Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

DOANH NGHIÊP VÀ KHIẾU KIỆN


Các cơ quan tư pháp nghĩ gì khi Doanh nghiệp tìm đến... xã hội đen vì ngại kiện ra tòa án?

20/11/2018 13:55 GMT+7

TTO - Theo VCCI, tình trạng nhũng nhiễu, chạy án là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại khởi kiện ra tòa án. Thay vào đó là tìm đến các biện pháp khác, trong đó có... xã hội đen.


Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, cải cách chưa được thực chất - N.AN

Đó là thông tin được ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế (VCCI), đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp: Góc nhìn từ doanh nghiệp, diễn ra vào sáng 20-11 tại Hà Nội.

Ông Tuấn nói rằng tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện có xu hướng giảm theo thời gian, cụ thể năm 2013 tỉ lệ này là 60% thì năm 2017 giảm còn 30%.

Theo ông Tuấn, tình trạng nhũng nhiễu, chạy án là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại khởi kiện.

"Những doanh nghiệp đã từng tiếp xúc với tòa án có cái nhìn tiêu cực hơn, hệ thống tư pháp không hiệu quả khiến doanh nghiệp có xu hướng không sử dụng, mà thay bằng các biện pháp khác như trọng tài thương mại, xã hội đen..." - ông Tuấn cho hay.

Cũng theo ông Tuấn, cho dù Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu không được thanh, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm song theo khảo sát với trên 10.000 doanh nghiệp, vẫn có tới 40% bị thanh kiểm tra từ hai lần trở lên. Năm 2016, con số này là 48%.

Các doanh nghiệp vẫn phàn nàn là nhiều cơ quan bộ ngành cùng thanh kiểm tra gây nên sự chồng chéo.

Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, hầu hết các bộ ngành đều có cắt giảm vượt mục tiêu. Song điều tra của VCCI cho thấy có tới 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, 42% doanh nghiệp gặp khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Đáng chú ý, liên quan đến xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành, chỉ 43% doanh nghiệp đánh giá có sự thay đổi tích cực trong đó, những cải cách tốt như Nghị định 15 về an toàn thực phẩm thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm giúp tiết kiệm 90% chi phí hành chính, 10 triệu ngày công và 3.700 tỉ đồng mỗi năm.

Có 49% ý kiến trả lời cho rằng các thủ tục giấy phép xây dựng có chuyển biến nhưng vẫn khá phức tạp, dẫn tới doanh nghiệp phải thuê khoán dịch vụ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bắt tay giữa cán bộ nhà nước và công ty tư vấn bên ngoài.

Dẫn chứng từ việc sửa đổi Nghị định 15 về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm dù được đánh giá cao, nhưng cũng phải mất tới 5 năm mới thay đổi, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng chi phí xã hội bỏ ra là quá lớn.

"Thật lạ lùng trên thì nóng mà dưới vẫn lạnh ngắt. Vậy mà tại sao vẫn để bộ máy như vậy? Cần phải đào thải chứ không thể để tiêu tốn tiền của của dân. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần lên tiếng nhiều hơn" - bà Lan khuyến nghị.

Theo đó, cần tập trung cao hơn nữa cải cách hành chính và bộ máy, cắt bỏ điều kiện kinh doanh cần được xem là yêu cầu của chính bộ máy chứ không phải việc cắt bỏ là "vì doanh nghiệp, cho doanh nghiệp".

N.AN

 

APEC & WTO

 KHÔNG DÌM ĐỐI TÁC XUỐNG BIỂN NỢ

“Chúng tôi không dìm đối tác của mình xuống biển nợ. Chúng tôi không cưỡng ép hay buộc các bạn thỏa hiệp sự độc lập của quốc gia”, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nói trong bài phát biểu ngày 17/11 tại hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea, ám chỉ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.


Mỹ-Trung bất đồng, lần đầu tiên APEC bế mạc không thông cáo chung

Lần đầu tiên trong lịch sử APEC, các nhà lãnh đạo 21 quốc gia và nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong ngày bế mạc 18/11/2018 không ra được thông cáo chung. Hội nghị thượng đỉnh tại Papua New Guinea năm nay được đánh dấu bởi sự đối đầu trực diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết : « Các nhà lãnh đạo quyết định, thay vì ra bản tuyên bố chung như truyền thống, đã giao cho nước chủ nhà Papua New Guinea thay mặt tất cả các thành viên đưa ra một bản tuyên bố sau đó ».

Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neil chỉ phát biểu ngắn gọn với báo chí : « Quý vị biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi biết nói gì hơn ? ». Còn thủ tướng Canada Justin Trudeau nhìn nhận đã có những quan điểm khác biệt, nhất là về thương mại.

Theo một số nguồn tin, trước thượng đỉnh APEC Hoa Kỳ đã thúc đẩy các nước khác chấp nhận một bản tuyên bố gần như là tố cáo Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), kêu gọi thay đổi sâu sắc tổ chức quốc tế này. Đối với Bắc Kinh, nước hưởng lợi rất nhiều từ khi gia nhập WTO, đây là đòi hỏi không thể chấp nhận được vì sẽ bị thiệt hại không nhỏ.

Không khí đã nóng lên từ hôm qua, với cuộc đấu khẩu giữa phó tổng thống Mỹ Mike Pence và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Pence kêu gọi các nước trong khu vực đứng về phía Hoa Kỳ, không nên bị dẫn dụ bởi chính sách ngoại giao bẫy nợ thiếu minh bạch của Bắc Kinh.

Tại diễn đàn doanh nghiệp, phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh : « Chúng tôi không nhấn chìm các đối tác trong một biển nợ. Chúng tôi không ép buộc, không hối mại, không làm ảnh hưởng đến nền độc lập của quý vị ». Ông Mike Pence nói về « vành đai nhằm bóp nghẹt »  « con đường một chiều », hàm ý mỉa mai sáng kiến « Một vành đai, một con đường » của Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình, nổi bật nhờ sự vắng mặt của tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin, trước đó vài phút đã bênh vực kế hoạch « Một vành đai, một con đường » (Con đường tơ lụa mới), nói rằng đây « không phải là một cái bẫy như một số người nói ». 

Trong những tháng gần đây Washington và Bắc Kinh đã thi nhau áp thuế lên hàng hóa của đối thủ. Tập Cận Bình đả kích « chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương », nhưng ông Mike Pence cũng không vừa, tuyên bố Washington không hề nhường bước « một khi Trung Quốc không chịu thay đổi thái độ ».

Trong hậu trường, đã có một số tiếng nói lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ tác động đến các nền kinh tế APEC.

Công kích Vành đai và Con đường

Phát biểu trước các lãnh đạo tham dự hội nghị ở Papua New Guinea, ông Pence khẳng định nước Mỹ có “cách tiếp cận đúng nguyên tắc” trong việc hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo Straits Times.

Dù bài diễn văn kéo dài 25 phút của phó tổng thống Mỹ không một lần đề cập đến sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, nó đủ để người nghe nhận thấy ông đang muốn ám chỉ mô hình cho vay của Trung Quốc, theo SCMP.

“Có nước đang chào mời các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và khắp nơi trên thế giới vay tiền phát triển cơ sở hạ tầng, thế nhưng những điều khoản vay lại vô cùng mờ ám“, ông nói.

“Những dự án mà nước này hỗ trợ thường thiếu tính bền vững và có chất lượng kém. Tuy nhiên, các khoản vay thường đi kèm nhiều ràng buộc và dẫn đến nợ nần chồng chất”, phó tổng thống Mỹ ám chỉ tình trạng nhiều nước trong khu vực, như Sri Lanka, Malaysia hay Maldives không đủ khả năng thanh toán các khoản vay từ Trung Quốc.

Đừng chấp nhận những khoản nợ nước ngoài có thể khiến các bạn đánh mất chủ quyền”, ông Pence nhấn mạnh trong bài phát biểu ngay sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Hãy bảo vệ lợi ích của các bạn, sự độc lập của các bạn. Và hãy như nước Mỹ, luôn đặt đất nước của các bạn lên hàng đầu”, ông kêu gọi các nước trong khu vực ủng hộ “sự lựa chọn tốt hơn” thay vì để nền kinh tế rơi vào bẫy nợ.

Trong bài phát biểu ngay trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy hợp tác tòan cầu và thương mại quốc tế. Ông cho rằng, mọi vấn đề đều có thể được giải quyết thông qua tham vấn và đối thoại.

“Lịch sử đã chứng minh rằng, khi xảy ra đối đầu, dù thông qua hình thức chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng, không ai là người chiến thắng”, ông cảnh báo.

Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông

 Dựa trên nguyên tắc nền tảng trong tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, như: Quyền tự do hàng hải và hàng không, sự tôn trọng chủ quyền các nước và các quyền cá nhân. Ông cũng gửi đi thông điệp Mỹ sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông.
 
WTO: Ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ, nói Trung Quốc "đã thiếu cư xử" với tư cách của một thành viên của WTO.
Ông Hassett cũng cho rằng chiến lược cứng rắn của ông Donald Trump về thương mại quốc tế đang đạt hiệu quả.

Tiến sĩ Hassett cho biết WTO đã đóng một vai trò lịch sử rất quan trọng trong việc giúp hiện đại hóa thế giới. Nhưng ông cũng nghĩ rằng nó đã khiến Mỹ thất vọng ở nhiều mặt.
Ông nói rằng WTO cần phải cải thiện việc đối phó với các nước không tuân thủ các quy tắc và sẵn sàng nhận thua tại WTO vì hình phạt quá nhẹ.
Ông Hassett đặt ra ba giải pháp để giải quyết tình trạng trên: thông qua đàm phán song phương, cải cách WTO hay thậm chí loại Trung Quốc ra khỏi WTO. Điều này có thể sẽ không xảy ra, nhưng nó vẫn rất kinh ngạc khi nghe những lời này từ một nhân vật cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ.