Ghế ngồi Thủ tướng
(Hồi ký cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung- Bak)
Trong một đoạn hồi ký của cựu Tổng thống Hàn Quốc – Lee
Myung-Bak, ông đã chia sẻ một kinh nghiệm khó quên của bản thân mình. Đó
là việc xảy ra khi ông đến Malaysia phát triển sự nghiệp thời ông còn là
chủ tịch của Công ty xây dựng Hyundai.
Trải qua những cạnh tranh khốc liệt, ông đã giúp công ty
giành được hợp đồng xây dựng công trình “cây cầu Penang”. Buổi lễ khởi công
long trọng công trình này được tổ chức vào năm 1982, ông là người trực tiếp ở
tại hiện trường để chỉ đạo, chuẩn bị một sân khấu giống như nghi thức của buổi
lễ ở Hàn Quốc mà có Tổng thống tham dự.
Trước buổi lễ một ngày, tổng thư ký của Thủ tướng Malaysia
– Mahathir đã đến hiện trường để kiểm tra công tác chuẩn bị, ông đã rất ngạc
nhiên và hỏi ông Lee: “Trên chỗ ngồi của Thủ tướng đã có mái hiên
che nắng, nhưng còn 5.000 người ngồi phía dưới thì làm thế nào đây?”
Ông Lee bị sốc khi nghe thấy câu hỏi ấy liền nói: “Tại
Hàn Quốc từ trước đến nay là chỉ suy xét để ý đến chỗ ngồi của Tổng thống, còn
ở Malaysia thì sao?”
Ông Tổng thư ký không chút do dự liền nói: “Ông
muốn làm sao thì làm, hoặc là 5000 chỗ ngồi ở phía dưới cũng phải có mái hiên
che nắng, hoặc là dỡ bỏ mái hiên che nắng trên ghế ngồi của Thủ tướng và
phu nhân Thủ tướng đi”.
Sau khi ông Lee Myung-Bak nghĩ hết các biện pháp để che
nắng cho 5000 chỗ ngồi phía dưới, ông Tổng thư ký lại đến và lại đưa ra một câu
hỏi mới: “Tại sao hai chiếc ghế ngồi lại to như thế?” Ông Lee
trả lời: “Ồ, đây là ghế chuẩn bị cho Thủ tướng và phu nhân.”
Ông Tổng thư ký lại hỏi: “Mông của Thủ
tướng to hơn mông của người khác sao?” Ông Lee hiểu ra liền lập
tức đổi hai chiếc ghế thành hai chiếc giống như của những người khác.
Ghế ngồi của Thủ tướng đương nhiên không phải là do
kích thước to nhỏ của mông định ra, mà ông Lee làm như vậy là vì vấn đề tôn
nghiêm, sự cao quý của địa vị… Nhưng kỳ thực, một khi nếu như đã bị mất
lòng dân rồi thì chiếc ghế to nhỏ liệu có thể bù đắp được sự trông mong của
người dân? Một khi đã bị mất lòng dân rồi thì danh dự còn được lưu giữ lại
không?
Người lãnh đạo của Malaysia không muốn ngồi vào
chiếc ghế lớn hơn, có mái che mưa che nắng trong khi chỗ ngồi của người dân
thường không có một phần là bởi vì e ngại con mắt của dân chúng, nhưng cũng có
lý do về sự tôn nghiêm, tôn trọng quyền con người.
Bộ phim “Saving Private Ryan,” (giải cứu binh nhì Ryan)
của Mỹ, đã nói lên một điều rằng, xem một dân tộc, một đất nước, một
thành phố là có tôn nghiêm hay không, là có đáng để người ta tôn kính hay
không, thì phải nhìn xem người dân bình thường trong dân tộc, đất nước, thành
phố đó có được sự tôn trọng về quyền con người hay không.
Trong cuốn “Hiếu kinh”, đã trích dẫn lời của Khổng Tử,
rằng: “Cố bất ái kỳ thân nhi ái tha nhân giả, vị chi bội đức; bất kính
kỳ thân nhi kính tha nhân giả, vị chi bội lễ. Dĩ thuận tắc nghịch, dân vô tắc
yên.” (Thánh Trì chương thứ 9). Ý nói, nếu như có người không yêu
thương cha mẹ, người thân và đồng bào của mình, mà đi yêu thương người ngoài,
thì gọi là “bội đức” (đi ngược lại với đức). Bất kính với cha mẹ, người thân và
đồng bào của mình, mà kính trọng người khác thì gọi là “bội lễ” (đi ngược lại
với lễ). “Yêu thân kính thân” là việc thiện do làm thuận theo Đạo trời, “không
yêu không kính” là việc ác do làm trái ngược với đạo Trời. Làm người lãnh
đạo nên phải dùng thuận đức mà giáo hóa, khiến dân chúng yêu kính, nếu như
đi ngược lại mà “bội đức bội kính” thì dân chúng lấy gì mà làm gương đây?
Cho nên, phải có nền tảng là “không bội đức, không bội
lễ” rồi, thì mới có thể nói đến tinh thần bác ái giống như câu “Cố nhân
bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử” – “Lễ Ký” (tạm dịch: mọi người
không chỉ thân ái với những người thân của mình, không chỉ yêu thương bảo vệ
con cái của mình). Như thế mới có được một dân tộc, một thành phố hài hòa
và được mọi người coi trọng.
Nói cho cùng, những thành tựu và sự phát triển của
một dân tộc ngày hôm nay hay trong tương lai, trước hết phải vì để người dân
được sống sung túc, an khang chứ không phải là phát triển để cho người ta xem,
cho người ta nhìn vào. Việc tạo ra sự tôn nghiêm của một quốc gia, một dân
tộc cũng giống như thế, trước tiên là nhằm để chia sẻ cho công dân của
mình được hưởng sự tôn nghiêm này, có như thế mới có thể chia sẻ được cho người nước ngoài cùng hưởng chung sự vinh
quang, phồn thịnh ấy. Đó mới là hợp Đạo lý.
An Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét