Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

BÀI THƠ CHIA LY HAY NHẤT VĂN ĐÀN VIỆT CỦA NGUYỄN BÍNH

NHỮNG BÓNG NGƯỜI TRÊN SÂN GA 

Nguyễn Bính 

Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Có lần tôi thấy hai em bé
Áp má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi”.

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi”.

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly

Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Nguyễn Bính (1918 - 1966), tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Bính. Ông người Nam Định. Phải nói, ông là một nhà thơ của làng quê Việt Nam. Một thi sĩ tài hoa. Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ năm lên ba tuổi. Thi sĩ phải lấy bốn lần vợ. Có lẽ vì thế, thơ ông mang nặng những mối tình phân ly.
Tôi đọc thơ Nguyễn Bính từ hồi tôi còn bé.
Một trong những bài thơ đầu tay của ông là bài “Tâm Hồn Tôi”. Bài thơ ấy như thế này:

“Tâm hồn tôi là bình rượu nhỏ
Rót lần rót mãi xuống nàng Oanh
Không xua tay nhưng nàng đã vô tình 
Hất ly rượu hồn tôi qua cửa sổ”.

Cứ như ý thơ, giọng thơ thì phải chăng đây là một cuộc phân ly rồi. Một cuộc phân ly giữa hai tâm hồn. Nhưng buồn nhiều, có lẽ ở nơi tâm hồn thi sĩ.
Ngay lúc đọc xong bài thơ, tôi cảm thấy như có gì đồng điệu. Ngồi ghế đá ngắm sóng hồ, ngước mắt thưởng mây thu, tự nhiên hồn nổi hứng, tôi bèn ứng khẩu vài câu:
“Cảm ơn ông Bính viết bài thơ/Chắc để tặng tôi ông Bính nhỉ? Bình rượu vơi vẫn ngoài cửa sổ/Cái quai bình khéo ngoắc một nhành mai”.

Rồi thì cô lái đò, cô lái đò trên sông Châu.
Một con sông hữu tình trên quê hương thi sĩ.
Con đò mà thi sĩ hay qua sông Châu để đi chơi chợ. Con sông này còn có tên là sông Châu Giang. Cô lái đò kia tên là cô Thoa. Nguyễn Bính vẫn qua sông Châu Giang bằng con đò này. Không biết thi sĩ có bao giờ tặng thơ cô lái đò không, mà ông ngồi đò không bao giờ cô Thoa lấy tiền. Hình như… qua những chuyến sang sông đã có cái sự sinh tình. Ít nhất là thứ tình quen của cô lái đò và khách thơ hay sang sông.
Rồi bỗng, cô lái đò kia đi lấy chồng. Cô lái đò đi lấy chồng là sự thường.
Cô ấy đi lấy chồng thì mặc kệ cô ấy, việc gì đến ông? Can hệ gì đến ông nào?
Nhưng oái oăm thay, người khách hay sang đò nhờ lại là thi sĩ!
Tình khách sang đò, khiến thi sĩ làm thơ:

“Xuân đã đem mong ước trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng nhau đã nặng thề
Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về với bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông
Xuân này đến nữa đã ba xuân
Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành bội ước với tình quân
Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong/
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông”.

Cô Thoa đi lấy chồng.
Khách sang sông buồn.
Thi sĩ buồn.
Lại một cuộc phân ly.
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc, làm thành bài hát. Bài hát cũng mang tên “Cô Lái Đò”. Một bài hát có thể nói là đã được nhiều thế hệ hát. Ca sĩ hát. Những cô gái làng hát. Tôi thấy những bà già nhà quê cũng thích hát bài hát này. Bài hát “Cô lái đò” có thể gọi là một bài tình ca. Một bài tình ca dân dã đã sống qua nhiều thế hệ. Một bài tình ca mang hồn của sự chia ly.
Quay về “Những bóng người trên sân ga”.
Bài thơ được thiết kế theo thể thất ngôn trường thiên, gồm tám khúc, ba mươi hai câu. Với đủ cảnh phân ly.
Có lẽ bài thơ phản ảnh đầy đủ nhất các vẻ phân ly trên sân ga xe hỏa, mà thi sĩ gọi là nơi khởi đầu: “Những cuộc chia lìa khởi từ đây/Cây đàn sum họp đứt từng dây”. Dĩ nhiên, sự chia lìa ở chỗ này thì có thể sum họp ở chỗ khác. Chia lìa lúc này thì sum họp ở lúc khác. Nhưng ngay bây giờ thì là chia lìa cái đã. Mà đã chia lìa thì tự nhiên thành đơn chiếc ngay. “Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc”.
Ai đã ở gần ga tàu hỏa, chắc buồn lắm. Bởi vì phải chứng cảnh chia lìa diễn ra ở đây “suốt tối ngày”. Dĩ nhiên trên sân ga cũng có sự sum họp. Người ta đón nhau. Người ta gặp nhau. Người ta cầm tay nhau mừng mừng tủi tủi. Nhưng trước con mắt Nguyễn Bính, một thi sỹ nặng về sự chia ly, nên thi sỹ chỉ thấy cái góc chia ly chăng?
Cảnh chia ly diễn ra suốt ngày trên sân ga.
Cảnh chia ly được san sẻ cho đủ các thành phần, đủ các lứa tuổi.
“Có lần tôi thấy hai em bé/Áp má vào nhau khóc sụt sùi”. Cảnh buồn quá. Rồi thì có lần lại thấy: “Một người yêu tiễn một người yêu một buổi chiều” Chỉ trong một câu thơ rưỡi, mà từ “một” được láy đi láy lại đến ba lần. Mà “một” thì nhất định là lẻ rồi, là đơn chiếc rồi chứ còn gì nữa? Cả đến buổi chiều cũng bỗng dưng thành lẻ: “một buổi chiều”. “Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu” Bóng hai người tiễn nhau xiêu xiêu trong chiều tàn. Thật đúng như ai đã nói: Trong thơ có họa. Một bức họa cảnh chia ly của hai người đang yêu nhau trong chiều đang tàn trên sân ga nào! Một bức họa thật sống động. Sống động đến buồn tênh.
Đôi bạn cũ tiễn nhau trên sân ga cũng buồn lắm. “Kẻ ở trên toa, kẻ dưới tàu”. Người trên toa giục người dưới tàu về đến “ba bốn bận”. Nhưng người dưới tàu lưu luyến quá, có về nổi đâu? khiến người trên toa lại phải xuống. Và “bóng nhòa trong bóng tối từ lâu!”.
Một tình bạn cũ. Hai cái bóng chiều trên sân ga.
Cảnh ấy, tình ấy, hỏi buồn không? Bịn dịn quá!
Rồi vợ tiễn chồng.
Có lẽ cô gái quê tiễn chồng đi làm ăn xa. Chắc họ còn trẻ cả, nên vợ chồng tiễn nhau trên sân ga, nàng còn tỏ ra “thèn thẹn”. Nàng mở khăn giầu để lấy tiền đưa thêm cho chồng. Nhưng cô nàng vừa “mở khăn giầu” ra thì anh chồng vội vàng “thắt lại”. “Chị mở khăn giầu, anh thắt lại/Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi”. Giùng giằng người mở, người thắt, nom thật cảm động!
Hình ảnh một bà già lưng đã còng, trong chiều tàn lọ mọ tiễn con trên sân ga nom mới thật buồn. Buồn đến rầu rĩ!
“Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga”. 

Chắc gia đình này chỉ có hai mẹ con, tôi chắc chắn là như vậy.
Chiều tàn.
Tàu chạy lâu rồi.
Sân ga vắng teo.
Bà cụ vẫn đứng. Cái “lưng còng đổ bóng xuống sân ga” chiều. Một hình ảnh mới thê lương làm sao? Tàn tạ làm sao? Ảm đạm làm sao? Buồn làm sao? Hai người trẻ tiễn nhau trên sân ga đã buồn. Một bà già lưng đã còng, tiễn con vào một chiều đang tàn trên sân ga thì càng buồn nhiều lắm. Ôi, một cảnh chia ly trong tình mẫu tử sao mà buồn đến thế? Buồn đến nẫu ruột, nẫu gan.

Trên sân ga, có những cuộc, hình như không phải chia ly.
Vì thấy anh ta lầm lũi lang thang trên sân ga chỉ có một mình. Một mình thì chia ly cái gì? Chia ly với ai? Không thấy người ra tiễn. Bố, mẹ, anh, em, bạn hay người yêu chẳng hạn. Cũng không thấy ai ra đón. Một mình, khiến cái “bóng lẻ”, bước “hững hờ” trong chiều tàn trên sân ga. Tâm trạng kia, rõ ràng là anh chàng ra đi, chứ không phải về nhà: 

“Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu, nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly”.

Ôi! Sao mà đơn chiếc!
Đơn chiếc trên sân ga thì lại càng đơn chiếc nhiều lắm.
Trên sân ga, lại là lúc chiều tàn, thì sự đơn chiếc phải buồn đến phát khóc. Ôi, mới cô đơn làm sao? Mới hưu quạnh làm sao?
Tôi cũng đã từng có những cuộc như thế này. Hình như đâu vài cuộc như thế rồi. Nên đọc thơ ông Bính cảm vô cùng.
Nguyễn Bính, thi sĩ nặng nhiều về sự chia ly, nào biết người kia đang nghĩ ngợi gì? Và anh ta lên tàu rồi sẽ đi đâu? Về đâu? Trong cái mênh mang “ba phần tư nước mắt” này? (Ý thơ Xuân Diệu). Cảnh chiều trên sân ga sao lại buồn đến thế? “Một mình làm cả cuộc phân ly!”.
Khổ kết của bài thơ, có bốn câu thì mang nặng bốn từ “Những”:

“Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này”.

Ôi, một bức tranh chiều trên sân ga.
Bức tranh vẽ một lúc nhiều cuộc phân ly.
Cuộc phân ly nào cũng buồn rười rượi.
Người ta bước những bước “hững hờ”. Người ta “vẫy tay”. Người ta “vẫy khăn”. Và, “những đôi mắt ướt tìm đôi mắt”.
Thi sĩ Nguyễn Bính vẽ bức tranh buồn. Bức tranh chiều trên sân ga. Tôi nghĩ, có lẽ những chốn đông người, thì nơi sân ga xe lửa vào buổi chiều là nơi buồn nhất. “Buồn ở đâu hơn ở chốn này?”
“Những bóng người trên sân ga” của thi sĩ Nguyễn Bính là một bài thơ buồn. Buồn ngay từ câu đầu, buồn đến tận câu cuối, làm người thưởng thơ trong thư phòng cũng buồn lây. Buồn đến bã bời cõi lòng. Buồn đến tê tái cõi lòng. Nhưng nó là cái buồn của sự thưởng thức. Cái buồn thi sĩ.
Làm gì không buồn?
Nguyễn Bính là thi sĩ mang nặng chia ly mà.
Một lần nữa, tôi muốn nói, thi sĩ chia ly người mẹ yêu thương từ lúc mới ba tuổi. Có lẽ đây là cuộc chia ly lớn nhất, ảm đạm nhất, đau buồn nhất. Thi sĩ buồn ngay từ lúc ba tuổi buồn đi.
Trong bốn mươi chín năm, thi sĩ có bốn mối tình đầu. Không kể những mối tình mây gió người đời không biết. Thì làm sao mà biết được? Có thánh biết! Mà nhiều tình cũng phải thôi. Thi sĩ mà.
Thế nghĩa rằng, chỉ riêng đời luyến ái của thi sĩ, ít nhất cũng đã có ba cuộc chia ly với ba mối tình đầu trước. Và một cuộc chia ly với mối tình đầu thứ tư - Mối tình đầu cuối cùng. Vị chi là bốn cuộc. Bởi bốn mối tình mà Nguyễn Bính có bốn vợ. Lần lượt mỗi bà vợ đẻ cho thi sĩ một người con.
Tôi biết người con gái cả của thi sỹ, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu. Hiện, nàng đang ngụ tại quận Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh. Nàng là con gái do mối tình đầu thứ nhất giữa thi sĩ với Hồng Châu sinh ra.
Một lần, đi nghỉ dưỡng ở Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm Tuyên Quang, xem trong sổ lưu niệm của bệnh viện, tôi thấy bài thơ của Hồng Châu. (Bà là người vợ thứ nhất của Nguyễn Bính và là mẹ của Nguyễn Bính Hồng Cầu). Tôi chụp bài thơ, gửi cho Hồng Cầu. Nàng thích lắm, cứ gọi dây nói, cảm ơn hoài. Nàng bảo, nếu không, thì chẳng bao giờ em biết mẹ em có bài thơ ở Tuyên Quang. Ngẫm thế, làm gì thi sĩ đa tình, đa tài và đa đào hoa này không mang nặng chia ly?
Tôi muốn lấy một khúc của nhà văn Chu Văn viết về cô lái đò trên sông Châu, quê hương thi sĩ Nguyễn Bính để kết cho bài viết này.
Gặp cô lái đò, Chu Văn thông báo: “Cô Thoa, bác Bính làm thơ, vẫn hàng ngày đi chợ nhờ đò cô đưa sang sông, bác ấy mất rồi cô ạ”. Cô Thoa gục trên mái chèo, tiếng lạc đi: “Cháu biết. Giá chết thay được, thì cháu tự nguyện chết thay để bác ấy sống, bác ấy làm thơ”.
Ôi, từ nơi sâu thẳm của cõi lòng, tôi thầm ghen với Nguyễn Bính, mặc dù tôi với thi sĩ cùng họ. Từ thuở bé, tôi chưa thấy cô gái nào tình nguyện chết thay cho nhà văn để nhà văn sống mà viết ra những áng văn tuyệt đỉnh cho đời thưởng thức. Nay thấy một cô gái - Cô lái đò muốn chết thay cho Nguyễn Bính để nhà thơ sống mà làm thơ. Hỏi còn gì sướng hơn một đời thi sĩ?
Đời Nguyễn Bính - Đời thi sĩ nặng về sự chia ly.
“Những bóng người trên sân ga”
Một bài thơ buồn.
Một nỗi buồn được tắm bằng những áng thơ mênh mang tâm trạng.
Một nỗi buồn làm cho đời đẹp hơn, thi vị hơn.
* * *
Bài: Nguyễn Đình Lãm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét