Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

 Các bộ trưởng nói, “có gì đó thực sự là sai”?

  •   NGUYỄN DUY XUÂN
  • " HỒN NHIÊN"
    Có cái gì đó nghe "sai sai"
    Hồn nhiên em nói chẳng giống ai
    Lò điện mặt trời dân "nóng cực"
    Món "bò một nắng" cứ gai gai
    Phụ nữ ngày nay thật lắm tài
    Hoàng Ngọc Khôi

Đăng đàn trước Quốc hội tại các phiên thảo luận, các bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trần Tuấn Anh, Trần Hồng Hà đã có những phát biểu làm nóng nghị trường và dư luận.


Tại phiên họp sáng 3/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay tổng diện tích rừng của nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, hệ số che phủ rừng chỉ chiếm 27%. Hiện nay chúng ta có 14,6 triệu ha rừng. Hệ số che phủ rừng gần 42%, thế giới bình quân gần 29%.[1]

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại phiên thảo luận ngày 5/11, kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIV. nguồn vietnamnet.vn

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 5-11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, mưa lũ, sạt lở núi kinh hoàng ở miền Trung là “do trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa”.[2]

Về các điểm xảy ra lở đất, ông Hà cho biết đều nằm ở độ cao 300 - 900m, không liên quan đến thủy điện.

Ở điều kiện địa chất này, chỉ cần lượng mưa trên 100 mm thì đều có nguy cơ sạt lở. Còn mưa đến 500 mm thì làm tăng thêm trọng lượng, kéo sạt trượt mạnh mẽ. Ông Hà cho hay.

Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, lại nằm trong địa hình đồi núi dốc. Quá trình đó làm cho địa chất bị nát vụn cùng với lượng mưa lớn dẫn đến nguy cơ sạt lở", ông Hà phân tích.

Ông nói thêm, các điểm xảy ra sạt lở ở miền Trung vừa qua là "tổ hợp của nhiều loại hình thiên tai", như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa đã vượt qua các chỉ số đo lịch sử.[3]

Cũng tại phiên thảo luận nói trên, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Đối với các dự án thủy điện thì đã có tiêu chí sử dụng đất; nếu vượt qua 10 ha đất/1MW hoặc lấy đất rừng tự nhiên, dự án sẽ không được xem xét.[4]

Trước đó trên trang điện tử http://baochinhphu.vn, ông Anh nói chắc như đinh đóng cột: “bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện”.

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 2-11, ông Anh khẳng định, "Thông tin ngập lụt là cách viết truyền thông", “nhờ khả năng điều tiết, chứa nước đã cắt lũ đến tới 55%, không thì ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu".[5]

Thủy điện Đăk Mi 4 bị cho là thủ phạm gây lụt nặng ở hạ lưu nhưng ông Anh vẫn dứt khoát: “Quá trình vận hành hồ chứa, thủy điện ở các địa phương thời gian qua rất tốt. Điển hình như Thuỷ điện Đăk Mi 4, nếu không làm tốt công tác điều tiết nước thì tôi đồng ý với ý kiến địa phương là lũ sẽ đến sớm hơn trước ngày 28/10 và mức độ nước về 17.000 m3/s chứ không hẳn là 11.000m3/s như báo cáo và chúng ta đã cắt lũ trên đỉnh lũ lên đến 55%.[6]

Nghe thoáng qua các bộ trưởng nói, cử tri cả nước thấy nức lòng bởi sự thành công vượt bậc ở tầm quản lý vĩ mô của các bộ, ngành trên các lĩnh vực trọng yếu của đất nước liên quan đến bão lũ, lở núi kinh hoàng vừa qua.

Nhưng ngẫm lại mới thấy hình như có cái gì đó sai sai. Người đưa ra nhận xét rất xác đáng này là nữ đại biểu QH tỉnh Gia Lai, thiếu tá Ksor H’Bơ Khắp khi tranh luận với bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH sáng 5/11).

Trước những số liệu về diện tích rừng và đánh giá rừng tự nhiên tăng, bà Ksor H’Bơ Khắp nêu nghi vấn: “Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy. Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao?[7]

Quả thực, thật mâu thuẫn khi bộ trưởng Cường một mặt đưa ra số liệu khủng về diện tích rừng hiện nay nhưng lại thừa nhận "Hình ảnh phản ánh trên Google Maps hoàn toàn chính xác”. Nếu hệ số che phủ rừng gần 42% đúng như bộ trưởng nói thì Việt Nam xứng đáng là một quốc gia ‘xanh” chứ không trống huơ diện tích rừng như Google Maps đã ghi nhận. Và dĩ nhiên điều mà ông Cường khẳng định, rừng tự nhiên tăng từ 9 triệu ha năm 1990 lên 14,6 triệu ha hiện nay là hết sức vô lý như đại biểu Ksor H’Bơ Khắp đã chất vấn.


Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải thích về sạt lở núi ở các tỉnh miền Trung vừa qua cũng thật khó xuôi tai. Theo ông Hà, chung quy lại, thảm họa mưa lũ, lở núi ở miền Trung rốt cuộc là do khách quan, tất cả tại ông trời dù bộ trưởng thừa biết, nước ta nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa lớn, mưa như “trời đổ nước” là chuyện bình thường hàng ngàn năm nay. Bộ trường cũng thừa biết, hầu hết các vụ sạt lở núi, lũ quét đều xảy ra trên lưu vực sông suối nơi đặt các trạm thủy điện vừa và nhỏ. Nói khu vực miền Trung nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, lại nằm trong địa hình đồi núi dốc là không sai nhưng thưa bộ trưởng, với điều kiện địa chất như vậy chỉ cần một tác động nhỏ của con người làm biến đổi khí hậu, môi sinh thì như giọt nước tràn ly, tất sẽ gây ra thảm họa. Ba bốn chục năm về trước, khi phong trào làm thủy điện chưa nở rộ thì hình như chưa có một thảm họa nào xảy ra tương tự như Rào Trăng hay Trà Leng?

Không phủ nhận lợi ích mà thủy điện mang lại, nhưng phát triển thủy điện ồ ạt mất kiểm soát, nhất là thủy điện cóc, bất chấp quy luật tự nhiên thì hậu quả đã nhỡn tiền.


Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã tự bộc lộ mẫu thuẫn giữa lời nói của mình với thực tế khi ông khẳng định bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện. Thưa bộ trưởng, chắc chẳng có phép mầu nào để một công trình thủy điện dù là rất nhỏ, muốn xây dựng được lại không đụng chạm đến 1m2 rừng tự nhiên nào khi vị trí của nó phải đặt ở nơi sông suối có độ dốc cao, giữa miền rừng núi hiểm trở. Điều đơn giản đó ai cũng hiểu. Còn thực tế, mỗi công trình thủy điện ngốn hết bao nhiêu ha rừng, bộ trưởng là người biết rõ hơn ai hết.

Bộ trưởng nói, "Thông tin ngập lụt là cách viết truyền thông" là thiếu tôn trọng báo chí. Còn thủy điện có cắt lũ được hay không thì câu trả lời đã có trong nhiều trận lũ lớn đã từng xảy ra không chỉ ở miền Trung vừa qua.

Trước thảm họa thiên nhiên kinh hoàng ở miền Trung, đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, chỉ đích danh nguyên nhân sâu xa của nó để có giải pháp thích hợp, kịp thời điều chỉnh những bất cập, sửa chữa sai lầm trong việc ứng xử với thiên nhiên vì sự phát triển kinh tế đất nước và đời sống của người dân.


Trong khi viết bài này, tôi đọc được thông tin đáng chú ý mà báo chí vừa đăng tải: Các chính phủ ở châu Âu và Mỹ đã bắt đầu cho phá bỏ những công trình thủy điện trên sông dù thủy điện chiếm tỷ trọng rất cao, trên 70% lượng điện của các nước.[8]

Theo đó, trong vòng vài chục năm qua, Mỹ đã phá dỡ gần 1.300 đập thủy điện, châu Âu gần 5.000 đập ngăn sông.

Thiết nghĩ đấy là những thông tin đáng để chúng ta suy ngẫm trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay.

 

Nguồn tham khảo:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét