Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Đi tìm màu tím hoa sim

  Kỳ 4: Yêu nhau cởi áo cho nhau


TTO - Sau nỗi đau của lần hôn nhân thứ nhất và để lại cho đời áng thơ làm thổn thức hàng triệu con tim Mầu tím hoa sim, duyên số lại đưa đẩy nhà thơ Hữu Loan đến với người vợ thứ hai và cũng là "nàng thơ" của tác phẩm Hoa lúa trứ danh: Phạm Thị Nhu.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 4: Yêu nhau cởi áo cho nhau - Ảnh 1.

Hữu Loan và người vợ “Hoa lúa” Phạm Thị Nhu - Ảnh THÁI LỘC chụp tư liệu gia đình

Bà Nhu sinh cho Hữu Loan 10 người con và cùng ông vượt qua bao gian khổ, thăng trầm đến những ngày cuối đời.

Một dạ theo chồng

Bà Phạm Thị Nhu sinh năm 1935, thua Hữu Loan 19 tuổi. 

Kể về cơ duyên gặp nhau của bố mẹ mình, ông Nguyễn Hữu Đán, người con thứ tám, cho biết: "Khoảng năm 1952, bố tôi về dạy học ở chỗ Trường THPT Mai Anh Tuấn, huyện Nga Sơn bây giờ. Trong số học trò của cụ còn có anh trai họ của mẹ tôi. Nhà ngoại tôi lúc trước là địa chủ, đất đai ở vùng Nga Sơn nhiều lắm".

Sau cải cách ruộng đất, gia đình bà Nhu ly tán, bà phải đi chăn bò ở vùng quanh trường. Mỗi lần thả bò, bà Nhu cùng mấy người bạn mục đồng tranh thủ tới lấp ló ngoài cửa lớp để nghe Hữu Loan dạy. Những lời thơ từ người thầy điển trai làm mê mẩn cô gái 17 tuổi. 

Sau này kể lại với con cháu về những ngày đầu thấy Hữu Loan đứng trong lớp giảng Kiều, ngâm thơ, bà Nhu cho hay "nhiều đêm liền không ngủ được mà cứ thấy hình ảnh ông ấy đứng ngâm thơ".

Bà Nhu không ngờ rằng đôi mắt trong veo của mình cũng được nhà thơ để ý.

"Cụ lấy mẹ tôi vào năm 1953, đến năm sau thì sinh anh cả tôi là Nguyễn Hữu Cương", ông Đán kể đến đây thì chậm rãi ngâm những câu thơ đầu trong bài Hoa lúa của bố mình viết tặng mẹ:

"Em là con gái đồng xanh
tóc dài
vương hoa lúa
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ
giếng ngọt
cây đa

Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm trong lời em
từng lời...".

Thời điểm bà Nhu sinh người con trai đầu lòng, Hữu Loan đang ra Hà Nội để làm việc ở báo Văn Nghệ

"Lúc ấy bà sinh con xong bị đói, chẳng có chi mà ăn, cứ thế nhịn đói. Mấy hôm sau bố tôi mới về. Rồi sau đó bố đưa vợ con ra Hà Nội, xin cho mẹ tôi vào làm ở chỗ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân. Bà làm ở đó một thời gian cho đến khi bố tôi bỏ về Thanh Hóa, bà lại ôm con theo về. 

Cả đời bà, ông đi đâu bà theo đó, chẳng khi nào trách ông một lời", ông Đán kể tiếp.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 4: Yêu nhau cởi áo cho nhau - Ảnh 2.

Căn nhà của gia đình thi sĩ thời khốn khó - Ảnh: THÁI LỘC

Làm bánh bán chui

Năm 2013, khi Hữu Loan mất được ba năm, bà Nhu cũng đi theo chồng. 

"Bà làm bánh ướt, bún mộc từ khi về lại thôn Vân Hoàn sinh sống, cho đến năm bố tôi mất bà mới nghỉ, ngót nghét cũng 50 năm", ông Nguyễn Hữu Vũ, người con thứ tư, nói khi dẫn chúng tôi về thăm mái nhà xưa đang thờ bố mẹ mình.

Từ ngày ông bà mất, nơi đây cũng không còn ai ở, chỉ còn tiếng chim xanh véo von trên những tán nhãn che mát cả mảnh vườn nhỏ. Trong căn nhà cũ kỹ phía bên lối phải từ cổng đi vào, cái bếp nơi bà Nhu nấu bánh lúc sinh thời vẫn còn đó. 

Cái cối đá để xay bột do tự tay nhà thơ Hữu Loan đục đẽo cho vợ mình làm bánh vẫn còn nằm ở góc sân. Lâu không sử dụng, cả mặt cối phủ đầy đất, có cả những mầm cỏ lún phún mọc phía trên.

"Phải những năm 1980 bà mới có bếp để nấu, chứ trước đó nữa toàn là nấu chui, bán chui cả", ông Vũ cười nhớ lại cả tuổi thơ khốn khó của mình. Ông Vũ vẫn nhớ như in thời "ngăn sông cấm chợ", vài ba đồng tiền thồ đá của nhà thơ Hữu Loan không bõ bèn gì so với cả chục miệng ăn. 

Tối đến, nhà thơ phải lần mò trong đêm phụ vợ mình xay bột, làm bánh.

Bà Nhu tráng bánh ướt ngon có tiếng trong vùng. Nhưng để có bánh bán cho khách không phải là chuyện dễ. 

"Thời đó không có dầu ăn, muốn tráng bánh phải có mỡ lợn. Mà bị cấm sản xuất, giết mổ, chỉ còn cách lén lút nuôi lợn trong một chuồng kín không cho ai biết. Đến khi lợn lớn, phải chọn đêm tối, phải tống đầu lợn vào một bao gai đầy tro và ớt để nó sặc không kêu được rồi dìm xuống ao cho chết hẳn. 

Mổ cả con lợn cũng trong bóng tối, không dám thắp đèn vì sợ người ta biết", giọng ông Vũ run run khi đứng bên ao cá trong vườn. Mặt nước ao cá trong veo, yên tĩnh, nhưng ông Vũ như soi vào đó cả trời ký ức khổ ải.

Có được miếng mỡ, mỗi lần làm bánh phải dùng lá cây bít những lỗ quanh nhà kẻo sợ hương thơm mỡ phi hành bay xa. Mỗi khi bà Nhu tráng bánh, con cái lại phải thay nhau đứng canh chừng trước cổng. Làm ra mẻ bánh, trong khi chồng đi thồ đá thì bà Nhu lại phải "canh bán". 

"Làm bánh ra không dám để trong nhà, sợ người ta vào là bắt luôn cả cối đá, xoong nồi làm bánh. Bà phải đem ra đồng giấu. Bà làm bánh, ủ bún ngon nhất làng nên người ta cứ tới hỏi mua. Ai mua thì sai anh em chúng tôi lén đưa đi giao, lấy tiền về", ông Vũ kể thêm.

Hữu Loan đã chọn cách sống cùng khổ bằng lao động chân tay, để có chút niềm vui là tri thức của mình không bị áp đặt, lệ thuộc. Còn bà Nhu cả đời khổ ải theo chồng, có lẽ chỉ có niềm vui duy nhất là vun vén được cho chồng con.

Ông Vũ xúc động tâm sự về người mẹ mà ông mang khuôn mặt "như đúc": "Tính bà cũng bộc trực, ông hay nói bà thiếu tế nhị vì bà thấy cái gì cũng hay nói thẳng. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy bà cãi ý ông. 

Bà chăm sóc chồng con hết lòng bằng cách đơn giản nhất là kiếm cái quần cũ sửa lại cho ông mặc, tằn tiện lo rau cháo, nhường hết cho chồng con có cái ăn hằng ngày".

Hữu Loan cũng rất mực yêu vợ. Những năm không còn phải chịu cảnh bán bánh chui, rổ rá phải vá chằng vá đụp, người trong làng chiều chiều vẫn nghe ông bà vừa cùng xay bột vừa hát dân ca.

"Mãi về già sau này khi đã 90 tuổi, cụ vẫn thường hay khen nịnh mẹ tôi đẹp. Bà nghe thích lắm, lúc nào ông khen bà cũng cười tít mắt", ông Vũ cười kể, rồi bất giác ông nhìn lại cái cối đá mà khi xưa bố mẹ cùng nhau xay bột, ngâm lên những câu thơ cuối trong bài Hoa lúa.

Ông Vũ cho biết mẹ mình yêu chồng hết mực nên cũng có một tính là... rất ghen. "Bà ghen ác (dữ) lắm! Mấy cô nhà thơ, cô giáo ngưỡng mộ cụ, hay tới thăm và trò chuyện thân mật với cụ là bà ghen hết. 

Có đợt cụ chụp hình với một nhà thơ nữ, bà ghen quá lấy kéo cắt cái hình nhà thơ nữ vứt đi. Thỉnh thoảng nghe ông khen người vợ trước tốt đẹp thế này thế kia, bà cũng đánh tiếng ghen. Chuyện bà ghen, cả hội văn nghệ hay lui tới thăm cụ sau này đều biết", ông Vũ cười kể.

“ ... Trai thôn Thượng, gái thôn Đoài hai bên gặp gỡ
Cầm tay trao một miếng trầu
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
..”.

Bài thơ Hoa lúa được Hữu Loan sáng tác năm 1955, đề dành tặng bà Phạm Thị Nhu.

Theo lời chính tác giả kể lại với người nhà, bài thơ vừa được viết, nhà thơ Nguyễn Bính lúc bấy giờ đã trả nhuận bút 15 đồng để đăng trên báo Trăm Hoa.

"Tôi đẩy xe đi
đá nặng dốc dài
Dốc chang chang trên nắng dưới người
Nắng chảy ròng ròng từ lưng trần từ râu không cạo
".

Kỳ tới: Nhà thơ tình đi thồ đá


Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

ĐI TÌM MÀU TÍM HOA SIM

Kỳ 3: Khí phách sau những vần thơ tình thổn thức

TTO - Những người bạn văn của Hữu Loan kể rằng ông từng làm 'quan to' ở Thanh Hóa và có 'công việc sang trọng' ở báo Văn Nghệ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng cả hai lần ông bỏ ngang về quê bởi cá tính bộc trực, quyết liệt của mình.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 3: Khí phách sau những vần thơ tình thổn thức - Ảnh 1.

Hữu Loan cùng các bạn văn nghệ sĩ Thanh Hóa (chụp thập niên 2000) - Ảnh: THÁI LỘC chụp lại

Tham gia thành lập chính quyền

Trước Cách mạng Tháng 8, năm 1936, Hữu Loan tham gia nhiều phong trào chống Pháp tại quê nhà cho đến năm 1943 thì làm phó chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nga Sơn. 

Lịch sử Đảng bộ xã Nga Lĩnh ghi giai đoạn cuối năm 1942 - đầu năm 1943: "Các đồng chí Nguyễn Hữu Loan (làng Vân Hoàn) và Phạm Minh Thanh (xã Nga Thanh ngày nay) là cán bộ Việt Minh đang hoạt động tại thị xã Thanh Hóa đã trở về địa phương xây dựng tổ chức Việt Minh. Hai đồng chí đã tích cực vận động giác ngộ, kết nạp được một số hội viên cứu quốc như các đồng chí... Đầu năm 1943, tại làng Vân Hoàn thành lập được tổ chức Việt Minh do đồng chí Nguyễn Hữu Loan phụ trách".

Tài liệu này cũng chú thích rất cụ thể: "Đồng chí Nguyễn Hữu Loan là người làng Vân Hoàn (Nga Lĩnh) lúc này là giáo viên và là cán bộ Việt Minh dạy học tại thị xã Thanh Hóa. Do cơ sở Việt Minh bị lộ, đồng chí đã trốn khỏi sự vây ráp của kẻ thù về địa phương tiếp tục hoạt động".

Trong nạn đói khủng khiếp gây chết hàng loạt tại Thanh Hóa, tổ chức Việt Minh tại Vân Hoàn do Hữu Loan đứng đầu đã vận động lý trưởng không thu thuế nhà nghèo, chỉ thu thuế những nhà giàu nhưng không nộp lên trên. 

Tài liệu Đảng bộ xã ghi: "Đồng chí Nguyễn Hữu Loan đã dẫn đầu đoàn đại biểu của làng Vân Hoàn lên huyện đấu tranh đòi khất thuế... Tổ chức Việt Minh tại các làng phát động phong trào kiên quyết cứu đói cho dân bằng mọi hình thức như vận động nhà giàu cho dân vay thóc, kêu gọi mọi người đồng tâm bớt sữa, góp gạo nấu cháo cứu đói... do đó đã kịp thời giúp nhân dân thoát khỏi nạn đói".

Hữu Loan cũng tích cực tham gia lãnh đạo các hoạt động tại địa phương chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Một đội tự vệ cứu quốc cấp xã ở Nga Lĩnh lúc đó được thành lập gồm 71 đội viên, riêng làng Vân Hoàn của Hữu Loan tham gia đến 30 người.

Cách mạng Tháng 8 thành công, Hữu Loan tham gia thành lập chính quyền, làm ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, được xem tương đương chức phó chủ tịch tỉnh phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và công chính. Nhưng rồi ông "bỏ ngang" về quê Vân Hoàn, Nga Sơn trong sự bất ngờ của nhiều người. 

Nhà thơ Nguyễn Văn Túy - phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Thanh Hóa - nói: "Hồi đó do bất đồng quan điểm nên ông bỏ ngang về quê chứ chẳng hề bị kỷ luật gì".

Ông Túy biết chuyện, bởi khi làm chánh văn phòng hội, ông nhận nhiệm vụ đi "xác minh lý lịch" để khôi phục lương hưu cho Hữu Loan giai đoạn từng làm việc ở báo Văn Nghệ. 

Gặp gỡ nhân chứng và tâm sự với Hữu Loan, ông cho biết: Thời ấy, Hữu Loan nằm trong ban vận động quyên góp ủng hộ cách mạng Tuần lễ vàng. Người dân đóng góp vàng bạc rất nhiều nhưng có người trong bộ phận quản lý có dấu hiệu biển thủ, Hữu Loan đã thẳng thừng lên tiếng rồi chỉ mặt từng người dẫn đến bất đồng, sau đó ông bỏ về quê.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 3: Khí phách sau những vần thơ tình thổn thức - Ảnh 2.

Con trai út và chân dung người cha Hữu Loan cùng bằng công nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - Ảnh: THÁI LỘC

Rời báo Văn Nghệ

Sau khi tiếp quản thủ đô 1954, Hữu Loan ra Hà Nội làm biên tập cho báo Văn Nghệ, đến năm 1957 thì tham gia thành lập Hội Nhà văn VN. 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nêu thực tế thời Hữu Loan làm báo Văn Nghệ, vào Hội Nhà văn VN: "Hội nhà văn hồi ấy sang trọng lắm, ai mà hội viên Hội nhà văn được coi như "siêu nhân", thậm chí đi đâu cũng được bí thư tỉnh ủy tiếp".

Vậy mà Hữu Loan lại bỏ công việc nhiều người mơ ước ở Hà Nội về quê Nga Sơn lao động thồ đá. Nhiều người cho rằng ông bỏ về quê vì "liên quan đến vụ Nhân văn - Giai phẩm". 

Ngay ở quê Vân Hoàn, theo lời người con Nguyễn Hữu Vũ, nhiều cán bộ chính quyền địa phương gọi thẳng họ là "con (của nhà văn) Nhân văn - Giai phẩm". 

Trên thực tế, thi sĩ Mầu tím hoa sim liên quan thế nào với phong trào văn nghệ này và vì sao ông lại từ bỏ "công việc sang trọng" về quê?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải - người khá nhiều lần gặp gỡ Hữu Loan - cho rằng: "Hữu Loan không bị án kỷ luật gì. Ông bỏ việc sang trọng về quê là do khí phách nhà thơ can đảm, dám chịu trách nhiệm việc mình làm, dám nói thẳng với cấp trên về vấn đề gay cấn của xã hội". 

Tương tự, nhà thơ Nguyễn Văn Túy khẳng định: "Trong toàn bộ lý lịch của cụ Hữu Loan không hề bị một cái kỷ luật gì hết. Cụ không (tham gia) Nhân văn - Giai phẩm, mà do bất đồng quan điểm với một số cá nhân ở trong Hội nhà văn của ông, thì ông bỏ về".

Khôi phục lương hưu

Theo nhà thơ Nguyễn Văn Túy, chính nhờ không có kỷ luật gì trong lý lịch nên Hữu Loan được khôi phục lương mức chuyên viên 3 về hưu. Ông kể khi tiến hành làm hồ sơ, "cái tính gàn của cụ" làm ông bao phen khổ sở. 

Hồi đó, vì giận một người con không nghe lời cụ mà "nghe theo cán bộ chính quyền", cụ nhất quyết không ký vào hồ sơ nếu có tên người con này: "Tôi viết tên con ông ấy, ông không ký. Cuối cùng, tôi gửi lại hồ sơ cho ông Kiều Vượng (lúc ấy là đại diện báo Văn Nghệ ở miền Trung - NV). 

Ông Vượng lại phải ra Hà Nội nhờ ông Hữu Thỉnh. Ông Hữu Thỉnh lại phải vào thuyết phục ông ấy thì ông mới ký. Nó khó khăn đến mức độ như thế chứ không phải dễ".

Chưa hết, ông Túy kể tiếp nhà thơ Hữu Loan còn đòi được truy lĩnh lương cả giai đoạn bỏ việc về quê: "Tức là cụ bỏ cụ về nhưng cụ đòi truy lĩnh mấy chục năm trời. Tôi bảo không được đâu". 

Ông Túy giải thích thêm với nhà thơ rằng chế độ lương hưu dựa trên tiền đóng góp bảo hiểm một phần của cá nhân và của cơ quan trong giai đoạn làm việc. Lúc đó ông cụ mới ký vào hồ sơ...

Thi sĩ lãng mạn mà khí phách

"Tôi thân với Hữu Loan ở Thanh Hóa trong thời gian Trường Bưởi (Chu Văn An) Hà Nội sơ tán về tỉnh này. Đến hồi giành chính quyền năm 1945, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau dù tôi hoạt động ở Hà Nội, còn Hữu Loan tham gia ở quê nhà là chính. 

Phải khẳng định anh thông minh, giỏi tiếng Pháp và đọc nhiều thơ tác giả Pháp, nên bài Mầu tím hoa sim của anh vừa diễm lệ ái tình vừa có phong cách hiện đại, bi tráng của thơ tình phương Tây" - ông Hoàng Giáp (tức Hoàng Tấn Anh, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304 tham chiến ở Điện Biên Phủ) kể lại.

Từng nhắc nhiều về các bạn Hữu Loan, Quang Dũng, Văn Cao, ông Hoàng Giáp đã tâm sự rằng những tên tuổi này đều có tác phẩm để đời và "lên bờ xuống ruộng" vì một thời bị quy kết "ủy mị tiểu tư sản". Trong đó, Hữu Loan là người "nóng tính" nhất mà có lẽ dùng đúng từ là "khí phách". 

Tài hoa, trong sáng, nhưng cuộc đời Hữu Loan lại rất lận đận, khó khăn và bị hiểu nhầm. 

Có lẽ, không ai tìm thấy một "cái tội" nào trong lý lịch Hữu Loan, nhưng ông vẫn "bị tội" trong suy nghĩ của một số người, dù rằng rất nhiều người mến mộ tài năng và tính cách ngay thẳng của ông. 

Q.M.

________________________________

Sau cuộc hôn nhân thứ nhất với nỗi đau khôn nguôi để lại đời áng thơ Mầu tím hoa sim diễm lệ, duyên số lại đưa đẩy Hữu Loan đến với "em là con đồng xanh"...

Kỳ tớiYêu nhau cởi áo cho nhau


Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

LÀM THẾ NÀO?

 Giáo dục và định mệnh quốc gia

Trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới biết đến như một nước giàu có, một xã hội thịnh vượng. Kinh tế nước ta xưa nay chủ yếu là nước trồng lúa và làm tiểu thương. Mãi gần đây, nước ta mới trở thành một nước xuất khẩu nông sản và thủy sản, nhưng giá trị xuất khẩu chưa phải lớn đối với một quốc gia trong thế giới ngày nay.
Công nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ứng dụng các máy móc, công nghệ nước ngoài. Sản phẩm lắp ráp theo thiết kế, thương hiệu, linh kiện nước ngoài vẫn là chủ yếu. Các sản phẩm hàng công nghiệp và tiêu dùng có tính cạnh tranh của Việt Nam chưa có mấy, so với các nước ASEAN đã yếu, so với toàn thế giới thì rất yếu.
Việt Nam chưa có gì đáng tự hào về khoa học. Gần đây, một số người Việt nổi lên, có tên tuổi trong các lĩnh vực Toán, Vật lý, nhưng họ đã là công dân của các nước khác, sống và làm việc ở nước ngoài.

Những thứ thiết yếu cho cuộc sống như giáo dục, y tế, giao thông của nước ta yếu kém, lạc hậu rất nhiều so với thế giới. Văn học, điện ảnh nước ta hầu như không ra khỏi được biên giới nước ta, thậm chí thua ngay trên sân nhà.
Bề ngoài, hầu hết lĩnh vực nước ta tỏ ra sẵn sàng hội nhập quốc tế, cầu thị học hỏi, tiếp thu, ứng dụng tri thức nhân loại và các kinh nghiệm thực tiễn tiên tiến. Một trong những việc khởi động của nhiều đề án hoàn thiện, cải cách, nâng cấp quản lý nhà nước, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế nói chung, khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa... là đi khảo sát ở nước ngoài. Trong các đề án, có vô vàn thông tin, số liệu, minh họa, ví dụ ở Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... có tính thuyết phục cho các chính sách, giải pháp, kế hoạch hành động, ngân sách mà cơ quan chủ trì đề xuất. Thấy đúng quá rồi, yên tâm quá, làm thôi!
Nhưng tại sao ta cầu thị như thế, học hỏi, tiếp thu tri thức nhân loại và kinh nghiệm tiên tiến của thế giới như thế, mà các lĩnh vực nước ta cứ yếu kém, đì đẹt mãi vậy, càng đi, khoảng cách với thế giới càng xa vậy? Sự thật cay đắng là chúng ta chưa đủ trình độ để học hỏi và tiếp thu tinh hoa và kiến thức nhân loại, kể cả những thứ chẳng ai giữ bản quyền và đòi tiền bản quyền.
Chúng ta hay chê Trung Quốc chỉ giỏi làm "hàng nhái". Nhưng "hàng nhái" mà là tàu vũ vụ, máy bay, tàu phá băng, tàu hoả cao tốc, giàn khoan viễn dương... thì họ đã phải ở trình độ nào mới "nhái" nổi của thiên hạ chứ? Chúng ta thử "nhái" cái tủ lạnh, lò vi sóng, bàn là, máy giặt, máy hút bụi... xem có ra gì không, có cạnh tranh được về chất lượng, giá cả không?
Tóm lại, nếu nói đến những thứ làm cho thế giới phục Việt Nam, ngoài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Việt Nam ta chưa giỏi việc gì khác. Là một nước yếu toàn diện về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật, Việt Nam sẽ luôn là "miếng mồi" của các cường quốc, những kẻ thèm muốn chiếm mảnh đất này, dù theo kiểu xâm lược cũ hay các kiểu xâm lược mới. Họ nghĩ Việt Nam đủ yếu để họ xâm lược và sẽ tìm cách xâm lược nước ta một khi họ vẫn nghĩ là nước ta nghèo yếu và chia rẽ. Nhưng chắc chắn là họ sẽ sai lầm, sẽ thất bại giống như những gì đã xảy ra với các cuộc xâm lược nước ta từ xưa đến nay.
Bị ngoại xâm và chiến thắng ngoại xâm - đó là định mệnh của Việt Nam. Chúng ta thích cái định mệnh đó hay muốn thay đổi nó?
Nếu chúng ta thích nó, hãy cứ sống như chúng ta đã và đang sống. Chắc chắn lịch sử sẽ lặp lại. Chúng ta sẽ lại có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới. Nhưng Việt Nam ta sẽ không bao giờ có những nhà kinh doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hóa, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với thế giới. Họ không thể xuất hiện ở một đất nước luôn luôn có nguy cơ bị xâm lược và triền miên đánh giặc ngoại xâm. Việt Nam sẽ không bao giờ giàu có, hiện đại và văn minh.
Nếu chúng ta muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm, không có cách nào khác là bắt đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người Việt mới. Họ sẽ học hỏi và tiếp thu tinh hoa, kiến thức của nhân loại, nhưng với sự nghiêm túc học hỏi và chất lượng tiếp thu cao hơn rất nhiều so với các thế hệ chúng ta. Những thế hệ người Việt mới sẽ nghĩ rất khác chúng ta hiện nay. Họ sẽ nghĩ không hay ho gì ba lần đại thắng quân Nguyên như cái giá của một nghìn năm Bắc thuộc. Tốt nhất là nước ta không bị họ xâm lược và vì thế không cần phải thắng họ.
Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc có 5 cường quốc là ủy viên thường trực thì nước ta đã buộc phải đánh nhau với 3 nước để bảo vệ độc lập, chủ quyền, với tổng thời gian chiến tranh trên 100 năm. Chúng ta đã chiến thắng họ một cách vang dội trong quá khứ. Nhưng các thế hệ người Việt mới sẽ biết cách để tránh chiến tranh trong tương lai. Họ biết cách làm sao để các kiểu "quân Nguyên" sẽ không bao giờ dám nghĩ tới việc xâm lược một Việt Nam giàu mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật và kéo theo là sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Việt Nam với thế giới. Chúng ta cần đầu tư mạnh vào các thế hệ người Việt mới như vậy.
Giống như Malaysia rộng lớn, đông dân chẳng bao giờ dám nghĩ tới việc "thu hồi" Singapore nhỏ bé từng là một phần trước kia của họ. Singapore đã thay đổi được định mệnh của mình. Họ đã bắt đầu từ giáo dục. Đối với Singapore, ông Lý Quang Diệu không chỉ là người lập quốc, ông còn là nhà tư tưởng và nhà giáo dục đại tài. Bằng việc áp dụng những gì tốt nhất của các nền giáo dục Anh, Mỹ, Singapore đã trở thành một trong những cường quốc giáo dục hàng đầu của giới. Nền giáo dục tiên tiến đã thay đổi toàn diện quốc đảo này. Người Singapore hiện nay tư duy rất khác ông cha họ đến từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ. Đối với các nước chưa thân thiện với Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ nói một câu: "If you beat me, I will beat you, and damage may be more on your side!" ("Nếu anh đánh tôi thì tôi sẽ đánh lại anh và có thể anh sẽ bị thiệt hại nhiều hơn đấy!). Singapore nói được, làm được.
Trước đó, từ năm 1868, được thuyết phục và khích lệ bởi tư tưởng "thoát Á" của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi, Minh Trị Hoàng Đế nước Nhật đã thực hiện cuộc cải cách giáo dục hiếm có cả về chiều rộng và chiều sâu, giũ bỏ các tư tưởng, giá trị giáo dục cũ để xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới cho nước Nhật. Bức ảnh trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật Bản không phải của một ông vua hay một ông thủ tướng, mà của nhà tư tưởng - nhà giáo Fukuzawa Yukichi, người sáng lập Đại học tổng hợp Keio, tác giả của "Thoát Á Luận".
Gần đây nhất, Hàn Quốc đã nổi lên như một ví dụ đầy thuyết phục về sự thay đổi định mệnh quốc gia. Trong vòng chỉ hơn 40 năm, Hàn Quốc đã trở thành một nền kinh tế lớn của thế giới, với công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ hiện đại. Đồng thời, nền giáo dục, khoa học Hàn Quốc đạt được rất nhiều thành tựu lớn, tiến sát các nước phát triển nhất. Về bản chất, Hàn Quốc là một quốc gia "thoát Á" thành công sau Nhật Bản và Singapore.
Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, tôi cho rằng, để thay đổi định mệnh của đất nước, dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông. Và điều đó chỉ có thể làm được thông qua giáo dục. Nói đúng hơn - thông qua cải cách và chấn hưng giáo dục, trên tinh thần khai sáng.
Tác giả: Lương Hoài Nam

11 CHỮ GÌ THẾ ???

Một kỷ lục về “khẩu hiệu”!

0:00/0:00
Dân trí

 Công trình xây lắp khẩu hiệu 11 chữ trên đồi Ông Tượng (phường Phương Lâm, TP Hòa Bình) được Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Anh Kỳ triển khai có vẻ như lại đang chuẩn bị lập nên kỷ lục mới.

Một kỷ lục về “khẩu hiệu”! - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Mà kể cũng lạ. Không hiểu sao đất nước chúng ta nhỏ bé thế mà đi đến đâu cũng rất dễ gặp những công trình không hoành tráng thì cũng “nhất” về mặt này, mặt nọ…!

Như dự án nói trên ở Hoà Bình, theo ghi nhận của báo chí, là một khẩu hiệu có 11 chữ do Sở Văn hoá - Thông tin và Du lịch Hoà Bình làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 10,2 tỷ đồng. Vị chi mỗi chữ có giá gần 1 tỷ đồng.

Nói không chừng, “cân, đo, đong, đếm”, mỗi một chữ ở trên đồi Ông Tượng lại lập kỷ lục về “những ký tự có giá” nhất thế giới ấy chứ!

Giá tiền quy đổi của mỗi một chữ ấy, báo Dân Trí và các nhà tài trợ có thể xây được tới 2 điểm trường cho các cháu ở miền núi, xây được mấy cây cầu “giải cứu” dân bản ở vùng sâu vùng xa. Thế mà ở đây, người ta sẵn sàng bỏ tới hơn chục tỷ để làm một “câu-khẩu-hiệu-11-chữ”!

Giải thích cho cái sự đắt đỏ trên, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình nói rằng, công trình thi công trên địa hình phức tạp, nhiều hạng mục phụ trợ hết nhiều kinh phí. Hạng mục 11 chữ của khẩu hiệu sẽ được gia công giằng mái thép bằng thép hình, gia công giằng thép bằng thép bản, lắp dựng giằng thép liên kết, bulong M16, tấm aluminium, đục lỗ tấm thép bằng công nghệ CNC….

Và để đảm bảo an toàn cho các công trình xung quanh nơi thi công xây lắp khẩu hiệu (tượng đài Bác Hồ trên đỉnh đồi, các công trình trụ sở và nhà dân ở phía dưới), đơn vị thi công đã phải tiến hành việc khoan tạo lỗ neo để cắm neo gia cố mái vách taluy, lắp dựng ống thép, gia công giằng mái thép, bơm keo xi măng lỏng… Chưa hết, do vị trí thi công trình là vách núi cao nên việc vận chuyển các loại vật liệu như cát, sỏi, đá dăm, sắt thép… đều phải làm thủ công.

Chao ôi là kỳ công!

Tóm lại, nữ Giám đốc Sở vẫn khẳng định, việc xây dựng khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng là “cần thiết và hợp lý”.

Thế nhưng mà, chưa kịp cảm nhận hết được sự “cần thiết” và “hợp lý” ấy thì việc xây công trình “chữ tiền tỷ” ấy trên vùng đất nghèo như Hoà Bình, nghĩ tới nghĩ lui vẫn mang lại cảm giác khập khiễng. Nhiều người dân mới nghe con số thôi đã… tiếc đứt ruột đứt gan.

Không tiếc sao được vì kinh phí xây công trình là tiền ngân sách chứ có phải do “mạnh thường quân” nào tài trợ đâu! (Kể cả có mạnh thường quân, thì người ta có đổ vốn vào công trình này không nhỉ?).

Cái đáng nói là trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn bao nhiêu nơi thiếu thốn phòng học, đường giao thông trắc trở, đời sống người dân còn chật vật, khó khăn. Đối diện với mưa bão, thiên tai, sạt lở… hàng năm, Hoà Bình còn phải nhận gạo cứu trợ, thậm chí là cứu đói.

Thông tin mới cập nhật cho biết, sau khi các cơ quan báo chí có phản ánh về dự án xây dựng khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo kiểm tra lại dự án. Kế hoạch kiểm tra dự án dự kiến có trong ngày 28/9 và giao cho các Sở ngành kiểm tra, rà soát tổng thể quá trình đầu tư xây dựng của dự án.

Vậy là, những băn khoăn của công chúng và tiếng nói báo chí về “công trình chữ tiền tỷ” cũng đã đến với lãnh đạo tỉnh Hoà Bình!

Được biết, nội dung câu khẩu hiệu nói trên nhằm để bà con các dân tộc của tỉnh ghi nhớ công ơn của Bác, học tập và làm theo tấm gương Bác.

Suốt cả cuộc đời hoạt động Cách mạng, cống hiến tất cả cho đất nước, cho nhân dân, Bác là hiện thân của lối sống giản dị, tiết kiệm. Nhớ ơn Bác càng phải noi theo và làm theo gương Bác.

Bác từng dạy, làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to, ngay như sử dụng văn phòng phẩm “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm... mà lợi cho dân rất nhiều” – Bài “Di chúc Bác Hồ về tiết kiệm chống lãng phí” – Chinhphu.vn ngày 29.8.2014.

Bác cũng dặn các cán bộ: “Lời nói phải đi đôi với việc làm, nói mà không làm dân sẽ không tin”.

Bích Diệp

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

ĐI TÌM MÀU TÍM HOA SIM

Kỳ 2: Chị xoáy theo dòng nước

 

Tìm về "nàng thơ"

 

Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi tìm về ấp Thị Long, huyện Nông Cống - nơi được ghi nằm lại của "người vợ chờ bé bỏng chiều quê". Bất ngờ qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Đán bảo: "Mẹ già tôi không nằm ở Nông Cống. Mẹ đang nằm ở nghĩa trang làng Định Hòa ở TP Thanh Hóa, cũng là quê của bà".

Làng Định Hòa thuộc phường Đông Cương, nằm cách cầu Hàm Rồng vắt qua sông Mã non ba cây số đường chim bay. 

Tìm đến nhà thờ họ Lê Đỗ, ông thủ từ Lê Đỗ Dạng giới thiệu say sưa về ngôi nhà thờ cổ ba gian chạm trổ công phu được làm từ thời Khải Định, là nhà thờ cổ hiếm hoi, gần như duy nhất còn lại trong vùng.

Bên bảng phả hệ treo trên bức tường, ông diễn giải rằng ngài tổ Lê Thành đến đất Định Hòa lập ấp từ mấy trăm năm trước, vốn là công thần nhà Lê Trung hưng được ban quốc tính nên con cháu về sau lấy họ Lê Đỗ. Bảng phả hệ thể hiện người cha Lê Đỗ Kỳ đời thứ 17, bà Ninh đời 18.

Nằm cách khu dân cư Định Hòa một cánh đồng rộng trồng nhiều hoa hồng và rau màu tươi tốt, nghĩa trang họ Lê Đỗ với hàng trăm ngôi mộ xếp theo thế thứ.

Phần mộ "nàng thơ" nằm ở dãy thứ sáu, tấm bia ghi rõ: "Mộ chí bà Lê Thị Ninh, đời thứ 18, sinh năm 1932, tạ thế 29-4-1949". Sau thắp hương, ông Dạng dẫn chúng tôi vào làng để tìm gặp ông Lê Đỗ Tùng, trưởng ban điều hành dòng họ.

Ông Tùng là cán bộ về hưu, không biết có người trong họ vốn là "nàng thơ" dù ông rất thích bài thơ Mầu tím hoa sim. Ông "hi vọng" nhiều thông tin sẽ nằm trong gia phả mà mình lưu giữ. 

Chúng tôi lần giở bản gia phả trong sự hồi hộp, bỗng "bắt phải vàng" ở đời thứ 18, mục 238, ghi rõ rành: "Lê Thị Ninh, tức Lê Đỗ Thị Ninh (1932-1948, giỗ ngày 29-5), cha: Lê Đỗ Kỳ, mẹ: Đái Thị Ngọc Chất, chồng: Nguyễn Hữu Loan (nhà thơ, 1916-2010), mộ ở làng Định Hòa". 

Thông tin trong gia phả dù vài độ lệch về ngày tháng nhưng khẳng định rõ phần mộ kia chính xác là "người vợ chờ bé bỏng chiều quê" của thi sĩ tài hoa Hữu Loan.


“Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương” vẫn đang được gia đình lưu giữ 


Ám ảnh người chị xoáy theo dòng nước

Nhờ ông Tùng, chúng tôi liên lạc với ông Lê Đỗ Bình - em trai "nàng thơ" - và chốt cuộc hẹn tại Hà Nội. Ngồi trên phiến đá xanh trước đền Ngọc Sơn bên hồ Gươm, ông kể nhiều về một thời loạn lạc tứ tán. 

Từ đầu năm 1947, tiêu thổ kháng chiến, ngôi nhà lớn ở Thanh Hóa bị giật sập, cả gia đình sơ tán lên ấp Thị Long sinh sống, nơi người bố có trang trại rộng chừng 5-7 mẫu.

Đến đoạn giọng ông chùng nghẹn xuống, nhắc hình ảnh người chị xoáy trôi theo dòng nước mấy chục năm nay vẫn mãi trong tâm trí mình.

"Sông Chuồng hôm ấy trong mùa nước dữ, chảy xiết, dâng cao. Mẹ tôi cùng chị Ninh đưa quần áo ra bến giặt, tôi và hai đứa em nữa cũng theo sau. Chị Ninh không may bị trượt chân, tôi nhìn thấy chị bị dòng nước xoáy cuốn vào và đưa đi. 

Mẹ tôi la hét gọi người đến cứu nhưng vì dân ở cách xa, không ai nghe thấy. Mãi lúc sau, một thanh niên xuống vớt chị lên, cách chỗ trượt chân khoảng chừng trăm mét. Mẹ tôi bất thần không biết gì nữa" - ông Bình kể.

Bà Đái Thị Ngọc Chất tang trùng tang, đau đớn tột cùng bởi người mẹ ruột sống cùng mình cũng qua đời trước đó không lâu. Bà cho an táng con gái cạnh người mẹ. 

Mãi đến năm 1967, bà sai ông Bình về Thị Long tìm mộ mẹ và con gái đưa về cải táng đầu làng Định Hòa. Sau này khi Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa xây dựng, phần mộ bà Ninh tiếp tục được dời đến nghĩa trang gia đình. 

Trong câu chuyện dài, ông nhớ mãi hình ảnh người chị gái có "khuôn mặt khá bầu, người hơi đậm, thấp và nhỏ nhắn" và ngậm ngùi vì di ảnh duy nhất bị thất lạc trong chiến tranh.

Sau đợt cải cách ruộng đất 1954, ông Bình tìm về Vân Hoàn ở cùng anh rể hơn 1 tháng mới ra Hà Nội. 

Ông nhớ mãi Hữu Loan hồi đó "suốt ngày đọc sách, rồi đi ra đi vào, viết lách làm thơ. Thỉnh thoảng anh đưa tôi đi về mấy xóm chài xem họ xiếc tép, làm cá. Cái thời cơm gạo khó khăn, hai anh em ăn toàn khoai lang". 

Sau đó không lâu, khi Hữu Loan đang làm báo Văn Nghệ, ông Bình cũng tìm đến nhà anh rể gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở lại 2 tuần để chờ một người anh từ chiến khu trở về.

Năm 1985, ông Bình lại về thăm anh rể ở Vân Hoàn, giai đoạn bài thơ Mầu tím hoa sim "đã công khai, nổi tiếng như cồn". Ông kể: "Anh Loan bảo tôi: "Người ta sẽ đến đây tìm mộ nàng thơ Mầu tím hoa sim. Tôi muốn đưa mộ bà Ninh về Vân Hoàn này". 

Tôi trả lời anh rằng chị gái đã bị di dời nhiều lần, nay đã mồ yên mả đẹp. Vả lại anh bây giờ đã yên bề gia thất, mười người con sum vầy, có người chăm sóc. Đưa chị về đây cũng cô quạnh lắm, chẳng nên chút nào".

Gia đình "nàng" không dám nghe bài thơ

Ông Bình kể khi còn sống, mẹ không bao giờ cho nghe bài thơ Mầu tím hoa sim. Hễ ai đọc lên là bà khóc. Mãi sau khi mẹ qua đời (1987), anh em trong gia đình mới đọc và nghe các bài hát phổ thơ, vậy mà không lần nào không rơi nước mắt. 

"Bây giờ chúng tôi già rồi, "trơ" ra rồi, vậy mà đọc còn thấy đau xót lắm, bởi vì anh Hữu Loan viết tình cảnh rất thật. Ba người anh đi bộ đội, người em chưa biết nói đều có. 

Còn đồi sim, trong trí nhớ tôi hồi ấy nơi trang trại ở vùng bán sơn địa Thị Long, màu tim tím cứ trải dài đến tận núi. Rồi những hình ảnh mẹ tôi "ngồi bên mộ con đầy bóng tối", "bình hoa ngày cưới thành bình hương"... tất cả đều thật hết" - dừng kể, ông khẽ đọc những câu thơ trong nỗi buồn miên man.

Câu chuyện gia đình Hữu Loan lẫn gia đình "nàng thơ" Mầu tím hoa sim cho biết rằng Hữu Loan luôn thương, kính và biết ơn người mẹ vợ Đái Thị Ngọc Chất. 

Tuy nhiên, theo ông Bình, có lẽ vì lý do hai bên có những điều khác nhau nên ít liên lạc. Đến khi người mẹ mất ở Hà Nội, gia đình ông cũng không báo. 

Khi biết tin, Hữu Loan đã làm đôi câu đối vừa thể hiện dâng mẹ, vừa ẩn ý trách cứ: "Rể khôn đền, gái ngắn phận sao đền, ơn cứu, ơn mang, ơn đoán giữa một tương lai nhân cách/ Sống khó gặp, chết vì sao không gặp, khóc nguồn, khóc núi, khóc ai cùng đương đại loạn thiên lương".

Mà không buồn sao được, những đoạn trong Mầu tím hoa sim viết thật đến mức… rờn rợn về bối cảnh, về người mẹ và về ba người anh “biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng”. 

Đó là anh đầu Lê Đỗ Khôi (liệt sĩ trong trận Điện Biên Phủ), anh kế Lê Đỗ Nguyên (tức trung tướng Phạm Hồng Cư, nay 94 tuổi, đang ở Hà Nội) và Lê Đỗ An (nguyên phó Ban Dân vận Trung ương Đảng). 

Về “những em nàng” là Lê Đỗ Khang, Lê Đỗ Bình, Lê Đỗ Thái và “em chưa biết nói” là Lê Thị Như Ý (lúc ấy chưa đầy 2 tuổi, đang là giáo viên về hưu ở Hà Nội)…

Hữu Loan từng làm "quan to" ở Thanh Hóa và "công việc sang trọng" ở báo Văn Nghệ, hội viên Hội Nhà văn VN, nhưng cả hai lần ông bỏ ngang về quê bởi cá tính bộc trực, quyết liệt của mình.

Kỳ tới: Khí phách sau những vần thơ tình mê đắm