Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

THU TÀN ĐỒNG SANG

 THU TÀN ĐỒNG SANG 


Tháng mười một đã về rồi em nhỉ !?

Em mang mùa Thu giấu kỹ nơi nào

Sáng hôm nay trở gió mùa Đông Bắc

Trong lòng ta nghe một chút nao nao

Ta đón chờ tháng mười một vừa trao

Cây chẳng còn xạc xào rơi rụng lá

Gió heo may theo mùa Thu vội vã

Nghiêng bên nào cũng nhớ quá Thu ơi !

Đón bình minh những tia nắng tinh khôi

Khúc giao mùa nghe đất trời khác lạ

Thôi em ơi chẳng thể nào mặc cả

Chút sắc vàng óng ả chẳng còn đâu !

Thấy bên đời tháng mười một đến mau

Nghe trong gió một màu Đông bàng bạc

Chút se lạnh cũng thấy lòng man mác

Ta cầm tay ngơ ngác giữa phố chiều

Đông đã về tháng mười một liêu xiêu. ..! 

             


 

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Đi tìm màu tím hoa sim

 Kỳ 8: Đồi sim vẫn tím chiều hoang

TTO - Thơ Hữu Loan đến nay được đăng không nhiều, nhưng chỉ vài tuyệt phẩm tình yêu như Màu tím hoa sim, Hoa lúa đã đưa ông lên hàng tượng đài thi ca bất tử.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 8: Đồi sim vẫn tím chiều hoang - Ảnh 1.

Bao năm qua và rất nhiều năm nữa, nhân gian vẫn thổn thức với:

"Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh vây quanh
"...

Bên tượng Hữu Loan

Bảo tàng Văn học Việt Nam hôm chúng tôi đến đang đóng cửa tránh dịch, hai hôm sau mới mở cửa. Gian trưng bày nhà thơ Hữu Loan ở tầng năm, nằm cạnh nhà văn Kim Lân và Bùi Hiển; đối diện với nhà thơ Quang Dũng và Hoàng Cầm.

Bức tượng đồng bán thân Hữu Loan rất sống động do người con trai út Nguyễn Hữu Đán chuyển tặng.

Sự gợi nhớ không chỉ ở dòng chữ "Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt", mà còn ở bó hoa sim chen lẫn hoa lúa vắt trên vai mang hồn hai bài thơ Mầu tím hoa sim và Hoa lúa gắn liền hai cuộc tình mà cũng là đỉnh cao sự nghiệp thi ca của nhà thơ Hữu Loan...

Phần giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ ghi rõ ông là "hội viên sáng lập Hội Nhà văn VN năm 1957". Năm trang bản thảo bài thơ Mầu tím hoa sim thủ bút Hữu Loan viết trên giấy mỏng ố màu thời gian được ghi chú là tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần thứ 3-2012.

Phía trên là bức ảnh đen trắng thi sĩ ngồi trên chiếu cói cùng các bạn văn. Hàng dưới bày các đồ dùng thường nhật của nhà thơ như quạt máy để bàn, radio, phích nước, bộ ấm chén và điếu cày.

Cảm động hơn cả là chiếc xe lăn gắn bên trên là chiếc ghế nhựa trắng cưa chân, một hiện vật làm gợi nhớ về hình ảnh nhà thơ những năm cuối đời...

Nhà thơ Lê Quang Sinh - phó giám đốc bảo tàng, kể khi nhận nhiệm vụ sưu tầm hiện vật của Hữu Loan, ông gọi về một nhà văn ở Thanh Hóa và thất vọng khi người này bảo "bản thảo mọi thứ bị đốt hết rồi còn đâu nữa".

May rằng sự thật ngược lại, ông được những người con tạo điều kiện hết mức, sưu tầm được nhiều thủ bút Hữu Loan. Đặc biệt là bản thảo tập thơ Hoa lúa do Hội VHNT Thanh Hóa đã hoàn thành biên tập nhưng chưa in vì dành tiền xây nhà tình nghĩa cho nhà thơ.

Hiện vật này được xem độc bản, rất nhiều thủ bút chỉnh sửa vô cùng quý giá. Cùng "hai ôtô hiện vật" chở về còn có thêm cây trúc trong vườn nhà thơ, hiện đang xanh tốt trong khuôn viên bảo tàng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm giám đốc bảo tàng, là người mê thơ Hữu Loan từ hồi còn đi học. Ông nhận xét Hữu Loan là một trong những nhà thơ thế hệ kháng Pháp tiêu biểu.

Nhưng khác với nhiều tác giả khác có thể chỉ một bài, Hữu Loan có nhiều bài trên các bút pháp khác nhau, thể hiện sự đa dạng của tâm hồn và cảm xúc...

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 8: Đồi sim vẫn tím chiều hoang - Ảnh 2.

Con trai út Nguyễn Hữu Đán lưu giữ nhiều bản thảo chưa công bố của Hữu Loan - Ảnh: THÁI LỘC

Những bức ảnh xưa quý giá

KTS Nguyễn Hữu Đán hẹn gặp chúng tôi tại trụ sở Công ty CP Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt mà ông làm giám đốc ở Hà Nội.

Ông dẫn chúng tôi lên tầng thượng, nơi dựng ngôi nhà gỗ phong cách xưa làm nhà truyền thống công ty. Trên bàn gỗ ở gian bên, bức tượng đồng kèm bài vị sơn thếp cùng một số kỷ vật của người cha Hữu Loan.

Câu chuyện kéo đến giữa khuya, ông dẫn chúng tôi lên tầng ba thắp hương cho bố mẹ trên bàn thờ gỗ sơn thếp rất đẹp ở nhà riêng. Trên chiếc tủ gỗ cũ kỹ được giới thiệu của bố và chuyển về từ Vân Hoàn, một bức tượng Hữu Loan, nhiều tranh, ảnh và bằng công nhận Giải thưởng Nhà nước...

Ông lục album gia đình, có rất nhiều bức ảnh xưa quý hiếm về nhà thơ. Đặc biệt là bức ảnh chân dung thời trai trẻ vô cùng hiếm hoi (mà về sau nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị chúng tôi chuyển lại cho Bảo tàng Văn học Việt Nam).

Tôi hỏi ngay chiếc bình hoa xưa, ông bảo kỷ vật đó quá đặc biệt, quá sâu nặng đối với bố. Ngày xưa đó chính là "chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh" được bố đặt trên bàn thờ mẹ Ninh ở Vân Hoàn.

Bố qua đời, sợ thất lạc vì nhà xưa không ai ở, ông đã thỉnh về Hà Nội. Và vì nó quá đặc biệt nên ông cất giữ kỹ lưỡng, cẩn thận qua nhiều lần chốt khóa. Bảo tàng Văn học Việt Nam rất muốn có hiện vật này nhưng ông phân vân bởi có ý định lập bảo tàng về bố tại gia đình...

Nhiều tác phẩm chưa đăng

Điều mong đợi nhất với chúng tôi là lúc giữa khuya ông Đán cẩn thận lấy ra các bản thảo bạc màu thời gian của bố. Thủ bút Mầu tím hoa sim (khóc vợ xấu số là Minh Đức Lê Đỗ Thị Ninh) nằm trong tập vở có in hình hai bé trai và gái vác xẻng lao động đề năm "49".

Đặc biệt, phần cuối bài thơ rất khác với bản lưu hành quen thuộc:

"... Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm...
Màu tím hoa sim tím tình tang lệ rớm
Trong tím màu hoa tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh sứt chỉ dù lâu
Ráng vàng ma
Và kèn rúc điệu quân hành vang vọng chập chờn
Theo bóng những binh đoàn biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh sứt chỉ dù lâu
".

Có nhiều bài thơ nổi tiếng khác như Đèo Cả, Tục đèo Cả, Hoa lúa, Quách Xuân Kỳ, Thánh mẫu hài đồng thủ bút nhà thơ, nhiều chỗ sửa chữa, gạch xóa.

Đặc biệt, một tập khá dày dùng chỉ khâu gáy, mục lục trước bìa đề các tác phẩm: Khát vọng hiến dâng, Huyền thoại người trâu ngựa, Ác hoa và nấm độc, Bi khúc địa cầu, Một mảnh hồn quê, Trần trụi 87, Chuyện tôi về.

Một tập trường ca khác ghi trong tập vở kẻ ô li của học sinh đề "hoàn chỉnh" khoanh trong nét mực tròn, ghi các phần: "I: Giải khúc hoàng hôn, II: Cuộc tiễn đưa kỳ lạ, III: Chuyện đi về. Rồi trường ca Trần trụi 87 hành được quay ronéo dài, ông Đán cho biết do một người quen đánh giúp nên nhiều khả năng không phải độc bản mà có thể có một vài bản.

Qua các bản thảo mới biết Hữu Loan từng sáng tác rất nhiều câu đối, dịch nhiều thơ Pháp và thơ Đường. Đặc biệt hơn cả là nhiều trang viết nội dung đậm chất suy tưởng, tự sự về các học thuyết, triết học, tôn giáo, văn chương nghệ thuật và nhân tình thế thái...

Chúng tôi được cầm trên tay những bản thảo với nét bút bay bổng của thi sĩ tài hoa mà cảm xúc dâng trào. Người con trai tâm sự nhiều bài thơ trên được bố viết trong giai đoạn chu du Bắc - Nam cuối thập niên 1980. Nhiều bài trong đó viết các vấn đề thời sự, "chưa đăng và chưa đăng được"...

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 8: Đồi sim vẫn tím chiều hoang - Ảnh 3.


Gian trưng bày nhà thơ Hữu Loan tại Bảo tàng Văn học Việt Nam - Ảnh: THÁI LỘC

Xứng đáng được tôn vinh

"Nhắc đến thơ ca kháng Pháp không thể không nhắc Hữu Loan với những bài thơ đi sâu vào lòng người. Nhà thơ sử dụng những bút pháp cũng như đề tài rất khác nhau. Từ tính chất hoành tráng, chiến đấu quyết liệt, đầy hào khí như bài Đèo Cả đến những bài trữ tình đắm đuối như Màu tím hoa sim.

Lại có những bài phảng phất tình yêu rất trong sáng như Hoa lúa. Những bài đó đã in vào tâm trí nhiều thế hệ, rất xứng đáng được tôn vinh"

Nhà thơ HỮU THỈNH (chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

"Cuối đời, bố tôi thường xuyên bảo: Tau thấy mẹ tau về. Kiểu như bố tôi cảm nhận bà nội tôi về rủ ông đi. Thấy chúng tôi thắp nhang lên bàn thờ mẹ Ninh ("nàng thơ" Mầu tím hoa sim), ông cũng dặn: Bọn bây nhớ cúng giỗ bà cho to vào".

 

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

 Kỳ 7: Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh    Đưa bài viết lên linkhay Đưa bài viết lên Google Bookmarks In bài viết này.

Cuối thập niên 1980, trong chuyến đi đầu tiên vào miền Nam sau gần 30 năm 'ẩn cư' dưới chân núi Vân Hoàn, nhà thơ Hữu Loan đã viết những câu thơ miêu tả mình:

 'Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh

suốt đời đã làm thất bại mọi âm mưu đẽo tròn'.

 
Suốt đời nhà thơ Hữu Loan sống chính trực, khí phách - Ảnh THÁI LỘC chụp lại tư liệu gia đình
Suốt đời nhà thơ Hữu Loan sống chính trực, khí phách - Ảnh THÁI LỘC chụp lại tư liệu gia đình
 
Hữu Loan bảo đó chính là "chân tính" của mình. Những người từng biết nhà thơ đều thừa nhận ông đã đi qua một cuộc đời nhiều biến động, thăng trầm chỉ bằng một lối đi duy nhất: chính trực.

"Bận làm người"

Trong khuôn viên xưa cạnh đình Vân Hoàn, đến nay vẫn còn ngôi nhà do Hữu Loan làm từ những năm 1980. Căn nhà nhỏ, ngói đã dột nát nhiều chỗ. Bờ tường vá víu xen kẽ mấy mảng gạch và bờ lô cũ kỹ loang lổ, những thanh tre làm rường cột, vì kèo cũng đã mục oằn.

Nơi tá túc thời gian dài của gia đình nhà thơ cùng khách khứa là... người ăn xin không chốn dung thân. Và đây là căn nhà thứ hai do Hữu Loan làm nên.

Trước đó khi mới về lại thôn Vân Hoàn, Hữu Loan đã tự tay dựng nên căn nhà mái cói và cỏ năn bứt ngoài bãi sông, cột kèo tre, xoan đốn hạ trong vườn. Còn vách nhà chỉ là mấy tấm phên đính tạm xung quanh.

Nhà không có cửa, ban đêm cả vợ chồng, con cái, mỗi người ngủ trên một ổ lót bằng rơm hoặc lá chuối khô. Mùa lạnh ai nấy chui vào bao gai, giữa nhà đốt thêm thanh củi lớn để sưởi ấm.

Cũng vì căn nhà tuềnh toàng chẳng giống ai như thế, có một câu chuyện về sau được lan truyền về tính khí của Hữu Loan. Người con trai Nguyễn Hữu Đán kể: "Bố vốn là một cán bộ về quê, chính quyền địa phương cho rằng ông đi thồ đá, làm nhà cửa sơ sài, họ kêu lên chất vấn ông sao không làm nhà đàng hoàng mà ở.

Ông trả lời thẳng: Tau bận làm người!". Câu nói "bận làm người" còn được kể nhắc nhiều lần, nhất là khi những vị khách mà ông không mặn mà "ghé thăm" căn nhà rách nát.

Cám cảnh túng khó, khoảng năm 1990 Hội Văn nghệ Thanh Hóa đã quyên góp được chừng 20 triệu đồng có ý in giúp Hữu Loan tập thơ bán lấy tiền hỗ trợ. Nhưng về Vân Hoàn thấy căn nhà quá dột nát, họ chuyển hướng xây nhà cho cụ.

Hội cử người sang gặp lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa xin thêm 20 triệu đồng, nói để in thơ cho Hữu Loan nhưng thực chất bù tiền làm nhà. Vị phó bí thư tỉnh ủy lúc ấy đã "quyết" những 22 triệu nên ngôi nhà tình nghĩa (nay còn thấy) mới được tiến hành.

Người trực tiếp lo việc này là ông Nguyễn Văn Túy, kể: "Chúng tôi phải đấu dịu là tiền do anh em trong hội văn nghệ quý mến góp lại, cụ mới đồng ý".

Ban đầu thi sĩ Mầu tím hoa sim đưa ý tưởng làm nhà giữa ao, trên mấy trụ bêtông rồi bắc cầu sang để trồng sen tỏa hương. Nhưng ông Túy bảo tiền chỉ đủ dựng mấy cái cọc và tấm lát cầu nên ông mới đồng ý theo bản vẽ do một kiến trúc sư chuẩn bị từ trước.

Hồi đó việc xây nhà "quy mô" ở Nga Sơn là cả vấn đề lớn, bởi "vài cọng thép, mấy bao ximăng chở đi ngoài đường cũng phải có giấy phép".

Cũng may nhờ có giấy phép cấp trên và những người thực hiện trong vai cán bộ cấp tỉnh lẫn ý kiến từ trên tác động mà công việc tiến hành thuận tiện. Kể cả việc mở mới lối đi cho xe chở vật liệu ngay sau đình Vân Hoàn. Nhờ vậy mà lối vào cố trạch Hữu Loan rộng rãi, thay cho con hẻm vòng vo nhỏ hẹp trước đó.


Một số kẻ không ưa, nhưng nhiều người rất mến mộ Hữu Loan - Ảnh THÁI LỘC chụp lại tư liệu gia đình
Một số kẻ không ưa, nhưng nhiều người rất mến mộ Hữu Loan - Ảnh THÁI LỘC chụp lại tư liệu gia đình
 
 Không bỏ qua chuyện bất bình

 Chứng kiến nhiều cảnh đói khổ quanh mình, Hữu Loan cho rằng do địa phương đã làm sai. Nhà thơ gần như cự tuyệt, không tiếp xúc với một số cán bộ từ khi về "ẩn cư" ở thôn Vân Hoàn. Ông Nguyễn Hữu Đán giải thích: "Họ lo ngại bố tôi vì nhiều vấn đề lắm.

 Về nhà rồi ông hay phản đối thẳng thừng những chính sách không hợp lý của hợp tác xã như việc bỏ lúa trồng đay mà ông dự báo sẽ làm dân đói".

 Mãi tận cuối đời, một số cán bộ đến gặp, Hữu Loan vẫn tỏ thẳng thái độ không thích. Ông Ngô Đăng Khoa, chủ tịch UBND xã Nga Phượng, thừa nhận mình là người thôn Vân Hoàn, nhưng bản thân cũng rất khó tiếp xúc được với nhà thơ yêu thích.

Sống với tâm trạng như thế, mỗi khi ra đường gặp phải chuyện gì bất bình, Hữu Loan sẵn sàng tham gia phân giải. Về điều này, cháu ngoại của Hữu Loan là Mỵ Quỳnh Lê - giảng viên khoa KHXH Đại học Hồng Đức - viết lại trên tạp chí Xứ Thanh tháng 11-2019: "Những đám tranh cãi nhau, đánh nhau không đám nào ông bỏ qua.

Đám nào ông cũng can dự với vai trò như một quan tòa. Hễ thấy ai phải là ông bênh vực bảo vệ, ai trái là ông sẵn sàng "tát sưng mồm" đứa "điêu ngoa", "xảo trá". 

Có người bị ông tát nhưng chỉ dám ôm miệng hỏi: "Cháu làm gì ông mà ông đánh cháu?". Ông trỏ thẳng mặt: "Tau đứng đây, tau lắng rồi. Mày sai, mày là đứa đểu, tau phải trừng trị những đứa đểu như mày".

Người con trai Nguyễn Hữu Vũ cũng xác nhận: "Ông hay thế lắm, thấy hai đám đánh nhau mà biết bên đúng bị yếu thế thì ông nhảy vào bênh liền. Nhiều lúc cũng bị đánh cho sứt mẻ. Nhưng ông chẳng sợ, về nhà còn lấy chuyện đó làm vui".

Rất nhiều người nhớ đến Hữu Loan với tư cách con người chính trực, hiệp nghĩa. Năm 2010, khi đám tang Hữu Loan đang diễn ra, cả người thân lẫn người chia buồn đều ngạc nhiên khi thấy một đội kèn tây từ nhà thờ giáo xứ Tam Linh (xã Nga Thắng, Nga Sơn) đến xin đồng ca đưa tiễn.

Người con trai Nguyễn Hữu Đán kể khi hành lễ xong, đội kèn tây mới giới thiệu là từ 60 năm trước, khi các vùng Công giáo còn khá biệt lập, Hữu Loan lúc bấy giờ là cán bộ cấp cao ở địa phương đã có ơn giúp đỡ giáo xứ dù chính ông phải gặp không ít khó khăn. Cha xứ lúc bấy giờ đã ghi lại di nguyện, truyền các đời cha xứ sau rằng phải trả ơn ông Hữu Loan".

Tâm sự về nhà thơ mà mình yêu quý, nhà văn lịch sử Hoàng Quốc Hải nói lời tận ruột gan: "Ông có cá tính rất ghê gớm. Tính cách ông khẳng khái.

Cả xã hội đi một đường nhưng ông có thể đi một đường khác. Một người can đảm phi thường thì mới sống như thế được. Dù những năm tháng đói, rách, làm những công việc nặng nhọc như thồ đá nhưng ông không bao giờ kêu khổ. Một người trí thức, tinh thông chữ Pháp, chữ Nho...".

 
Người thương, kẻ ghét
 
Là người thân với Hữu Loan hồi kháng chiến chống Pháp và giai đoạn nhà thơ làm báo Văn Nghệ ở Hà Nội, ông Hoàng Giáp (tức Hoàng Tấn Anh, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304 từng tham chiến ở Điện Biên Phủ) từng kể có rất nhiều kỷ niệm về tính tình chính trực của bạn.
 
"Một hôm, anh Hữu Loan tạt qua tôi mượn tiền. Tôi biết anh gặp chuyện gì khó lắm mới vậy, bởi tính anh không thích nhờ cậy. Tôi dúi tiền cho anh mà không hỏi lời nào. Nhưng Hữu Loan lại tự giải thích mượn giúp mấy bạn văn gặp khó, mặc dù tôi biết chính Hữu Loan cũng rất khổ".
 
Ông Giáp kể thêm có lần chứng kiến Hữu Loan mặt đỏ bừng bừng chạy qua ông mượn chiếc xe đạp để đi gấp.
 
Ông hỏi đi đâu thế, Hữu Loan vừa quay đầu xe vừa nói toáng lên: "Tau đi chửi cái thằng thủ trưởng ác nhân. Con người ta có mấy cái tem phiếu nuôi vợ con mà nó cũng cắt bóp. Mả cha nó".
 
Hữu Loan đi đấu tranh cho bạn hết lòng như thế, nên cuộc đời nhà thơ có rất nhiều người thương quý, cũng lắm kẻ quyền hành ghét cay ghét đắng.
 
Q.M.

 

Theo SƠN LÂM - THÁI LỘC (TTO)

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

ĐI TÌM MÀU TÍM HOA SIM

 Kỳ 6: Nghèo vật chất mà giàu nghĩa nhân


Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 6: Nghèo vật chất mà giàu nghĩa nhân - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Loan (ngồi giữa) cùng con 

cháu những năm 2000 - Ảnh: THÁI LỘC chụp tư liệu gia đình

Nhà thơ Hữu Loan có 10 người con và có đến hơn 40 cháu chắt. Con cháu đều xem ông là một tấm gương nhân nghĩa, cả đời sống và nghĩ đến những người nghèo khổ, thấp bé trong xã hội.

Lễ giỗ ấm cúng

Ngày 25-2-2020, nhằm ngày 3-2 năm Canh Tý, chúng tôi ghé nhà xưa của Hữu Loan ở làng Vân Hoàn đúng ngày giỗ 10 năm ông về miền thi ca vĩnh hằng.

10h sáng, bà Nguyễn Thị Hương, người con thứ hai, đã đến mở cửa nhà. "Con cháu đã có nhà riêng, từ ngày bố mẹ mất không ai ở, chỉ ghé thắp nhang và mỗi năm một lần dồn về cúng giỗ", bà Hương vừa nói vừa lau bàn thờ.

Bên ngoài, người cháu ngoại quét sân vườn, khói lá nghi ngút phủ lên căn nhà cũ kỹ mà năm xưa vợ chồng nhà thơ và 10 người con quây quần vượt qua khốn khó.

Đợt giỗ lần này thiếu ba gia đình, đó là người con đầu Nguyễn Hữu Cương đang ở TP.HCM, con gái thứ bảy Nguyễn Thị Định ở Đồng Nai và con gái út Nguyễn Thị Triệu hiện ở Hàn Quốc.

Bảy gia đình quây quần, nhà nào cũng đã ổn định kinh tế, không còn ai phải thiếu hụt khó khăn như thời của bố. Mỗi gia đình đều chuẩn bị hoa quả và một vài món đem đến bày biện, dâng cúng.

Ngay sau dâng hương, mâm cỗ được bày dưới mái tôn trên sân trước, có đủ các món từ gà, nộm, bánh lá, bánh lọc, cà ri bò, nem rán, canh mực, canh miến nấu cua...

"Ông cụ thích ăn rau lắm. Ông ăn uống dễ, thanh đạm, chỉ cần cơm với ít rau cũng xong bữa", bà Hương mở đầu câu chuyện về người bố đã đi xa đúng 10 năm. Tất cả như chợt nín lặng khi người con Nguyễn Hữu Đán nhắc: "Chúng ta đang ngồi ở chỗ nhà tre nứa tám mái của ông cụ anh nhỉ?"...

Những câu chuyện cũ bỗng ùa về. Nào là chuyện ông tự làm nhà, chở đá nhọc nhằn. Nào là chuyện ông muốn chụp lại cái cảnh ngôi nhà từ đọt cây dừa bên hồ cá mà không biết bằng cách gì.

Chuyện ông tự tay đào ao, chở đá xanh từ núi Vân Hoàn về xếp bờ ao, làm thêm mấy bậc tam cấp đá dẫn xuống làm chỗ rửa chân. Rồi chuyện ông mỗi ngày thắp nhang cạnh tảng đá xanh cạnh bên, hoặc uống trà hay rượu đều rưới lên tảng đá cho thập loại chúng sinh không nơi nương tựa mà hồn còn lẩn khuất đâu đây...

Đòi đánh nếu không trả giấy báo nhập học

Khui chai rượu mang từ Đức về giỗ bố để mời mọi người, ông Nguyễn Hữu Đán lần lượt giới thiệu cho chúng tôi về người nhà. Với tay sang bà Hương, ông Đán nhắc kỷ niệm cũ của bố: "Chị Hương giờ đã là giáo viên về hưu, mà năm xưa không có bố xông vào ty giáo dục tìm giấy báo thì không làm giáo viên được đâu".

Câu chuyện lại kéo về ngày đói khổ, vợ chồng nhà thơ người thồ đá, người làm bánh bán chui nuôi con. Những người con của Hữu Loan ngày ấy chỉ học bổ túc, nhưng trí nhớ và sự thông minh thì cả làng biết đến.

Con trai cả Nguyễn Hữu Cương sau thi đại học biết mình đủ điểm du học Liên Xô. Vậy mà giấy báo nhập học chờ hoài không thấy, dù Hữu Loan mấy lần đạp xe lên huyện và lên tỉnh hỏi thăm. Đời ông Cương từ đó rẽ sang hướng khác, quần quật đủ thứ nghề chân tay cho tới khi con gái vào TP.HCM lập nghiệp rồi theo vào.

Đến lượt bà Hương thi sư phạm cũng gặp cảnh không nhận được giấy báo. Thương con gái và cũng muốn con làm nghề dạy chữ, Hữu Loan đạp xe thẳng lên Ty giáo dục Thanh Hóa. Những người trên ty lại bảo về hỏi huyện, huyện bảo hỏi xã, xã lại chỉ cấp trên. Tức mình, ông xông thẳng vào ty giáo dục, bảo nếu không trả giấy thì không về.

Ông Đán kể: "Bực quá, bố xông vào xáo lục đống giấy tờ làm rối tung. Người phụ trách lúc ấy kêu ông đừng làm vậy rối loạn, hỏng hết việc.

Ông bảo: "Chính tau đẻ ra cái này", ý nói ông từng tham gia thành lập chính quyền và làm chức tương đương phó chủ tịch, phụ trách giáo dục. "Nếu hôm nay mày không trả, tau đánh mày".

Lần ấy, không những tìm được giấy báo nhập học cho con gái, ông còn tìm được cả giấy báo nhập học cho con trai đầu nhưng đã bị sửa thành Nguyễn Hữu Cường. Những người con cho rằng chính lý do ấy làm ông chán ngán không cho các con sau học đến nơi đến chốn.

Người con gái thứ ba Nguyễn Thị Hà học hết bổ túc lớp 10, ông cho nghỉ ở nhà lấy chồng. Con trai thứ tư Nguyễn Hữu Vũ học hết lớp 7 cho theo nghề cơ khí, xẻ gỗ và người con gái kế út Nguyễn Thị Chung học hết lớp 9...

Trường hợp ông Đán học xong phổ thông cũng nghỉ mở tiệm hàn ở quê. Đến năm 1991 khi cửa hàng đắt khách, ông Đán lại quyết chí đi học và đỗ vào ngành kiến trúc ở Hà Nội.

Ông nhớ như in: "Bố bảo tôi thôi đừng đi học nữa, học hay làm gì thì cũng kiếm tiền. Có cửa hàng, có nghiệp vụ, có khách hàng, làm kiếm tiền lương thiện rồi. Lên Hà Nội cũng khó khăn, bố mẹ không có điều kiện giúp con được".

Tuy nhiên, đó chỉ là những lo lắng của người cha trước thời cuộc. Khi ông Đán nói rõ sở thích được đi học của mình, người bố cũng không can ngăn nữa.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 6: Nghèo vật chất mà giàu nghĩa nhân - Ảnh 3.

Con cháu dâng hương lễ giỗ 10 năm thi sĩ về miền thi ca vĩnh hằng 

- Ảnh: SƠN LÂM

Bài học nhân nghĩa

Những người con nhắc rất nhiều đến sự dạy dỗ của một người bố rất ân tình, nhân nghĩa, luôn quan tâm và thương những thân phận nghèo khổ.

Khi rời báo Văn Nghệ ở Hà Nội về quê trong cảnh túng thiếu, vậy mà Hữu Loan sẵn sàng cho một gia đình mượn nhà ông trước đó ở tiếp để thu hoạch hết vụ hoa màu trong vườn nhà.

Phần mình, ông dẫn vợ con sang vùng Nga Điền, Nga Sơn xin cày mấy mẫu ruộng do người vào Nam bỏ hoang.

"Cái nhà tự tay bố tôi làm lợp cói, cỏ năng. Mỗi đêm mưa dột, cả nhà phải lóp ngóp chen nhau che nước. Có đợt bão về, gió chiều nào phải hùa nhau đứng vịn chống cột ngược lại chiều ấy cho khỏi sập nhà.

Con còn nhỏ, bố phải nằm thế khum lưng chồm che cho con khỏi ướt suốt cả đêm, vậy mà ông thường kêu mẹ dẫn mấy người ăn xin rách rưới, hôi hám, không nơi nương tựa về cho tá túc, ăn uống cùng.

Thiếu thốn, nhà chật còn không đủ chỗ cho con đông vậy mà cảnh mấy người ăn xin chen ăn, chen ngủ trong nhà như một điều tự nhiên" - ông Nguyễn Hữu Vũ kể và cho rằng tình thương người trong mấy người con cứ thế thấm dần theo bố.

Phần mình, nhà thơ Hữu Loan rất trực tính, nghiêm nghị, đôi khi đánh con sai quấy. Khi con cái hục hặc với nhau, ông chỉ đánh đứa lớn hơn, vì ông cho rằng đứa lớn thì sẽ làm gương được cho đứa nhỏ.

Tuy nhiên, ông cũng là một người cha rất tinh tế, không bao giờ dạy con theo khẩu hiệu mà gần như mọi lúc mọi nơi, từng ngày từng giờ để dạy con, phân giải cho con cái hiểu mọi thứ khúc mắc.

"Đặc biệt thấy làm sai là ông nói ngay, chứ không dạy dỗ theo kiểu hình thức phải thế này, thế nọ. Bố là người rất sát thực và có khả năng nhìn thấu tim mỗi người con. Bố cũng dạy mỗi người mỗi khác, hễ ai có tính xấu thì bố sẽ có cách để làm giảm tính xấu lại", ông Đán xúc động nhắc nhớ bố mình.

“Lúc tôi đang là sinh viên ở Hà Nội, bố rất lo tôi bị nghiện hút vì nước da tôi trắng và gầy. Có lần về nhà, bố bảo tôi leo lên dọn mấy cây dừa trong vườn và hái xoài rồi đứng dưới dõi theo.

Đến khi tôi làm một hơi hết 5 cây, leo xuống thở hổn hển thì bố cười bảo: “Mày còn làm được như thế thì đúng là chưa nghiện hút thật”. Đấy, bố luôn có cách tinh tế, lo toan và để ý con kiểu ấy” - ông Nguyễn Hữu Đán cho biết.

Vào miền Nam sau gần 30 năm "ẩn cư" dưới chân núi Vân Hoàn, Hữu Loan đã viết những câu thơ tự sự: 

"Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh
Suốt đời đã làm thất bại mọi âm mưu đẽo tròn".