Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

ĐÔI BỜ -

BẢN NHẠC ĐÔI BỜ VÀ CUỘC ĐỜI CỦA TÁC GIẢ LỜI BÀI HÁT 

Grigory Pozhenyan là một nhà thơ, nhà văn lớn của nước Nga, là công dân Nga, hai lần được giải thưởng Nhà nước Liên bang Nga, nhưng ông vẫn thấy như mình chẳng phải người Nga.

Ông sinh ra ở Kharkov, lớn lên ở Odessa. Bố ông, người gốc Armenia, mẹ ông gốc Do Thái. Ông tự nhủ là mình có nhiều quê hương để mà yêu dấu. Người Do Thái thì lưu lạc khắp toàn cầu mà vẫn không có tổ quốc. Nhưng ông có cố đô Kharkov, có thành phố cảng Odessa, được mệnh danh là hòn ngọc Hắc hải

Từ sâu thẳm, ông vẫn mặc cảm vì là người Do Thái. Mặc dầu được sinh ra trong một gia đình trí thức danh giá, bố là giám đốc một viện nghiên cứu, mẹ là một bác sĩ nổi tiếng. Nhưng bố ông bị quy là phản cách mạng, mẹ cũng vì gốc Do thái mà bị chuyển công tác đến nơi rất xa. Grigory những tưởng mình cũng sẽ bị chuyển đi Xibir chặt cây đốn củi. Nhờ chiến tranh xảy ra, vừa tốt nghiệp phổ thông năm 1939 tham gia quân đội, phục vụ trong hạm đội Hắc Hải.

Các tướng lĩnh trong binh chủng hải quân chưa bao giờ thấy một tay lính thủy đánh bộ dũng cảm và liều lĩnh như chàng trai này. Anh dẫn đầu nhiều toán biệt kích đi phá những chiếc cầu, để ngăn chặn đà tiến công của quân Đức. Chiếc cầu đầu tiên mà anh phá sập là cầu Varvarovsky ở Nikolaev. Rồi tiếp theo nhiều cầu nữa, cho đến chiếc cuối cùng là ở Belgrade. Anh chỉ có một niềm tin mãnh liệt vào chúa Trời. Anh tin Chúa sẽ bao bọc anh lành lặn. Bởi thế, anh không sợ gì cả.

Anh sẵn sàng bảo vệ quan điểm chính trị của mình trước đồng đội, anh không sợ ai. Các tướng lĩnh quý anh, nhưng tay chính ủy Genkov thì ghét anh ra mặt. Một lần, hắn gọi anh vào phòng chỉ huy, quát mắng, phủ đầu:

- Bố anh là phần tử phản cách mạng, mẹ anh là mụ đàn bà Do Thái. Anh phải lễ độ với mọi người, đừng có mà vênh vang kênh kiệu.

Grigory đáp lại:

- Bất kể bố tôi là ai, mẹ tôi là ai, tôi là một chiến sĩ Hồng quân. Báo cho anh biết, nếu anh còn nói đến bố mẹ tôi lần nữa thì tôi không tha cho anh đâu.

Một lần, trước hàng quân, trên boong tàu, Genkov gọi anh là con mụ Do Thái. Anh lẳng lặng ôm ngang người hắn và quẳng xuống biển. May mà đồng đội ném phao xuống cho hắn để hắn bám và kéo hắn lên. Genkov đề nghị vị tướng chỉ huy kỷ luật Grigory, nhưng ông ta phớt lờ. Chính ông cũng không thích Genkov.

Trận đánh mà Grigory nhớ đời là trận cứu dân ở Odessa. Năm 1941, thành phố bị bao vây. Nhà máy cấp nước cho thành phố cách xa 40 km bị Đức chiếm, bị bọn chúng cắt nước, định làm dân Odessa chết khát. Dự trữ nước của thành phố cạn kiệt dần. Người ta phải phân khẩu phần cho mỗi người mỗi ngày chỉ đươc một ca nước. Bộ chỉ huy thành lập một toán biệt kích gồm 32 chàng lính thủy đánh bộ sừng sỏ nhất do Grigory làm toán trưởng và oái oăm thay lại có cả Genkov làm chính trị viên. Nhiệm vụ của toán biệt kích này là đánh chiếm nhà máy nước. Sau đó phải cố giữ cho bằng được một thời gian để nhà máy cung cấp một lượng nước dự trữ cho Odessa. Trước ngày lên đường, Genkov đào ngũ và biến mất. Grigory đề nghị không cần người bổ sung vì thêm một tên hèn vào nữa chỉ tổ vướng chân. Trận đánh đã nhanh chóng thành công, nhưng giữ được lâu mới là khó. Van nước được mở máy vận hành hết công suất. Toán biệt kích phân nhau các vị trí để chống trả bọn Đức tấn công. Chúng huy động tới cả trung đoàn để chiếm lại nhà máy. Cũng may là nhà máy còn dùng để cấp nước cho cả một quân đoàn của Đức cho nên chúng chỉ muốn chiếm lại chứ không dùng máy bay, đại bác phá hủy. Các chiến binh của Hồng quân ngã xuống dần. Đến khi chỉ còn 5 người, 5 ụ súng vẫn nhả đạn liên tục. Khi chỉ huy điện cho Grigory: “cố giữ lấy một giờ nữa nhé, là lúc cả đội chỉ còn một mình anh. Lúc này anh phải di chuyển liên tục, nhà đạn từ ụ này sang nhả đạn ở ụ súng khác để bọn Đức vẫn tưởng là bên ta vẫn còn mấy người. Đến khi chỉ huy ra lệnh: “Nhiệm vụ đã hoàn thành, lệnh cho rút lui”, thì Grigory trả lời: “Tôi e rằng không còn ai nữa để rút”. Ngay chính lúc đó, một loạt đạn đã nhắm trúng anh. Anh ngất lịm không biết gì nữa.

Quân Đức thận trọng tiến vào, đếm số xác chết và công bố đã tiêu diệt toàn bộ 30 biệt kích Nga. Tình báo Liên Xô cũng đưa tin về như thế, Vậy thì còn một cái xác nữa biến đi đâu? Mãi mấy tháng sau bộ chỉ huy mới có câu trả lời.

Grigory tỉnh dậy, thấy người bê bết máu. Anh đang nằm dưới tầng hầm của một ngôi nhà. Một bà già khẽ nói: “Con đã tỉnh rồi. Mẹ biết là con chưa chết, khi ông ấy cõng con về đây. Trong khi bọn Đức còn thận trong chưa dám vào, một công nhân nhà máy đã phát hiện là anh chưa chết, đã cõng anh về nhà. Sau mấy tháng điều trị cho anh, ông lão đã liên hệ với du kích bí mật đưa anh ra ngoài với đồng đội.

Đơn vị đề nghị phong Grigory danh hiệu Anh hùng Liên Xô, nhưng không thấy cấp trên trả lời. Nhưng sau khi cuộc chiến kết thúc nhiều năm, Grigory vẫn không được phong anh hùng. Cái lý lịch bố là phản cách mạng, mẹ gốc Do Thái đã làm anh chẳng mong gì phần thưởng. Mãi sau, một người bạn của anh đã phát hiện ra nguyên nhân do Genkov đào ngũ ngày nào sau đó đăng ký vào một đơn vị khác, khai rằng hắn bị lạc đơn vị. Và hắn vẫn leo lên dần đến Viện phó viện Huân chương, đời nào hắn duyệt cho anh.

Hết chiến tranh, Grigory thi vào trường đại học viết văn Gorky. Bây giờ lại là “sinh viên ngỗ ngược”  chàng cãi nhau với hiệu trưởng và luôn đứng về phe những người bị coi là “xét lại” và chỉ có quá khứ oanh liệt trong quân ngũ cứu chàng bị đuổi học. Nhưng tài năng thì không ai có thể cướp đi của chàng; nhà văn, nhà thơ với 30 đầu sách, tác giả của 60 lời bài hát (trong đó có nhiều bài do chàng soạn nhạc luôn), tác giả nhiều kịch bản phim...! Thật khó hình dung với “tính ngỗ ngược” đó mà chàng lại viết ra những dòng thơ rung cảm bao thế hệ.

Sau khi tốt nghiệp trường viết văn Gorky, Grigory gặp Tanhia, một cô gái Nga da trắng, tóc vàng, đôi mắt xanh là nghiên cứu sinh ở trường đại học. Bao cháng trại danh giá, có địa vị nhưng nàng không yêu mà nàng lại thích những vần thơ êm dịu trong con người ngỗ ngược Grigory. Khó khăn là ở cái Tổ chức viện nghiên cứu đã nói với nàng rằng viện sẽ nhận nàng về làm việc chính thức. Nhưng nếu nàng lấy con một ông phản cách mạng, một bà gốc Do thái, thì nàng sẽ không được nhận nữa.

Bố mẹ nàng cũng hết sức ngăn cản. Grigory thấy rõ, cuộc chiến với bọn Đức ở nhà máy nước là cuộc chiến với kẻ thù, còn cuộc chiến hiện nay là cuộc chiến với những người “đàng mình”, cuộc chiến để giành hạnh phúc cho chính chàng và nàng. Grigory tin rằng họ sẽ vượt qua. Có hôm Tanhia nói: “Anh và em ở hai bờ của dòng sông này. Không có cầu, không có phà, làm sao mà gặp nhau đây?” Nhưng chàng nói đôi bờ đâu cách xa và chúng ta sẽ đến được với nhau thôi.

Tanhia vẫn rất buồn. Grigory hiểu rõ và cảm thông với nàng. Chàng đã làm những vần thơ mà sau này làm bao người xúc động. Bài thơ này sau đó được Andrey Yakovlevich Eshpai phổ nhạc và làm bài hát trong bộ phim “Khát” do chính Grigory viết kịch bản dựa trên cuộc chiến đấu chiếm nhà máy nước mà anh đã chỉ huy:

 

ĐÔI BỜ

Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới

Cây cỏ hoa như nói nên lời, em hạnh phúc nhất đời

Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta,

Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng

Bên bờ sông vai sánh vai nhau, đôi đôi bước theo dòng

Mình em riêng đứng ngóng trông anh, với tình yêu thiết tha

Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

 

Đêm dần qua ánh ban mai, đang lan tràn dâng tới.

Trên bờ sông soi bóng em dài, xa xa phía chân trời.

Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.

Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.

Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...

 

Bài hát rất hay và rất buồn, tất nhiên “Đôi bờ” buồn, buồn lắm, nhưng ý nghĩa của bài hát, của đôi bờ sông này hiểu thế nào đây, hát mãi rồi nhưng cho đến tận ngày nay người ta cũng chưa thống nhất được là ý nghĩa thực sự mà tác giả lồng vào đấy là gì đâu. Đa số nghĩ rằng: đôi trai gái dù yêu nhau nhưng cuộc đời trái ngang nên không thể đến được với nhau, tuy vậy họ mãi giữ tình cảm đẹp với nhau, mãi song hành trên con đường đời nầy, như đôi bờ sông của một con sông vậy! Nhưng có một số người khác không nghĩ thế, trong đó có thể có cả... tác giả của ca từ tuyệt đẹp này!

Cũng có người suy diễn bài hát nói về một mối tình vô vọng của một cô gái chung thủy với một chiến sĩ hi sinh ngoài mặt trận, và chính bản thân người con gái cũng nhận thức được điều ấy. Nhưng sâu thẳm tận đáy lòng mình, cô gái lại không hề muốn tin và vẫn hy vọng, đợi chờ.

