Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

ĐÀN SẾU - Журавли

 NGÀY  12 THÁNG 4 NĂM 1998

Cách đây 43 năm vào ngày 12/4/1998, khi tôi đang ở khu tập thể ngã 3 Quán Bàu của Ty Ngoại thương Nghệ Tĩnh, trên đường Nguyễn Trãi TP Vinh, được tin em tôi đã hy sinh trên Biên giới tỉnh Hà Tiên. Không ai đau xót bằng chính những người có con em đã ngã xuống trên chiến trường... dù đó là cuộc chiến nào. 

Nhớ đến ngày em hy sinh, anh lại nghe lại ca khúc Đàn Sếu (Журавли) của Nga tưởng niệm những người lính Xô Viết đã hy sinh trong chiến tranh Vệ Quốc.   

ĐÀN SẾU

Đôi lúc tôi chợt nghĩ rằng, người lính
Trong cuộc chiến tranh đẫm máu đã hy sinh,

Không vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất
Mà hóa thành những đàn sếu trắng tinh.

Họ bay mãi tự xa xăm quá khứ
Tới ngày nay và trò chuyện cùng ta,
Phải vì thế mà ta thường tư lự
Hay chạnh buồn khi lặng ngắm trời xa.

Hôm nay lúc hoàng hôn đang dần tới
Tôi bồi hồi khi thấy giữa màn sương
Đàn sếu trắng bay chỉnh tề hàng lối
Như đoàn người lê bước giữa đồng hoang.

Đàn sếu bay trên con đường dằng dặc
Và gọi tên những ai đó lao xao.
Phải vì thế mà âm thanh Avác
Tự bao đời giống tiếng sếu làm sao…

Bay, bay qua khoảng trời mệt mỏi
Trong bóng chiều, trong bát ngát màn sương,
Giữa đoàn quân ngỡ thừa ra khoảng trống
Hình như còn dành để cho tôi.

Sẽ có ngày tôi bay cùng đàn sếu
Trong mịt mờ sương xám tựa hôm nay,
Và ở giữa trời cao như chim tôi sẽ gọi

Tất cả mọi người còn lại ở nơi đây…

Trong ngày Lễ Chiến thắng 9-5 của Liên Xô, khi tôi ở Nga, luôn thấy có những bà mẹ, những người phụ nữ Nga đã cao tuổi bên vệ đường, trên quảng trường dõi mắt theo đoàn người mít-tinh, diễu hành. Họ đứng đó với bó hoa cẩm chướng trên tay và các tấm ảnh chân dung và tấm biển ghi tên cha, anh, chồng, con, những người lính Hồng quân đã không trở về sau ngày Chiến Thắng phát xít Đức, có khi chỉ là những bức thư thời chiến trận còn lưu giữ. Đối với họ, những người lính ấy không bao giờ chết và họ hy vọng về một ngày không xa sẽ gặp lại người thân...

Hình ảnh người phụ nữ Nga đợi người thân trong Ngày chiến thắng 9-5 hằng năm đã trở thành biểu tượng hy sinh của nhân dân Liên Xô luôn vang vọng như giai điệu mượt mà, trầm buồn của ca khúc Đàn Sếu. Bài thơ Đàn Sếu (Журавли) của Ra-xun Gam-da-tốp xứ Đa-ghét-xtan- Liên Xô sáng tác được Ян Френкель phổ nhạc vào năm 1968, 23 năm sau khi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại kết thúc đã nhanh chóng lan truyền và được nhiều người Liên Xô và người yêu nhạc Việt Nam yêu thích.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét