách, làm những công việc nặng nhọc như thồ đá nhưng ông không bao giờ kêu khổ. Một người trí thức, tinh thông chữ Pháp, chữ Nho...".

 
Người thương, kẻ ghét
 
Là người thân với Hữu Loan hồi kháng chiến chống Pháp và giai đoạn nhà thơ làm báo Văn Nghệ ở Hà Nội, ông Hoàng Giáp (tức Hoàng Tấn Anh, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304 từng tham chiến ở Điện Biên Phủ) từng kể có rất nhiều kỷ niệm về tính tình chính trực của bạn.
 
"Một hôm, anh Hữu Loan tạt qua tôi mượn tiền. Tôi biết anh gặp chuyện gì khó lắm mới vậy, bởi tính anh không thích nhờ cậy. Tôi dúi tiền cho anh mà không hỏi lời nào. Nhưng Hữu Loan lại tự giải thích mượn giúp mấy bạn văn gặp khó, mặc dù tôi biết chính Hữu Loan cũng rất khổ".
 
Ông Giáp kể thêm có lần chứng kiến Hữu Loan mặt đỏ bừng bừng chạy qua ông mượn chiếc xe đạp để đi gấp.
 
Ông hỏi đi đâu thế, Hữu Loan vừa quay đầu xe vừa nói toáng lên: "Tau đi chửi cái thằng thủ trưởng ác nhân. Con người ta có mấy cái tem phiếu nuôi vợ con mà nó cũng cắt bóp. Mả cha nó".
 
Hữu Loan đi đấu tranh cho bạn hết lòng như thế, nên cuộc đời nhà thơ có rất nhiều người thương quý, cũng lắm kẻ quyền hành ghét cay ghét đắng.
 
Q.M.

 

Theo SƠN LÂM - THÁI LỘC (TTO)

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

ĐI TÌM MÀU TÍM HOA SIM

 Kỳ 6: Nghèo vật chất mà giàu nghĩa nhân


Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 6: Nghèo vật chất mà giàu nghĩa nhân - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Loan (ngồi giữa) cùng con 

cháu những năm 2000 - Ảnh: THÁI LỘC chụp tư liệu gia đình

Nhà thơ Hữu Loan có 10 người con và có đến hơn 40 cháu chắt. Con cháu đều xem ông là một tấm gương nhân nghĩa, cả đời sống và nghĩ đến những người nghèo khổ, thấp bé trong xã hội.

Lễ giỗ ấm cúng

Ngày 25-2-2020, nhằm ngày 3-2 năm Canh Tý, chúng tôi ghé nhà xưa của Hữu Loan ở làng Vân Hoàn đúng ngày giỗ 10 năm ông về miền thi ca vĩnh hằng.

10h sáng, bà Nguyễn Thị Hương, người con thứ hai, đã đến mở cửa nhà. "Con cháu đã có nhà riêng, từ ngày bố mẹ mất không ai ở, chỉ ghé thắp nhang và mỗi năm một lần dồn về cúng giỗ", bà Hương vừa nói vừa lau bàn thờ.

Bên ngoài, người cháu ngoại quét sân vườn, khói lá nghi ngút phủ lên căn nhà cũ kỹ mà năm xưa vợ chồng nhà thơ và 10 người con quây quần vượt qua khốn khó.

Đợt giỗ lần này thiếu ba gia đình, đó là người con đầu Nguyễn Hữu Cương đang ở TP.HCM, con gái thứ bảy Nguyễn Thị Định ở Đồng Nai và con gái út Nguyễn Thị Triệu hiện ở Hàn Quốc.

Bảy gia đình quây quần, nhà nào cũng đã ổn định kinh tế, không còn ai phải thiếu hụt khó khăn như thời của bố. Mỗi gia đình đều chuẩn bị hoa quả và một vài món đem đến bày biện, dâng cúng.

Ngay sau dâng hương, mâm cỗ được bày dưới mái tôn trên sân trước, có đủ các món từ gà, nộm, bánh lá, bánh lọc, cà ri bò, nem rán, canh mực, canh miến nấu cua...

"Ông cụ thích ăn rau lắm. Ông ăn uống dễ, thanh đạm, chỉ cần cơm với ít rau cũng xong bữa", bà Hương mở đầu câu chuyện về người bố đã đi xa đúng 10 năm. Tất cả như chợt nín lặng khi người con Nguyễn Hữu Đán nhắc: "Chúng ta đang ngồi ở chỗ nhà tre nứa tám mái của ông cụ anh nhỉ?"...

Những câu chuyện cũ bỗng ùa về. Nào là chuyện ông tự làm nhà, chở đá nhọc nhằn. Nào là chuyện ông muốn chụp lại cái cảnh ngôi nhà từ đọt cây dừa bên hồ cá mà không biết bằng cách gì.

Chuyện ông tự tay đào ao, chở đá xanh từ núi Vân Hoàn về xếp bờ ao, làm thêm mấy bậc tam cấp đá dẫn xuống làm chỗ rửa chân. Rồi chuyện ông mỗi ngày thắp nhang cạnh tảng đá xanh cạnh bên, hoặc uống trà hay rượu đều rưới lên tảng đá cho thập loại chúng sinh không nơi nương tựa mà hồn còn lẩn khuất đâu đây...

Đòi đánh nếu không trả giấy báo nhập học

Khui chai rượu mang từ Đức về giỗ bố để mời mọi người, ông Nguyễn Hữu Đán lần lượt giới thiệu cho chúng tôi về người nhà. Với tay sang bà Hương, ông Đán nhắc kỷ niệm cũ của bố: "Chị Hương giờ đã là giáo viên về hưu, mà năm xưa không có bố xông vào ty giáo dục tìm giấy báo thì không làm giáo viên được đâu".

Câu chuyện lại kéo về ngày đói khổ, vợ chồng nhà thơ người thồ đá, người làm bánh bán chui nuôi con. Những người con của Hữu Loan ngày ấy chỉ học bổ túc, nhưng trí nhớ và sự thông minh thì cả làng biết đến.

Con trai cả Nguyễn Hữu Cương sau thi đại học biết mình đủ điểm du học Liên Xô. Vậy mà giấy báo nhập học chờ hoài không thấy, dù Hữu Loan mấy lần đạp xe lên huyện và lên tỉnh hỏi thăm. Đời ông Cương từ đó rẽ sang hướng khác, quần quật đủ thứ nghề chân tay cho tới khi con gái vào TP.HCM lập nghiệp rồi theo vào.

Đến lượt bà Hương thi sư phạm cũng gặp cảnh không nhận được giấy báo. Thương con gái và cũng muốn con làm nghề dạy chữ, Hữu Loan đạp xe thẳng lên Ty giáo dục Thanh Hóa. Những người trên ty lại bảo về hỏi huyện, huyện bảo hỏi xã, xã lại chỉ cấp trên. Tức mình, ông xông thẳng vào ty giáo dục, bảo nếu không trả giấy thì không về.

Ông Đán kể: "Bực quá, bố xông vào xáo lục đống giấy tờ làm rối tung. Người phụ trách lúc ấy kêu ông đừng làm vậy rối loạn, hỏng hết việc.

Ông bảo: "Chính tau đẻ ra cái này", ý nói ông từng tham gia thành lập chính quyền và làm chức tương đương phó chủ tịch, phụ trách giáo dục. "Nếu hôm nay mày không trả, tau đánh mày".

Lần ấy, không những tìm được giấy báo nhập học cho con gái, ông còn tìm được cả giấy báo nhập học cho con trai đầu nhưng đã bị sửa thành Nguyễn Hữu Cường. Những người con cho rằng chính lý do ấy làm ông chán ngán không cho các con sau học đến nơi đến chốn.

Người con gái thứ ba Nguyễn Thị Hà học hết bổ túc lớp 10, ông cho nghỉ ở nhà lấy chồng. Con trai thứ tư Nguyễn Hữu Vũ học hết lớp 7 cho theo nghề cơ khí, xẻ gỗ và người con gái kế út Nguyễn Thị Chung học hết lớp 9...

Trường hợp ông Đán học xong phổ thông cũng nghỉ mở tiệm hàn ở quê. Đến năm 1991 khi cửa hàng đắt khách, ông Đán lại quyết chí đi học và đỗ vào ngành kiến trúc ở Hà Nội.

Ông nhớ như in: "Bố bảo tôi thôi đừng đi học nữa, học hay làm gì thì cũng kiếm tiền. Có cửa hàng, có nghiệp vụ, có khách hàng, làm kiếm tiền lương thiện rồi. Lên Hà Nội cũng khó khăn, bố mẹ không có điều kiện giúp con được".

Tuy nhiên, đó chỉ là những lo lắng của người cha trước thời cuộc. Khi ông Đán nói rõ sở thích được đi học của mình, người bố cũng không can ngăn nữa.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 6: Nghèo vật chất mà giàu nghĩa nhân - Ảnh 3.

Con cháu dâng hương lễ giỗ 10 năm thi sĩ về miền thi ca vĩnh hằng 

- Ảnh: SƠN LÂM

Bài học nhân nghĩa

Những người con nhắc rất nhiều đến sự dạy dỗ của một người bố rất ân tình, nhân nghĩa, luôn quan tâm và thương những thân phận nghèo khổ.

Khi rời báo Văn Nghệ ở Hà Nội về quê trong cảnh túng thiếu, vậy mà Hữu Loan sẵn sàng cho một gia đình mượn nhà ông trước đó ở tiếp để thu hoạch hết vụ hoa màu trong vườn nhà.

Phần mình, ông dẫn vợ con sang vùng Nga Điền, Nga Sơn xin cày mấy mẫu ruộng do người vào Nam bỏ hoang.

"Cái nhà tự tay bố tôi làm lợp cói, cỏ năng. Mỗi đêm mưa dột, cả nhà phải lóp ngóp chen nhau che nước. Có đợt bão về, gió chiều nào phải hùa nhau đứng vịn chống cột ngược lại chiều ấy cho khỏi sập nhà.

Con còn nhỏ, bố phải nằm thế khum lưng chồm che cho con khỏi ướt suốt cả đêm, vậy mà ông thường kêu mẹ dẫn mấy người ăn xin rách rưới, hôi hám, không nơi nương tựa về cho tá túc, ăn uống cùng.

Thiếu thốn, nhà chật còn không đủ chỗ cho con đông vậy mà cảnh mấy người ăn xin chen ăn, chen ngủ trong nhà như một điều tự nhiên" - ông Nguyễn Hữu Vũ kể và cho rằng tình thương người trong mấy người con cứ thế thấm dần theo bố.

Phần mình, nhà thơ Hữu Loan rất trực tính, nghiêm nghị, đôi khi đánh con sai quấy. Khi con cái hục hặc với nhau, ông chỉ đánh đứa lớn hơn, vì ông cho rằng đứa lớn thì sẽ làm gương được cho đứa nhỏ.

Tuy nhiên, ông cũng là một người cha rất tinh tế, không bao giờ dạy con theo khẩu hiệu mà gần như mọi lúc mọi nơi, từng ngày từng giờ để dạy con, phân giải cho con cái hiểu mọi thứ khúc mắc.

"Đặc biệt thấy làm sai là ông nói ngay, chứ không dạy dỗ theo kiểu hình thức phải thế này, thế nọ. Bố là người rất sát thực và có khả năng nhìn thấu tim mỗi người con. Bố cũng dạy mỗi người mỗi khác, hễ ai có tính xấu thì bố sẽ có cách để làm giảm tính xấu lại", ông Đán xúc động nhắc nhớ bố mình.

“Lúc tôi đang là sinh viên ở Hà Nội, bố rất lo tôi bị nghiện hút vì nước da tôi trắng và gầy. Có lần về nhà, bố bảo tôi leo lên dọn mấy cây dừa trong vườn và hái xoài rồi đứng dưới dõi theo.

Đến khi tôi làm một hơi hết 5 cây, leo xuống thở hổn hển thì bố cười bảo: “Mày còn làm được như thế thì đúng là chưa nghiện hút thật”. Đấy, bố luôn có cách tinh tế, lo toan và để ý con kiểu ấy” - ông Nguyễn Hữu Đán cho biết.

Vào miền Nam sau gần 30 năm "ẩn cư" dưới chân núi Vân Hoàn, Hữu Loan đã viết những câu thơ tự sự: 

"Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh
Suốt đời đã làm thất bại mọi âm mưu đẽo tròn".


Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Đi tìm màu tím hoa sim

Kỳ 5: Nhà thơ tình đi thồ đá

TTO - Núi Vân Hoàn (Nga Sơn, Thanh Hóa) hướng về thôn dân ở là một vách đá thẳng đứng, dấu vết thời gian dài dân nghèo quanh núi lấy đá đem bán.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 5: Nhà thơ tình đi thồ đá - Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Đương kể chân núi lở lói nơi mình ngồi là chốn Hữu Loan còng lưng thồ đá ngày trước - Ảnh: THÁI LỘC

Cụ bảo chiếc xe để cụ thồ đá nuôi con, nếu cán bộ bắt xe thì cụ sẽ dẫn cả bầy con lên giao cho cán bộ, rồi cụ ra giữa chợ ăn xin. Lúc đó, người ta xì xào cán bộ để ông Hữu Loan phải đi ăn mày thì đừng trách.

Nay núi đã được dừng khai thác nhưng với nhiều người lớn tuổi trong thôn, hình dáng cụ Tú Loan, tức nhà thơ Hữu Loan, dường như vẫn còn hằn trên từng mảng đá lở lói.

Vai thồ đá, sách lận lưng

Trở lại Vân Hoàn giữa trời chiều nắng cháy, chúng tôi gặp ông già chăn bò dưới chân núi đá từng ngập mồ hôi bao phận nghèo đục đẽo, thồ đá mưu sinh thời khốn khó.

Trước mặt ông là cánh đồng cói xanh rì, xen kẽ những hàng sầu đông trơ xương chắn ngang tầm nhìn ra phía sông Mã, khiến cảnh vật càng u uẩn, xám xịt.

"Hỏi đúng người đấy. Từ năm lên mười tuổi tôi đã đi phụ thồ đá, từng đẩy đá cùng ông Tú Loan. Khổ thân ông cụ, xưa đẩy xe cút kít thồ đá, cơ cực trăm bề" - ông chăn bò nói ngay khi chúng tôi hỏi về thi sĩ Hữu Loan.

Người mục đồng này tên là Ngô Văn Đương, 63 tuổi, cùng thôn Vân Hoàn, sống cách nhà Hữu Loan vài trăm thước. "Xưa chúng tôi lấy đá ngay tại đây đấy, đến chừng mười năm rồi Nhà nước cấm không cho lấy nữa mới thôi. Cái thời ấy đói kém, nhà ai cũng cơ cực.

Nhưng ông Tú Loan khốn cùng hơn ai hết, không như người ta dù ít dù nhiều cũng có lúa có khoai hay cá thịt hợp tác. Cụ không vào hợp tác, nên chẳng thồ đá thì không biết lấy gì ăn dù chỉ là cháo loãng cho chục đứa con" - ông Đương nhớ lại.

Cả thời thanh niên của ông Đương, ngày nắng hay mưa đều gặp nhà thơ Hữu Loan ngay dưới ngọn núi đá xanh này. 

"Hồi đó cực nhọc như thế mà cụ Tú Loan cũng làm nhiều bài thơ về việc thồ đá, về chiếc xe và việc đẩy xe cút kít của ông ấy - nói đoạn, ông Đương buột miệng đọc: 
"Đẩy xe cút kít
Quay tít tù mù
Tiền thì chẳng được mấy xu
...".

Theo ký ức của ông Đương, một khối đá lúc ấy được 3 đồng, rất nhiều người làng bám víu công việc thồ đá phụ thêm vào miếng ăn vốn rất ít ỏi từ ruộng đồng hợp tác chia được. Vậy mà ai đi thồ đá khi ấy cũng chỉ dằn bụng bằng rau, khoai qua bữa.

Cùng thiếu, cùng đói, nhưng "kiểu ông Tú Loan thồ đá thì khó ai quên. Cả làng này ai cũng quý ông cụ đỗ tú tài Tây, hỏi cái gì cũng biết. Hơn nữa cũng không có ai đi thồ đá mà giắt theo sách tiếng Tây tiếng Tàu để đọc khi nghỉ ngơi như ông ấy cả", ông Đương bật cười.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 5: Nhà thơ tình đi thồ đá - Ảnh 3.

Phần mộ thi sĩ Hữu Loan ở sườn núi Vân Hoàn - Ảnh: THÁI LỘC

Nếu cán bộ bắt xe, nhà thơ đi ăn mày

Trong một bài thơ viết năm 1988, Hữu Loan kể thời thồ đá: 

"Tôi đẩy xe đi
đá nặng dốc dài 
Dốc chang chang trên nắng dưới người
Nắng chảy ròng ròng từ lưng trần từ râu không cạo
". 

Nhưng cái nắng rát, khối đá nặng, con dốc dài không phải là chuyện truân chuyên nhất trong quãng đời thồ đá. Riêng ông còn gặp nhiều trắc trở khác so với các "đồng nghiệp" phu đá đương thời.

Khi hỏi hình ảnh nhớ nhất về cha mình, những người con của ông luôn bật ra hình ảnh một người bố ăn mặc phong phanh áo vá, gồng lưng quai từng xe đá qua con dốc núi lởm chởm gồ ghề.

Ông Nguyễn Hữu Vũ - nay đã tuổi 60, từ lúc chưa đầy 10 tuổi đã ra bãi đá phụ bố - kể lại mà không kìm được giọng nghẹn ngào: "Thời đó có bữa chỉ được dúm rau luộc ăn tạm rồi đi thồ. Có lần bố tôi đang đẩy xe cút kít lên dốc thì đứng lại lảo đảo. Tôi hỏi sao, cụ bảo bố đói quá choáng váng chút thôi. Rồi cụ lại nghiến răng đẩy tiếp hết lượt xe mới nghỉ. Bữa đó nghỉ sớm".

Dĩ nhiên ông Vũ cũng không thể quên được chiếc xe cút kít bằng gỗ do bố mình đóng gồm một thùng lớn có bánh xe phía trước, trên hai càng chống phía sau là hai tay cầm nối với nhau bằng một dây quai. Mỗi lần thồ, nhà thơ chất đá lên thùng, đeo quai vô vai, hai tay gồng giữ hai càng rồi đẩy tới. Chiếc bánh gỗ cứ thế "ò e cút kít".

Theo lời ông Nguyễn Hữu Dũng - em họ của Hữu Loan, có lần nhà thơ bị đá rơi trúng chân, vết trầy xước lở loét miệng mãi không lành nên người ta nghi bị sâu quảng. 

"Hồi đó thuốc men có đâu, mà nếu có ông cũng không có tiền để mua. Vậy là ông Loan đã giã ốc sên đắp vào, mãi sau chỗ chân bị đá rơi ấy mới dần khỏi" - ông Dũng thương nhớ ngậm ngùi.

Chiếc xe cút kít gỗ nặng trịch đó về sau đã được nhà thơ dùng làm củi nhóm lò cho vợ làm bánh. Đó là giai đoạn mà người phu đá Hữu Loan mua được một chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất (hiệu xe đạp thông dụng thời bấy giờ - PV) chế lại thồ đá.

Tưởng chừng như có chiếc xe đạp, việc thồ đá sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng nhà thơ lại gặp phải vấn đề khác. Người con trai Nguyễn Hữu Đán kể: "Hồi đó xe đạp còn được quản lý kỹ, có bảng số.

Cụ chế chiếc xe đi thồ được thời gian thì các cán bộ xã đòi thu giữ vì chiếc xe của cụ bị xem là chế hàng lậu". Chuyện là chiếc xe thồ đá nặng quá khiến cái phuộc bị vẹo, Hữu Loan đã lấy xà beng bằng sắt Liên Xô chế lại. Chiếc "xe Thống Nhất, phuộc sắt Liên Xô" bị tịch thu lên xã vì lý do chế xe.

Nguy cơ mất "cần câu cơm", nhà thơ Hữu Loan đã lên gặp cán bộ phản ứng rất dữ. 

"Cụ bảo chiếc xe để cụ thồ đá nuôi con, nếu cán bộ bắt xe thì cụ sẽ dẫn cả bầy con lên giao cho cán bộ, rồi cụ ra giữa chợ ăn xin. Lúc đó, người ta xì xào cán bộ để ông Hữu Loan phải đi ăn mày thì đừng trách", ông Đán kể.

Biết tính Hữu Loan từ xưa hễ nói là làm, không nói đi nói lại, việc bắt xe sau đó được "cho qua". Có lại xe nhưng trở về bãi đá, có lẽ sự can thiệp nào đó từ cán bộ mà những người nổ mìn phá đá không bán cho ông nữa. 

"Từ đó, cụ phải tự mình kiếm chỗ đá mồ côi, tự tay dùng xà beng bẩy, rồi đục cho lên xe thồ bán. Cụ vẫn tiếp tục làm đến khi sức khỏe không thể thồ đá được nữa và khi con cái đã lớn mới thôi. 

Tính cụ rất thẳng, quyết không thỏa hiệp hay nản chí, không vì bất cứ lý do gì mà thay đổi ý định. Người ta không muốn cụ làm thì nhất định cụ phải làm", ông Đán kể thêm.

Núi đá, đời người. Cả đời nhà thơ Hữu Loan gắn liền với ngọn núi Vân Hoàn. Được đẻ "rơi" nơi chân núi, phần lớn cuộc đời ông cũng ở căn nhà nát cách chân núi vài trăm thước. Núi cho ông đá để giữ phẩm chất làm người, dìu dắt vợ con đi qua những tháng năm cùng khổ nhất.

Giờ mộ phần Hữu Loan cũng nằm trên sườn phải của núi, hướng ra sông Mã. Hai bên chừa hai phần đất, một phần sẽ đặt mộ phần người vợ "hoa lúa" Phạm Thị Nhu. 

Phần còn lại, những người con cho biết nếu không chuyển người vợ "hoa sim" Lê Đỗ Thị Ninh về được thì có thể làm mộ chiêu hồn. Họ dự định xây dựng bài bản khu mộ thành khu tưởng niệm Hữu Loan, trở thành điểm đến cho những người yêu thơ...

"Người ta dùng thuốc nổ cho đá nổ ra từng mảng lớn, rồi dùng tay đục lại thành viên đá bằng chừng cái balô để phu đá thồ đi. Việc thồ đá chỉ làm từ lúc sáng tinh mơ đến khoảng 9 giờ.

Chiều, khi Mặt trời đã bắt đầu hết nóng rát lại ra làm đến chập choạng tối. Mỗi lần thồ cả khối đá, trời nắng quá thì không ai làm nổi. Vì nuôi con, cụ Tú Loan gầy gò mà khỏe khiếp lắm. Tuổi 60, ông vẫn đẩy xe cút kít chạy phăng phăng" - ông Ngô Văn Đương kể 

SƠN LÂM - THÁI LỘC