Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

CHUYỆN ÍT NGƯỜI BIẾT

 VUA HỀ CHARLIE CHAPLIN ĐẪ TỪNG ĐẾN THĂM VIỆT NAM 

Là vua hề vang danh thế giới, Charlie Chaplin (1889 - 1977) đã đến “hòn ngọc Viễn Đông”,  Ngọ báo Hà Nội số 2576 ngày 14.4.1936 đưa trên trang nhất: Hề Charlot cùng vợ là cô đào Paulette Goddard, đã tới Sài Gòn chiều ngày 13.4 trên tàu biển Aramis.

Báo Sài Gòn số 803 phỏng vấn Charlot


Paulette Goddard và Charlie Chaplin trên Los Angeles Times

lịch trình di chuyển của Charlot ở đất Đông Dương 3 tuần. Trong thời gian ấy, vợ chồng vua hề đi thăm thú danh lam thắng cảnh Angkor Wat, Angkor Thom của Campuchia), rồi Đà Lạt, Huế, Vinh, Hạ Long, sau đó sang Hồng Kông.

Tờ Sài Gòn số 803, từ bến tàu, đoàn của Charlot liền kéo đến nhà hàng Continental và tránh mặt, không tiếp ai. Phóng viên của Sài Gòn đã có được 15 phút phỏng vấn. Charlie Chaplin tiếp chuyện với thái độ niềm nở, tươi cười. Khác hẳn hình ảnh anh hề trên màn ảnh, Charlie Chaplin của đời thường “trầm tĩnh, nghiêm trang, nói năng chẩm [chậm] rãi, cữ chĩ [cử chỉ] đoan trang, nét mặt hiền từ nhưng lúc nào trông củng [cũng] thấy phưởng [phảng] phất mỗi vẽ [vẻ] buồn”. Trong cuộc phỏng vấn ấy, phóng viên báo Sài Gòn được nghe vua hề nói qua về thuở hàn vi của mình, cũng như thành công hiện tại.

Trong bài phỏng vấn trên, Charlot cũng tiết lộ cho phóng viên biết nguồn cơn dáng đi khật khưỡng, ngả nghiêng rất đặc trưng của mình ở trên màn ảnh. Ấy là bắt nguồn từ một anh chàng say rượu: “Đã lâu lắm, ở Londres. Một hôm tôi đang đi dạo phố, tình cờ bổng [bỗng] thấy ở phía trước có một người say rượu đi nghiên [nghiêng] ngửa, trông không thể nào nín cười được. Tôi liền đi theo người ấy, xem cách đi đứng của va [anh ta] rất kỷ [kỹ]. Về nhà tôi tập đi đứng, bước lên cầu thang, rọc [dọc] theo vách tường, đúng y như cái kiểu của người say rượu ấy. Trong những cuốn phim sau, tôi dùng cái kiểu đi mới học ấy thì được công chúng hoan nghinh một cách đặc biệt”.  

Ngọ báo số 2589, ra ngày 20.4.1936 cho biết ở đất kinh kỳ của nhà Nguyễn, Charlot đi thăm lăng tẩm và các danh lam thắng cảnh. Vua hề còn đi thăm thành phố Huế. Tiếp đó, bước chân của nhà tài tử nghề chớp bóng tới Viện Bảo tàng Khải Định rồi 10 giờ sáng ngày 19.4, cùng với Paulette Goddard đi ô tô ra Hà Nội. Khi qua cửa Tùng (Quảng Trị), đoàn dừng lại dùng bữa trưa và đến Vinh ngủ lại bữa tối trước khi ra Hà Nội.

Điểm đến tại Hà Nội của vua hề Charlie Chaplin cùng vợ mình, là khách sạn Métropôle, "ông đã gọi điện thoại tới khách sạn Métropôle để lấy phòng”. Theo Ngọ báo số 2589, Charlot thăm Bắc Kỳ trong 3 ngày rồi đi thăm Hạ Long. Hành trình của vị diễn viên nổi danh với dáng đi ngật ngưỡng như say rượu ở đất Việt, đã diễn ra như thế.



Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

LÀNG QUAN NỘI CÓ THÊM  CU PHÁO   

SÁNG NAY 22/1/2022 CU PHÁO CHÁU ĐÍCH TÔN CHÀO ĐỜI, CÂN NẶNG 3,6 KG


 

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

MỘT BÀI VIẾT HAY VỀ VĂN HÓA VÀ COVID 19

PHẦN CÓ THỂ CẤU THÀNH VĂN HÓA

Trương Huy San - Osin Huy Đức


Bằng cách đứng trên bục phát biểu hơn một giờ liền, trong đó có nhiều đoạn phát biểu tay vo, tôi nghĩ, ngoài những thông điệp về “văn hóa”, TBT Nguyễn Phú Trọng còn muốn gửi đi thông điệp về… “y tế”.
Không hiểu tại sao “Cụ Tổng” lại không tự tin sử dụng một cây gậy, thậm chí nếu phải di chuyển vài chục mét, tại sao “Cụ” không sử dụng xe lăn. “Sức khỏe lãnh đạo” là khả năng nhớ được “Chân Quê” chứ “chân cẳng” thì “bảy mươi xưa nay…” ai mà biết trước.
Tôi là một người hoạt động thực tiễn nên ít khi để tâm nghiên cứu về văn hóa dưới góc độ lý luận. Và, cũng không thật sự hiểu khái niệm dân tộc mà các nhà lãnh đạo ta thường nói là riêng về người Kinh hay quốc gia Việt Nam. Chỉ đôi khi suy ngẫm về những giá trị mà sách vở của chúng ta đang tôn vinh và việc tôn vinh đó đã và đang ảnh hưởng thế nào tới số phận quốc gia, dân tộc.
Tối qua, trong chương trình thời sự, khi VTV đưa các hình ảnh ký kết với đối tác Nhật, tôi chú ý đoạn bộ trưởng hai bên trao đổi văn bản xong, quay ra phía sau cúi gập người chào hai Thủ tướng. Nhập gia (Nhật thì) tùy tục thôi nhưng chợt nhớ người Việt vẫn coi biểu tượng cây tre là gần gũi nhất với người dân, thế mà chính trị Việt chưa từng coi “ngoại giao cây tre” là chiến lược.
Đầu thập niên 1990s, khi gặp Thủ tướng Thái, Thủ tướng Võ Văn Kiệt như thường lệ, nhắc một câu mà về sau ông gọi là “câu thiệu” - Nghĩa là nói ra trong đối ngoại như cái máy - , “Chúng tôi tự hào vì đã đánh thắng ba đế quốc to”. Theo Đại sứ Nguyễn Trung, Thủ tướng Thái đáp lời, “Chúng tôi tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả”. Ai nghiên cứu chính sách “đối ngoại cây tre” từ giữa thế kỷ 19 tới kết thúc thế chiến thứ II của Thai Lan mới hiểu ý nghĩa sâu xa trong câu trả lời của Thủ tướng Thái.
Cho dù nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn tiếp tục “tự hào”, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ đó, không bao giờ nhắc lại “câu thiệu” này và, cho tới cuối đời, ông vẫn luôn trăn trở về cách mà người Thái đã từng lựa chọn.
Đầu năm 2021, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn đang tưng bừng về những thành tựu nhất thời khi áp dụng chính sách “no covid” của người Trung Hoa, ở Campuchia, Hun Sen gào lên như người Khmer sắp tuyệt chủng.
Từ tháng 1-2021, Hun Sen tiếp nhận 1 triệu liều vaccine của Sinopham và đàm phán với Ấn Độ ngay để có vaccine của họ. Kết quả là Covax đã “bẻ ghi” cho dòng chảy vaccine nghiêng về phía Campuchia. Phnom Pênh trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Đông Nam Á được phủ vaccine và ở thời điểm hiện nay chỉ còn trung bình mỗi ngày có 41 ca nhiễm mới và 5 ca chết.
Mãi tới ngày 24-2-2021, Việt Nam mới có được 117.600 liều Astra Zeneca mua qua VNVC và khi dịch thực sự đe dọa Sài Gòn, Thành phố mới chỉ tiêm được hơn 300 nghìn mũi vaccine, chủ yếu cho lực lượng y tế và các nhân viên công lực. Cho tới tháng 3-2021, dân chúng chưa từng nghe tới “chiến lược vaccine”, ngân sách quốc gia 2021 không có dòng nào ghi chi cho mua vaccine cả.
Từ tháng 7-2021, chúng ta chứng kiến các nhà lãnh đạo Việt Nam trong “top 4” từ bỏ tinh thần “cột điện…”, ai cũng lăn xả đi… “xin”, ai cũng thể hiện mình là người hăng hái nhất.
Tôi biết, đằng sau những gì ta thấy trên tivi còn có những nỗ lực âm thầm của người Việt Nam ở Hải ngoại, của người Hải ngoại thương Việt Nam một cách vô tư và trách nhiệm toàn cầu của nhiều cường quốc. Nhưng, cái cách không câu nệ “phương diện quốc gia” để “ngoại giao vaccine” của các nhà lãnh đạo Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ này thực sự đã tạo ra kỳ tích.
Thủ tướng điện đàm hoặc gặp bất cứ ai… có thể cho hoặc bán vaccine. Chủ tịch nước sang Cuba cũng ký kết vaccine. Chủ tịch Quốc hội đi một nước nho nhỏ như Slovakia cũng nói tới vaccine. Từ EU Chủ tịch Quốc hội “chuyên cơ” về 200 nghìn liều và, từ Nhật, Thủ tướng vừa “chuyên cơ” về hơn 1,5 triệu liều vaccine nữa.
Từ chính sách “no covid” không chuẩn bị vaccine đến chính sách “chung sống với covid”, trong vòng nửa năm, “Nội các mới” đã “thần tốc” huy động hơn 120 triệu liều [Chỉ trong ngày 23-11-2021, cả nước tiêm được hơn 2 triệu liều vaccine; đến 25-11, đã có hơn 114 triệu liều vaccine được tiêm với 68,5 triệu người tiêm mũi Một, 46,1 triệu người đã tiêm mũi Hai].
Nhớ, ngày 15-6-2020, GSTS Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tuyên bố, Việt Nam hết dịch; Từ tháng 9-2020, những đề nghị nghiêm túc về vaccine đã không được những người có trách nhiệm ở Việt Nam trân trọng.
Tôi đã lang thang trên những đường phố Sài Gòn sau ngày thành phố của tôi thiết lập trạng thái “bình thường mới”. Tiếc thương 24 nghìn đồng bào đã vì Covid mà ra đi nhưng tôi cũng vô cùng cám ơn họ. Chính những cái chết tức tưởi này đã cảnh báo chúng ta, những người từng rất “ngạo mạn với thiên nhiên”; cảnh báo các nhà lãnh đạo chỉ mới thắng “quân xanh” trong một vài “trận giả” đã tưởng mình là “đỉnh cao nhân loại”.
Gần như tất cả các giá trị văn minh mà người Việt đang được hưởng, kể cả vaccine, đều không phải do người Việt tạo ra. Ở nước ngoài, các quan chức Việt Nam thường chỉ “hơn” chính khách bản địa trong các chốn ăn chơi và “lên mặt” khi họ tới nước ta bằng cách sử dụng quyền lực công bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tôi không rõ sự nhún nhường của các nhà lãnh đạo nước ta trong mấy tháng vừa qua là sách lược hay “giác ngộ”. Tôi mong, khi tiến hành công cuộc “hành khất” dù được gọi một cách văn vẻ là “ngoại giao vaccine” thì các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã ngộ ra vị trí quốc gia.
Những nhà lãnh đạo lớn là những người không vì cái “sĩ diện hão” của bản thân mà vì lợi ích của nhân dân. Chúng ta đã từng đi qua những thập niên đưa “tự hào dân tộc” lên tận “vũ trụ” mà nhân dân sắn khoai cũng không có ăn. Đã đến lúc, chúng ta cần những nhà lãnh đạo sẵn sàng cúi xuống để công dân của mình được đứng thẳng, ngẩng đầu khi cầm hộ chiếu.
Tôi không hiểu lắm về cái hội nghị rất tốn kém đang diễn ra, tôi chỉ suy ngẫm về những việc rời rạc này, không rõ đấy có phải là những yếu tố cấu thành “văn hóa”.
PS: “Nói tay vo” là cách dùng từ của TBT Đỗ Mười để chỉ khi phát biểu không cầm giấy đọc. Bên hành lang Quốc hội mỗi khi có đại biểu, đặc biệt báo chí, khen bài phát biểu của ông, TBT Đỗ Mười thường nói, “Để hôm nào tôi nói tay vo mới hay”.

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

BÒ BIT TẾT DÁT VÀNG

 Về Món bít tết bò dát vàng của Thánh Rắc Muối - Golden Giant Tomahawk beef steak at Salt Bae Nusr-Et

 

Salt Bae tên thật là Nusret Gökçe. sinh năm 1983 tại Thổ Nhĩ Kỳ là một đầu bếp, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Nust-Er có chi nhánh tại nhiều quốc gia châu Âu, Trung Đông, Mỹ và mới đây là mở thêm chi nhánh tại thủ dô LonDon Anh Quốc.





 

Món đặc sản nhà hàng này phục vụ là Golden Steak (thịt bò dát vàng 18K,) còn gọi là Tomahawk Steak có giá khoảng 1.250 US đô la. Nếu bạn may mắt bắt gặp Salt Bae có mặt tại một nhà hàng, chính anh sẽ ra cắt thịt bò và rắc muối. Thịt bò nhà hàng luôn được khen là rất ngon và giữ nguyên được độ ngọt tự nhiên của thịt do không qua bất cứ khâu tẩm ướp nào. Khi thưởng thức, người ta chỉ rắc lên đó chút muối hạt to.

Salt Bae thuờng di chuyển giữa các nhà hàng của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Dubai và tự quay các video chế biến trong bếp đăng lên Instagram để duy trì sự nổi tiếng. Do đó, để gặp được đầu bếp này đúng lúc, hãy cố gắng theo dõi Instagram của Salt Bae để biết anh này đang ở đâu, có trùng với chuyến đi của bạn sắp tới hay không.

Tháng 1/2017, Gökçe trở nên nổi tiếng sau clip ghi lại cảnh rắc muối đầy biểu cảm không giống ai. Đoạn video ban đầu trên Twitter của nhà hàng Nust-Er lan truyền với tốc độ chóng mặt, đạt 10 triệu lượt xem trên Instagram. Salt Bae là hiện tượng internets

Nhờ video này mà dân mạng đặt cho Gökçe biệt danh là Salt Bae. Hiện tài khoản Instagram của Salt Bae đã có hơn 35 triệu lượt theo dõi.

Sau khi nổi tiếng trên mạng, nhà hàng của Salt Bae trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, ngôi sao và các đại gia dàu có trên thế giới đến thưởng thức. Salt Bae thuờng xuyên đi về giữa các chi nhánh của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Dubai và Anh.

"Thánh rắc muối" từng gặp gỡ các ngôi sao bóng đá như Ronaldo, Messi. David Beckham, Leonardo Dicaprio...


 

Johnny Đặng, Khoa Pug tới New York ăn nhà hàng của "thánh rắc muối", bị nhân viên làm đổ rượu vào người, năm 2019 cô gái người Việt N.H.N (là bệnh nhân mắc virut corona thứ 17 của Việt Nam) ghi lại cảnh đứng kề "thánh rắc muối" "Salt Bae"   



Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

vương trọng - nhà thơ xứ Nghệ, Đô Lương

Nhà thơ Vương Trọng với bài thơ nhớ mẹ

Nhà thơ Vương Trọng - người con của Đô Lương xứ Nghệ. Ông có nhiều bài thơ cảm động viết về những người phụ nữ ruột thịt và gần gụi trong gia đình. Trong những bài thơ đó có bài "Khóc giữa chiêm bao" nhà thơ viết về người mẹ kính yêu của mình đã khuất núi từ nhiều năm nay.



                 Nhà thơ Vương Trọng giới thiệu tới các nhà văn cựu binh Mỹ bài thơ về 10 cô gái Đồng Lộc.

Vương Trọng sinh năm 1943 trong ngôi nhà nhỏ làng Đông Bích, xã Trung Sơn, Đô Lương, giống như bao mảnh đất khác của Nghệ An, từng nghèo đến xác xơ. Người dân phải chống chọi với cái đói, với thiên tai, bệnh dịch trong vô vàn khó khăn, lam lũ. 

Mỗi ngày lớn lên, được đắm mình trong bầu không khí ấm áp của gia đình, trong phong cảnh hữu tình nên thơ của mảnh đất giàu truyền thống xứ Nghệ. Chính mảnh đất thuần nông nghèo khó đó đã nuôi dưỡng tâm hồn Vương Trọng. Con người chúng ta không ai muốn tuổi thơ nghèo khổ, nhưng ở góc độ nào đó, chính cái nghèo khó của tuổi thơ đã giúp ông nhiều trong sáng tác. Nó đã găm hồn ông với quê hương và khiến cho ký ức của ông trở nên đậm đặc trong thơ. Ông thường trêu hai đứa con ở Hà Nội: “Chúng mày không có tuổi thơ”. Với Vương Trọng, tuổi thơ ông đã đánh thức cái phần sâu sắc nhất, nhân bản nhất trong tiềm thức và trái tim ông – những thứ con người chúng ta có được khi lăn lộn với cuộc sống ở những chiều kích gai góc nhất của nó.

Nhà Vương Trọng cách Sông Lam một cây số, nhưng ngọn Quỳ Sơn thì năm trong tầm ngắm của ông hàng ngày. Có lẽ ngày xưa dân nghèo nên núi cũng trọc. Tuy vậy, núi Quỳ đã gắn bó với Vương Trọng như biết bao ngọn núi, con sông quê đã gắn bó với những tâm hồn thi nhân.

Bố VươngTrọng là ông đồ nho, các anh trai yêu thơ và hay đọc thơ. Bởi thế mà trước khi biết đến thơ trong sách vở, thậm chí là trước khi biết chữ, Vương Trọng đã thuộc nhiều bài thơ từ chính những người thân trong gia đình mình. Anh trai của ông là Vương Đình Trâm cũng là một nhà thơ. Ông có biệt tài thuộc thơ rất nhanh. Từ nhỏ, Vương Trọng đã thuộc “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, “Truyện Kiều” – những truyện thơ thuộc hàng dài nhất của thơ Việt Nam trung đại. Trên tất cả, ông tha thiết yêu “Truyện Kiều” như yêu những gì tinh túy nhất của nền văn học Việt Nam từ cổ đến kim. Ông nói: “Đã là người của văn học thì không thể không yêu Truyện Kiều được”, vì nó là thước đo cho khả năng và sự cảm thụ văn học.

Từ năm học lớp 4, Vương Trọng đã biết làm thơ. Cũng mày mò gửi một vài báo nhưng không được đăng nhưng được thư tòa soạn xác nhận đã nhận được bài tác giả gửi. Bài thơ đầu tiên mà ông sáng tác, có nhan đề đặc sệt phong cách của các bậc tiền bối: “Vịnh khe Bò Đái”. Đây là kỷ niệm mà Vương Trọng mãi mãi khắc ghi, bởi nó đánh dấu lần đầu tiên ông sáng tác một bài thơ hoàn chỉnh, diễn tả nỗi lòng ông với quê hương, nơi có khe nước mang cái tên rất dân dã chảy những dòng nhỏ trong vắt mà lũ trẻ con thời trước thường ra tắm.

Vương Trọng giỏi đều các môn khi tốt nghiệp phổ thông, ông đã không chọn văn học để bắt đầu sự nghiệp. Năm 1962, Vương Trọng thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Toán. Chính tư duy toán học đã giúp ông có được khả năng khá nổi trội về mặt diễn thuyết với cách nói rành mạch, bố cục rõ ràng, khúc chiết. Song, thơ ca như đã ngấm vào trong máu. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học, được điều về làm ở Cục Quân báo với công việc thám dịch mật mã của địch. Đến năm 1970, Vương Trọng trở thành giáo viên dạy toán luyện thi đại học ở Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng đóng tại Thị xã Lạng Sơn. Năm 1972, ông tham gia học lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du và công tác cho đến ngày về hưu tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Xa quê quá nửa đời người mà khi gặp lại ta vẫn nghe giọng nói của nhà thơ Vương Trọng vẫn đậm đặc chất Nghệ.

Ông có nhiều bài thơ cảm động viết về những người phụ nữ ruột thịt và gần gụi trong gia đình. Trong những bài thơ đó có bài "Khóc giữa chiêm bao" nhà thơ viết về người mẹ kính yêu của mình đã khuất núi từ nhiều năm nay.

Ông đã kể về xuất xứ của bài thơ này:

Đó là một đêm ở Hà Nội ông nằm mơ thấy mẹ mình. Lạ lùng là trong giấc mơ nào cũng vậy bao giờ ông cũng mơ về những tháng năm khốn khó của gia đình. Những năm mà cuộc sống của anh em ông đè trên đôi vai gánh gồng của mẹ. Ông thường khóc trong giấc mơ gặp mẹ.

Giấc mơ là kí ức hiện về sau nỗi nhớ. Nó là vầng huyền ảo kỳ diệu của cảm xúc. Đấy là những ký ức cốt nhục khó có thể quên nhưng lại không thể hiện hữu. Mơ gặp mẹ khi tỉnh dậy biết là mẹ đã đi xa lâu rồi mà tâm hồn con vẫn bổi hổi bao nỗi nhớ thương. Lúc ấy người làm thơ đã khóc. Đúng ra là đứa con trai đã khóc khi gặp lại mẹ mình. Những giọt nước mắt hiếu thảo trong một đêm Hà Nội vào năm 1988 cách đây hơn hai mươi năm ấy đã thao thức với Vương Trọng để cùng ông hiện lên những dòng chữ cảm động trong bài thơ "Khóc giữa chiêm bao":

Đã có lần con khóc giữa chiêm bao
Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt đường đê sụt lở,
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn. 

Anh em con chịu đói suốt ngày tròn,
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa.
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về. 

Chiêm bao tan nước mắt dầm dề,
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng.
Dù biết lời con chẳng thể nào vang vọng,
Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.

Con lang thang vất vưởng giữa đời thường,
Đâu cũng sống không đâu thành quê được.
Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp,
Con ít về từ ngày mẹ ra đi.

Đêm tha hương con tìm lại những gì
Với đời thực chẳng bao giờ gặp nữa.
Mong hình mẹ lại hiện về giấc ngủ
Dù thêm lần con khóc giữa chiêm bao.

Bài thơ của riêng ông cũng là tình cảm chung nhiều người.

Trước ngày mẹ mất Vương Trọng đã có thơ về mẹ, sau ngày mẹ mất ông vẫn viết thơ về mẹ nhưng phải đợi đến nhiều năm sau, năm 1988 nhà thơ mới bật lên được thi khúc khóc mẹ thấm lòng này. Theo ông có chuyện khó như vậy bởi mẹ mình là cái gì quá thân thương, quá gắn bó với mình. Có ai gần gũi với mẹ hơn con. Có ai thương con hơn mẹ. Mẹ thật vĩ đại, niềm vĩ đại cốt nhục trong mỗi đứa con. Cảm nhận về sự khôn cùng ấy thì dễ nhưng thể hiện được nó ra bằng chữ bằng lời không dễ. Nhiều khi ta viết về mẹ mà cảm thấy chưa thật vừa lòng về những điều ta viết ra. Nỗi niềm đó là của Vương Trọng cũng là nỗi niềm của nhiều người làm thơ khác.

Ai lấp nổi khoảng đời thiếu mẹ/ Tôi xin dâng núi bạc biển vàng/ Ai bù nổi khoảng đời không mẹ/ Tôi xin đền bằng tháng bằng năm

Nước mắt của những đứa con mồ côi khi mẹ mất đều có chung vị mặn như nhau. Không hẹn mà gặp. Nhà thơ Vương Trọng đã nói giúp nhiều người khác niềm đau đáu này.

Giọt nước mắt trong mơ của Vương Trọng, giấc mơ thì sẽ tan đi nhưng nước mắt theo nhà thơ lại là thật, lại là một hiện thực khắc

Với mẹ của mình chúng ta mãi còn bé bỏng, trẻ dại. Thật hạnh phúc cho những ai còn mẹ và quá đỗi thiệt thòi cho những ai đã mất mẹ. Nhưng luật Trời đã định rồi. Làm sao qua khỏi ngưỡng của vận mệnh. Mẹ chẳng thể sống mãi và ở mãi với ta. Từ nay mất mẹ biết bao giờ tìm. Ta chỉ còn gặp lại được mẹ trong mơ. Xa xót vậy làm sao không thể không khóc được!

Nhà thơ Vương Trọng đã cho ta sự đồng cảm hiếu đễ khi đọc bài khóc mẹ giữa chiêm bao của ông. Bài thơ về nước mắt nhưng thấm đậm nghĩa tình. Giọt nước mắt ấy không thể làm chúng ta mộng mị mà chỉ có khắc sâu thêm nỗi thương nhớ mẹ một đời vất vả nuôi ta để ta được sống tốt hơn như những điều mẹ mong muốn.

Nhà thơ Vương Đình Trâm anh trai ruột của Vương Trọng đã khắc bài thơ của em mình vào đá trắng và đặt bên mộ mẹ. Mộ của thân mẫu nhà thơ ở trên núi Quỳ Sơn. Tấm bia tạc thơ về mẹ của đứa con hiếu thảo đặt bên phía tay phải chỗ mẹ nằm.

Nơi này khi nhìn xuống thấy dòng sông Lam chảy miên man về biển khiến ta nhớ tới câu ca dao "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!". Và khi ngước lên trong độ cao của một trăm mét núi nơi mẹ yên nghỉ ta nhận ra mẹ của nhà thơ được tạc bằng chữ nghĩa của người con trai đã thành đạt trong cuộc sống và gia đình vẫn khôn nguôi nhớ về những ngày mẹ tảo tần nuôi các con thuở còn nhiều khốn khó.

Mẹ là Phúc Thần của mỗi đời con!

Từ ngày về hưu đến nay, Vương Trọng vẫn dành nhiều thời gian sáng tác thơ, nhưng ông cảm thấy lý thú hơn với việc nghiên cứu. Ông đã và đang thực hiện các công trình dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, dịch lại “Chinh phụ ngâm” và viết nghiên cứu về “Truyện Kiều”. Mỗi khi có dịp, Vương Trọng lại đáp tàu về Vinh, nếu nhiều thời gian thì nán lại thành phố gặp gỡ bạn bè, còn không thì bắt xe về Đô Lương, nơi ông gửi trọn cả hồn mình ở đó. Ông nói, người trẻ nhiều kẻ tự hào khoe về việc đi xa của mình, càng xa càng tốt, song người già thì lại mong muốn được về quê, càng nhiều, càng tốt. Giờ đây về Đô Lương, Vương Trọng thấy vui vì quê hương đổi mới. Không còn nhiều mái đình, mái chùa, không còn những đường cong của “làng tôi nhỏ, lối vào làng cũng nhỏ”, Không còn những ngọn núi trọc mà thay vào là một Quỳ Sơn với những dãy núi xanh rờn màu thông.

Vương Trọng còn có những câu thơ viết ra từ đáy lòng ông, từ nỗi khắc khoải hướng về mảnh đất nơi ông được sinh thành:

“Khi mắt tôi khép lại cái nhìn

Hãy đưa tôi về nơi sinh nở…

Núi Quỳ Sơn sẵn dành chỗ tôi nằm

Hoa ấm lửa, đất nồng hơi than cháy

Hạnh phúc lắm được nằm xuống đấy

Dù gió mưa, không biết lạnh bao giờ…”. 

                                                                                       Thành Vinh , 7/2011 

 

 

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021