Kỳ 2: Chị xoáy theo dòng nước
Tìm về "nàng thơ"
Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi tìm về ấp Thị Long, huyện Nông Cống - nơi được ghi nằm lại của "người vợ chờ bé bỏng chiều quê". Bất ngờ qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Đán bảo: "Mẹ già tôi không nằm ở Nông Cống. Mẹ đang nằm ở nghĩa trang làng Định Hòa ở TP Thanh Hóa, cũng là quê của bà".
Làng Định Hòa thuộc phường Đông Cương, nằm cách cầu Hàm Rồng vắt qua sông Mã non ba cây số đường chim bay.
Tìm đến nhà thờ họ Lê Đỗ, ông thủ từ Lê Đỗ Dạng giới thiệu say sưa về ngôi nhà thờ cổ ba gian chạm trổ công phu được làm từ thời Khải Định, là nhà thờ cổ hiếm hoi, gần như duy nhất còn lại trong vùng.
Bên bảng phả hệ treo trên bức tường, ông diễn giải rằng ngài tổ Lê Thành đến đất Định Hòa lập ấp từ mấy trăm năm trước, vốn là công thần nhà Lê Trung hưng được ban quốc tính nên con cháu về sau lấy họ Lê Đỗ. Bảng phả hệ thể hiện người cha Lê Đỗ Kỳ đời thứ 17, bà Ninh đời 18.
Nằm cách khu dân cư Định Hòa một cánh đồng rộng trồng nhiều hoa hồng và rau màu tươi tốt, nghĩa trang họ Lê Đỗ với hàng trăm ngôi mộ xếp theo thế thứ.
Phần mộ "nàng thơ" nằm ở dãy thứ sáu, tấm bia ghi rõ: "Mộ chí bà Lê Thị Ninh, đời thứ 18, sinh năm 1932, tạ thế 29-4-1949". Sau thắp hương, ông Dạng dẫn chúng tôi vào làng để tìm gặp ông Lê Đỗ Tùng, trưởng ban điều hành dòng họ.
Ông Tùng là cán bộ về hưu, không biết có người trong họ vốn là "nàng thơ" dù ông rất thích bài thơ Mầu tím hoa sim. Ông "hi vọng" nhiều thông tin sẽ nằm trong gia phả mà mình lưu giữ.
Chúng tôi lần giở bản gia phả trong sự hồi hộp, bỗng "bắt phải vàng" ở đời thứ 18, mục 238, ghi rõ rành: "Lê Thị Ninh, tức Lê Đỗ Thị Ninh (1932-1948, giỗ ngày 29-5), cha: Lê Đỗ Kỳ, mẹ: Đái Thị Ngọc Chất, chồng: Nguyễn Hữu Loan (nhà thơ, 1916-2010), mộ ở làng Định Hòa".
Thông tin trong gia phả dù vài độ lệch về ngày tháng nhưng khẳng định rõ phần mộ kia chính xác là "người vợ chờ bé bỏng chiều quê" của thi sĩ tài hoa Hữu Loan.
“Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương” vẫn đang được gia đình lưu giữ
Ám ảnh người chị xoáy theo dòng nước
Nhờ ông Tùng, chúng tôi liên lạc với ông Lê Đỗ Bình - em trai "nàng thơ" - và chốt cuộc hẹn tại Hà Nội. Ngồi trên phiến đá xanh trước đền Ngọc Sơn bên hồ Gươm, ông kể nhiều về một thời loạn lạc tứ tán.
Từ đầu năm 1947, tiêu thổ kháng chiến, ngôi nhà lớn ở Thanh Hóa bị giật sập, cả gia đình sơ tán lên ấp Thị Long sinh sống, nơi người bố có trang trại rộng chừng 5-7 mẫu.
Đến đoạn giọng ông chùng nghẹn xuống, nhắc hình ảnh người chị xoáy trôi theo dòng nước mấy chục năm nay vẫn mãi trong tâm trí mình.
"Sông Chuồng hôm ấy trong mùa nước dữ, chảy xiết, dâng cao. Mẹ tôi cùng chị Ninh đưa quần áo ra bến giặt, tôi và hai đứa em nữa cũng theo sau. Chị Ninh không may bị trượt chân, tôi nhìn thấy chị bị dòng nước xoáy cuốn vào và đưa đi.
Mẹ tôi la hét gọi người đến cứu nhưng vì dân ở cách xa, không ai nghe thấy. Mãi lúc sau, một thanh niên xuống vớt chị lên, cách chỗ trượt chân khoảng chừng trăm mét. Mẹ tôi bất thần không biết gì nữa" - ông Bình kể.
Bà Đái Thị Ngọc Chất tang trùng tang, đau đớn tột cùng bởi người mẹ ruột sống cùng mình cũng qua đời trước đó không lâu. Bà cho an táng con gái cạnh người mẹ.
Mãi đến năm 1967, bà sai ông Bình về Thị Long tìm mộ mẹ và con gái đưa về cải táng đầu làng Định Hòa. Sau này khi Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa xây dựng, phần mộ bà Ninh tiếp tục được dời đến nghĩa trang gia đình.
Trong câu chuyện dài, ông nhớ mãi hình ảnh người chị gái có "khuôn mặt khá bầu, người hơi đậm, thấp và nhỏ nhắn" và ngậm ngùi vì di ảnh duy nhất bị thất lạc trong chiến tranh.
Sau đợt cải cách ruộng đất 1954, ông Bình tìm về Vân Hoàn ở cùng anh rể hơn 1 tháng mới ra Hà Nội.
Ông nhớ mãi Hữu Loan hồi đó "suốt ngày đọc sách, rồi đi ra đi vào, viết lách làm thơ. Thỉnh thoảng anh đưa tôi đi về mấy xóm chài xem họ xiếc tép, làm cá. Cái thời cơm gạo khó khăn, hai anh em ăn toàn khoai lang".
Sau đó không lâu, khi Hữu Loan đang làm báo Văn Nghệ, ông Bình cũng tìm đến nhà anh rể gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở lại 2 tuần để chờ một người anh từ chiến khu trở về.
Năm 1985, ông Bình lại về thăm anh rể ở Vân Hoàn, giai đoạn bài thơ Mầu tím hoa sim "đã công khai, nổi tiếng như cồn". Ông kể: "Anh Loan bảo tôi: "Người ta sẽ đến đây tìm mộ nàng thơ Mầu tím hoa sim. Tôi muốn đưa mộ bà Ninh về Vân Hoàn này".
Tôi trả lời anh rằng chị gái đã bị di dời nhiều lần, nay đã mồ yên mả đẹp. Vả lại anh bây giờ đã yên bề gia thất, mười người con sum vầy, có người chăm sóc. Đưa chị về đây cũng cô quạnh lắm, chẳng nên chút nào".
Gia đình "nàng" không dám nghe bài thơ
Ông Bình kể khi còn sống, mẹ không bao giờ cho nghe bài thơ Mầu tím hoa sim. Hễ ai đọc lên là bà khóc. Mãi sau khi mẹ qua đời (1987), anh em trong gia đình mới đọc và nghe các bài hát phổ thơ, vậy mà không lần nào không rơi nước mắt.
"Bây giờ chúng tôi già rồi, "trơ" ra rồi, vậy mà đọc còn thấy đau xót lắm, bởi vì anh Hữu Loan viết tình cảnh rất thật. Ba người anh đi bộ đội, người em chưa biết nói đều có.
Còn đồi sim, trong trí nhớ tôi hồi ấy nơi trang trại ở vùng bán sơn địa Thị Long, màu tim tím cứ trải dài đến tận núi. Rồi những hình ảnh mẹ tôi "ngồi bên mộ con đầy bóng tối", "bình hoa ngày cưới thành bình hương"... tất cả đều thật hết" - dừng kể, ông khẽ đọc những câu thơ trong nỗi buồn miên man.
Câu chuyện gia đình Hữu Loan lẫn gia đình "nàng thơ" Mầu tím hoa sim cho biết rằng Hữu Loan luôn thương, kính và biết ơn người mẹ vợ Đái Thị Ngọc Chất.
Tuy nhiên, theo ông Bình, có lẽ vì lý do hai bên có những điều khác nhau nên ít liên lạc. Đến khi người mẹ mất ở Hà Nội, gia đình ông cũng không báo.
Khi biết tin, Hữu Loan đã làm đôi câu đối vừa thể hiện dâng mẹ, vừa ẩn ý trách cứ: "Rể khôn đền, gái ngắn phận sao đền, ơn cứu, ơn mang, ơn đoán giữa một tương lai nhân cách/ Sống khó gặp, chết vì sao không gặp, khóc nguồn, khóc núi, khóc ai cùng đương đại loạn thiên lương".
Mà không buồn sao được, những đoạn trong Mầu tím hoa sim viết thật đến mức… rờn rợn về bối cảnh, về người mẹ và về ba người anh “biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng”.
Đó là anh đầu Lê Đỗ Khôi (liệt sĩ trong trận Điện Biên Phủ), anh kế Lê Đỗ Nguyên (tức trung tướng Phạm Hồng Cư, nay 94 tuổi, đang ở Hà Nội) và Lê Đỗ An (nguyên phó Ban Dân vận Trung ương Đảng).
Về “những em nàng” là Lê Đỗ Khang, Lê Đỗ Bình, Lê Đỗ Thái và “em chưa biết nói” là Lê Thị Như Ý (lúc ấy chưa đầy 2 tuổi, đang là giáo viên về hưu ở Hà Nội)…
Hữu Loan từng làm "quan to" ở Thanh Hóa và "công việc sang trọng" ở báo Văn Nghệ, hội viên Hội Nhà văn VN, nhưng cả hai lần ông bỏ ngang về quê bởi cá tính bộc trực, quyết liệt của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét