Về việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước
Vừa qua có một
số cách gọi khác nhau như “nhất thể hóa”, “hợp nhất”, “kiêm chức”
hay “kiêm nhiệm”… tôi nghĩ là đều chưa chuẩn, mặc dù nhiều người đã viết
các từ ấy trong ngoặc kép.
Đảng và nhà nước về bản chất và chức năng là hai chứ
không phải một. Đảng lãnh đạo bằng các
giá trị, chứ không phải bằng quyền lực. Cần đổi mới phương thức lãnh đạo
của đảng theo hướng này. Còn nhà nước
thì quản lý bằng pháp luật, bằng quyền lực được nhân dân ủy quyền. Đảng không phải là nhà nước. Và nhà nước là
của dân chứ không phải riêng của đảng. Không thể nhà nước hóa đảng và cũng
không thể đảng phái hóa nhà nước. Vì vậy đảng và nhà nước không thể nhập lại
thành một, nên không thể nhất thể hóa hay sáp nhập.
16:30 |
Thứ năm, 25/10/2018 0
Báo Người Đô
Thị giới thiệu những phân tích về mô hình “nhất thể hóa”, với bài viết của TS.
Vũ Ngọc Hoàng (Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, nguyên Phó trưởng ban thường
trực Ban Tuyên giáo Trung ương) và cuộc trò chuyện với LS. Nguyễn Tiến Lập luật
sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự.
Còn kiêm chức
hay kiêm nhiệm thì cũng không phải vì hai chức danh đó ở hai tổ chức khác nhau,
chứ không phải trong cùng một tổ chức, và cũng không thể việc này hay việc kia
là chính, còn việc khác là thứ. Việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước
thực ra đó là chuyện phân công một người làm hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ bên
đảng và một nhiệm vụ bên nhà nước.
Bộ máy gọn nhẹ
Một người làm
hai nhiệm vụ với rất nhiều công việc quan trọng như vậy thì liệu có làm hết
không, có khả thi không? Tất nhiên là có vất vả hơn, nhưng cả hai việc này đều
nhằm một mục đích phục vụ nhân dân, miễn là nhân sự cụ thể có đủ nhân cách và
năng lực để thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, lâu nay trên thực tế không ít việc cụ
thể còn chồng chéo và trùng lắp giữa hai chức vụ này, một nguyên thủ quốc gia
từ nước khác đến ta phải có mặt hai người để tiếp đón. Nay với cách phân công
này sẽ gọn bớt bộ máy của hệ thống chính trị, thuận tiện cho sự kết hợp công
việc của Đảng và Nhà nước trong đối nội và cả trong đối ngoại.
Tôi biết có
những lo ngại về tập trung quyền lực vào một người như vậy liệu có dẫn đến xem
nhẹ vai trò của tập thể, dễ lạm quyền, lộng quyền không? Đó là sự phân vân và
câu hỏi phản biện cần thiết. Tôi không nghĩ cách phân công này sẽ làm cho vai
trò lãnh đạo của tập thể bị xem nhẹ. Thử xem nếu tập thể ở đây là Bộ Chính trị
thì vai trò lãnh đạo Nhà nước của Bộ Chính trị chẳng những không giảm đi mà
thậm chí còn tăng hơn do có Tổng bí thư đồng thời trực tiếp làm Chủ tịch nước.
Mặt khác, tiếng
nói của Chủ tịch nước trong Bộ Chính trị bây giờ cũng mạnh hơn. Vừa tốt cho mặt
này và cả mặt kia, kể cả đối với Đảng và đối với Nhà nước. Còn vấn đề dân chủ
nói chung ở nước ta thì đúng là còn nhiều mặt chưa tốt, phải thường xuyên nâng
cao, phát huy, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội, bắt đầu
từ nhận thức, rồi đến cơ chế, thể chế. Đây là một vấn đề rất lớn, là giải pháp
quan trọng bậc nhất cần được tập thể và cá nhân các vị lãnh đạo hết sức quan
tâm, tập trung chỉ đạo việc đổi mới, cải cách để ngày càng tốt hơn, thực chất
hơn.
Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng
7.2015. Ảnh: TTXVN
Trở lại việc
phân công nhân sự. Tôi thấy ở một số nước phát triển họ bố trí nhân sự lãnh đạo
chủ chốt cấp quốc gia khối hành pháp chỉ có hai người, tổng thống và phó tổng thống,
hoặc thủ tướng và phó thủ tướng, trong khi ở nước ta hiện nay nếu tính Chủ tịch
và Phó chủ tịch nước, Thủ tướng và các Phó thủ tướng, rồi kể cả Tổng bí thư và
Thường trực Ban Bí thư phần lớn công việc chỉ đạo thường xuyên cũng liên quan
đến hành pháp, thì tổng số lên đến 10 người. Tuy nhiên, cũng không thể vì vậy
mà bảo ta dân chủ hơn họ, còn họ thì dễ lạm quyền, lộng quyền hơn ta. Đó là
chưa nói họ có nhiều mặt thậm chí còn tốt hơn ta vì họ đã có kinh nghiệm tổ
chức nhà nước pháp quyền mấy trăm năm rồi mà ta rất nên nghiên cứu tham khảo
với tinh thần thật sự cầu thị.
Trên thế giới
đã và đang có nhiều nước áp dụng mô hình này, kể cả các nước ở gần và ở xa ta,
kể cả nước nhỏ và nước lớn, kể cả nước tư bản chủ nghĩa và nước định hướng theo
xã hội chủ nghĩa. Ta đã và đang thấy, có nhiều tổng thống hoặc thủ tướng hoặc
chủ tịch nước đồng thời là người đứng đầu của đảng cầm quyền. Và ngay cả ở nước
ta trước đây, lúc sinh thời, Bác Hồ vừa đứng đầu Nhà nước đồng thời đứng đầu
Đảng.
Dân bầu trước
Đảng bầu sau
Tất nhiên việc
ủng hộ mô hình này là nói chung nhất, về mặt khoa học của công tác nhân sự, chứ
không phải là một quy định cứng nhắc, máy móc bắt buộc lúc nào và trong bất kỳ
hoàn cảnh nào cũng đều phải nhất nhất như vậy, bởi vì nó phải được thực hiện
thông qua bầu cử dân chủ, tất nhiên là theo pháp luật và điều lệ. Bí thư là do
Đảng bầu ra, còn chủ tịch là do dân bầu (hoặc là tổ chức đại diện của họ bầu).
Cho nên, diễn
đạt chặt chẽ là, giới thiệu Tổng bí thư hoặc bí thư để Quốc hội hoặc hội đồng
nhân dân các cấp xem xét bầu chủ tịch. Làm vậy không có gì là mất dân chủ, vì
chẳng có cuộc bầu cử nào trên thế giới mà không có việc đề cử, giới thiệu ứng
cử viên hoặc tự ứng cử.
Tất nhiên cách
phân công nhân sự theo mô hình này chỉ mới là một việc cụ thể, dù là rất quan
trọng, trong rất nhiều việc của quá trình đổi mới thể chế. Nhiều người tâm
huyết với sự nghiệp chung của đất nước rất mong muốn ban lãnh đạo của đất nước,
trước nhất là Đảng, sẽ tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện
và đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Ví
dụ, cho nghiên cứu, tích cực chuẩn bị về tư tưởng và khung pháp lý để khi có đủ
điều kiện thì có thể tổ chức cho nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch nước và chủ
tịch hội đồng nhân dân.
Việc bầu cử
người vào các vị trí dân cử sẽ thực hiện thông qua thể chế có tranh cử thực
chất và bình đẳng giữa các ứng cử viên. Sau khi trúng cử thì chủ tịch nước và
chủ tịch các hội đồng nhân dân có quyền thật sự trong việc giới thiệu nhân sự
thủ tướng và các chủ tịch ủy ban nhân dân để Quốc hội và hội đồng nhân dân xem
xét phê chuẩn. Chủ tịch nước và chủ tịch hội đồng nhân dân có quyền đình chỉ và
cách chức thủ tướng và chủ tịch ủy ban nhân dân khi các nhân sự ấy có các vi
phạm nghiêm trọng.
Sau khi trúng
cử chức danh đứng đầu Nhà nước và hội đồng nhân dân thì các nhân sự ấy sẽ được
Đảng xem xét để bầu bí thư. Tức là việc bầu cử bí thư của Đảng sẽ thực hiện sau
khi bầu cử chủ tịch (trước đó thì Đảng đã có giới thiệu nhân sự tham gia tranh
cử chủ tịch). Các ý kiến vừa nêu là đề xuất một phương án, còn có thể có nhiều
phương án khác, nên mở ra mà thảo luận để chọn phương án tối ưu cho đất nước,
và cả cho Đảng nữa, không học theo nước ngoài nào một cách máy móc và cũng
không bảo thủ, giáo điều. Làm việc đó chính là triển khai trên thực tế việc đổi
mới thể chế.
Tổ chức Đảng có
thẩm quyền cần chủ động tổ chức nghiên cứu các phương án, rồi lãnh đạo phát huy
dân chủ để thảo luận và đi đến kết luận một cách dân chủ, khoa học, đó chính là
lãnh đạo công cuộc đổi mới.
Dù áp dụng cách
phân công này hay cách phân công khác (còn gọi là mô hình) thì điều đáng nói
nhất trong công việc xây dựng nhà nước pháp quyền và đảng cầm quyền vẫn là nhất
thiết phải thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực bằng thể chế (chứ không phải
cứ nhiều cán bộ chủ chốt trong bộ máy thì càng kiểm soát tốt). Thậm chí, nếu
thể chế kém thì càng nhiều người, nhiều đầu mối càng khó kiểm soát, và vì vậy
càng dễ lạm quyền, lộng quyền. Việc kiểm soát quyền lực thì đến nay nghị quyết
của Đảng đã nói rồi, Tổng bí thư và Trưởng ban Tổ chức trung ương đã nói rồi,
đó là việc rất cần thiết, nhưng các bước triển khai để thực hiện cụ thể thì còn
chậm chạp, chưa tích cực.
Phân công theo
mô hình nào mà không tổ chức tốt việc kiểm soát quyền lực thì đều dẫn đến lạm
quyền, lộng quyền, bởi bản chất quyền lực luôn có mặt trái là vậy. Mà lạm
quyền, lộng quyền thì tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa bộ máy, đó là một quy luật,
không thể tránh khỏi, dù cho đảng cầm quyền và nhà nước ấy ban đầu có tốt đến
bao nhiêu đi nữa. Một người đứng đầu tốt là hết sức quan trọng, nêu gương về
nhân cách chính là một cách làm cho văn hóa thấm sâu để thành nền tảng, tuy
nhiên vẫn là rất chưa đủ nếu không có một thể chế tốt về kiểm soát quyền lực và
thúc đẩy sự phát triển năng lực của con người.
Kiểm soát quyền
lực như thế nào?
Phải kiểm soát
quyền lực bằng quyền lực, trước nhất là quyền lực nhà nước, đồng thời là quyền
lực trong nội bộ đảng cầm quyền và bằng các quy định khác về thực thi dân chủ,
như quyền tham chính của dân, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo
chí để thể hiện chủ kiến, phát huy công luận với vai trò mạnh mẽ của truyền
thông và phát huy vai trò của các tổ chức dân sự trong việc nói lên tiếng nói
của dân.
Trong đó, kiểm
soát quyền lực bằng quyền lực là quan trọng nhất, vì người hoặc tổ chức không
có quyền lực hoặc quyền lực ít thì khó (hoặc không thể) kiểm soát quyền lực của
người hoặc tổ chức có quyền lực nhiều. Để thực hiện kiểm soát quyền lực bằng
quyền lực nhà nước thì việc phân quyền giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư
pháp phải khoa học, theo hướng không chồng chéo mà có độc lập tương đối, không
tập trung cao nhất cho một nhánh nào, mà hài hòa, cân đối, có kiểm soát chéo
lẫn nhau.
Người dân chỉ
có thể tham gia kiểm soát quyền lực khi họ được thể chế trao quyền và bảo vệ
họ. Vấn đề tòa án hiến pháp, luật trưng cầu dân ý, cũng như một ủy ban giám sát
(hay kiểm tra) do đại hội bầu ra là những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu và
chuẩn bị các điều kiện để thực hiện khi các cơ sở khoa học đã được làm rõ.
Có ý kiến hỏi
rằng, người nắm quyền hành cao như vậy cần hội đủ những tiêu chuẩn và điều kiện
gì? Theo tôi, thứ nhất là cái tâm, hết lòng với sự nghiệp vì dân, vì nước; thứ
hai là sự trong sạch, liêm khiết, gương mẫu về đạo đức và lối sống, được mọi
người nể trọng; thứ ba là có quyết tâm đổi mới để phát triển dân tộc và đất
nước, đủ năng lực lãnh đạo công việc; thứ tư là tự học không mệt mỏi để thường
xuyên tiếp cận tinh hoa văn hóa và trí tuệ của dân tộc và nhân loại.
Vũ Ngọc Hoàng