Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Điếu văn Tổng thống Bush Con tiễn biệt Bush Cha rơi nước mắt
Người dịch: Hương Giang
Rất nhiều bài học trong bài điếu văn tiễn biệt Cha – cố Tổng thống George H.W. Bush – đầy tiếng cười và nhiều nước mắt của cựu Tổng thống Bush Con. Những bài học làm người, bài học làm công dân, bài học làm lãnh đạo, bài học làm chồng, bài học làm cha, bài học làm ông và cả bài học làm con (Hương Giang)

.Điếu văn của người con tiễn biệt người cha, thật tuyệt về phẩm cách làm người! Đúng là có cả nước mắt lẫn tiếng cười. Bởi ngay cả khi trước đau buồn, con người ta vẫn có cái nhìn hài hước, đầy triết luận, để hiểu phải sống thế nào ở Đời!
—————   .
Photo Credit: AP

“Các vị Khách quý, các vị Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân, các viên chức chính phủ, viên chức nước ngoài, và bạn bè thân quý. Jeb, Neil, Marvin, Doro, và tôi cùng gia đình thân quyến chân thành cám ơn tất cả quý vị đã có mặt tại đây cùng chúng tôi.
Tôi có lần nghe người ta nói về con người, “Ý là chết trẻ càng trễ càng tốt.” (Nhiều tiếng cười vang lên).
 
Ở tuổi 85, một thú vui của cố Tổng thống George H. W. Bush là đề máy chiếc thuyền Fidelity, khởi động những động cơ gấp ba lần 300 mã lực để phóng, bay một cách vui vẻ qua Atlantic với thuyền Mật vụ đang căng thẳng theo sau.  
Ở tuổi 90, cố Tổng thống George H. W. Bush nhảy dù từ phi cơ, đáp xuống Nhà thờ St. Ann bên bờ biển ở Kennebunkport, tiểu bang Maine – nơi mẹ ông kết hôn và nơi ông vẫn thường đi lễ. Mẹ vẫn đùa, bảo bố chọn nơi đó phòng khi dù không bung. (Tiếng cười vang lên.)  
Ở tuổi 90, ông phấn chấn vui mừng khi bạn thân James A. Baker giấm giúi đem vào bệnh viện một chai vodka Grey Goose. Rõ ràng, chai rượu quá tốt với món bò steak mà Morton giao cho Baker. (Tiếng cười rộ lên)
Cho đến những ngày cuối đời, bố vẫn hướng dẫn con cháu. Khi về già, ông dạy chúng tôi sống có tuổi với phẩm cách, hài hước và tử tế như thế nào, và đến khi Chúa gọi thì can đảm gặp Ngài với niềm vui trong lời hứa của những gì phía trước.
Bài điếu văn xúc động tiễn cha của cựu tổng thống Bush con - Ảnh 3.
Từ trái sang: Tổng thống Donald Trump và phu nhân, cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân, cựu Tổng thống Bill Clinton và phu nhân, cựu Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân tại lễ tang cố Tổng thống George H.W. Bush ở Nhà thờ quốc gia ngày 5-12 – Ảnh: REUTERS
Một lý do Bố biết chết trẻ như thế nào là do ông gần chạm tay vào đó, hai lần. Khi còn thiếu niên, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn gần như lấy đi mạng sống của ông. Vài năm sau, khi một mình trên chiếc bè lênh đênh trên Thái Bình Dương, ông cầu nguyện được người ta đến cứu trước khi bị kẻ thù tìm thấy.
Chúa đã trả lời những lời cầu nguyện này, không những thế, Ngài có những dự tính khác cho  George H.W. Bush. Đối với bố, tôi nghĩ, những vết bầm tím của cái chết đã khiến ông trân quý món quà cuộc sống. Chính vì vậy, ông thề sẽ sống hết mình mỗi ngày.
Bố luôn luôn bận rộn –  một người đàn ông chuyển động không ngừng – nhưng ông chưa bao giờ quá  bận rộn chia sẻ tình yêu cuộc sống với những người chung quanh. Ông dạy chúng tôi yêu thích thiên nhiên, ông thích nhìn chó chọc ghẹo bầy chim. Ông yêu thích thả cá vược khó bắt. Và khi phải gắn liền với xe lăn, ông vui khi được ngồi trước hiên sau nhà tại Walker’s Point, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Đại Tây Dương. Đường chân trời trước mắt ông thật tươi sáng và tràn đầy hy vọng. Bố quả thật là một người rất lạc quan, và niềm lạc quan đó đã dẫn dắt con cái, và giúp mỗi một chúng tôi tin rằng, bất cứ điều gì đều có thể làm được.
Bố vẫn thường mở rộng những chân trời của mình với những quyết định can đảm. Ông ấy là nhà ái quốc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tạm gác đại học sang một bên để trở thành phi công chiến đấu Hải quân khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra. Giống như nhiều người trong cùng thế hệ, ông chưa bao giờ nói về thời gian quân ngũ cho đến trở thành nhân vật của công chúng, buộc ông phải nhắc đến. Chúng tôi được biết về cuộc tấn công ở Chichi Jima, hoàn thành nhiệm vụ, và bị bắn rơi. Chúng tôi được biết về cái chết của những đồng đội của bố, những người ông suốt đời giữ trong tâm tưởng, và chúng tôi biết về chuyện ông được cứu như thế nào.
Và rồi, một quyết định táo bạo khác, bố đưa gia đình trẻ của mình đang thoải mái ở bờ Đông dọn sang Odessa, Texas. Bố mẹ nhanh chóng thích nghi với môi trường cằn cỗi. Bố là người dễ chịu, ông tử tế, kết láng giềng với những phụ nữ mà bố mẹ và tôi dùng chung phòng tắm trong một căn duplex nhỏ, thậm chí ngay cả khi ông biết công việc của họ – những nữ hoàng bóng đêm. (Tiếng cười rộ lên)
Bố là người biết đồng cảm, có thể cảm thông với bất cứ ai trong mọi tất cả tầng lớp xã hội. Ông ấy không hoài nghi, ông biết tìm điểm tốt trong mỗi con người, và vẫn thường tìm thấy.
Bố dạy chúng tôi rằng, phục vụ công chúng cao quý và cần thiết, và một người có thể phục vụ với liêm chính và gìn giữ những giá trị quan trọng, như niềm tin và gia đình. Ông ấy tin mãnh liệt rằng, điều quan trọng là phải đền đáp cộng đồng và quốc gia nơi mỗi người sinh sống. Bố nhận ra rằng, tâm hồn sẽ luôn phong phú  khi chúng ta cho ra, khi phục vụ những người khác. Chính vì vậy, ông ấy toả sáng nhất trong một ngàn điểm sáng.
Trong thành công, bố không dành hết điểm. Khi thất bại, ông gánh vác trách nhiệm. Ông chấp nhận thất bại là một phần của việc sống một cuộc đời trọn vẹn, nhưng bố dạy chúng tôi không bao giờ để thất bại đánh gục. Ông cho chúng tôi thấy, những trở ngại có thể tăng thêm sức mạnh như thế nào.
Không có nỗi thất vọng nào của ông có thể so sánh với thảm kịch lớn nhất trong cuộc đời một con người, đó là sự mất mát đứa con. Jeb và tôi còn quá nhỏ để có  thể nhớ nỗi đau đớn mà bố mẹ trải qua khi em gái 3 tuổi của chúng tôi qua đời. Sau này chúng tôi mới biết, bố cầu nguyện cho em mỗi ngày. Ông gắng gượng được là nhờ tình yêu của Đấng Toàn năng, và tình yêu đích thực và bền bỉ của mẹ chúng tôi. Bố luôn tin, một ngày nào đó, ông sẽ lại được ôm con gái Robin yêu quý.
Bố thích cười, đặc biệt là cười nhạo bản thân. Ông có thể trêu ghẹo và châm chích ai đó, nhưng không bao giờ mạ lị. Ông xem những câu nói đùa hay rất quan trọng. Đó là lý do ông chọn Simpson. (Tiếng cười rộ lên). Có một nhóm bạn bè thân thích mà ông vẫn thường xuyên chia sẻ những câu chuyện đùa trên email. Hệ thống chấm điểm chất lượng của truyện cười mang tính rất George Bush. 7 – 8 điểm rất hiếm và được xem là người thắng lớn, nhưng hầu hết chúng không có màu sắc. (Tiếng cười).
George Bush biết làm bạn trung thành và đích thực như thế nào. Ông vinh danh và nuôi dưỡng nhiều tình bạn bằng sự rộng lượng và tâm hồn cho ra. Có rất nhiều thư viết tay, động viên, khích lệ, cảm thông hay cám ơn bạn bè và người thân.
Bố là người có khả năng phi thường trong việc đóng góp bản thân mà không mong báo đáp. Nhiều người sẽ nói với các bạn rằng, bố tôi là cố vấn, là một người cha tinh thần trong cuộc đời họ. Ông biết lắng nghe và biết an ủi. Ông là bạn của Don Rhodes, Taylor Blanton, Jim Nantz, Arnold Schwarzenegger, và có lẽ, không giống như những người khác, ông làm bạn với người đã đánh bại ông, Bill Clinton. Anh em chúng tôi xem những người đàn ông trong nhóm bạn này là “anh em khác mẹ.” (Tiếng cười.)
Bố dạy chúng tôi, không nên bỏ phí dù một ngày. Ông chơi golf với tốc độ đáng nể. Tôi luôn luôn tự hỏi, tại sao bố khăng khăng chơi golf tốc độ, ông đánh golf rất giỏi. Kết luận của tôi là, ông chơi nhanh, vì vậy có thể chuyển sang trận khác, tận hưởng thời gian còn lại trong ngày, tiêu hao năng lượng, sống hết mình. Ông được sinh ra với hai trạng thái: vắt kiệt sức, rồi ngủ. (Tiếng cười).
Bố dạy chúng tôi làm người cha, làm ông, làm ông cố tốt có ý nghĩa gì. Ông rất cứng trong những nguyên tắc riêng và luôn hỗ trợ khi chúng tôi bắt đầu trưởng thành. Ông khích lệ, động viên và an ủi nhưng không bao giờ mách nước. Chúng tôi thử sự kiên nhẫn của ông – tôi biết mình từng thử (Tiếng cười) – nhưng ông bao giờ cũng đáp lại với món quà tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện.
Thứ Sáu tuần trước, khi được báo ông đang lâm chung, tôi gọi điện đến. Người nhận điện thoại bảo, “Tôi nghĩ ông ấy có thể nghe được ông, nhưng hầu như cả ngày không nói tiếng nào. Tôi bảo, “Bố à, con yêu bố lắm, và bố là người cha tuyệt vời nhất trên đời.” Và câu nói cuối cùng của ông trên trái đất này là, “Bố cũng yêu con!”

Đối với chúng tôi, bố gần như hoàn hảo, nhưng không phải hoàn hảo tuyệt đối. Game của bố ồn ào, (tiếng cười) ông không giống như vũ công, ca sĩ Fred Astaire trên sàn nhảy, (tiếng cười) ông không thể tiêu hoá rau, đặc biệt là broccoli, (tiếng cười). Và nhân tiện, ông ấy truyền gen này sang cho chúng tôi (tiếng cười).
Cuối cùng, mỗi ngày trong cuộc hôn nhân 73 năm, Bố dạy chúng tôi làm một người chồng tuyệt vời có ý nghĩa như thế nào. Ông ấy kết hôn với nửa của mình, ông trân trọng mẹ, ông cười và khóc cùng với bà, ông dành trọn vẹn cho bà.
Khi tuổi xế chiều, Bố thích nắm tay mẹ khi xem các loạt phim truyền hình cảnh sát chiếu lại, vặn âm thanh lớn (cười). Sau khi mẹ qua đời, Bố mạnh mẽ nhưng ông chỉ muốn được nắm tay mẹ lại.
Tất nhiên, Bố dạy tôi một bài học đặc biệt khác. Ông cho tôi thấy ý nghĩa của việc làm Tổng thống, phục vụ quốc gia với liêm chính, lãnh đạo với lòng can đảm, và hành động với trái tim chứa đầy tình yêu dành cho đồng bào quốc gia. Khi lịch sử được viết thành sách, họ sẽ bảo rằng, George H.W. Bush là vị Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, một nhà ngoại giao chưa từng có, một vị Tổng Tư lệnh có thành tựu to lớn, và một người đàn ông lịch lãm thực thi nhiệm vụ với tư cách phẩm giá và danh dự.
Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống 41 của Hoa Kỳ nói rằng, ‘Chúng ta không thể hy vọng chỉ để lại cho con chiếc xe to hơn, một trương mục ngân hàng lớn hơn. Chúng ta phải hy vọng cho chúng biết ý nghĩa của một người bạn trung thành, một người làm cha làm mẹ biết yêu thương, một công dân biết xây dựng căn nhà của mình, cộng đồng của mình, khu phố của mình tốt hơn khi anh ta tìm đến. Chúng ta muốn những người đàn ông, những phụ nữ làm việc với chúng ta nói gì khi chúng ta không còn ở đó nữa? Rằng chúng ta hướng tới thành công hơn bất cứ hai chung quanh? Hay, chúng ta dừng lại hỏi thăm một đứa trẻ bị bệnh đã khoẻ chưa, và ghé một chút để trao đổi vài câu thăm hỏi bạn bè?’
Bố à, chúng con sẽ ghi nhớ lời bố, nhớ tất cả những điều này và nhiều hơn thế nữa!
Chúng con sẽ nhớ Bố. Tấm lòng lịch sự, chân thành, và tốt bụng của bố sẽ ở lại với chúng con mãi mãi. Chính vì vậy, qua nước mắt, hãy cho chúng con nhìn thấy phước lành khi được làm con của Bố và yêu thương Bố  – một người đàn ông cao quý và tuyệt vời, và người cha tốt nhất trên đời.
Và trong niềm thương tiếc, đau buồn, hãy để chúng con mỉm cười khi biết Bố đang ôm Robin và đang nắm tay mẹ!”  

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Bí kíp có đủ tiền sống từ 30 tuổi mà không cần đi làm


Anna Rajdl

Cha mẹ của Barney Whiter mua nhà khi ông còn là một thiếu niên bắt đầu vào cấp hai ở Anh Quốc vào năm 1981. "Họ làm một việc rất kinh điển với người Anh," ông cho biết, "mua nhà to, vay nợ nhiều."
Ngay sau đó, cuộc suy thoái lớn xảy ra và lãi suất vay tăng phi mã lên đến 17%.

Cha mẹ ông phải cắt giảm chi tiêu để có thể trả mức tiền vay quá lớn: họ hủy các kỳ nghỉ, cũng như bỏ mua báo. Cha Whiter ngừng mua bia và tự nấu bia uống. Và thái độ của Whiter với tiền đã thay đổi mãi mãi. "Tôi nhận ra rằng nợ ngân hàng nhiều tiền là điều rất đáng sợ," ông nói.
Khi lớn lên, ông đã sống và luôn cố gắng đảm bảo không bị rơi vào tình huống như cha mẹ mình.
Ông tốt nghiệp đại học ngành kinh tế và đã lấy được chứng chỉ kiểm toán viên - một ngành nghề mà anh theo đuổi để có thể có kỹ năng hiểu ngôn ngữ tiền bạc - và ông làm việc trong ngành tài chính 20 năm.
Nhưng dù lương tăng nhiều từ mức ban đầu là 12.500 bảng Anh (khoảng 16.000 đô la Mỹ) khi mới tốt nghiệp, nhưng lối sống của ông vẫn không có gì thay đổi.
Chris Mann
Image caption Barney Whiter, giờ đây 48 tuổi, vẫn đạp xe đi làm mỗi ngày để tiết kiệm tiền nghỉ hưu sớm. Ông đã tích lũy đủ để nghỉ hưu vào tuổi 43                
Trong hơn hai thập niên, Whiter luôn tiết kiệm ít nhất một nửa số tiền lương mỗi tháng để dành cho lúc nghỉ hưu, và bất kỳ khoản tiền thưởng nào cũng nhanh chóng được chuyển vào thành tiền tiết kiệm. Ông đạp xe đến văn phòng thay vì đi tàu điện, và giảm việc đi nhậu. Whiter, giờ đây 48 tuổi, đã tích lũy đủ số tiền để có thể nghỉ hưu vào tuổi 43.

Nhưng mãi đến một năm trước khi nghỉ hưu ông mới đọc được trang Mr Money Mustache, một blog do tác giả tên Peter Adene 44 tuổi người Canada viết - một người nổi tiếng trong giới nghỉ hưu sớm. Whiter nhận ra rằng ông đã vô tình trở thành một phần trong trào lưu ngày càng phổ biến trong giới lao động trẻ trên toàn thế giới: đó là trào lưu FIRE (viết tắt của cụm từ financial independence, retire early - nghĩa là độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm).

Cách nghỉ hưu sớm

Mô thức căn bản là như sau: những người ủng hộ cách làm này sống tiết kiệm nhất có thể, tiết kiệm một nửa thu nhập hoặc hơn trong suốt thời 20 - 30 tuổi. Mục đích là để có thể nghỉ hưu vào tuổi 30 hoặc muộn nhất là khi 40.
Phần "nghỉ hưu sớm" của trào lưu này có thể bị nhiều người hiểu nhầm. Rất nhiều tín đồ của trào lưu FIRE không có ý định dành hẳn 50 năm để chơi bài bridge hay đi du thuyền nghỉ dưỡng.
Thay vào đó, mục tiêu là tập trung vào sự độc lập tài chính: với mục đích tiết kiệm đủ tiền, và sống đơn giản, để nhiều thập niên sau họ có thể làm việc gì đó khác hơn thay vì chạy theo việc tăng lương và thăng tiến trong một công ty, hay lo lắng vì nợ ngân hàng khoản tiền lớn.
Và mặc dù ý tưởng này đã có từ nhiều năm trước, cộng đồng mạng đã khiến trào lưu FIRE có hiệu ứng trong thập niên vừa qua.
Trào lưu này bắt đầu nổi tiếng ở Hoa Kỳ, bắt nguồn từ một bản tin qua thư có tên là Tightwad Gazette. Bản tin này được in và phát hành bản cuối cùng vào tháng 12/1996, nhưng trào lưu tiết kiệm vẫn tiếp tục trên mạng - đặc biệt là trong cơn uể oải, rệu rã kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngày nay, hàng ngàn người khắp thế giới đã đăng ký nghe chương trình phát thanh, đọc blog và tham gia vào các diễn đàn thảo luận để có thể sống cần kiệm.
Một chương trình phát thanh podcast trên mạng có tên Fiiredrill nhận được hơn 7.000 lượt tải về nghe trong mỗi buổi phát và hiện nay nằm trong bảng 100 chương trình hàng đầu về đầu tư trên bảng xếp hạng của Apple ở Mỹ.
Có rất nhiều diễn đàn chuyên môn trên Reddit chuyên cho trào lưu FIRE ở Úc, Anh Quốc, Hà Lan và Ấn Độ, nơi mọi người chia sẻ bí kíp và hỏi lời khuyên.

Không giống ai

Những cộng đồng người trẻ bị ám ảnh tiết kiệm từng đồng để nghỉ hưu cho thấy một xu hướng: hầu hết giới trẻ Thiên niên kỷ đều không tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu.
Ở Hoa Kỳ, một báo cáo từ Viện nghiên cứu Quốc gia về An sinh Hưu trí cho thấy hai phần ba giới trẻ Thiên niên kỷ không hề tiết kiệm gì cho tuổi hưu. Dữ liệu từ Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cho thấy 58% người dưới 35 tuổi không hề có tài khoản hưu trí.
Helen Morrissey, một chuyên gia về hưu trí tại công ty bảo hiểm Royal London, đã tiến hành khảo sát 1.500 người trẻ thuộc thế hệ Thiên niên kỷ ở Anh Quốc vào năm ngoái và nhận thấy họ tiết kiệm khoảng 4,6% thu nhập cho tiền nghỉ hưu. "Mức này thấp hơn rất nhiều tiêu chuẩn hiện tại đề xuất tiết kiệm khoảng 12 -15% từ thu nhập là cần thiết."
ẢNH: Khi Barney Whiter bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu sớm, anh không nhận ra bản thân đã tham gia vào trào lưu FIRE ngày càng phổ biến. Nhờ vào việc lên kế hoạch, anh có thể nghỉ hưu ở tuổi 43 (Ảnh: Chris Mann)
Chris Mann
Khi Barney Whiter bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu sớm, ông không nhận ra bản thân đã tham gia vào trào lưu FIRE ngày càng phổ biến. Nhờ vào việc lên kế hoạch, ông có thể nghỉ hưu ở tuổi 43                
Với những người ủng hộ trào lưu FIRE, con số này là thấp. Thậm chí ở mức 12-15%, để có thể tiết kiệm một số tiền đủ lớn để sống dựa vào đó có thể tốn hàng thập niên. Để có thể nghỉ hưu càng sớm càng tốt, hầu hết mọi người phấn đấu tiết kiệm một nửa thu nhập, hoặc hơn số đó - trong khi cố gắng chi tiêu ít nhất có thể.

Chi tiêu ít hơn

Craig Curelop sống và tận hưởng phong cách này. Chuyên gia phân tích tài chính 25 tuổi này tuân thủ triết lý "sở hữu mọi thứ, không xài gì cả". Anh có một chiếc xe hơi, nhưng không bao giờ lái xe, mà cho xe thuê lại trên một trang web tên là Turo, còn bản thân mình thì đi xe đạp. "Tôi làm vậy và kiếm thêm được vài trăm đô la mỗi tháng," anh nói.
Curelop sống ở Denver, bang Colorado của Hoa Kỳ, anh thường cho thuê lại phòng ngủ trên Airbnb và ngủ ở phòng khách. "Tôi quyết định làm một phòng ngủ phụ ở phòng khách bằng cách đặt một bức ngăn phòng và dùng rèm cửa," anh giải thích. "Tôi đã sống như vậy một năm rồi."
Anh đã tiết kiệm được nhiều đến mức có thể mua một căn hộ thông tầng ở Denver vào tháng 4/2017, và cũng có thể mua thêm một căn nhà khác vào tháng Sáu năm nay - nơi anh sống một phòng và cho thuê lại các phòng khác, cùng với việc có thêm thu nhập từ tiền cho thuê lại căn hộ ban đầu.
"Giờ đây, tôi đang tiết kiệm khoảng 3.000 đến 4.000 đô la Mỹ mỗi tháng," anh cho biết. "Quan trọng nhất là, tôi có lẽ đã tiết kiệm khoảng 60.000 đến 70.000 đô la Mỹ trong 18 tháng qua từ khi tôi bắt đầu cho thuê ngôi nhà đầu tiên."
Phong cách sống này không phải là không gặp chỉ trích.
Một số người lo lắng rằng mục tiêu tiết kiệm quá lớn của những người theo trào lưu FIRE là không khả thi.
"Với tôi nó có vẻ như là phiên bản cực đoan của phương pháp ăn kiêng Atkins [phương pháp ăn kiêng low-carb]," Damien Fahy, một cố vấn hoạch định tài chính ở London cho biết. "Họ có một số khởi nguồn tốt đẹp và tích cực trong cách hoạch định tài chính," ông nói. "Nhưng tôi thực sự nghĩ đây là phiên bản cực đoan của cách làm đó và nó không hẳn phù hợp với tất cả mọi người."
Morrissey từ công ty bảo hiểm Royal London đồng tình. "Họ phải đảm bảo họ cũng đáp ứng một số nhu cầu khác," bà nói.

Bài toán cuộc sống

Một trong những khía cạnh gây tranh cãi của trào lưu FIRE là: bạn cần bao nhiêu tiền để có thể nghỉ hưu vào tuổi 30 hay 40? Người chỉ trích nói rằng những người theo trào lưu FIRE đánh giá quá thấp số tiền họ cần tiết kiệm.
Rất nhiều người (không phải tất cả) trong phong trào này thực hiện theo nguyên tắc 4%: chỉ rút khoảng 4% từ khoản đầu tư, thu nhập của bạn sẽ bao gồm hầu hết lãi suất và cổ tức, và bạn sẽ không tiêu phạm vào khoản tiền ban đầu. Nguyên tắc cơ bản ở đây là tiết kiệm số tiền gấp 25 lần mà bạn cần phải tiêu: ví dụ, với người cần rút 30.000 bảng Anh mỗi năm, họ sẽ cần phải tiết kiệm 750.000 bảng Anh.
Nhưng nguyên tắc này cũng có những sai sót, đặc biệt là khi áp dụng cho người trẻ. Quy tắc này thường được sử dụng cho người sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, với những người có vẻ không cần thêm tiền sau khoảng thời gian 30 năm.
Bài toán này không đúng, Holly Mackay, sáng lập của trang web tài chính tiêu dùng có tên Boring Money nhận định. "Nếu bạn nghỉ hưu ở tuổi 30, bạn có thể sống thêm 70 năm nữa. Tôi nghĩ cách này có chút gì đó quá ngây thơ."
Thiết lập một con số chính xác với số tiền mà một người cần nghỉ hưu ở tuổi 35 là khó, bà cho biết. Nếu một người muốn 20.000 bảng Anh, họ sẽ cần gấp 55 lần số tiền đó - đó là chưa tính còn có thêm các khoản đầu tư. "Vậy là cần phải có ít nhất nửa triệu bảng, và số tiền đó chỉ đem đến cho bạn 20.000 bảng Anh mỗi năm," bà giải thích.
Mức sống ở Anh cao hơn như vậy rất nhều - mức chi tiêu trung bình cho gia đình bốn người, theo Cục Thống kê Quốc gia ONS, là 39.000 bảng Anh (tương đương 50.000 đô la Mỹ). Sử dụng quy tắc của Mackay trong việc tiết kiệm gấp 55 lần con số đó, một người nghỉ hưu ở tuổi 35 sẽ cần 2,15 triệu bảng Anh (tương đương 2,75 triệu đô la Mỹ).

Cắt giảm chứ không phải nhịn

Cách tính toán trên mặc định rằng một người nghỉ hưu ở tuổi 35 sẽ không làm việc hoàn toàn nữa một khi họ "nghỉ hưu". Đó không phải là tình huống xảy ra với hầu hết những người tham gia trào lưu FIRE.
Gwen Merz 28 tuổi và đã có 200.000 đô la Mỹ trong tài sản (hầu hết là bất động sản, chứng khoán và một ít tiền mặt).
Cô gái người Mỹ này nghỉ công việc trong ngành công nghệ thông tin vào tháng Ba ở tuổi 27 và giờ đây làm dẫn chương trình Firedrill phát thanh trên mạng.
"Tôi không nghỉ hưu," cô nói. "Tôi vẫn phải làm việc nhưng tôi được tự do chọn làm việc mà tôi thực sự thích thú và việc đó có thể không kiếm được nhiều lắm."
Cô hy vọng đầu tư của cô sẽ đem lại thu nhập để sống dù cô có quyết định nghỉ làm hay không. Và với cô, FIRE không chỉ là chuyện tài chính - nó đem lại cộng đồng và tình bạn hữu. "Còn có rất nhiều người để bạn làm quen, những người không nhìn bạn tỏ ý coi thường chỉ vì bạn lái một chiếc xe hơn 13 năm tuổi."
Anna Radji                                             
Cô Gwen Merz 28 tuổi sống ở Minneapolis lái một chiếc xe 13 năm tuổi để có thể tiết kiệm tiền nghỉ hưu sớm
Chiếc xe cũ của Merz không phải là cách duy nhất mà cô cắt giảm chi tiêu trong cuộc sống. Cô rất thích một cái máy chơi game Nintendo Switch, nhưng cô cho rằng nó không cần thiết. Cô ít đi ăn ở nhà hàng hơn trước đây, và không đi du lịch nhiều.
Điệp khúc thường gặp giữa những người phê bình trào lưu FIRE là gì - đó là đánh đổi tất cả những vất vả ngắn hạn đó cho điều không biết trước, hay cho tích lũy dài hạn?
"Những người đó đã không hiểu," Merz cho bết. "Nếu bạn từ chối bản thân quá nhiều, bạn sẽ không hạnh phúc, và bạn sẽ không thể duy trì việc đó mãi," Merz khuyên rằng hãy thử cắt giảm những chi tiêu không cần thiết đến mức mà bạn cảm thấy khó chịu, sau đó đặt định mức trên mức đó là được. "Bạn nên có thể sống cuộc sống tốt nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ tiêu rất nhiều tiền."
Whiter đồng ý với ý kiến trên. "Bạn không cần phải đi vào quán bar đắt tiền trong trung tâm thành phố," anh nói. "Bạn có thể có thể cùng người yêu uống vài chai với nhau." Điều này áp dụng cho cả gia đình anh. Trước khi anh nghỉ hưu, anh nhận ra gia đình năm người của anh có thể sống tốt với 24.000 bảng Anh mỗi năm.
"Chúng tôi không nuông chiều chủ nghĩa tiêu dùng chóng vánh bằng cách mua cho con cái điện thoại iPhone đời mới nhất," anh nói. Anh mô tả lối sống của bản thân là tiết kiệm, không phải là khổ sở.
"Không có lý do gì để sống khốn khổ trong 20 năm để bạn có thể sống khổ sở thêm 20 năm nữa khi ngưng làm việc," anh cho biết.

Có được tự do

Mặc dù cụm từ "RE" (nghỉ hưu sớm) là một phần trong cụm từ FIRE của phong trào này, mục tiêu của Merz và Whiter không phải là nghỉ việc khi 27 hay 43 tuổi và không làm gì hết cho đến chết.
"Chúng tôi không định sẽ ngồi và uống cocktal Mai Tais cả ngày," Merz cho biết. "Con người có nhu cầu nội tại cần phải làm vệc. Chúng tôi cần cảm thấy là một thành viên có giá trị trong cộng đồng, và điều đó sẽ không ngừng chỉ vì bạn đã có số tiền như ý muốn trong ngân hàng."
Thay vào đó, số tiền giúp họ có sự linh hoạt được chọn làm điều họ muốn. Một số người chọn đi du lịch theo ngân sách, tất nhiên - trong khi số khác đơn giản là chọn lựa việc họ làm, thay vì cảm thấy bị mắc kẹt trong vòng quay chuột chũi của công việc.
"Tôi từng cảm thấy mình mắc kẹt trong hệ thống," Whiter cho biết. "Tôi từng cảm thấy mình ở trong một trại tù, cố gắng làm việc để duy trì một cuộc sống mà tôi không thực sự mong muốn."
Giờ anh sống tự do. "Rất nhiều phần trong đó là cảm xúc và tâm lý," anh nói.
"Bạn phải sống qua nó để hiểu nó mạnh mẽ tới mức nào."

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

TRUE MILK VÀ NHỮNG KẾ HOẠCH SIÊU KHỦNG

(NTD) - TH True Milk công bố những kế hoạch siêu “khủng” vốn của cổ đông TH True Milk đã bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng.
 
                                                                          

                               Bà Thái Hương, Tổng Giám đốc TH True Milk

Lời hứa “bom xịt”

CTCP Thực Phẩm Sữa TH (TH True Milk) thuộc Tập đoàn TH được thành lập với sự tư vấn tài chính của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank). TH True Milk và BacA Bank kết nối với nhau bằng những lãnh đạo cao cấp, nổi bật nhất là bà Thái Hương.
 
Sản phẩm chủ đạo của CTCP Thực phẩm Sữa gồm sữa tươi, sữa tiệt trùng mang nhãn hiệu TH True Milk). Vào năm 2010, các sản phẩm TH True Milk được truyền thông quảng cáo rộng rãi. Bản thân bà Thái Hương cũng nhiều lần “đăng đàn” chia sẻ ước mơ TH True Milk là “sớm vươn lên tầm cao mới và thực hiện nhiều sứ mệnh cao cả”.

Tập đoàn TH được kỳ vọng trở thành nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam cung cấp các sản phẩm thực phẩm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên, trong đó có sữa tươi, thịt, rau củ quả sạch, thủy hải sản… đạt chất lượng quốc tế.

Năm 2012, 2 năm sau khi những sản phẩm TH True Milk đầu tiên ra mắt, bà Thái Hương gây “sốc” và khiến báo chí tốn nhiều giấy mực khi tin rằng, đến năm 2015, nhà máy TH True Milk sẽ đạt doanh số 3.700 tỷ đồng. Khi đó TH Milk sẽ chiếm tới 50% thị phần sữa tươi tại Việt Nam.

Thông tin này khiến những người am hiểu ngành sữa cho rằng bà Thái Hương “chém gió” hoặc “siêu nổ” vì tại thời điểm đó, Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn đang dẫn đầu thị trường sữa tươi với thị phần khoảng trên 40%. Vậy nếu TH True Milk đạt mốc 50%, công ty này sẽ chiếm lĩnh vị trí số 1 về sữa tươi.

Thế nhưng, các số liệu tài chính mà phóng viên Báo Người Tiêu Dùng có được cho thấy lời hứa của bà Thái Hương đã trở thành “bom xịt”. Trong năm 2015, doanh thu của TH True Milk chỉ đạt 2.674 tỷ đồng, bằng 72% con số kỳ vọng của bà Thái Hương. Vì vậy, năm 2015, TH True Milk chỉ kiếm được gần 58 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Điều đó có nghĩa 1 đồng vốn của TH True Milk chỉ mang về cho công ty 0,015 đồng lợi nhuận.

Trong khi đó, vào năm 2015, doanh thu của công ty mẹ Vinamilk lên tới 38.010 tỷ đồng, cao gấp 14 lần doanh thu của công ty mẹ TH True Milk. Vì thế, lời hứa thị phần của bà Thái Hương đã trở thành “bom xịt”.

Ngàn tỷ đồng vốn bị “thổi bay”

Dù lới hứa thị phần năm 2015 của bà Thái Hương trở thành “bom xịt” nhưng TH True Milk liên tục công bố những kế hoạch siêu “khủng” như đầu tư thêm trang trại, mở rộng thị trường ra nước ngoài… Những thông tin đó khiến dư luận tin vào “sức khỏe” của ông lớn ngành sữa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều ngược lại. Cho đến năm 2016, TH True Milk bị âm vốn sở hữu nặng nề.

Theo báo cáo tài chính riêng năm 2016 của TH, tại thời điểm cuối năm, vốn chủ sở hữu của TH chỉ là 2.385 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn cổ phần của công ty này lên tới 3.800 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, vốn sở hữu của TH đã “âm” tới 1.415 tỷ đồng, tương ứng 37% vốn góp của cổ đông.

Trước đó, tại thời điểm đầu năm 2016, vốn chủ sở hữu của TH còn “bốc hơi” tới 1.603 tỷ đồng. Nhưng may mắn trong năm 2016, công ty lãi hơn 130 tỷ đồng nên khoản âm vốn chủ sở hữu được kiềm chế lại.

Cùng với nguồn vốn, tổng tài sản cũng hao hụt mạnh. Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của TH đạt 10.006 tỷ đồng, giảm 401 tỷ đồng, tương ứng 3,9% so với thời điểm đầu năm.

Vốn góp cổ đông tại TH True Milk có thể còn hao hụt nhiều hơn nếu tính chung cả hoạt động của công ty mẹ và các công ty con.

Được quảng cáo rầm rộ nhưng TH True Milk khiến dư luận bất ngờ khi thua lỗ nặng nề nhiều năm, công ty cũng có mức lãi vay “khủng” gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp.

Trả lương lãnh đạo bạc tỷ

Mặc dù ngập trong thua lỗ nhưng TH True Milk lại rất rộng tay với dàn lãnh đạo. Mặc dù thù lao đang có xu hướng giảm nhưng vẫn là con số cao ngất ngưởng.

Cụ thể, trong năm 2014, dù phải gánh khoản lỗ lũy kế lên đến 1.650 tỷ đồng nhưng TH True Milk vẫn chi gần 12 tỷ đồng cho ban giám đốc. Bình quân, mỗi thành viên ban giám đốc được trả tới 3 tỷ đồng/người/năm, tương đương 250 triệu đồng/người/tháng.

Sang năm 2015, quỹ thù lao cho dàn sếp này giảm sâu xuống gần 8,6 tỷ đồng. Dù vậy, thu nhập bình quân của mỗi sếp vẫn lên tới 2,15 tỷ đồng/người/năm, tương đương 179 triệu đồng/người/tháng.

2016 là năm kém may mắn của ban giám đốc khi tổng lương thưởng dành cho các sếp giảm xuống chỉ còn 4,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, trung bình, mỗi sếp nhận hơn 1 tỷ đồng/năm, tương đương 85 triệu đồng/ người/tháng.

Bảo Linh

 

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

NGUYỄN BÍNH

NGUYỄN BÍNH – NHÀ THƠ HIỆN ĐẠI

(Tiểu luận kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Bính 20-1-1996)

Ảnh thi hào Nguyễn Bính (1918-1966)

Nhân một buổi hội thảo thơ 1932-1945, một độc giả hỏi : “ Nếu cần phải chọn một câu thơ hay nhất để đại diện cho Thơ Mới (thơ tiền chiến), ông sẽ chọn câu thơ của ai ?”. Không do dự, tôi trả lời : “ Tôi xin chọn câu lục bát: “ Anh đi đấy, anh về đâu / Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm !” của Nguyễn Bính”. Lại hỏi : “nếu phải chọn một bài cho nền thơ ấy, ông chọn bài nào ?”. Trả lời : “ Tôi chọn bài Tống biệt hành của Thâm Tâm”. Lại hỏi : “nếu phải chọn một tập hay nhất của nền thơ ấy, ông chọn tập nào?” . Trả lời : “Tôi chọn tập “ Lửa thiêng” của nhà thơ quê Hà Tĩnh Huy Cận”. Lại hỏi : “nếu phải chọn một đời thơ tiêu biểu nhất của nền thơ ấy, ông chọn ai ?”. Tôi trả lời : “ Tôi chọn Nguyễn Bính !”.

Vâng, Nguyễn Bính, nhà thơ bị giời đầy : “ Mình tôi giời bắt làm thi sĩ !” Câu thơ ông viết từ những năm đầu của thập kỷ 40 đã vận vào ông : “Chung lưng làm một chuyến đi đầy”. Thậm chí ông còn nhắc con gái sau này :

“Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ

Nghèo lắm con ơi bạc lắm con”.

Có lẽ, trong thơ tiền chiến, Hàn Mặc tử và Nguyễn Bính là hai nhà thơ có số phận ít được vận may chiếu cố. Hàn Mặc tử bị trăng hành. Còn Nguyễn Bính bị con bướm Trang Chu hành tới bến. Nếu Thế Lữ được biểu tượng thơ là con hổ, Lưu Trọng Lư là con nai, Chế Lan Viên là con ma Hời, Xuân Diệu là con chim ngứa cổ hót chơi…thì con bướm là biểu tượng cho thơ Nguyễn Bính :

“ Có ai điên dại như tôi nhỉ
Nuôi bướm làm con để nhớ người”

Hay :

“ Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập về bướm trắng mà sang bên này”…

Trong thơ ông, bươm bướm bay nhiều quá, rượu và hoa nhiều quá, nhiều quá những cô gái đẹp chưa chồng. Nhưng bướm đã bay đi, rượu đã nhạt, hoa đã tàn, trinh nữ đã theo chồng hoặc đã chết, chỉ còn mình nhà thơ ngồi lại với phũ phàng và điên đảo :

“Mưa chiều nắng sớm người ta bảo
Cả đến ông giời cũng đổi thay”
(Giời mưa ở Huế)

Tháng chạp năm Nhâm Ngọ 1942, khi mới 24 tuổi, Nguyễn Bính đã viết được những câu thơ hay đến kinh hãi về nỗi buồn, nỗi cô đơn của kẻ lạc loài, của nỗi oán hận suồng sã phải thất tình thay cho con ong cái bướm :

“Uống say cười vỡ ba căn gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông”
(Xuân tha hương)

Cùng “cái chung tình” ấy, nhà thơ hầu như đã ném tuổi trẻ mình xuống đáy sông của định mệnh, theo kiểu Thúy Kiều ném 15 năm lưu lạc xuống đáy Tiền Đường .

Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ tấm bé. Ta hiểu vì sao nỗi bơ vơ ám ảnh suốt đời ông. Ta hiểu ngay từ lúc mới 13 tuổi, làm bài thơ đầu, ông đã thèm yêu, thèm sống, thèm khát ràng buộc với tất cả và chia tay tất cả. Ông đã vịn vào chuồn chuồn bươm bướm tập đi như vịn chính vào niềm hư vô của kiếp người. Theo Hoài Thanh, Nguyễn Bính chưa hề được đến trường ! (Giống văn hào M. Goocki của Nga ?). Ông tự học theo người cha và người cậu. Thầy của ông là chim muông cỏ rả làng Thiện Vịnh xa xôi. Tuy nhiên, mọi thứ nào thay thế được mẹ ông.

Nguyễn Bính mồ côi mẹ nên đã mồ côi cả đất trời. Hình như ông đã lớn lên bằng cảm giác của Trần Tử Ngang - người đi dọc thơ Đường : “ Tiền bất kiến cổ nhân / Hậu bất kiến lai giả …( Trước không thấy người trước / Sau chẳng thấy người sau). Cảm giác ngồi một mình bơ vơ trên trái đất của Trần tiên sinh xưa không chỉ được Nguyễn Bính chia xẻ, mà đã thành phận số đời ông. Năm 1937, khi mới 19 tuổi, nhà thơ đã viết một bài thơ tuyệt vời

“Những bóng người trên sân ga” với tận cùng cô đơn kiếp người hay đến mức không còn có thể hay hơn nữa :

“ Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly”

Câu thơ viết ra gần 60 năm rồi, đã sống và chết theo bao lớp người, theo bao trang giấy, qua bao nhiêu trào lưu hiện thực siêu thực, hiện sinh rồi cấu trúc, có vần với không vần, lạ thay, chưa có một ai nói về nỗi cô đơn kiếp người hay bằng câu thơ này của thần thơ Nguyễn Bính ? Hóa ra, cái hình ảnh giản dị và xúc động tận cùng kia, cái dáng người một mình đưa tiễn bóng mình kia, cho đến muôn đời vẫn cứ còn mới mãi, thấm thía và rung cảm mãi.

Nguyễn Bính với cảm quan thiên phú, một trực giác của thảo mộc chim muông, đã biết cách tiễn mình đi vào thi ca bằng lối đi của con bướm dưới gốc hòe Trang tử ! Cái dáng “Chân bước hững hờ theo bóng lẻ” kia không biết mình đang tiễn bóng hay bóng đang tiễn mình ? Với triết học bản thể, câu thơ “ một mình làm cả cuộc phân ly” không chỉ là biểu tượng sinh động, kỳ vĩ, mà còn là một khơi gợi, một phát hiện tâm linh trong hình trình nhập thể nhân loại. Chúng tôi tin rằng, câu thơ này của Nguyễn Bính còn theo ta tới cuối cuộc đời, đến nơi ta chia ly chính bản thân mình để vào vô tận.Viết được những câu thơ có thể sánh với bất cứ thơ Tây Tầu nào hay nhất, ai bảo thơ Nguyễn Bính không hiện đại ?

Thế mà từ năm 1941, năm ra đời cuốn “Thi nhân Việt Nam”của Hoài Thanh, đã có khá nhiều bài viết, nhiều khảo luận về thơ, khi nói về Nguyễn Bính, đều ăn theo lối kết luận phiến diện của Hoài Thanh Hoài Chân cho Nguyễn Bính là thơ nhà quê, chân quê, đồng quê, quê mùa…

Nói về Nguyễn Bính theo trường phái Hoài Thanh mới chỉ nhìn nhà thơ ở phần nổi, phần xác chữ nghĩa mà chưa đủ tầm đi sâu vào hồn thơ rất cổ điển, lại rất hiện đại của Nguyễn Bính làng Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản, Nam Định kia (huyện Vụ Bản còn là quê hương của một thiên tài thi nhạc khác đồng thời với Nguyễn Bính là Văn Cao)

Nguyễn Bính đi tận cùng dân tộc để thành hiện đại: thơ ông phần xác còn mang nâu sồng ca dao nhưng phần hồn đã vươn tới cõi hiện đại vô cùng nhân loại vậy ! Chúng tôi không muốn nói đến “chủ nghĩa hiện đại” phương Tây mà Việt Nam hầu như không có, nên không coi tính hiện đại của thơ chỉ lụy vào con chữ, vào cái bí hiểm cung quăng không thể hiểu, vào cái siêu thực nằm ngoài cảm nhận, mà chỉ đánh giá thơ qua cái sự hay, sự xúc cảm của nó, của nghĩa bóng thơ luôn cất cánh từ nghĩa đen như những câu thơ hay của thi hào Nguyễn Bính mà thôi !

Cho nên, với chúng tôi, hiện đại hay không hiện đại cốt ở hồn thơ, ở nỗi cảm nỗi hay của nó mà thôi. Những câu ca dao và thơ cổ hay nhất của văn học cha ông ta ai bảo không hiện đại nào ? “Gió đưa cây cải về trời / Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” của ca dao hiện đại quá đi chứ ? “ Có thì có tự mảy may / Không thì cả thế gian này cũng không” của thơ Lý Trần hiện đại quá đi chứ ?

“Cái quay búng sẵn trên trời / Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” của Ôn Như hầu hiện đại quá đi chứ ? “ Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao” của Nguyễn Du hiện đại quá đi chứ ? “Hoa thì hay héo cỏ thường tươi” của Nguyễn Trãi hiện đại quá đi chứ ? “Hồn cô cát bụi kinh thành / Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe” của Nguyễn Bính hiện đại quá đi chứ ?

Hầu hết thơ Nguyễn Bính dưới cái vỏ chân quê giản dị hiền lành như ca dao, nhưng giấu ẩn sức nghĩ, sức cảm, sức gợi vô cùng tận, hiện đại vì nó hay ở mọi lúc mọi thời. Viết về cái đẹp của sự trống vắng, gợi ra, vẽ ra được cái vẻ tôn giáo của hư vô tồn tại ngay trong lòng cái hữu hạn, phỏng có nhà thơ tiền chiến qua mặt được câu thơ này của Nguyễn Bính :

“Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”

Nỗi trống vắng vô chủ của ba gian nhà trong câu thơ, đã được xúc cảm đẩy từ cái cụ thể thành cái vô biên : nỗi trống vắng và vô chủ của đất trời. Mượn nỗi hoang vu bé mọn của nắng chiều trong căn nhà nhỏ để tả nỗi hoang vu vũ trụ, cũng là nỗi hoang vu muôn thuở hồn người, lục bát Nguyễn Bính hiện đại lắm ru !
Khi Nguyễn Bính tả nỗi cô đơn đến rêu mốc bí mật của kinh thành Huế, cũng để nói vế vẻ huy hoàng tàn phai, hay chính là hồn suông thi nhân mượn cả hoàng thành mà hiu quạnh :

“Thâm u một giải hoàng thành
Đình suông con én không đành bay đi”
(Vài nét Huế)

Con én tân thời không nỡ bỏ cái hoang phế hoàng thành bay đi hay chính là cái níu kéo của hiện tại với quá khứ ? Cái chấm én mọc lên như một cái mầm, cái chồi của lẻ loi, khiến vẻ tàn phai càng tàn phai hơn nữa. Ngoảnh lại cố đô, con én thi ca mà Nguyễn Bính đính lên từ độ ấy, vẫn không đành đoạn bay đi, như thể loài chim thơ ấy vẫn còn là tình nhân bao thời đại đã đi qua !

Trí tuệ thơ Nguyễn Bính là trí tuệ sương mù, của hoa bướm của lửng lơ mây khói. Chất sang trọng hàn lâm giấu trong lục bát nâu sồng Nguyễn Bính như hồn sen giấu trong bùn, ghé mắt vào ta sẽ thấy hoa sen :

“ Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em”

“ Buồng hương bóng bóng mình mình
Gió hiu hiu hắt qua mành mành hoa”

Bên cạnh những bài lục bát nổi tiếng : “Tương tư”, “Lỡ bước sang ngang”, “Người hàng xóm”…ông còn những bài lục bát hiện đại khác : “”Lửa đò”, “ Vũng nước”, “ Qua nhà” và “Thời trước”…
Khi đánh giá thơ tiền chiến nói chung và Nguyễn Bính nói chung, người ta đã thừa nhận sự vượt trội của thơ lục bát Nguyễn Bính nhưng chưa thấy trong thể thơ bảy tám chữ, Nguyễn Bính cũng chẳng kém cạnh bất cứ thi nhân hàng đầu nào cùng thời với ông.Trong thể loại mượn cảnh tả tình, Nguyễn Bính đã có bài thơ vào hàng tuyệt tác là bài “Xuân về” có thể đứng ngang hàng với các bài hay nhất của Hàn Mặc tử và Huy Cận. Về thể hành, bài thơ “Hành phương Nam” của ông không hề hổ thẹn đứng bên cạnh bài tuyệt bút “Tống biệt hành” của Thâm Tâm. Viết về đất thần kinh xứ Huế, xưa nay chưa thấy bài nào hay bằng bài “Xóm Ngự viên” của Nguyễn Bính ? Ông đã làm sống lại thời vang bóng bằng câu thơ hay đến ma quái :

“ Sớm đào, trưa lý, đêm hồng phấn
Tuyết Hạnh, Sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên”

Hai câu này có thể ngang với câu vi diệu của Xuân Diệu :

“Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh” ( Nguyệt Cầm)

Hãy đọc lại hồn thơ bi hùng ngang trời lệch đất Nguyễn Bính như “ Giời mưa ở Huế”, “Xuân tha hương”, “Oan nghiệt”…ta thả mình vào nỗi quằn quại như mất cả hình hài, đau thương dữ dội và đồng bóng, để chia xẻ với nỗi vong thân, vong quốc của lớp thanh niên trước 1945. Những bài thơ “ Cô hái mơ”, “Trường huyện”, “ Hoa và rượu”…là những bài thơ đẹp nhất thơ tiền chiến của Nguyễn Bính. Đâu đây ta nghe có hơi Huy Cận trong hồn thơ “ một trời quan tái” Nguyễn Bính :

“ Chênh vênh bóng ngả sầu lau lách
Chiều ngái hương rừng lối nhạt son”

Cái hơi Đường thi từ Huy Cận đi lạc vào Nguyễn Bính rất sang trọng, quý phái : “ Áo bào nguyệt bạch ngựa kim ô” hay đấy, siêu đấy nhưng không phải mạch chính của thơ ông. Cái hơi, cái hồn, cái vía Nguyễn Bính là ở những câu thơ rất Việt rất hay như :

“ Một con diều giấy không ăn gió
Õng ẹo chao mình xuống vệ đê”

Có hàng trăm người viết về tơ liễu từ thơ Đường đến Nguyễn Du, nhưng chưa ai hay bằng Nguyễn Bính tả liễu :

“Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ”

Chỉ bằng từ “chảy”, Nguyễn Bính không chỉ hiện đại hóa thơ mình, ông còn làm mới cả hồn tơ liễu nghìn năm. Nguyễn Bính làm thơ rất bản năng, thậm chí như vô thức. Số lượng câu thơ hay của ông nhiều hơn bất cứ nhà thơ tiền chiến nào khác. Những câu thơ bất ngờ, hiện đại tới cùng này ai bảo Nguyễn Bính không mới :

“ Ở đây vô số những trời xanh”

Lối viết này Tây hơn cả Tây !

Hoặc quá ngạc nhiên khi ta đọc :

“ Xe ngựa chiều nay ngập thị thành
Chiều nay nàng bắt được trời xanh”

Hay :

“ Giời mờ ngao ngán một loài mây”

Xin lỗi, nếu ai trích được một câu của trường phái “tân con cóc” “ tân siêu thực” của Việt Nam hay ngang những câu này của Nguyễn Bính, tôi xin thưởng ba vạn chín nghìn con kiến,một trăm con voi !

Trong dòng thơ tiền chiến, chúng tôi bao giờ cũng biết cách tôn kính Thế Lữ, ngả mũ trước Xuân Diệu, thán phục Huy Cận, kinh ngạc trước Hàn Mặc tử, mơ mộng sầu thương cùng Lưu Trọng Lư, Hồ Dếnh…Nhưng chúng tôi bao giờ cũng dành cho Nguyễn Bính trọn niềm yêu mến, không chỉ là tấm lòng hậu sinh với bậc tiền bối, mà còn vì tình yêu của độc giả mấy chục năm trời với thơ ông.

Chỉ tính gần chục năm lại đây ( năm 1995 khi tác giả viết bài này) theo thống kê tạm thời của một số nhà xuất bản, thơ Nguyễn Bính đã in và phát hành tới số kỷ lục hàng triệu bản. Qua bao thăng trầm, Nguyễn Bính vẫn là nhà thơ số một được độc giả Việt Nam hâm mộ nhất sau Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi).

Ba mươi năm đã qua kể từ năm Nguyễn Bính mầt buổi trưa ngày 30 tết ấy, có lẽ hình ảnh đọng lại trong mắt thi hào Nguyễn Bính là vườm thuốc nam nhà ông Tân Thanh hay một loài mây, hay loài bướm trắng nào vừa chìm xuống đáy ao trước khi ông bụng không hạt cơm ngã xuống trong hôn mê và trong cơn đói vĩnh cửu ? Chỉ biết rằng thi ca ông đã thành vị thuốc nam chữa lành nỗi đau và niềm hư vô kiếp người.

Ông không tìm lối xuyên tường đưa thơ Việt vào hiện đại như ai đó. Thơ ông thẩm thấu qua trời sương khói, qua hồn ca dao, qua Truyện Kiều đưa nâu sồng lục bát quê hương vào hiện đại. Xin đọc lại một câu thơ Nguyễn Bính :

“ Xót xa một buổi soi gương cũ
Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền”

Ôi những mắt chữ điền bị thời gian xô lệch muôn năm cũ, xin về đây soi lại chiếc gương thi ca hiện đại muôn sau Nguyễn Bính.,.

Sài Gòn 28-12-1995

T.M.H.


GHEN

(Bài thơ của Nguyễn Bính được Trọng Khương phổ nhạc)

Cô nhân tình bé của tôi ơi!
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ...
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai,
Đừng hôn, dù thấy cánh hoa tươi,
Đừng ôm gối chiếc, đêm nay ngủ...
Đừng tắm chiều nay, biển lắm người.

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa,
Mà cô thường xức, chẳng bay xa,
Chẳng làm ngây ngất người qua lại,
Dẫu chỉ qua đường, khách lại qua.

Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô
Bằng không, tôi muốn cô đừng gặp
Một trẻ trai nào, trong giấc mơ.

Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ.
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen.
Chân cô in vết trên đường bụi
Chẳng bước chân nào được dẫm lên.

Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi,
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả.
Cô là tất cả của riêng tôi