Các cơ quan tư pháp nghĩ
gì khi Doanh nghiệp tìm đến... xã hội đen vì ngại kiện ra tòa
án?
20/11/2018
13:55 GMT+7
TTO - Theo VCCI, tình trạng nhũng
nhiễu, chạy án là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại khởi kiện ra tòa án. Thay
vào đó là tìm đến các biện pháp khác, trong đó có... xã hội đen.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, cải cách chưa
được thực chất - N.AN
Đó là thông tin được ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp
chế (VCCI), đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo thực hiện Nghị
quyết 19 và 35 về cải
cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp: Góc nhìn từ doanh
nghiệp, diễn ra vào sáng 20-11 tại Hà Nội.
Ông Tuấn nói rằng tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi
kiện có xu hướng giảm theo thời gian, cụ thể năm 2013 tỉ lệ này là 60% thì
năm 2017 giảm còn 30%.
Theo ông Tuấn, tình trạng nhũng nhiễu, chạy án là nguyên
nhân khiến doanh nghiệp ngại khởi kiện.
"Những doanh nghiệp đã từng tiếp xúc với tòa án có
cái nhìn tiêu cực hơn, hệ thống tư pháp không hiệu quả khiến doanh nghiệp có xu
hướng không sử dụng, mà thay bằng các biện pháp khác như trọng tài thương mại,
xã hội đen..." - ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, cho dù Chính phủ đã có chỉ thị yêu
cầu không được thanh, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm song theo khảo sát
với trên 10.000 doanh nghiệp, vẫn có tới 40% bị thanh kiểm tra từ hai lần trở
lên. Năm 2016, con số này là 48%.
Các doanh nghiệp vẫn phàn nàn là nhiều cơ quan bộ ngành
cùng thanh kiểm tra gây nên sự chồng chéo.
Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, hầu hết các bộ
ngành đều có cắt giảm vượt mục tiêu. Song điều tra của VCCI cho thấy có tới 58%
doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, 42% doanh nghiệp gặp
khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện.
Đáng chú ý, liên quan đến xuất nhập khẩu và kiểm tra
chuyên ngành, chỉ 43% doanh nghiệp đánh giá có sự thay đổi tích cực trong đó,
những cải cách tốt như Nghị định 15 về an toàn thực phẩm thay đổi từ tiền kiểm
sang hậu kiểm giúp tiết kiệm 90% chi phí hành chính, 10 triệu ngày công và
3.700 tỉ đồng mỗi năm.
Có 49% ý kiến trả lời cho rằng các thủ tục giấy phép xây
dựng có chuyển biến nhưng vẫn khá phức tạp, dẫn tới doanh nghiệp phải thuê
khoán dịch vụ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bắt tay giữa cán bộ nhà nước và công ty tư
vấn bên ngoài.
Dẫn chứng từ việc sửa đổi Nghị định 15 về quản lý an toàn
vệ sinh thực phẩm dù được đánh giá cao, nhưng cũng phải mất tới 5 năm mới thay
đổi, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng chi phí xã hội bỏ ra là quá
lớn.
"Thật lạ lùng trên thì nóng mà dưới vẫn lạnh ngắt.
Vậy mà tại sao vẫn để bộ máy như vậy? Cần phải đào thải chứ không thể để tiêu
tốn tiền của của dân. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần lên tiếng nhiều hơn"
- bà Lan khuyến nghị.
Theo đó, cần tập trung cao hơn nữa cải cách hành chính và
bộ máy, cắt bỏ điều kiện kinh doanh cần được xem là yêu cầu của chính bộ máy
chứ không phải việc cắt bỏ là "vì doanh nghiệp, cho doanh nghiệp".
N.AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét