Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

LÀM THẾ NÀO?

 Giáo dục và định mệnh quốc gia

Trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới biết đến như một nước giàu có, một xã hội thịnh vượng. Kinh tế nước ta xưa nay chủ yếu là nước trồng lúa và làm tiểu thương. Mãi gần đây, nước ta mới trở thành một nước xuất khẩu nông sản và thủy sản, nhưng giá trị xuất khẩu chưa phải lớn đối với một quốc gia trong thế giới ngày nay.
Công nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ứng dụng các máy móc, công nghệ nước ngoài. Sản phẩm lắp ráp theo thiết kế, thương hiệu, linh kiện nước ngoài vẫn là chủ yếu. Các sản phẩm hàng công nghiệp và tiêu dùng có tính cạnh tranh của Việt Nam chưa có mấy, so với các nước ASEAN đã yếu, so với toàn thế giới thì rất yếu.
Việt Nam chưa có gì đáng tự hào về khoa học. Gần đây, một số người Việt nổi lên, có tên tuổi trong các lĩnh vực Toán, Vật lý, nhưng họ đã là công dân của các nước khác, sống và làm việc ở nước ngoài.

Những thứ thiết yếu cho cuộc sống như giáo dục, y tế, giao thông của nước ta yếu kém, lạc hậu rất nhiều so với thế giới. Văn học, điện ảnh nước ta hầu như không ra khỏi được biên giới nước ta, thậm chí thua ngay trên sân nhà.
Bề ngoài, hầu hết lĩnh vực nước ta tỏ ra sẵn sàng hội nhập quốc tế, cầu thị học hỏi, tiếp thu, ứng dụng tri thức nhân loại và các kinh nghiệm thực tiễn tiên tiến. Một trong những việc khởi động của nhiều đề án hoàn thiện, cải cách, nâng cấp quản lý nhà nước, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế nói chung, khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa... là đi khảo sát ở nước ngoài. Trong các đề án, có vô vàn thông tin, số liệu, minh họa, ví dụ ở Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... có tính thuyết phục cho các chính sách, giải pháp, kế hoạch hành động, ngân sách mà cơ quan chủ trì đề xuất. Thấy đúng quá rồi, yên tâm quá, làm thôi!
Nhưng tại sao ta cầu thị như thế, học hỏi, tiếp thu tri thức nhân loại và kinh nghiệm tiên tiến của thế giới như thế, mà các lĩnh vực nước ta cứ yếu kém, đì đẹt mãi vậy, càng đi, khoảng cách với thế giới càng xa vậy? Sự thật cay đắng là chúng ta chưa đủ trình độ để học hỏi và tiếp thu tinh hoa và kiến thức nhân loại, kể cả những thứ chẳng ai giữ bản quyền và đòi tiền bản quyền.
Chúng ta hay chê Trung Quốc chỉ giỏi làm "hàng nhái". Nhưng "hàng nhái" mà là tàu vũ vụ, máy bay, tàu phá băng, tàu hoả cao tốc, giàn khoan viễn dương... thì họ đã phải ở trình độ nào mới "nhái" nổi của thiên hạ chứ? Chúng ta thử "nhái" cái tủ lạnh, lò vi sóng, bàn là, máy giặt, máy hút bụi... xem có ra gì không, có cạnh tranh được về chất lượng, giá cả không?
Tóm lại, nếu nói đến những thứ làm cho thế giới phục Việt Nam, ngoài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Việt Nam ta chưa giỏi việc gì khác. Là một nước yếu toàn diện về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật, Việt Nam sẽ luôn là "miếng mồi" của các cường quốc, những kẻ thèm muốn chiếm mảnh đất này, dù theo kiểu xâm lược cũ hay các kiểu xâm lược mới. Họ nghĩ Việt Nam đủ yếu để họ xâm lược và sẽ tìm cách xâm lược nước ta một khi họ vẫn nghĩ là nước ta nghèo yếu và chia rẽ. Nhưng chắc chắn là họ sẽ sai lầm, sẽ thất bại giống như những gì đã xảy ra với các cuộc xâm lược nước ta từ xưa đến nay.
Bị ngoại xâm và chiến thắng ngoại xâm - đó là định mệnh của Việt Nam. Chúng ta thích cái định mệnh đó hay muốn thay đổi nó?
Nếu chúng ta thích nó, hãy cứ sống như chúng ta đã và đang sống. Chắc chắn lịch sử sẽ lặp lại. Chúng ta sẽ lại có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới. Nhưng Việt Nam ta sẽ không bao giờ có những nhà kinh doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hóa, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với thế giới. Họ không thể xuất hiện ở một đất nước luôn luôn có nguy cơ bị xâm lược và triền miên đánh giặc ngoại xâm. Việt Nam sẽ không bao giờ giàu có, hiện đại và văn minh.
Nếu chúng ta muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm, không có cách nào khác là bắt đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người Việt mới. Họ sẽ học hỏi và tiếp thu tinh hoa, kiến thức của nhân loại, nhưng với sự nghiêm túc học hỏi và chất lượng tiếp thu cao hơn rất nhiều so với các thế hệ chúng ta. Những thế hệ người Việt mới sẽ nghĩ rất khác chúng ta hiện nay. Họ sẽ nghĩ không hay ho gì ba lần đại thắng quân Nguyên như cái giá của một nghìn năm Bắc thuộc. Tốt nhất là nước ta không bị họ xâm lược và vì thế không cần phải thắng họ.
Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc có 5 cường quốc là ủy viên thường trực thì nước ta đã buộc phải đánh nhau với 3 nước để bảo vệ độc lập, chủ quyền, với tổng thời gian chiến tranh trên 100 năm. Chúng ta đã chiến thắng họ một cách vang dội trong quá khứ. Nhưng các thế hệ người Việt mới sẽ biết cách để tránh chiến tranh trong tương lai. Họ biết cách làm sao để các kiểu "quân Nguyên" sẽ không bao giờ dám nghĩ tới việc xâm lược một Việt Nam giàu mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật và kéo theo là sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Việt Nam với thế giới. Chúng ta cần đầu tư mạnh vào các thế hệ người Việt mới như vậy.
Giống như Malaysia rộng lớn, đông dân chẳng bao giờ dám nghĩ tới việc "thu hồi" Singapore nhỏ bé từng là một phần trước kia của họ. Singapore đã thay đổi được định mệnh của mình. Họ đã bắt đầu từ giáo dục. Đối với Singapore, ông Lý Quang Diệu không chỉ là người lập quốc, ông còn là nhà tư tưởng và nhà giáo dục đại tài. Bằng việc áp dụng những gì tốt nhất của các nền giáo dục Anh, Mỹ, Singapore đã trở thành một trong những cường quốc giáo dục hàng đầu của giới. Nền giáo dục tiên tiến đã thay đổi toàn diện quốc đảo này. Người Singapore hiện nay tư duy rất khác ông cha họ đến từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ. Đối với các nước chưa thân thiện với Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ nói một câu: "If you beat me, I will beat you, and damage may be more on your side!" ("Nếu anh đánh tôi thì tôi sẽ đánh lại anh và có thể anh sẽ bị thiệt hại nhiều hơn đấy!). Singapore nói được, làm được.
Trước đó, từ năm 1868, được thuyết phục và khích lệ bởi tư tưởng "thoát Á" của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi, Minh Trị Hoàng Đế nước Nhật đã thực hiện cuộc cải cách giáo dục hiếm có cả về chiều rộng và chiều sâu, giũ bỏ các tư tưởng, giá trị giáo dục cũ để xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới cho nước Nhật. Bức ảnh trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật Bản không phải của một ông vua hay một ông thủ tướng, mà của nhà tư tưởng - nhà giáo Fukuzawa Yukichi, người sáng lập Đại học tổng hợp Keio, tác giả của "Thoát Á Luận".
Gần đây nhất, Hàn Quốc đã nổi lên như một ví dụ đầy thuyết phục về sự thay đổi định mệnh quốc gia. Trong vòng chỉ hơn 40 năm, Hàn Quốc đã trở thành một nền kinh tế lớn của thế giới, với công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ hiện đại. Đồng thời, nền giáo dục, khoa học Hàn Quốc đạt được rất nhiều thành tựu lớn, tiến sát các nước phát triển nhất. Về bản chất, Hàn Quốc là một quốc gia "thoát Á" thành công sau Nhật Bản và Singapore.
Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, tôi cho rằng, để thay đổi định mệnh của đất nước, dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông. Và điều đó chỉ có thể làm được thông qua giáo dục. Nói đúng hơn - thông qua cải cách và chấn hưng giáo dục, trên tinh thần khai sáng.
Tác giả: Lương Hoài Nam

11 CHỮ GÌ THẾ ???

Một kỷ lục về “khẩu hiệu”!

0:00/0:00
Dân trí

 Công trình xây lắp khẩu hiệu 11 chữ trên đồi Ông Tượng (phường Phương Lâm, TP Hòa Bình) được Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Anh Kỳ triển khai có vẻ như lại đang chuẩn bị lập nên kỷ lục mới.

Một kỷ lục về “khẩu hiệu”! - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Mà kể cũng lạ. Không hiểu sao đất nước chúng ta nhỏ bé thế mà đi đến đâu cũng rất dễ gặp những công trình không hoành tráng thì cũng “nhất” về mặt này, mặt nọ…!

Như dự án nói trên ở Hoà Bình, theo ghi nhận của báo chí, là một khẩu hiệu có 11 chữ do Sở Văn hoá - Thông tin và Du lịch Hoà Bình làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 10,2 tỷ đồng. Vị chi mỗi chữ có giá gần 1 tỷ đồng.

Nói không chừng, “cân, đo, đong, đếm”, mỗi một chữ ở trên đồi Ông Tượng lại lập kỷ lục về “những ký tự có giá” nhất thế giới ấy chứ!

Giá tiền quy đổi của mỗi một chữ ấy, báo Dân Trí và các nhà tài trợ có thể xây được tới 2 điểm trường cho các cháu ở miền núi, xây được mấy cây cầu “giải cứu” dân bản ở vùng sâu vùng xa. Thế mà ở đây, người ta sẵn sàng bỏ tới hơn chục tỷ để làm một “câu-khẩu-hiệu-11-chữ”!

Giải thích cho cái sự đắt đỏ trên, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình nói rằng, công trình thi công trên địa hình phức tạp, nhiều hạng mục phụ trợ hết nhiều kinh phí. Hạng mục 11 chữ của khẩu hiệu sẽ được gia công giằng mái thép bằng thép hình, gia công giằng thép bằng thép bản, lắp dựng giằng thép liên kết, bulong M16, tấm aluminium, đục lỗ tấm thép bằng công nghệ CNC….

Và để đảm bảo an toàn cho các công trình xung quanh nơi thi công xây lắp khẩu hiệu (tượng đài Bác Hồ trên đỉnh đồi, các công trình trụ sở và nhà dân ở phía dưới), đơn vị thi công đã phải tiến hành việc khoan tạo lỗ neo để cắm neo gia cố mái vách taluy, lắp dựng ống thép, gia công giằng mái thép, bơm keo xi măng lỏng… Chưa hết, do vị trí thi công trình là vách núi cao nên việc vận chuyển các loại vật liệu như cát, sỏi, đá dăm, sắt thép… đều phải làm thủ công.

Chao ôi là kỳ công!

Tóm lại, nữ Giám đốc Sở vẫn khẳng định, việc xây dựng khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng là “cần thiết và hợp lý”.

Thế nhưng mà, chưa kịp cảm nhận hết được sự “cần thiết” và “hợp lý” ấy thì việc xây công trình “chữ tiền tỷ” ấy trên vùng đất nghèo như Hoà Bình, nghĩ tới nghĩ lui vẫn mang lại cảm giác khập khiễng. Nhiều người dân mới nghe con số thôi đã… tiếc đứt ruột đứt gan.

Không tiếc sao được vì kinh phí xây công trình là tiền ngân sách chứ có phải do “mạnh thường quân” nào tài trợ đâu! (Kể cả có mạnh thường quân, thì người ta có đổ vốn vào công trình này không nhỉ?).

Cái đáng nói là trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn bao nhiêu nơi thiếu thốn phòng học, đường giao thông trắc trở, đời sống người dân còn chật vật, khó khăn. Đối diện với mưa bão, thiên tai, sạt lở… hàng năm, Hoà Bình còn phải nhận gạo cứu trợ, thậm chí là cứu đói.

Thông tin mới cập nhật cho biết, sau khi các cơ quan báo chí có phản ánh về dự án xây dựng khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo kiểm tra lại dự án. Kế hoạch kiểm tra dự án dự kiến có trong ngày 28/9 và giao cho các Sở ngành kiểm tra, rà soát tổng thể quá trình đầu tư xây dựng của dự án.

Vậy là, những băn khoăn của công chúng và tiếng nói báo chí về “công trình chữ tiền tỷ” cũng đã đến với lãnh đạo tỉnh Hoà Bình!

Được biết, nội dung câu khẩu hiệu nói trên nhằm để bà con các dân tộc của tỉnh ghi nhớ công ơn của Bác, học tập và làm theo tấm gương Bác.

Suốt cả cuộc đời hoạt động Cách mạng, cống hiến tất cả cho đất nước, cho nhân dân, Bác là hiện thân của lối sống giản dị, tiết kiệm. Nhớ ơn Bác càng phải noi theo và làm theo gương Bác.

Bác từng dạy, làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to, ngay như sử dụng văn phòng phẩm “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm... mà lợi cho dân rất nhiều” – Bài “Di chúc Bác Hồ về tiết kiệm chống lãng phí” – Chinhphu.vn ngày 29.8.2014.

Bác cũng dặn các cán bộ: “Lời nói phải đi đôi với việc làm, nói mà không làm dân sẽ không tin”.

Bích Diệp

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

ĐI TÌM MÀU TÍM HOA SIM

Kỳ 2: Chị xoáy theo dòng nước

 

Tìm về "nàng thơ"

 

Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi tìm về ấp Thị Long, huyện Nông Cống - nơi được ghi nằm lại của "người vợ chờ bé bỏng chiều quê". Bất ngờ qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Đán bảo: "Mẹ già tôi không nằm ở Nông Cống. Mẹ đang nằm ở nghĩa trang làng Định Hòa ở TP Thanh Hóa, cũng là quê của bà".

Làng Định Hòa thuộc phường Đông Cương, nằm cách cầu Hàm Rồng vắt qua sông Mã non ba cây số đường chim bay. 

Tìm đến nhà thờ họ Lê Đỗ, ông thủ từ Lê Đỗ Dạng giới thiệu say sưa về ngôi nhà thờ cổ ba gian chạm trổ công phu được làm từ thời Khải Định, là nhà thờ cổ hiếm hoi, gần như duy nhất còn lại trong vùng.

Bên bảng phả hệ treo trên bức tường, ông diễn giải rằng ngài tổ Lê Thành đến đất Định Hòa lập ấp từ mấy trăm năm trước, vốn là công thần nhà Lê Trung hưng được ban quốc tính nên con cháu về sau lấy họ Lê Đỗ. Bảng phả hệ thể hiện người cha Lê Đỗ Kỳ đời thứ 17, bà Ninh đời 18.

Nằm cách khu dân cư Định Hòa một cánh đồng rộng trồng nhiều hoa hồng và rau màu tươi tốt, nghĩa trang họ Lê Đỗ với hàng trăm ngôi mộ xếp theo thế thứ.

Phần mộ "nàng thơ" nằm ở dãy thứ sáu, tấm bia ghi rõ: "Mộ chí bà Lê Thị Ninh, đời thứ 18, sinh năm 1932, tạ thế 29-4-1949". Sau thắp hương, ông Dạng dẫn chúng tôi vào làng để tìm gặp ông Lê Đỗ Tùng, trưởng ban điều hành dòng họ.

Ông Tùng là cán bộ về hưu, không biết có người trong họ vốn là "nàng thơ" dù ông rất thích bài thơ Mầu tím hoa sim. Ông "hi vọng" nhiều thông tin sẽ nằm trong gia phả mà mình lưu giữ. 

Chúng tôi lần giở bản gia phả trong sự hồi hộp, bỗng "bắt phải vàng" ở đời thứ 18, mục 238, ghi rõ rành: "Lê Thị Ninh, tức Lê Đỗ Thị Ninh (1932-1948, giỗ ngày 29-5), cha: Lê Đỗ Kỳ, mẹ: Đái Thị Ngọc Chất, chồng: Nguyễn Hữu Loan (nhà thơ, 1916-2010), mộ ở làng Định Hòa". 

Thông tin trong gia phả dù vài độ lệch về ngày tháng nhưng khẳng định rõ phần mộ kia chính xác là "người vợ chờ bé bỏng chiều quê" của thi sĩ tài hoa Hữu Loan.


“Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương” vẫn đang được gia đình lưu giữ 


Ám ảnh người chị xoáy theo dòng nước

Nhờ ông Tùng, chúng tôi liên lạc với ông Lê Đỗ Bình - em trai "nàng thơ" - và chốt cuộc hẹn tại Hà Nội. Ngồi trên phiến đá xanh trước đền Ngọc Sơn bên hồ Gươm, ông kể nhiều về một thời loạn lạc tứ tán. 

Từ đầu năm 1947, tiêu thổ kháng chiến, ngôi nhà lớn ở Thanh Hóa bị giật sập, cả gia đình sơ tán lên ấp Thị Long sinh sống, nơi người bố có trang trại rộng chừng 5-7 mẫu.

Đến đoạn giọng ông chùng nghẹn xuống, nhắc hình ảnh người chị xoáy trôi theo dòng nước mấy chục năm nay vẫn mãi trong tâm trí mình.

"Sông Chuồng hôm ấy trong mùa nước dữ, chảy xiết, dâng cao. Mẹ tôi cùng chị Ninh đưa quần áo ra bến giặt, tôi và hai đứa em nữa cũng theo sau. Chị Ninh không may bị trượt chân, tôi nhìn thấy chị bị dòng nước xoáy cuốn vào và đưa đi. 

Mẹ tôi la hét gọi người đến cứu nhưng vì dân ở cách xa, không ai nghe thấy. Mãi lúc sau, một thanh niên xuống vớt chị lên, cách chỗ trượt chân khoảng chừng trăm mét. Mẹ tôi bất thần không biết gì nữa" - ông Bình kể.

Bà Đái Thị Ngọc Chất tang trùng tang, đau đớn tột cùng bởi người mẹ ruột sống cùng mình cũng qua đời trước đó không lâu. Bà cho an táng con gái cạnh người mẹ. 

Mãi đến năm 1967, bà sai ông Bình về Thị Long tìm mộ mẹ và con gái đưa về cải táng đầu làng Định Hòa. Sau này khi Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa xây dựng, phần mộ bà Ninh tiếp tục được dời đến nghĩa trang gia đình. 

Trong câu chuyện dài, ông nhớ mãi hình ảnh người chị gái có "khuôn mặt khá bầu, người hơi đậm, thấp và nhỏ nhắn" và ngậm ngùi vì di ảnh duy nhất bị thất lạc trong chiến tranh.

Sau đợt cải cách ruộng đất 1954, ông Bình tìm về Vân Hoàn ở cùng anh rể hơn 1 tháng mới ra Hà Nội. 

Ông nhớ mãi Hữu Loan hồi đó "suốt ngày đọc sách, rồi đi ra đi vào, viết lách làm thơ. Thỉnh thoảng anh đưa tôi đi về mấy xóm chài xem họ xiếc tép, làm cá. Cái thời cơm gạo khó khăn, hai anh em ăn toàn khoai lang". 

Sau đó không lâu, khi Hữu Loan đang làm báo Văn Nghệ, ông Bình cũng tìm đến nhà anh rể gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở lại 2 tuần để chờ một người anh từ chiến khu trở về.

Năm 1985, ông Bình lại về thăm anh rể ở Vân Hoàn, giai đoạn bài thơ Mầu tím hoa sim "đã công khai, nổi tiếng như cồn". Ông kể: "Anh Loan bảo tôi: "Người ta sẽ đến đây tìm mộ nàng thơ Mầu tím hoa sim. Tôi muốn đưa mộ bà Ninh về Vân Hoàn này". 

Tôi trả lời anh rằng chị gái đã bị di dời nhiều lần, nay đã mồ yên mả đẹp. Vả lại anh bây giờ đã yên bề gia thất, mười người con sum vầy, có người chăm sóc. Đưa chị về đây cũng cô quạnh lắm, chẳng nên chút nào".

Gia đình "nàng" không dám nghe bài thơ

Ông Bình kể khi còn sống, mẹ không bao giờ cho nghe bài thơ Mầu tím hoa sim. Hễ ai đọc lên là bà khóc. Mãi sau khi mẹ qua đời (1987), anh em trong gia đình mới đọc và nghe các bài hát phổ thơ, vậy mà không lần nào không rơi nước mắt. 

"Bây giờ chúng tôi già rồi, "trơ" ra rồi, vậy mà đọc còn thấy đau xót lắm, bởi vì anh Hữu Loan viết tình cảnh rất thật. Ba người anh đi bộ đội, người em chưa biết nói đều có. 

Còn đồi sim, trong trí nhớ tôi hồi ấy nơi trang trại ở vùng bán sơn địa Thị Long, màu tim tím cứ trải dài đến tận núi. Rồi những hình ảnh mẹ tôi "ngồi bên mộ con đầy bóng tối", "bình hoa ngày cưới thành bình hương"... tất cả đều thật hết" - dừng kể, ông khẽ đọc những câu thơ trong nỗi buồn miên man.

Câu chuyện gia đình Hữu Loan lẫn gia đình "nàng thơ" Mầu tím hoa sim cho biết rằng Hữu Loan luôn thương, kính và biết ơn người mẹ vợ Đái Thị Ngọc Chất. 

Tuy nhiên, theo ông Bình, có lẽ vì lý do hai bên có những điều khác nhau nên ít liên lạc. Đến khi người mẹ mất ở Hà Nội, gia đình ông cũng không báo. 

Khi biết tin, Hữu Loan đã làm đôi câu đối vừa thể hiện dâng mẹ, vừa ẩn ý trách cứ: "Rể khôn đền, gái ngắn phận sao đền, ơn cứu, ơn mang, ơn đoán giữa một tương lai nhân cách/ Sống khó gặp, chết vì sao không gặp, khóc nguồn, khóc núi, khóc ai cùng đương đại loạn thiên lương".

Mà không buồn sao được, những đoạn trong Mầu tím hoa sim viết thật đến mức… rờn rợn về bối cảnh, về người mẹ và về ba người anh “biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng”. 

Đó là anh đầu Lê Đỗ Khôi (liệt sĩ trong trận Điện Biên Phủ), anh kế Lê Đỗ Nguyên (tức trung tướng Phạm Hồng Cư, nay 94 tuổi, đang ở Hà Nội) và Lê Đỗ An (nguyên phó Ban Dân vận Trung ương Đảng). 

Về “những em nàng” là Lê Đỗ Khang, Lê Đỗ Bình, Lê Đỗ Thái và “em chưa biết nói” là Lê Thị Như Ý (lúc ấy chưa đầy 2 tuổi, đang là giáo viên về hưu ở Hà Nội)…

Hữu Loan từng làm "quan to" ở Thanh Hóa và "công việc sang trọng" ở báo Văn Nghệ, hội viên Hội Nhà văn VN, nhưng cả hai lần ông bỏ ngang về quê bởi cá tính bộc trực, quyết liệt của mình.

Kỳ tới: Khí phách sau những vần thơ tình mê đắm

 

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

ĐI TÌM MÀU TÍM HOA SIM

 Kỳ 1: Đứa bé đẻ rơi và bài thơ tình thế kỷ


Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 1: Đứa bé đẻ rơi và bài thơ tình thế kỷ - Ảnh 1.

Ký họa về thi sĩ Hữu Lo an

"Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng".

Đã 10 năm hương hồn nhà thơ Hữu Loan dạo chơi đồi hoa sim cùng cô gái bé nhỏ của mình, nhưng những dòng thơ tình của ông vẫn làm thổn thức biết bao trái tim.

Chiều cuối xuân nhạt nắng, từ TP Thanh Hóa, chúng tôi đi chừng 30km về trung tâm huyện Nga Sơn, từ xa đã dễ dàng nhận thấy ngọn núi Vân Hoàn sừng sững vươn lên giữa đồng bằng.

Đẻ rơi cửa chùa

Chùa Vân Lỗi nép bên sườn núi quay hướng ra sông Mã, nằm cách đường vào thôn Vân Hoàn chừng vài chục bước chân. Được xây dựng từ thế kỷ XIV thời nhà Trần, vách núi của ngôi chùa từng mang tên Sùng Nghiêm Tự này vẫn còn in dấu nhiều bài thơ do tiền nhân để lại. 

Nhưng không chỉ thế, 104 năm trước, nơi đây còn gắn liền với sự ra đời của một nhà thơ tên tuổi khá đặc biệt trong văn học Việt Nam: Hữu Loan.

Đứng trên những bậc đá cheo leo lên chùa, ông Nguyễn Hữu Dũng, người sãi giữ chùa, nở nụ cười thân thiện mời chào. 

Khi nghe chúng tôi hỏi thăm về thi nhân Hữu Loan, ông đã "khoe" ngay: "Tôi gọi nhà thơ là chú, bố tôi với nhà thơ là anh em chú bác ruột. Hồi xưa, ông ấy được đẻ loi (đẻ rơi) ngay cánh đồng trước chùa đây chứ đâu".

Ông Dũng vừa nói vừa hướng ra đồng cói xanh xanh trước chùa, phía xa là con sông Mã hiền hòa uốn lượn. Câu chuyện ra đời của Hữu Loan được người sãi giữ chùa 76 tuổi kể đã lan truyền rất lâu ở làng. Ban đêm, sư trụ trì Sùng Nghiêm Tự bỗng thấy một vầng sáng vàng lóe lên phía trên núi Vân Hoàn.

Rạng sáng hôm sau, một người phụ nữ đang làm đồng phía trước chùa lên cơn đau đẻ bất ngờ. Bà lê vào tới thềm chùa thì sinh rớt người con ngay ở đó. Sư trụ trì ngày ấy đã nói với người phụ nữ rằng đứa bé con bà rất đặc biệt, hẳn sau này sẽ hơn người. Đứa bé đó chính là nhà thơ Hữu Loan.

Cậu bé lớn lên với trí thông minh học đâu nhớ đó càng khiến nhiều người làng tin vào "điềm trời". Dù nhà nghèo Hữu Loan vẫn được cha mẹ cho theo con đường ăn học. Để rồi năm 1938, 22 tuổi, con đường học vấn của Hữu Loan đã tỏa sáng khi ông đỗ "tú tài Tây" tại Hà Nội, thời ấy rất hiếm người đạt tới được.

Chỉ cần có bằng cấp này là đủ để tìm việc trong một cơ quan hành chính đương thời. Nhưng cơ hội ấy chưa bao giờ nằm trong ý định của Hữu Loan. Sau khi có bằng tú tài Tây, ông hành nghề dạy học ngay trên quê hương mình.

Trong Địa chí Thanh Hóa (tập II, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 2004) vẫn còn ghi tên Hữu Loan là một trong số các giáo viên cao đẳng tiểu học vốn khá hiếm hoi vào thời kỳ đất nước chưa giành được độc lập.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 1: Đứa bé đẻ rơi và bài thơ tình thế kỷ - Ảnh 2.

Cổng chùa ven núi Vân Hoàn là nơi người mẹ đẻ rơi cậu bé Hữu Loan rạng ngày 2-4-1916 - Ảnh: THÁI LỘC

Bài thơ khóc vợ trên đường hành quân

Cũng trong thời kỳ làm giáo viên tại Thanh Hóa, Hữu Loan đã có cơ duyên gặp người vợ đầu tiên trong đời mình, để sau đó làng thi ca Việt Nam xuất hiện những vần thơ bất hủ. 

Trong suốt hành trình chúng tôi theo tìm hiểu về Hữu Loan, câu chuyện về xuất phát điểm của bài thơ được rất nhiều người kể lại gần như nhau.

Hồi đó ở số 48 Phố Lớn (Trần Phú, Thanh Hóa ngày nay), bà Tham Kỳ (tức Đái Thị Ngọc Chất, vợ ông Lê Đỗ Kỳ, chánh thanh tra Đông Dương về canh nông) mở cửa hiệu tạp hóa bán nhiều loại giấy bút, sách vở. 

Bà Tham Kỳ là con ông Đái Xuân Quảng (một cử nhân Hán học, từng làm tri huyện), nên giỏi Hán ngữ lẫn Pháp ngữ, đam mê thơ phú, thuộc nhiều tác phẩm văn học cổ như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc...

Thời gian ở Thanh Hóa học tú tài, Hữu Loan vẫn thường xuyên lui tới cửa hiệu của bà Chất để thỏa mãn niềm đam mê sách vở. Bà Chất rất quý mến chàng trai con nhà nghèo hiếu học, đã mời Hữu Loan về kèm dạy học cho ba người con trai của mình. 

Lần đầu tiên Hữu Loan về nhà bà Chất, con gái thứ tư của bà vẫn còn là một cô bé còn rất nhỏ.

Bẵng đi một thời gian, khi đã là thầy giáo đang dạy Trường Alexandre de Rhodes do nhà thờ Công giáo ở Thanh Hóa lập, Hữu Loan lại được bà Chất mời về nhà dạy cho chính người con gái này, lúc đó đã là cô bé Lê Đỗ Thị Ninh 8 tuổi. Một thời gian sau, Hữu Loan tham gia kháng chiến.

Ông Nguyễn Hữu Đán, con trai út Hữu Loan, tâm sự: "Bố tôi kể rằng sau ngày độc lập 2-9-1945, khi đang làm tuyên huấn, cụ đã diễn thuyết vận động nhân dân ủng hộ cách mạng trong Tuần lễ vàng ở Thanh Hóa. Mẹ Ninh lúc đó vô tình thấy cụ đang diễn thuyết; là con nhà giàu đeo nhiều nữ trang, đã tháo hết ủng hộ cách mạng.

Về nhà, mẹ giải thích chuyện không còn vàng bạc với người mẹ là bà Tham Kỳ, rằng: "Mẹ ơi, hôm nay con gặp anh Loan. Anh đọc diễn văn Tuần lễ vàng trước bao nhiêu người, anh thông minh, giỏi lắm mẹ ạ". Là phụ nữ biết "bệnh" tương tư, người mẹ hiểu rõ tâm tình của cô con gái hay nhắc đến anh Loan".

Cũng chính bà Chất đã kết duyên cho mối tình đầu đời của Hữu Loan. Sau tiêu thổ kháng chiến, khi bà Chất đưa những người con của mình về sơ tán ở ấp Thị Long, Nông Cống (cách TP Thanh Hóa chừng 30km), Hữu Loan đã xin về phép và có một đám cưới giản đơn nhưng đầy hạnh phúc. Một đám cưới chân thật như lời thơ của ông:

"Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi!".

Để rồi ba tháng sau đó, người vợ qua đời trong đau đớn. 

Một trong những người ở cùng Hữu Loan trong kháng chiến lúc bấy giờ là nhà thơ Vũ Cao đã từng viết lại thời khắc đau thương nhất của Hữu Loan: "Trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh báo tôi biết cái tin đột ngột: Lê Đỗ Thị Ninh vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung tóe xuống bàn, mặt anh tái xanh". 

Và những đau đớn ấy theo suốt đường hành quân xa, những vần thơ bất hủ cứ thế theo dòng cảm xúc của nhà thơ tài ba ra đời.

Bài thơ sau thời gian "truyền tụng ngầm", lần đầu tiên được Nguyễn Bính cho đăng trên báo Trăm Hoa. Không ít ý kiến "quy kết" bài thơ là "thứ văn chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản", được xem là nguyên cớ để Hữu Loan rời báo Văn Nghệ về quê lao động, thồ đá nuôi con. 

Ở miền Nam, tác phẩm Màu tím hoa sim được các nhạc sĩ tài hoa như Phạm Duy, Anh Bằng, Dzũng Chinh phổ nhạc, làm thổn thức biết bao trái tim. Đến năm 2004, Màu tím hoa sim được một công ty ở TP.HCM mua tác quyền với giá 100 triệu đồng...

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 1: Đứa bé đẻ rơi và bài thơ tình thế kỷ - Ảnh 3.

Ảnh Hữu Loan và các bạn văn trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam - Ảnh: THÁI LỘC chụp lại

Trích đoạn Màu tím hoa sim

... Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất/ trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu...

Người em trai "nàng thơ" kể suốt mấy chục năm trời gia đình không ai dám đọc dám nghe bài thơ Màu tím hoa sim vì nó quá thật, gợi sự "rờn rợn", đau đớn, tiếc thương.

Kỳ tới: Nhớ hình ảnh chị xoáy theo dòng nước

Bản gốc của bài thơ Màu tím hoa sim



Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

LÀM THẾ NÀO ĐẺ KHÔNG YÊU PHẢI ĐÀN ÔNG KHÔNG RA GÌ?

 Làm sao để con gái mình "không yêu phải đàn ông chẳng ra gì", cách ngăn chặn từ gốc rễ

Làm thế nào để con gái có thể chọn được người bạn đời phù hợp với mình là vấn đề khiến không ít bậc phụ huynh đau đầu.

Với các bậc cha mẹ, con gái quý như bình rượu mơ. Khi con đến tuổi trưởng thành, bố mẹ chẳng nỡ trao "kho báu" của mình cho bất kỳ chàng trai nào bởi vô vàn những nỗi lo. Liệu chàng trai đó có xứng đáng với con mình? Chàng trai đó có chí tiến thủ, có lo lắng được cho cuộc sống gia đình sau này?

Tất nhiên, không một ông bố bà mẹ nào muốn con yêu phải một chàng trai chẳng ra gì. Nhưng quyền lựa chọn là của con và tình yêu thì chẳng nói trước được điều gì? Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bố mẹ phải bó tay để mặc cho con gái lựa chọn người bạn đời không xứng đáng.

Có 2 cô con gái rượu, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng chung nỗi lo này. Mới đây, anh đã chia sẻ những suy nghĩ cũng như giải pháp của mình khi rơi vào tình huống này:

"Vợ tôi vẫn hay cắc cớ hỏi tôi: Lỡ như trong My, Nguyên 2 đứa nhà mình yêu mê mệt một gã trai nghèo kiết xác lại còn lô đề bóng bánh thì anh sẽ làm gì? Tôi sẽ phải làm sao? Thật khó để trả lời cho câu hỏi đó. Là bố, lại lỡ quá yêu chúng nó, tôi làm sao đủ tỉnh táo để cho chúng một lời khuyên chí lý? Hẳn lúc đó đau lòng lắm mà không chừng sẽ quát mắng, đe dọa, cấm vận các kiểu không chừng. Vậy là bó tay ư?

Tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi về câu hỏi của vợ mình. Tôi nghĩ nhiều bậc cha mẹ cũng sẽ như tôi. Thương con, chẳng bố mẹ nào chịu nổi nếu như con mình yêu và nằng nặc đòi cưới một gã chả ra tích sự gì như thế. Kiểu đàn ông thất bại ấy làm sao mà mình thương cho nổi? Cứ nghĩ đến cả thanh xuân của con gái mình dành cho một kẻ không ra gì như thế, lòng bố mẹ nào chả quặn đau thắt lại?

Chắc thương chồng mặt nhăn như khỉ ăn ớt, mắt thì rơm rớm lệ vì giả định đau lòng ấy, vợ tôi mới bảo: “Chúng ta làm sao mà ngăn cản được các con trong việc chọn vợ, chọn chồng. Quyết định là của nó. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nắn dòng, uốn dòng từ bây giờ để các con tạo lập ra những chuẩn mực của chúng. 

·       Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Gia đình khuyết cũng là cái tội để không thể vào hội phụ huynh ư, chị hội trưởng hội phụ huynh?"

Như em ngày xưa, bố mẹ không cấm đoán nhưng cứ thử yêu một gã trai kém cỏi xem. Em sẽ không thể chịu nổi với ánh nhìn hờ hững của bà ngoại. Sẽ xấu hổ vô cùng với bạn bè. Sẽ cảm thấy mình thất bại. Lúc đó, dù có yêu đến mấy em cũng bỏ. Còn yêu người không yêu mình lắm dù anh ta có rất nhiều tiền thì với em cũng là không chấp nhận được. Em thích yêu và được yêu chứ không thích chỉ biết yêu mà không quan tâm xem họ có yêu mình hay không? Có bạn trai em bỏ chỉ vì yêu em không đủ như em mong đợi. Xin lỗi, em chả phải cây tầm gửi nhé!”.

Nàng là vậy. Phụ nữ cung Sư Tử coi sĩ diện lên hàng đầu. Nàng có thể lấy một ông chồng nghèo kiết xác (như tôi lúc gặp nàng) nhưng nàng không thể lấy một gã nghèo kiết xác nhưng chả có tương lai, chả nỗ lực, phấn đấu. Ngồi đấy mà khóc than số phận hay bỉ bai cuộc đời, nàng cho quên luôn! Nhưng 2 cô gái nhỏ của tôi, một Song Ngư, một Thiên Yết, liệu sĩ diện có bằng mẹ Sư Tử kia không?

Tôi nghĩ về việc giúp 2 cô gái này nhận ra những giá trị của 2 cô. Có thể bằng những điều bé nhỏ nhất như việc bố mẹ phải tôn trọng con vì con có những giá trị của con, không được so sánh con với bất cứ ai khác. Có thể (để sau này) tôi sẽ nói cho con nhiều hơn nữa về vị trí của chúng ở đâu tuỳ thuộc vào giá trị con người của chúng. Và giá trị con người của chúng ở đâu tuỳ thuộc vào vị trí mà chúng đứng, chúng chọn.

·       Nhà văn Hoàng Anh Tú: Đừng khoác lên vai con nghĩa vụ sau này kiếm ra nhiều tiền nuôi cha mẹ

Dường như nhiều cha mẹ chỉ quen dạy con tự lập, dạy con giỏi giang này nọ mà quên nhắc nhở con về giá trị của chúng. Tôi vẫn nghĩ về những tầng bay riêng của mỗi người. Họ sẽ bay trong tầm bay ấy và gặp rồi yêu những người trong tầm bay ấy. Chứ không phải một tầm bay dưới. Hay một tầm bay trên.  

Và bố mẹ, tôi vẫn cứ nghĩ rằng, chính bố mẹ mới là người quan trọng nhất trong việc giúp con định giá bản thân mình. Bằng không chỉ nói khơi khơi với con rằng con là điều tuyệt vời nhất, nhớ nhé, đừng quên. Mà còn bằng việc bố mẹ phải là người đầu tiên học cách trân quý con mình, nhận ra và đối xử với con mình đúng như giá trị mà con mình xứng đáng được nhận. Cách mà bố đối xử với con gái sẽ luôn trở thành thước đo khi con gái sau này chọn bạn đời".

THANH HƯƠNG, 

Vài nét về tác giả:

Hoàng Anh Tú sinh ngày 3/10/1978, là một cái tên rất quen thuộc với các độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả trẻ. Anh từng là bút trưởng (thế hệ thứ ba) của hội bút Hương đầu mùa, và giữ mục Công ty Divu với tên gọi Chánh Văn trên tuần báo Hoa học trò từ năm 2000-2012.


Cùng theo dõi các bài viết của nhà văn Hoàng Anh Tú TẠI ĐÂY