Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

SỰ TỒN TẠI CỦA ĐẾ CHẾ

 AFGHANISTAN - "MỒ CHÔN CỦA NHỮNG ĐẾ CHẾ"

 PGS.TS Nguyễn Phương Mai đã có một thời gian dài làm báo Hoa Học Trò trước khi bước vào sự nghiệp học thuật, giảng dạy và nghiên cứu Giao tiếp/ Quản Trị đa 
văn hoá tại Khoa Kinh tế thuộc ĐH Khoa Học Ứng Dụng Amsterdam, Hà Lan.

---

Vào thời kỳ mùa xuân Ả Rập, tôi dành gần trọn một năm sống ở Trung Đông để tìm hiểu về Hồi giáo.

Tôi đã gặp những tín đồ cực đoan, nhìn tự do văn minh phương Tây hay giáo dục cho phụ nữ như những điều tội lỗi. Thậm chí có người coi việc nói chuyện trực tiếp với một cô gái như tôi là điều cấm kị, khiến tôi phải hứa sẽ choàng khăn kín đầu.

Vừa sợ vừa tò mò, tôi không nén nổi sự ham muốn được lặn sâu hơn vào mê cung tâm lý của những con người này. Đó chính là lý do sau khi xuất bản cuốn "Con Đường Hồi Giáo", tôi đã hứa với độc giả cuốn sách tiếp theo sẽ có tên là: "Đi Tìm Taliban".

𝗧𝗔𝗟𝗜𝗕𝗔𝗡 𝗟𝗔̀ 𝗔𝗜?

Pakistan và Afghanistan tuy chia cắt về ranh giới, nhưng ở cả hai bên đường biên là lãnh thổ sinh sống của người sắc tộc Pashtun. Không gì có thể chia cắt người Pashtun, và không gì có thể đánh bại ý chí quật cường cũng như lòng trung thành với đồng loại của người Pashtun.

Chính vì thế, khi Liên Xô đổ quân vào Afghanistan để bảo vệ chính quyền cộng sản bù nhìn, những người Pashtun trở thành những chiến binh mãnh liệt nhất. Bên cạnh họ, trên khắp lãnh thổ Afghanistan và Pakistan, hàng trăm nhóm vũ trang được Mỹ hỗ trợ để chống lại kẻ thù chung, những người không có đạo giáo/đức tin mà họ gọi là những người "cộng sản vô đạo".

Khi Liên Xô và chính quyền thân cộng thua trận và Mỹ buông tay, các nhóm quyền lực này quay sang tranh giành lẫn nhau và đẩy Afghan rơi vào nội chiến. Đây là bối cảnh ra đời của Taliban (có nghĩa là người đi học hay sinh viên).

Nhóm khởi đầu với 50 sinh viên người Afghan đang tị nạn tại Pakistan. Chứng kiến nội chiến và tranh giành quyền lực, Taliban có tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của tôn giáo. Hành động đầu tiên của họ là giải cứu 2 bé gái bị quan chức địa phương gọt đầu hãm hiếp và một bé trai bị đe dọa cưỡng bức. Taliban bắt kẻ có tội đền tội theo luật Hồi giáo. Trong bối cảnh các nhóm quyền lực bắn giết lẫn nhau, nhiều người thấy vui mừng khi Taliban phần nào đem lại sự ổn định và công bằng.

Tuy nhiên, mặt trái của ổn định và công bằng là là cực đoan và tàn khốc. Lý tưởng này có ảnh hưởng mạnh mẽ của Saudi- vương quốc dầu lửa rủng rỉnh tiền và đi theo chế độ Hồi giáo hà khắc. Dòng tiền Saudi trợ cấp cho các trường học tôn giáo nơi Taliban thành hình là một lý do đáng kể cấu thành bản chất tôn giáo cực đoan của Taliban.

Chính quyền ngắn ngủi của Taliban khiến cả thế giới rùng mình. Ăn cắp sẽ bị chặt tay. Tội ngoại tình bị ném đá đến chết. Âm nhạc, múa hát và giải trí bị cấm hoàn toàn. Đàn ông buộc phải để râu, phụ nữ ra đường buộc phải che hết cả mặt mũi, chỉ được nhìn qua một lớp vải đan thưa. Có những cô gái bị bắt quả tang đi cùng đàn ông không phải người nhà bị đánh cả trăm roi. Phụ nữ chỉ có quyền được làm việc trong bệnh viện, điều này khiến hàng triệu trẻ em gái không được đến trường và hàng trăm trường học phải đóng cửa.

Hai cuốn sách nổi tiếng "Người đua diều" và "Ngàn mặt trời rực rỡ"

là những tuyệt phẩm cho ta cái nhìn sâu đậm về cuộc sống dưới chế độ hà khắc của Taliban.

𝗧𝗔̣𝗜 𝗦𝗔𝗢 𝗠𝗬̃ 𝗖𝗔𝗡 𝗧𝗛𝗜𝗘̣̂𝗣?

Sau khi thất bại trong cuộc chiến tại Việt Nam, Mỹ và Liên Xô tiếp tục chiến tranh lạnh bằng những cuộc chiến uỷ nhiệm trên lãnh thổ của nước khác. Tại Afghanistan, mục tiêu của Mỹ không gì hơn là trả thù Liên Xô và lấy lại thể diện sau khi phải rút quân khỏi Việt Nam.

Chính vì thế, họ cung cấp vũ khí cho các nhóm quân du kích Afghan. Mỹ đã chơi với dao, coi kẻ thù của kẻ thù là bạn.

Vì chỉ có mục đích đối đầu với Liên Xô, Mỹ không hề tính toán đến kế hoạch dài hơi sau khi Liên Xô thua trận. Khi những người lính cuối cùng của Liên Xô rời bỏ chiến trường cũng là lúc Mỹ buông bỏ Afghanistan trong tình trạng những nhóm du kích thắng trận quay ra cắn xé lẫn nhau, tạo tiền đề cho Taliban ra đời.

Tuy nhiên, lần can thiệp thứ hai sau đó mấy thập kỷ, năm 2001, mới thực sự là sự sa lầy của Mỹ.

Không phải nội chiến, cũng không phải sự tàn bạo của Taliban khiến Mỹ quay lại nơi đây, mà chính là sự kiện Tháp Đôi bị đánh bom cảm tử. Trùm khủng bố Al-Qaeda chính là do Taliban cưu mang, cung cấp nơi trú ẩn an toàn. Trò chơi với dao đã đến ngày làm Mỹ đứt tay. Dù trong thời chống Liên Xô, Mỹ không trực tiếp cung cấp vũ khí cho Taliban - lúc đó chưa ra đời - nhưng việc hình thành Taliban sau này chính là hệ quả gián tiếp của sự cộng tác mạo hiểm đó.

Khi Taliban từ chối giao nộp Bin Laden, Mỹ tiến quân vào chiếm Afghanistan nhưng không bắt được trùm khủng bố. Hắn ta chạy sang Pakistan - đất nước vốn là đồng minh của Mỹ.

Kể từ thời điểm đó, các nhóm tàn quân Taliban ở cả hai bên biên giới dần dần gượng dậy, sống dai dẳng, dùng bom cảm tử để phá hoại kế hoạch tái thiết của đồng minh và chính phủ do họ dựng nên. Giống như những nhóm du kích đánh quân Liên Xô ngày xưa, Taliban coi đây là chính phủ bù nhìn, tham nhũng, tuy có đạo giáo nhưng băng hoại về đạo đức, phản bội lại tín ngưỡng và văn hóa nguyên thuỷ của Afghanistan.

Taliban lấy đâu ra tiền để sống dai dẳng trong suốt 20 năm như vậy? Nguồn ngân sách khổng lồ bao gồm kinh doanh thuốc phiện (hơn 400 triệu đôla, chiếm 90% tổng số thuốc phiện trên thế giới), khai thác khoáng sản (hơn 400 triệu đô la), đóng góp từ các cá nhân và tổ chức cực đoan từ nước ngoài (hơn 200 triệu đôla), các hoạth động kinh doanh xuất nhập khẩu (hơn 200 triệu đôla), đánh thuế các vùng nằm trong sự bảo trợ (hơn 100 triệu đôla).

Trong hai mươi năm ấy, lực lượng chính quyền của Afghanistan được Mỹ và Liên minh đào tạo với mục đích sau khi rút đi có thể trụ vững. Hàng nghìn tỷ đô la đã đổ vào đây, hơn 3,500 binh sĩ đồng minh đã hy sinh trong đó hơn 2000 là lính Mỹ, 69.000 binh sĩ Afghan bỏ mạng cùng hàng trăm ngàn dân thường.

Một lượng đầu tư khổng lồ về tiền bạc, công sức và mạng người trong suốt 20 năm ròng như vậy mà chỉ trong phút chốc đổ sông đổ bể.

Không ai có thể ngờ rằng mới ngày 1/5 quân chính phủ còn giữ quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, nhưng tới hôm nay thì quân Taliban đã bao vây và chặn các cửa ngõ thủ đô Kabul. Liên minh chưa kịp rút đi quân chính phủ đã thua trận, thậm chí tổng thống cũng bỏ chạy.

𝗧𝗔̣𝗜 𝗦𝗔𝗢 𝗧𝗔𝗟𝗜𝗕𝗔𝗡 𝗩𝗔̂̃𝗡 𝗖𝗢́ 𝗡𝗚𝗨̛𝗢̛̀𝗜 𝗨̉𝗡𝗚 𝗛𝗢̣̂?

Lời hứa về cuốn sách tiếp theo của tôi được đưa ra khi Taliban đã bị đánh bại. Gương mặt của nữ thần chiến thắng có tên là Malala - cô bé Pakistan 15 tuổi - nhà hoạt động chính trị bảo vệ quyền được đi học bị Taliban ám sát hụt và bị thương nặng ở đầu.

Với giải Nobel Hòa Bình, từ cõi chết trở về, cô gái nhỏ đầu trùm chiếc khăn tôn giáo màu đen xuất hiện trước toàn thế giới, tiếng Anh không tỳ vết nói đĩnh đạc như một chính trị gia: "Với một cuốn sách và một cây viết, một bé gái sẽ làm đổi thay thế giới".

Hệt như bao người khác, tôi tan chảy vì Malala và căm ghét Taliban. Sự yêu ghét rõ ràng ấy chỉ bị đập tan tác cho đến khi chính bản thân tôi đặt chân đến Pakistan.

Gia đình cưu mang tôi ở Islamabad là một tổ ấm 5 người với ông bố là giáo sư giảng dạy tại một trường ĐH nhỏ. Tối hôm ấy từ trong phòng mình, tôi nghe thấy cô con gái 20 tuổi vừa đi học về khóc nức nở. Cậu em trai đi đón chị từ bến xe trên đường về bị một nhóm cướp chặn đường dí súng vào đầu để trấn lột.

Gia đình đã báo cảnh sát nhưng tất cả khẳng định rằng cảnh sát biết rất rõ tụi cướp là ai nhưng sẵn sàng làm ngơ. Bên bàn ăn, đôi mắt cậu bé mới 17 tuổi rực lên sự uất ức, căm phẫn và bất lực. Người bố thở dài: "Chính quyền tham nhũng, thối nát. Nếu phải chọn giữa Taliban và cái chính quyền tồi tệ này, tôi chọn Taliban. Ít nhất với Taliban, chúng tôi có thể đòi lại sự công bằng".

Tại những vùng bị tái chiếm đóng và quân chính phủ thua chạy, Taliban tuyên bố họ đã thay đổi không còn cực đoan như trước. Ví dụ, các bé gái giờ đã được đi học dù những lớp học chỉ dạy kinh Quran. Cộng với sức mạnh của tôn giáo, Taliban với khuôn mặt của những kẻ ngoan đạo từ chỗ là kẻ thua trận dần dần trở thành một lực lượng chính trị không thể bị tiêu diệt mà buộc phải coi như một đối tác trên bàn đàm phán.

Tại sao? Vì những câu chuyện như đã xảy ra với gia đình cưu mang tôi ở Pakistan: Khi tội ác đã rõ rành rành và quan chức địa phương đứng khoanh tay, Taliban dường như là kẻ cuối cùng có thể đòi lại chân lý, mặc dù việc chọn Taliban đồng nghĩa với lựa chọn một nhà tù. Cuối cùng, trong cơn uất ức, tức nước không vỡ được bờ, khát khao trả thù đã mạnh hơn sự đe dọa mất tự do.

𝗔𝗙𝗚𝗛𝗔𝗡𝗜𝗦𝗧𝗔𝗡: "𝗠𝗢̂̀ 𝗖𝗛𝗢̂𝗡 𝗖𝗨̉𝗔 𝗡𝗛𝗨̛̃𝗡𝗚 Đ𝗘̂́ 𝗖𝗛𝗘̂́"

Vào thế kỷ thứ 19, Afghanistan là một vùng đất hiểm trở với hơn 20.000 cộng đồng làng xã nhỏ lẻ sống tách biệt nhau như những vương quốc tý hon.

Vào thời điểm đó, cái vùng đất bao la, nghèo đói, không cửa biển, chưa thấy dấu hiếu tài nguyên ấy nằm giữa Nga và Ấn Độ - khi đó là thuộc địa của Anh. Cả Anh và Nga đều lo lắng kẻ kia sẽ dùng Afghanistan làm bàn đạp để tấn công. Nỗi sợ hãi ấy khiến Anh đem quân vào Afghanistan và sau hai cuộc chiến, phải rút lui với thảm bại.

Vào thế kỷ 20, Afghanistan trở thành mồ chôn của đế chế thứ hai: Liên Xô. Những người cộng sản vì quá lo sợ chính quyền thân cộng tại Afghanistan bị suy yếu đã đem quân vào đây sau một cuộc chính biến. Từ vị thế của kẻ giật dây, Liên Xô trở thành "kẻ xâm lược vô đạo" trong con mắt những nhóm du kích mujahideen.

Người Liên Xô lúc đó không hề biết sự thật về cuộc chiến đã lấy đi 15.000 sinh mạng chiến binh Xô Viết. Khi một nhà báo Liên Xô sang Afghanistan viết bài, ông chỉ được chụp những bức ảnh đẹp đẽ thanh bình trong khi cách đó 20 mét là máu đổ. Nhìn những chiếc hòm chồng chất lên nhau, ông được cho biết đó là nơi chứa "những khối thịt đã không dùng được nữa". Quan tài của binh sĩ tử trận được hàn kín và chở về cho gia đình của họ trong bí mật.

Vào thế kỷ 21, như chúng ta đang chứng kiến trong những ngày qua, Mỹ và đồng minh hối hả rút quân trong khi Taliban theo thế chẻ tre lần lượt chiếm cứ từng thành phố, đẩy hàng trăm nghìn người dân hoảng loạn chạy trốn, tạo ra một cơn khủng hoảng tị nạn lớn lên tính theo giờ. Afghanistan lại một lần nữa trở thành nơi các đế chế đem quân tới trong hiên ngang và thoát thân trong màu cờ chiến bại.

Nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Quốc sẽ thế chân, điền vào khoảng trống quyền lực và trở thành đế chế thứ tư thử sức với mảnh đất khắc nghiệt này. Giàu có, khôn khéo, thực dụng, và cùng tư tưởng độc tài, liệu Trung Quốc có nước cờ khác không? Và nếu điều đó xảy ra, liệu Taliban có bỏ qua việc quốc gia này cũng là những người "cộng sản vô đạo" và có lịch sử không mấy nhân từ với người Hồi giáo ở Uighur?

*****

PGS. TS Nguyễn Phương Mai tiếp tục viết trong các cuộc hành trình tới nhiều nơi trên thế giới với tư cách nhà báo tự do. Chị là tác giả của hai cuốn sách "Tôi Là Một Con Lừa" và "Con Đường Hồi Giáo" xuất bản tại Việt Nam.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét