Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

Bức thư của người mẹ Nga: Cảm ơn tất cả những ai đã tin tưởng Liova - Đặng Văn Lâm!

VŨ MẠNH CƯỜNG dịch
TTO - Bà Olga Zhukova, mẹ của thủ môn Đặng Văn Lâm, đã đăng trên Facebook của mình bức thư gửi con trai một ngày sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018. Bức thư được đồng nghiệp Vũ Mạnh Cường chuyển ngữ.




"Con trai Liova yêu thương!

Người ta thường nói "không nên bước hai lần vào một dòng sông", nhưng con lại bước vào.

Lần thứ nhất khi bước vào dòng sông, con là chàng trai 17 tuổi và đã vượt qua tất cả dũng cảm bước ra ngược dòng.

Con trưởng thành, chín chắn, khôn lớn. 

Lần thứ hai bước vào dòng sông, con đã là một người lớn, một cầu thủ chuyên nghiệp. Hãy thỏa sức vẫy vùng, con nhé! 

Cám ơn Chúa vì tất cả - Mẹ cầu chúc cho con!

Mẹ mừng cho con, mừng thắng lợi lớn đầu tiên của con. Chúc con thành công, Lev!

Mẹ là người mẹ hạnh phúc nhất. 

Mẹ muốn con chuyển lời chào tới đất nước Việt Nam tuyệt vời, tràn ngập ánh nắng và yêu lao động của con! 

Tới tất cả những người ruột thịt của chồng tôi, tới tất cả các cổ động viên, tới ông chủ tịch và ban huấn luyện CLB Hải Phòng, nơi Liova đang thi đấu. 

Tới huấn luyện viên và các thành viên của đội tuyển Việt Nam. 

Tới tất cả những người ở Việt Nam đã giúp đỡ con trai tôi bằng lời nói và việc làm, thành tâm mong muốn thành công và những điều tốt lành cho con trai tôi.

Xin cảm ơn tất cả!

Tôi xin được ôm các bạn thật chặt. Chung vui chiến thắng cùng các bạn!!!

Con cảm ơn Chúa đã cho trái tim con hoà nhịp và yêu hai đất nước. Con cảm ơn Chúa vì Việt Nam đã sinh ra chồng con là Đặng Văn Sơn. Cảm ơn vì con trai đã biết nghe lời Cha và trở về Tổ quốc làm việc.

Xin cảm ơn vì con trai tôi đã ở Việt Nam từ năm 17 tuổi, đã khôn lớn nên người, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và có thể cống hiến tài năng của mình.

Cảm ơn tất cả những ai đã tin tưởng Liova - Đặng Văn Lâm!

Một người mẹ".

 
Một chàng trai quả cảm,
Một người con hiếu thảo 
 Một người mẹ tuyệt vời!!!


BÀI PHỎNG VẤN TRÊN BÁO VH NGHỆ AN

Nếu nhân văn bị trói buộc sẽ kìm hãm con đường tiến lên văn minh của Dân tộc

       Nguyễn Ngọc Chu
       Chủ nhật, 16 Tháng 12 2018 20:36
LỜI TÒA SOẠN BÁO VĂN HÓA NGHỆ AN (VHNA): “Lò” đang nóng, đang cháy rực. Công cuộc chống tham nhũng, chỉnh đốn lại Đảng, cải cách thể chế đang giai đoạn quyết liệt, những kết quả đầu tiên đã đem lại nhiều hy vọng cho đông đảo các tầng lớp nhân dân. Để tiếp tục nhen nhóm niềm tin vào Đảng, vào sự chấn hưng của đất nước, là lẽ thường, chúng ta cần nhìn nhận đúng thực trạng của đất nước để cùng nhau tìm ra con đường và đi tới văn minh, hạnh phúc.

Trên tinh thần đó, VHNA đã có cuộc trao đổi với TS toán học Nguyễn Ngọc Chu đến từ Viện toán học, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.

Phan Văn Thắng:Với tư cách một trí thức, một nhà toán học, điều anh quan tâm nhất về đất nước hiện nay là gì? Vì sao?

TS Nguyễn Ngọc Chu: Thông thường, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu khoa học tự nhiên - như toán học, chỉ chú trọng đến chuyên môn mà ít quan tâm đến những vấn đề khác. Đối với họ, các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị chẳng hạn, không làm họ bận tâm và mất nhiều thời gian.

Nhưng hoàn cảnh hiện nay thì rất khác biệt. Đến những người thờ ơ nhất cũng phải quan tâm. Tại sao ư? Theo tôi, là do những nguyên nhân chính sau đây.

Điều đầu tiên là xã hội đang bị băng hoại nghiêm trọng

Tham nhũng, hối lộ đã trở thành dịch bệnh trong mọi lĩnh vực, từ chính trị cho đến kinh tế, từ giáo dục cho đến y tế, từ an ninh cho đến quốc phòng… và ở mọi địa phương, từ thôn xã cho đến tỉnh thành, từ cấp chính quyền thôn cho đến cấp chính phủ. Vì thấy được sự nguy hiểm của quốc nạn tham nhũng mà Đảng và Chính phủ đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng.

Cùng với tham nhũng là sự tung hoành của lừa đảo, giả dối. Lừa đảo để chiếm đoạt tiền bạc, tài sản. Lừa đảo để bán hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại. Lừa đảo để có được bằng cấp, chức quyền… Còn nhiều nhân tố khác nữa thể hiện sự băng hoại nghiêm trọng của xã hội mà không đủ chỗ để liệt kê ở đây.

Khi xã hội bị băng hoại thì các giá trị đạo đức nền tảng xây đắp từ ngàn đời của Dân tộc bị phá hủy, làm lâm nguy đến sự trường tồn của Dân tộc. Ở mặt khác, xã hội bị băng hoại thì nền pháp chế bị sâu mọt, không thể thực thi đúng chức năng. Do đó quốc gia không thể phát triển đúng theo quỹ đạo, nên không thể hùng mạnh.

Xã hội băng hoại đưa đến hai hậu quả vô cùng nguy hiểm: Hủy hoại sức sống của Dân tộc và Cản trở sự hùng cường của Đất nước.

Điều thứ hai là sự bất công đang bùng phát ngày càng rộng lớn

Sự bất công dung túng pháp luật dẫn đến oan trái, cướp bóc. Sự bất công mở rộng khoảng cách giàu nghèo. Sự bất công thao túng quyền lực đưa đến quyền lực vô pháp.

Kết quả là sự bất công hủy hoại sự phát triển nhân văn. Nhân văn bị trói buộc thì con đường tiến lên văn minh của Dân tộc bị kìm hãm.

Một xã hội không công bằng thì không thể là một xã hội nhân văn. Không nhân văn thì không thể theo kịp nhóm các quốc gia tiên phong của nhân loại.

Điều thứ ba là môi trường sống bị ô nhiễm đến nguy hiểm

Chưa bao giờ chúng ta phải sống trong một môi trường nguy hiểm như hôm nay. Ô nhiễm môi trường không những hủy diệt con người mà còn hủy diệt cả cá tôm, chim muông, không những hủy diệt động vật mà còn tàn phá cả thực vật.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không chỉ hại cho chúng ta mà nguy hiểm hơn là có hại cho con cháu chúng ta. Để lại môi trường sống nguy hại cho nhiều đời con cháu mai sau là tội vô cùng lớn.

Điều thứ tư là chứng cớ đất nước ngày càng tụt hậu so với các nước tiên phong

Không thể so sánh với quá khứ của chính mình để tự an ủi chúng ta tiến bộ. Không thể so sánh với năm 1945 để khẳng định chúng ta không chết đói.

Hãy so sánh với các nước bên cạnh để thấy sự tụt hậu của chúng ta.GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1998, của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 của Việt Nam là 2343 USD, của Singapore là 57714 USD. Giả thiết GDP Việt Nam tăng 7% năm thì sau 28 năm đến năm 2045 GDP theo đầu người của Việt Nam chỉ là 15 578 USD. Vậy đến bao giờ thì chúng ta mới tiến gần được Singapore?

Ở mặt khác, thử hỏi những tiện nghi hiện đại mà chúng ta có, như ô tô, máy bay, hay công nghệ hình ảnh qua iphone máy tính bảng… thì nhờ ai mà có? Toàn của nước khác.

Điều đó có nghĩa là chúng ta đang cải thiện đời sống chúng ta cơ bản nhờ vào tiến bộ của nước khác. Và như vậy nếu không thay đổi để thích nghi kịp thời thì chúng ta ngày càng tụt hậu.

Nguy hiểm hơn nữa là chúng ta không chịu nhìn thấy lối thoát.Chúng ta chỉ ngồi chờ kêu gọi đầu tư nước ngoài với những ‘hạ giá vượt trội’ phẩm giá của chính chúng ta.

Điều thứ năm là gia tăng sự lệ thuộc về kinh tế

Chúng ta chứng kiến Đất nước đang quá phụ thuộc vào nước ngoài. Lại phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc. Từ sự phụ thuộc kinh tế, theo quy luật và kinh nghiệm cho thấy, sẽ dễ dẫn đến sự phụ thuộc chính trị.

Chúng ta chịu hai gọng kìm lệ thuộc. Gọng kìm lệ thuộc từ nước ngoài, trong đó nhất là áp lực từ nước láng giềng Trung Quốc ngày càng gia tăng. Đau đớn nữa là từ gọng lìm lệ thuộc của chính chúng ta, khi ta tự trói buộc vào những thứ khác... của nước ngoài.

Đây là điều day dứt đến đớn đau của trí thức.

Trí thức đích thực không màng đến danh lợi, quyền lực. Càng không chịu bị nô lệ bởi quyền lực và danh lợi. Đối với họ, tri thức là bá chủ.

Bởi thế, họ không thể chịu sự nô lệ của bất kỳ ai, càng không thể là nước ngoài. Chỉ chịu sự nô lệ duy nhất trước tri thức.

Điều thứ sáu là sự an ninh của Tổ Quốc bị xâm phạm

Chúng ta chứng kiến Tổ Quốc đã mất đi một phần biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng ta nhìn thấy an ninh của Tổ Quốc ngày càng bị nhiều thế lực nước ngoài nhòm ngó can thiệp.

Đây là điều lo lắng nhất của mọi người dân Việt Nam. Không chỉ trí thức, mà khiến cho những người thờ ơ nhất cũng phải động tâm.

Bởi thế mà chúng ta quan sát thấy, chưa bao giờ phụ nữ nước ta lại quan tâm đến chính trị như bây giờ. Từ người phụ nữ nội trợ, người phụ nữ bán nước vỉa hè, cho đến cán bộ phụ nữ nghỉ hưu, từ miền xuôi cho đến miền ngược, từ trong nước cho đến kiều bào nước ngoài,đâu đâu cũng thấy phụ nữ Việt bàn về chính trị Đất nước.

Không phải họ muốn tranh dành quyền lực. Mà bởi họ không muốn mất đi những người con. Bản năng bảo vệ con đã khiến cho phụ nữ Việt Nam cảm nhận được sự đe dọa mất nước. Họ tự nguyện dâng hiến con vì Vệ Quốc. Những giọt nước mắt tiễn con ra trận, đời này sang đời khác,tích tụ mà thành tính di truyền trong máu mỗi người mẹ Việt Nam. Hơn ai hết, họ cảm nhận được sự đe dọa gia tăng mỗi khi Tổ Quốc gần đến lâm nguy.

Không phải chỉ trí thức. Không phải chỉ nam giới. Đây là thời kỳ đặc biệt mà số đông phụ nữ Việt đã tự nguyện lo lắng về chính trị Đất nước.

Phan Văn Thắng:Chưa tiện bàn về những vấn đề chính trị lớn lao, tôi muốn chúng ta bắt đều từ những vấn đề cụ thể hơn. Chuyện giàu nghèo chẳng hạn.Ông thử mổ xẻ câu chuyện giàu nghèo từ các góc độ, về tầng lớp nhà giàu thời nay? Phần nhiều họ giàu từ đâu? Bằng cách gì?Tôi  thấy bây giờ có quá nhiều trọc phú. Ông có nghĩ vậy không? Tại sao?

TS Nguyễn Ngọc Chu:Đây là những vấn đề rộng lớn. Không thể trình bày toàn diện ở đây. Chỉ xin đề cập đến một số điểm góc cạnh.

Thứ nhất, không cho dân giàu hay cào bằng tất cả đều nghèo khó, là các chính sách đi ngược lại lợi ích của dân, của nước

Năm 1923 Tưởng Giới Thạch được Tôn Trung Sơn phái sang Liên Xô để nghiên cứu về Liên Xô nhằm áp dụng ở Trung Quốc. Về nước, Tưởng Giới Thạch báo cáo với Tôn Trung Sơn rằng ở Liên Xô không cho phép dân làm giàu và không ủng hộ mô hình Liên Xô. Bởi thế sau khi Tôn Trung Sơn mất năm 1925, lên nắm quyền, Tưởng Giới Thạch quay sang đàn áp đảng cộng sản, đẫm máu là cuộc thanh trừng lịch sử :  “Chính biến Thượng Hải’ năm 1927.

Tục ngữ Việt Nam có câu ‘Dân giàu nước mạnh’. Không cho dân giàu hay cào bằng làm tất cả cùng nghèo khó, đều là các chính sách chống lại lợi ích của dân của nước.

Thứ hai,  cơ chế khác nhau đẻ ra tầng lớp người giàu khác nhau. Người giàu là sản phẩm phản ánh cơ chế

Các nhà khoa học Liên Xô rất giỏi. Họ chế tạo ra tàu vũ trụ, tên lửa đạn đạo, máy bay, máy tính điện tử… vậy mà không ai trở thành người giàu. Trong khi đó thì Bill Gatetrở thành tỷ phú.

Ấy là vì cơ chế của Mỹ biến các nhà sáng chế thành người giàu, còn cơ chế của Liên Xô thì không. Nếu Bill Gate ở Liên Xô thì chắc chắn ông cũng không giàu – giống như các nhà khoa học Liên Xô mà thôi.

Nước ta từ sau đại hội VI năm 1986, bắt đầu cho người dân làm giàu. Nhưng cơ chế của ta đẻ ra tầng lớp người giàu khác xa với tầng lớp người giàu của các nước Đức, Nhật, Mỹ.

Bill Gate trở thành tỷ phú vì sáng chế của ông được chuyển thành sản phẩm thương mại. Những ai dùng phần mềm Micrsoft (chẳng hạn) thì phải trả tiền. Luật pháp Mỹ bảo hộ điều đó. Không chỉ ở nội địa, mà luật pháp Mỹ bảo hộ bản quyền sáng chế ra ngoài biên giới nước Mỹ. Trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một điểm mấu chốt không khoan nhượng của Mỹ là Trung Quốc phải bảo hộ bản quyền. Trung Quốc là kẻ ăn cắp bản quyền khổng lồ nhất thế giới.

Cơ chế Mỹ sinh ra tầng lớp người giàu như Bill Gate, là giàu nhờ phát minh sáng chế tiên phong, đưa lại tiến bộ công nghệ vượt trội, làm cho nước Mỹ hùng cường.

Còn cơ chế nước ta đẻ ra lớp người giàu có rất khác biệt. Họ là những nhà Tư Bản ký sinh trên những lỗ hổng của cơ chế .

Đó là bởi vì chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu sang cơ chế thị trường cho chúng ta một cơ chế thị trường không hoàn thiện, thậm chí có lỗi. Cơ chế không hoàn thiện thì đẻ ra sản phẩm không hoàn thiện. 

Phan Văn Thắng: Ông có thể cho biết nhận xét của mình về  người giàu ở Việt Nam hiện nay?

TS Nguyễn Ngọc Chu:Theo tôi, có thể khắc họa ngắn gọn tầng lớp giàu có ở Việt Nam theo mấy đặc điểm sau đây.

Giàu lên từ thương mại và dịch vụ

Hầu hết những người giàu ở Việt Nam hiện nay đều thuộc về lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Chưa nhìn thấy người giàu có kếch sù do nhờ sản xuất công nghiệp.

Những người giàu có nhất ở Việt Nam hiện nay đều nhờ vào buôn bán đất đai, kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản. Họ giàu lên nhờ sở hữu toàn dân.

Chưa có ai giàu có kếch sù nhờ sáng chế khoa học công nghệ và đây là điều rất buồn. Nếu không có sáng chế tiên phong thì không thể trở thành cường quốc.

Giàu lên từ tham nhũng

Tầng lớp này rất đông. Là những người có chức có quyền. Bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước. Đáng kể là từ cấp huyện, cấp phường trở lên. Chức quyền đưa lại cho họ đặc quyền tham nhũng. Chức quyền càng cao thì càng giàu có. Đây là tầng lớp người giàu mà họ càng giàu có thì đất nước càng kiệt quệ.

Giàu lên nhờ đút lót và lợi dụng cơ chế

Đây là tầng lớp nhờ đút lót mà trở nên giàu có. Họ lợi dụng cơ chế, đút lót cho các kẻ tham nhũng để có được các dự án, các hợp đồng… và thậm chí cả đút lót để có chức có quyền. Sự giàu có của họ không mang lại sự cường thịnh cho đất nước mà ngược lại.

Tóm lại, những người giàu ở Việt Nam hiện nay đều bám vào nhà nước và do cơ chế nhà nước đẻ ra. Họ là sản phẩm của cơ chế nhà nước.

Phải đến một ngày xuất hiện tầng lớp người giàu nhờ vào phát minh sáng chế tiên phong thì đất nước mới thoát khỏi tụt hậu. Nhưng muốn có lớp người giàu có này thì bắt buộc phải thay đổi cơ chế.

Phan Văn Thắng: Còn người nghèo, hình như cũng càng ngày càng đông. Cơ hội bình đẳng chính trị, văn hóa, và cả pháp lý nữa hình như cũng mong manh hơn trước đối với họ. Tại sao vậy, thưa ông?

TS Nguyễn Ngọc Chu: Nếu cất công đi vào các vùng nông thôn, miền núi, thì chúng ta sẽ thấy đồng bào ta còn rất nghèo, không đủ ăn đủ mặc. Ngay cả ở hai thành phố lớn như Hà Nội, HCM cũng còn rất nhiều cuộc đời cơ cực.

Một điều chắc chắn là sự cách biệt giữa nghèo và giàu ngày càng gia tăng. Nhưng điểm mấu chốt nằm ở sự không công bằng. Cụ Hồ nói: ‘Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng’.

Lấy thí dụ, một thực tế hiện hiện thời nay, là các vụ kiện ở Việt Nam có lẽ đến hơn 90% là phải chạy quyền lực hay chạy tiền và có thể cả hai. Những người nghèo thì làm gì có tiền và có quyền lực?

Đến như đồng bào Thủ Thiêm, cả hàng trăm hộ bị cưỡng chiếm đất đai vô pháp, khiếu kiện tập thể chứ không phải đơn lẻ ròng rã 20 năm trời mà chưa lấy lại được công bằng, thì làm sao mà nói tới công bằng chân chính cho số đông người nghèo.

Hay ngay chính ở giữa thủ đô Hà Nội, có thế lực như VTV mà phóng viên còn bị đe dọa giết cả nhà, tưởng là giúp cho bà con chợ Long Biên thoát nạn bảo kê, không ngờ lại đẩy họ thêm vào vòng nguy hiểm đến có thể phải bỏ cả nơi kiếm sống.

Nêu ra hai thí dụ trên để thấy công bằng và công lý còn là vấn đề nhức nhối cho xã hội và đặc biệt là mong manh cho các thân phận nghèo.

Còn xa hơn, nếu nhìn qua biên giới, thì thân phận người Việt, giàu hay nghèo, cũng chỉ được xếp vào hàng thứ cấp.

Những điều trên đây không phải là cách nhìn tiêu cực. Chỉ khi chúng ta dám nhìn vào các khuyết tật của chính mình thì mới có cơ may hoàn thiện, loại bỏ các khuyết tật đó. Một chiếc điện thoại cầm tay hay một chiếc xe hơi hạng sang vừa mới ra đời, người tiêu dùng thấy hoàn hảo, không chê trách. Vậy mà nhà sản xuất đã lên khuôn mẫu mã đời sau hoàn hảo hơn, chuẩn bị xuất xưởng ra thị trường.

Quy luật của Tạo hóa là không ngừng cạnh tranh và không ngừng tự tối ưu. Chúng ta là một thành phần của Tạo hóa. Chỉ có không ngừng tự hoàn thiện mới không bị đào thải khỏi cuộc cạnh tranh.

Khi hiểu được quy luật, chúng ta cảm ơn mọi sự chỉ trích.

Phan Văn Thắng:Tôi nghĩ là câu chuyện giàu – nghèo ở nước ta vẫn còn rất dài. Tôi hy vọng câu chuyện này sẽ được giải mã bởi nhiều người. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay.

 

 

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Điếu văn Tổng thống Bush Con tiễn biệt Bush Cha rơi nước mắt
Người dịch: Hương Giang
Rất nhiều bài học trong bài điếu văn tiễn biệt Cha – cố Tổng thống George H.W. Bush – đầy tiếng cười và nhiều nước mắt của cựu Tổng thống Bush Con. Những bài học làm người, bài học làm công dân, bài học làm lãnh đạo, bài học làm chồng, bài học làm cha, bài học làm ông và cả bài học làm con (Hương Giang)

.Điếu văn của người con tiễn biệt người cha, thật tuyệt về phẩm cách làm người! Đúng là có cả nước mắt lẫn tiếng cười. Bởi ngay cả khi trước đau buồn, con người ta vẫn có cái nhìn hài hước, đầy triết luận, để hiểu phải sống thế nào ở Đời!
—————   .
Photo Credit: AP

“Các vị Khách quý, các vị Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân, các viên chức chính phủ, viên chức nước ngoài, và bạn bè thân quý. Jeb, Neil, Marvin, Doro, và tôi cùng gia đình thân quyến chân thành cám ơn tất cả quý vị đã có mặt tại đây cùng chúng tôi.
Tôi có lần nghe người ta nói về con người, “Ý là chết trẻ càng trễ càng tốt.” (Nhiều tiếng cười vang lên).
 
Ở tuổi 85, một thú vui của cố Tổng thống George H. W. Bush là đề máy chiếc thuyền Fidelity, khởi động những động cơ gấp ba lần 300 mã lực để phóng, bay một cách vui vẻ qua Atlantic với thuyền Mật vụ đang căng thẳng theo sau.  
Ở tuổi 90, cố Tổng thống George H. W. Bush nhảy dù từ phi cơ, đáp xuống Nhà thờ St. Ann bên bờ biển ở Kennebunkport, tiểu bang Maine – nơi mẹ ông kết hôn và nơi ông vẫn thường đi lễ. Mẹ vẫn đùa, bảo bố chọn nơi đó phòng khi dù không bung. (Tiếng cười vang lên.)  
Ở tuổi 90, ông phấn chấn vui mừng khi bạn thân James A. Baker giấm giúi đem vào bệnh viện một chai vodka Grey Goose. Rõ ràng, chai rượu quá tốt với món bò steak mà Morton giao cho Baker. (Tiếng cười rộ lên)
Cho đến những ngày cuối đời, bố vẫn hướng dẫn con cháu. Khi về già, ông dạy chúng tôi sống có tuổi với phẩm cách, hài hước và tử tế như thế nào, và đến khi Chúa gọi thì can đảm gặp Ngài với niềm vui trong lời hứa của những gì phía trước.
Bài điếu văn xúc động tiễn cha của cựu tổng thống Bush con - Ảnh 3.
Từ trái sang: Tổng thống Donald Trump và phu nhân, cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân, cựu Tổng thống Bill Clinton và phu nhân, cựu Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân tại lễ tang cố Tổng thống George H.W. Bush ở Nhà thờ quốc gia ngày 5-12 – Ảnh: REUTERS
Một lý do Bố biết chết trẻ như thế nào là do ông gần chạm tay vào đó, hai lần. Khi còn thiếu niên, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn gần như lấy đi mạng sống của ông. Vài năm sau, khi một mình trên chiếc bè lênh đênh trên Thái Bình Dương, ông cầu nguyện được người ta đến cứu trước khi bị kẻ thù tìm thấy.
Chúa đã trả lời những lời cầu nguyện này, không những thế, Ngài có những dự tính khác cho  George H.W. Bush. Đối với bố, tôi nghĩ, những vết bầm tím của cái chết đã khiến ông trân quý món quà cuộc sống. Chính vì vậy, ông thề sẽ sống hết mình mỗi ngày.
Bố luôn luôn bận rộn –  một người đàn ông chuyển động không ngừng – nhưng ông chưa bao giờ quá  bận rộn chia sẻ tình yêu cuộc sống với những người chung quanh. Ông dạy chúng tôi yêu thích thiên nhiên, ông thích nhìn chó chọc ghẹo bầy chim. Ông yêu thích thả cá vược khó bắt. Và khi phải gắn liền với xe lăn, ông vui khi được ngồi trước hiên sau nhà tại Walker’s Point, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Đại Tây Dương. Đường chân trời trước mắt ông thật tươi sáng và tràn đầy hy vọng. Bố quả thật là một người rất lạc quan, và niềm lạc quan đó đã dẫn dắt con cái, và giúp mỗi một chúng tôi tin rằng, bất cứ điều gì đều có thể làm được.
Bố vẫn thường mở rộng những chân trời của mình với những quyết định can đảm. Ông ấy là nhà ái quốc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tạm gác đại học sang một bên để trở thành phi công chiến đấu Hải quân khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra. Giống như nhiều người trong cùng thế hệ, ông chưa bao giờ nói về thời gian quân ngũ cho đến trở thành nhân vật của công chúng, buộc ông phải nhắc đến. Chúng tôi được biết về cuộc tấn công ở Chichi Jima, hoàn thành nhiệm vụ, và bị bắn rơi. Chúng tôi được biết về cái chết của những đồng đội của bố, những người ông suốt đời giữ trong tâm tưởng, và chúng tôi biết về chuyện ông được cứu như thế nào.
Và rồi, một quyết định táo bạo khác, bố đưa gia đình trẻ của mình đang thoải mái ở bờ Đông dọn sang Odessa, Texas. Bố mẹ nhanh chóng thích nghi với môi trường cằn cỗi. Bố là người dễ chịu, ông tử tế, kết láng giềng với những phụ nữ mà bố mẹ và tôi dùng chung phòng tắm trong một căn duplex nhỏ, thậm chí ngay cả khi ông biết công việc của họ – những nữ hoàng bóng đêm. (Tiếng cười rộ lên)
Bố là người biết đồng cảm, có thể cảm thông với bất cứ ai trong mọi tất cả tầng lớp xã hội. Ông ấy không hoài nghi, ông biết tìm điểm tốt trong mỗi con người, và vẫn thường tìm thấy.
Bố dạy chúng tôi rằng, phục vụ công chúng cao quý và cần thiết, và một người có thể phục vụ với liêm chính và gìn giữ những giá trị quan trọng, như niềm tin và gia đình. Ông ấy tin mãnh liệt rằng, điều quan trọng là phải đền đáp cộng đồng và quốc gia nơi mỗi người sinh sống. Bố nhận ra rằng, tâm hồn sẽ luôn phong phú  khi chúng ta cho ra, khi phục vụ những người khác. Chính vì vậy, ông ấy toả sáng nhất trong một ngàn điểm sáng.
Trong thành công, bố không dành hết điểm. Khi thất bại, ông gánh vác trách nhiệm. Ông chấp nhận thất bại là một phần của việc sống một cuộc đời trọn vẹn, nhưng bố dạy chúng tôi không bao giờ để thất bại đánh gục. Ông cho chúng tôi thấy, những trở ngại có thể tăng thêm sức mạnh như thế nào.
Không có nỗi thất vọng nào của ông có thể so sánh với thảm kịch lớn nhất trong cuộc đời một con người, đó là sự mất mát đứa con. Jeb và tôi còn quá nhỏ để có  thể nhớ nỗi đau đớn mà bố mẹ trải qua khi em gái 3 tuổi của chúng tôi qua đời. Sau này chúng tôi mới biết, bố cầu nguyện cho em mỗi ngày. Ông gắng gượng được là nhờ tình yêu của Đấng Toàn năng, và tình yêu đích thực và bền bỉ của mẹ chúng tôi. Bố luôn tin, một ngày nào đó, ông sẽ lại được ôm con gái Robin yêu quý.
Bố thích cười, đặc biệt là cười nhạo bản thân. Ông có thể trêu ghẹo và châm chích ai đó, nhưng không bao giờ mạ lị. Ông xem những câu nói đùa hay rất quan trọng. Đó là lý do ông chọn Simpson. (Tiếng cười rộ lên). Có một nhóm bạn bè thân thích mà ông vẫn thường xuyên chia sẻ những câu chuyện đùa trên email. Hệ thống chấm điểm chất lượng của truyện cười mang tính rất George Bush. 7 – 8 điểm rất hiếm và được xem là người thắng lớn, nhưng hầu hết chúng không có màu sắc. (Tiếng cười).
George Bush biết làm bạn trung thành và đích thực như thế nào. Ông vinh danh và nuôi dưỡng nhiều tình bạn bằng sự rộng lượng và tâm hồn cho ra. Có rất nhiều thư viết tay, động viên, khích lệ, cảm thông hay cám ơn bạn bè và người thân.
Bố là người có khả năng phi thường trong việc đóng góp bản thân mà không mong báo đáp. Nhiều người sẽ nói với các bạn rằng, bố tôi là cố vấn, là một người cha tinh thần trong cuộc đời họ. Ông biết lắng nghe và biết an ủi. Ông là bạn của Don Rhodes, Taylor Blanton, Jim Nantz, Arnold Schwarzenegger, và có lẽ, không giống như những người khác, ông làm bạn với người đã đánh bại ông, Bill Clinton. Anh em chúng tôi xem những người đàn ông trong nhóm bạn này là “anh em khác mẹ.” (Tiếng cười.)
Bố dạy chúng tôi, không nên bỏ phí dù một ngày. Ông chơi golf với tốc độ đáng nể. Tôi luôn luôn tự hỏi, tại sao bố khăng khăng chơi golf tốc độ, ông đánh golf rất giỏi. Kết luận của tôi là, ông chơi nhanh, vì vậy có thể chuyển sang trận khác, tận hưởng thời gian còn lại trong ngày, tiêu hao năng lượng, sống hết mình. Ông được sinh ra với hai trạng thái: vắt kiệt sức, rồi ngủ. (Tiếng cười).
Bố dạy chúng tôi làm người cha, làm ông, làm ông cố tốt có ý nghĩa gì. Ông rất cứng trong những nguyên tắc riêng và luôn hỗ trợ khi chúng tôi bắt đầu trưởng thành. Ông khích lệ, động viên và an ủi nhưng không bao giờ mách nước. Chúng tôi thử sự kiên nhẫn của ông – tôi biết mình từng thử (Tiếng cười) – nhưng ông bao giờ cũng đáp lại với món quà tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện.
Thứ Sáu tuần trước, khi được báo ông đang lâm chung, tôi gọi điện đến. Người nhận điện thoại bảo, “Tôi nghĩ ông ấy có thể nghe được ông, nhưng hầu như cả ngày không nói tiếng nào. Tôi bảo, “Bố à, con yêu bố lắm, và bố là người cha tuyệt vời nhất trên đời.” Và câu nói cuối cùng của ông trên trái đất này là, “Bố cũng yêu con!”

Đối với chúng tôi, bố gần như hoàn hảo, nhưng không phải hoàn hảo tuyệt đối. Game của bố ồn ào, (tiếng cười) ông không giống như vũ công, ca sĩ Fred Astaire trên sàn nhảy, (tiếng cười) ông không thể tiêu hoá rau, đặc biệt là broccoli, (tiếng cười). Và nhân tiện, ông ấy truyền gen này sang cho chúng tôi (tiếng cười).
Cuối cùng, mỗi ngày trong cuộc hôn nhân 73 năm, Bố dạy chúng tôi làm một người chồng tuyệt vời có ý nghĩa như thế nào. Ông ấy kết hôn với nửa của mình, ông trân trọng mẹ, ông cười và khóc cùng với bà, ông dành trọn vẹn cho bà.
Khi tuổi xế chiều, Bố thích nắm tay mẹ khi xem các loạt phim truyền hình cảnh sát chiếu lại, vặn âm thanh lớn (cười). Sau khi mẹ qua đời, Bố mạnh mẽ nhưng ông chỉ muốn được nắm tay mẹ lại.
Tất nhiên, Bố dạy tôi một bài học đặc biệt khác. Ông cho tôi thấy ý nghĩa của việc làm Tổng thống, phục vụ quốc gia với liêm chính, lãnh đạo với lòng can đảm, và hành động với trái tim chứa đầy tình yêu dành cho đồng bào quốc gia. Khi lịch sử được viết thành sách, họ sẽ bảo rằng, George H.W. Bush là vị Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, một nhà ngoại giao chưa từng có, một vị Tổng Tư lệnh có thành tựu to lớn, và một người đàn ông lịch lãm thực thi nhiệm vụ với tư cách phẩm giá và danh dự.
Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống 41 của Hoa Kỳ nói rằng, ‘Chúng ta không thể hy vọng chỉ để lại cho con chiếc xe to hơn, một trương mục ngân hàng lớn hơn. Chúng ta phải hy vọng cho chúng biết ý nghĩa của một người bạn trung thành, một người làm cha làm mẹ biết yêu thương, một công dân biết xây dựng căn nhà của mình, cộng đồng của mình, khu phố của mình tốt hơn khi anh ta tìm đến. Chúng ta muốn những người đàn ông, những phụ nữ làm việc với chúng ta nói gì khi chúng ta không còn ở đó nữa? Rằng chúng ta hướng tới thành công hơn bất cứ hai chung quanh? Hay, chúng ta dừng lại hỏi thăm một đứa trẻ bị bệnh đã khoẻ chưa, và ghé một chút để trao đổi vài câu thăm hỏi bạn bè?’
Bố à, chúng con sẽ ghi nhớ lời bố, nhớ tất cả những điều này và nhiều hơn thế nữa!
Chúng con sẽ nhớ Bố. Tấm lòng lịch sự, chân thành, và tốt bụng của bố sẽ ở lại với chúng con mãi mãi. Chính vì vậy, qua nước mắt, hãy cho chúng con nhìn thấy phước lành khi được làm con của Bố và yêu thương Bố  – một người đàn ông cao quý và tuyệt vời, và người cha tốt nhất trên đời.
Và trong niềm thương tiếc, đau buồn, hãy để chúng con mỉm cười khi biết Bố đang ôm Robin và đang nắm tay mẹ!”  

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Bí kíp có đủ tiền sống từ 30 tuổi mà không cần đi làm


Anna Rajdl

Cha mẹ của Barney Whiter mua nhà khi ông còn là một thiếu niên bắt đầu vào cấp hai ở Anh Quốc vào năm 1981. "Họ làm một việc rất kinh điển với người Anh," ông cho biết, "mua nhà to, vay nợ nhiều."
Ngay sau đó, cuộc suy thoái lớn xảy ra và lãi suất vay tăng phi mã lên đến 17%.

Cha mẹ ông phải cắt giảm chi tiêu để có thể trả mức tiền vay quá lớn: họ hủy các kỳ nghỉ, cũng như bỏ mua báo. Cha Whiter ngừng mua bia và tự nấu bia uống. Và thái độ của Whiter với tiền đã thay đổi mãi mãi. "Tôi nhận ra rằng nợ ngân hàng nhiều tiền là điều rất đáng sợ," ông nói.
Khi lớn lên, ông đã sống và luôn cố gắng đảm bảo không bị rơi vào tình huống như cha mẹ mình.
Ông tốt nghiệp đại học ngành kinh tế và đã lấy được chứng chỉ kiểm toán viên - một ngành nghề mà anh theo đuổi để có thể có kỹ năng hiểu ngôn ngữ tiền bạc - và ông làm việc trong ngành tài chính 20 năm.
Nhưng dù lương tăng nhiều từ mức ban đầu là 12.500 bảng Anh (khoảng 16.000 đô la Mỹ) khi mới tốt nghiệp, nhưng lối sống của ông vẫn không có gì thay đổi.
Chris Mann
Image caption Barney Whiter, giờ đây 48 tuổi, vẫn đạp xe đi làm mỗi ngày để tiết kiệm tiền nghỉ hưu sớm. Ông đã tích lũy đủ để nghỉ hưu vào tuổi 43                
Trong hơn hai thập niên, Whiter luôn tiết kiệm ít nhất một nửa số tiền lương mỗi tháng để dành cho lúc nghỉ hưu, và bất kỳ khoản tiền thưởng nào cũng nhanh chóng được chuyển vào thành tiền tiết kiệm. Ông đạp xe đến văn phòng thay vì đi tàu điện, và giảm việc đi nhậu. Whiter, giờ đây 48 tuổi, đã tích lũy đủ số tiền để có thể nghỉ hưu vào tuổi 43.

Nhưng mãi đến một năm trước khi nghỉ hưu ông mới đọc được trang Mr Money Mustache, một blog do tác giả tên Peter Adene 44 tuổi người Canada viết - một người nổi tiếng trong giới nghỉ hưu sớm. Whiter nhận ra rằng ông đã vô tình trở thành một phần trong trào lưu ngày càng phổ biến trong giới lao động trẻ trên toàn thế giới: đó là trào lưu FIRE (viết tắt của cụm từ financial independence, retire early - nghĩa là độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm).

Cách nghỉ hưu sớm

Mô thức căn bản là như sau: những người ủng hộ cách làm này sống tiết kiệm nhất có thể, tiết kiệm một nửa thu nhập hoặc hơn trong suốt thời 20 - 30 tuổi. Mục đích là để có thể nghỉ hưu vào tuổi 30 hoặc muộn nhất là khi 40.
Phần "nghỉ hưu sớm" của trào lưu này có thể bị nhiều người hiểu nhầm. Rất nhiều tín đồ của trào lưu FIRE không có ý định dành hẳn 50 năm để chơi bài bridge hay đi du thuyền nghỉ dưỡng.
Thay vào đó, mục tiêu là tập trung vào sự độc lập tài chính: với mục đích tiết kiệm đủ tiền, và sống đơn giản, để nhiều thập niên sau họ có thể làm việc gì đó khác hơn thay vì chạy theo việc tăng lương và thăng tiến trong một công ty, hay lo lắng vì nợ ngân hàng khoản tiền lớn.
Và mặc dù ý tưởng này đã có từ nhiều năm trước, cộng đồng mạng đã khiến trào lưu FIRE có hiệu ứng trong thập niên vừa qua.
Trào lưu này bắt đầu nổi tiếng ở Hoa Kỳ, bắt nguồn từ một bản tin qua thư có tên là Tightwad Gazette. Bản tin này được in và phát hành bản cuối cùng vào tháng 12/1996, nhưng trào lưu tiết kiệm vẫn tiếp tục trên mạng - đặc biệt là trong cơn uể oải, rệu rã kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngày nay, hàng ngàn người khắp thế giới đã đăng ký nghe chương trình phát thanh, đọc blog và tham gia vào các diễn đàn thảo luận để có thể sống cần kiệm.
Một chương trình phát thanh podcast trên mạng có tên Fiiredrill nhận được hơn 7.000 lượt tải về nghe trong mỗi buổi phát và hiện nay nằm trong bảng 100 chương trình hàng đầu về đầu tư trên bảng xếp hạng của Apple ở Mỹ.
Có rất nhiều diễn đàn chuyên môn trên Reddit chuyên cho trào lưu FIRE ở Úc, Anh Quốc, Hà Lan và Ấn Độ, nơi mọi người chia sẻ bí kíp và hỏi lời khuyên.

Không giống ai

Những cộng đồng người trẻ bị ám ảnh tiết kiệm từng đồng để nghỉ hưu cho thấy một xu hướng: hầu hết giới trẻ Thiên niên kỷ đều không tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu.
Ở Hoa Kỳ, một báo cáo từ Viện nghiên cứu Quốc gia về An sinh Hưu trí cho thấy hai phần ba giới trẻ Thiên niên kỷ không hề tiết kiệm gì cho tuổi hưu. Dữ liệu từ Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cho thấy 58% người dưới 35 tuổi không hề có tài khoản hưu trí.
Helen Morrissey, một chuyên gia về hưu trí tại công ty bảo hiểm Royal London, đã tiến hành khảo sát 1.500 người trẻ thuộc thế hệ Thiên niên kỷ ở Anh Quốc vào năm ngoái và nhận thấy họ tiết kiệm khoảng 4,6% thu nhập cho tiền nghỉ hưu. "Mức này thấp hơn rất nhiều tiêu chuẩn hiện tại đề xuất tiết kiệm khoảng 12 -15% từ thu nhập là cần thiết."
ẢNH: Khi Barney Whiter bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu sớm, anh không nhận ra bản thân đã tham gia vào trào lưu FIRE ngày càng phổ biến. Nhờ vào việc lên kế hoạch, anh có thể nghỉ hưu ở tuổi 43 (Ảnh: Chris Mann)
Chris Mann
Khi Barney Whiter bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu sớm, ông không nhận ra bản thân đã tham gia vào trào lưu FIRE ngày càng phổ biến. Nhờ vào việc lên kế hoạch, ông có thể nghỉ hưu ở tuổi 43                
Với những người ủng hộ trào lưu FIRE, con số này là thấp. Thậm chí ở mức 12-15%, để có thể tiết kiệm một số tiền đủ lớn để sống dựa vào đó có thể tốn hàng thập niên. Để có thể nghỉ hưu càng sớm càng tốt, hầu hết mọi người phấn đấu tiết kiệm một nửa thu nhập, hoặc hơn số đó - trong khi cố gắng chi tiêu ít nhất có thể.

Chi tiêu ít hơn

Craig Curelop sống và tận hưởng phong cách này. Chuyên gia phân tích tài chính 25 tuổi này tuân thủ triết lý "sở hữu mọi thứ, không xài gì cả". Anh có một chiếc xe hơi, nhưng không bao giờ lái xe, mà cho xe thuê lại trên một trang web tên là Turo, còn bản thân mình thì đi xe đạp. "Tôi làm vậy và kiếm thêm được vài trăm đô la mỗi tháng," anh nói.
Curelop sống ở Denver, bang Colorado của Hoa Kỳ, anh thường cho thuê lại phòng ngủ trên Airbnb và ngủ ở phòng khách. "Tôi quyết định làm một phòng ngủ phụ ở phòng khách bằng cách đặt một bức ngăn phòng và dùng rèm cửa," anh giải thích. "Tôi đã sống như vậy một năm rồi."
Anh đã tiết kiệm được nhiều đến mức có thể mua một căn hộ thông tầng ở Denver vào tháng 4/2017, và cũng có thể mua thêm một căn nhà khác vào tháng Sáu năm nay - nơi anh sống một phòng và cho thuê lại các phòng khác, cùng với việc có thêm thu nhập từ tiền cho thuê lại căn hộ ban đầu.
"Giờ đây, tôi đang tiết kiệm khoảng 3.000 đến 4.000 đô la Mỹ mỗi tháng," anh cho biết. "Quan trọng nhất là, tôi có lẽ đã tiết kiệm khoảng 60.000 đến 70.000 đô la Mỹ trong 18 tháng qua từ khi tôi bắt đầu cho thuê ngôi nhà đầu tiên."
Phong cách sống này không phải là không gặp chỉ trích.
Một số người lo lắng rằng mục tiêu tiết kiệm quá lớn của những người theo trào lưu FIRE là không khả thi.
"Với tôi nó có vẻ như là phiên bản cực đoan của phương pháp ăn kiêng Atkins [phương pháp ăn kiêng low-carb]," Damien Fahy, một cố vấn hoạch định tài chính ở London cho biết. "Họ có một số khởi nguồn tốt đẹp và tích cực trong cách hoạch định tài chính," ông nói. "Nhưng tôi thực sự nghĩ đây là phiên bản cực đoan của cách làm đó và nó không hẳn phù hợp với tất cả mọi người."
Morrissey từ công ty bảo hiểm Royal London đồng tình. "Họ phải đảm bảo họ cũng đáp ứng một số nhu cầu khác," bà nói.

Bài toán cuộc sống

Một trong những khía cạnh gây tranh cãi của trào lưu FIRE là: bạn cần bao nhiêu tiền để có thể nghỉ hưu vào tuổi 30 hay 40? Người chỉ trích nói rằng những người theo trào lưu FIRE đánh giá quá thấp số tiền họ cần tiết kiệm.
Rất nhiều người (không phải tất cả) trong phong trào này thực hiện theo nguyên tắc 4%: chỉ rút khoảng 4% từ khoản đầu tư, thu nhập của bạn sẽ bao gồm hầu hết lãi suất và cổ tức, và bạn sẽ không tiêu phạm vào khoản tiền ban đầu. Nguyên tắc cơ bản ở đây là tiết kiệm số tiền gấp 25 lần mà bạn cần phải tiêu: ví dụ, với người cần rút 30.000 bảng Anh mỗi năm, họ sẽ cần phải tiết kiệm 750.000 bảng Anh.
Nhưng nguyên tắc này cũng có những sai sót, đặc biệt là khi áp dụng cho người trẻ. Quy tắc này thường được sử dụng cho người sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, với những người có vẻ không cần thêm tiền sau khoảng thời gian 30 năm.
Bài toán này không đúng, Holly Mackay, sáng lập của trang web tài chính tiêu dùng có tên Boring Money nhận định. "Nếu bạn nghỉ hưu ở tuổi 30, bạn có thể sống thêm 70 năm nữa. Tôi nghĩ cách này có chút gì đó quá ngây thơ."
Thiết lập một con số chính xác với số tiền mà một người cần nghỉ hưu ở tuổi 35 là khó, bà cho biết. Nếu một người muốn 20.000 bảng Anh, họ sẽ cần gấp 55 lần số tiền đó - đó là chưa tính còn có thêm các khoản đầu tư. "Vậy là cần phải có ít nhất nửa triệu bảng, và số tiền đó chỉ đem đến cho bạn 20.000 bảng Anh mỗi năm," bà giải thích.
Mức sống ở Anh cao hơn như vậy rất nhều - mức chi tiêu trung bình cho gia đình bốn người, theo Cục Thống kê Quốc gia ONS, là 39.000 bảng Anh (tương đương 50.000 đô la Mỹ). Sử dụng quy tắc của Mackay trong việc tiết kiệm gấp 55 lần con số đó, một người nghỉ hưu ở tuổi 35 sẽ cần 2,15 triệu bảng Anh (tương đương 2,75 triệu đô la Mỹ).

Cắt giảm chứ không phải nhịn

Cách tính toán trên mặc định rằng một người nghỉ hưu ở tuổi 35 sẽ không làm việc hoàn toàn nữa một khi họ "nghỉ hưu". Đó không phải là tình huống xảy ra với hầu hết những người tham gia trào lưu FIRE.
Gwen Merz 28 tuổi và đã có 200.000 đô la Mỹ trong tài sản (hầu hết là bất động sản, chứng khoán và một ít tiền mặt).
Cô gái người Mỹ này nghỉ công việc trong ngành công nghệ thông tin vào tháng Ba ở tuổi 27 và giờ đây làm dẫn chương trình Firedrill phát thanh trên mạng.
"Tôi không nghỉ hưu," cô nói. "Tôi vẫn phải làm việc nhưng tôi được tự do chọn làm việc mà tôi thực sự thích thú và việc đó có thể không kiếm được nhiều lắm."
Cô hy vọng đầu tư của cô sẽ đem lại thu nhập để sống dù cô có quyết định nghỉ làm hay không. Và với cô, FIRE không chỉ là chuyện tài chính - nó đem lại cộng đồng và tình bạn hữu. "Còn có rất nhiều người để bạn làm quen, những người không nhìn bạn tỏ ý coi thường chỉ vì bạn lái một chiếc xe hơn 13 năm tuổi."
Anna Radji                                             
Cô Gwen Merz 28 tuổi sống ở Minneapolis lái một chiếc xe 13 năm tuổi để có thể tiết kiệm tiền nghỉ hưu sớm
Chiếc xe cũ của Merz không phải là cách duy nhất mà cô cắt giảm chi tiêu trong cuộc sống. Cô rất thích một cái máy chơi game Nintendo Switch, nhưng cô cho rằng nó không cần thiết. Cô ít đi ăn ở nhà hàng hơn trước đây, và không đi du lịch nhiều.
Điệp khúc thường gặp giữa những người phê bình trào lưu FIRE là gì - đó là đánh đổi tất cả những vất vả ngắn hạn đó cho điều không biết trước, hay cho tích lũy dài hạn?
"Những người đó đã không hiểu," Merz cho bết. "Nếu bạn từ chối bản thân quá nhiều, bạn sẽ không hạnh phúc, và bạn sẽ không thể duy trì việc đó mãi," Merz khuyên rằng hãy thử cắt giảm những chi tiêu không cần thiết đến mức mà bạn cảm thấy khó chịu, sau đó đặt định mức trên mức đó là được. "Bạn nên có thể sống cuộc sống tốt nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ tiêu rất nhiều tiền."
Whiter đồng ý với ý kiến trên. "Bạn không cần phải đi vào quán bar đắt tiền trong trung tâm thành phố," anh nói. "Bạn có thể có thể cùng người yêu uống vài chai với nhau." Điều này áp dụng cho cả gia đình anh. Trước khi anh nghỉ hưu, anh nhận ra gia đình năm người của anh có thể sống tốt với 24.000 bảng Anh mỗi năm.
"Chúng tôi không nuông chiều chủ nghĩa tiêu dùng chóng vánh bằng cách mua cho con cái điện thoại iPhone đời mới nhất," anh nói. Anh mô tả lối sống của bản thân là tiết kiệm, không phải là khổ sở.
"Không có lý do gì để sống khốn khổ trong 20 năm để bạn có thể sống khổ sở thêm 20 năm nữa khi ngưng làm việc," anh cho biết.

Có được tự do

Mặc dù cụm từ "RE" (nghỉ hưu sớm) là một phần trong cụm từ FIRE của phong trào này, mục tiêu của Merz và Whiter không phải là nghỉ việc khi 27 hay 43 tuổi và không làm gì hết cho đến chết.
"Chúng tôi không định sẽ ngồi và uống cocktal Mai Tais cả ngày," Merz cho biết. "Con người có nhu cầu nội tại cần phải làm vệc. Chúng tôi cần cảm thấy là một thành viên có giá trị trong cộng đồng, và điều đó sẽ không ngừng chỉ vì bạn đã có số tiền như ý muốn trong ngân hàng."
Thay vào đó, số tiền giúp họ có sự linh hoạt được chọn làm điều họ muốn. Một số người chọn đi du lịch theo ngân sách, tất nhiên - trong khi số khác đơn giản là chọn lựa việc họ làm, thay vì cảm thấy bị mắc kẹt trong vòng quay chuột chũi của công việc.
"Tôi từng cảm thấy mình mắc kẹt trong hệ thống," Whiter cho biết. "Tôi từng cảm thấy mình ở trong một trại tù, cố gắng làm việc để duy trì một cuộc sống mà tôi không thực sự mong muốn."
Giờ anh sống tự do. "Rất nhiều phần trong đó là cảm xúc và tâm lý," anh nói.
"Bạn phải sống qua nó để hiểu nó mạnh mẽ tới mức nào."