Hình ảnh những con thiên nga đều có đôi và những bạn gái đều đã có người yêu làm cô không khỏi chạnh lòng, nghĩ đến tình cảnh hiện tại của mình và người con trai như hai bờ của một dòng sông. Tuy vậy, cô vẫn kiên định chờ đợi...

 

Sau này, khi đã về già, có người hỏi bài hát có ý nghĩa gì, thì Grigory đùa rằng đó là bài hát trong phim, và phải hỏi cô gái đó mới biết được. Chỉ có một lần ông trải lòng  với người bạn thân nhất về hình tượng “đôi bờ” ấy đó chính là cuộc đời ông. Ông không sinh ra ở biển nhưng suốt cuộc đời luôn gắn liền với biển, ngay tìm ra cô gái sau này làm người vợ yêu thương cũng ngoài biển. Và hầu hết các con sông đều đổ ra biển lớn, nếu đủ sức mạnh thì đôi bờ sông sẽ gặp nhau chính ở nơi đó, là biển. Cũng vậy, cô gái trong bài hát ấy vẫn tin vào tình yêu, vẫn tin rằng họ sẽ lại bên nhau! Vậy là, với một bài hát tưởng như rất buồn, tưởng vô vọng, thì nó chính ra là một bài hát nói lên quyết tâm, bởi điệp khúc “đôi bờ đâu có cách xa".

 

Phim "Khát" sản xuất năm 1959 do chính Grigory viết kịch bản dựa trên cuộc chiến đấu tại nhà máy nước mà tác giả đã trực tiếp tham gia" trên Youtube: https://m.youtube.com/watch?v=zho-Hsyz3fYNgoài ra, có thể xem bộ phim màu "Khát" mới được quay lại sau này tại đường link: https://m.youtube.com/watch?v=7ETDSd-9BQE

Nam Nguyen

 

 



Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

SỰ TỒN TẠI CỦA ĐẾ CHẾ

 AFGHANISTAN - "MỒ CHÔN CỦA NHỮNG ĐẾ CHẾ"

 PGS.TS Nguyễn Phương Mai đã có một thời gian dài làm báo Hoa Học Trò trước khi bước vào sự nghiệp học thuật, giảng dạy và nghiên cứu Giao tiếp/ Quản Trị đa 
văn hoá tại Khoa Kinh tế thuộc ĐH Khoa Học Ứng Dụng Amsterdam, Hà Lan.

---

Vào thời kỳ mùa xuân Ả Rập, tôi dành gần trọn một năm sống ở Trung Đông để tìm hiểu về Hồi giáo.

Tôi đã gặp những tín đồ cực đoan, nhìn tự do văn minh phương Tây hay giáo dục cho phụ nữ như những điều tội lỗi. Thậm chí có người coi việc nói chuyện trực tiếp với một cô gái như tôi là điều cấm kị, khiến tôi phải hứa sẽ choàng khăn kín đầu.

Vừa sợ vừa tò mò, tôi không nén nổi sự ham muốn được lặn sâu hơn vào mê cung tâm lý của những con người này. Đó chính là lý do sau khi xuất bản cuốn "Con Đường Hồi Giáo", tôi đã hứa với độc giả cuốn sách tiếp theo sẽ có tên là: "Đi Tìm Taliban".

𝗧𝗔𝗟𝗜𝗕𝗔𝗡 𝗟𝗔̀ 𝗔𝗜?

Pakistan và Afghanistan tuy chia cắt về ranh giới, nhưng ở cả hai bên đường biên là lãnh thổ sinh sống của người sắc tộc Pashtun. Không gì có thể chia cắt người Pashtun, và không gì có thể đánh bại ý chí quật cường cũng như lòng trung thành với đồng loại của người Pashtun.

Chính vì thế, khi Liên Xô đổ quân vào Afghanistan để bảo vệ chính quyền cộng sản bù nhìn, những người Pashtun trở thành những chiến binh mãnh liệt nhất. Bên cạnh họ, trên khắp lãnh thổ Afghanistan và Pakistan, hàng trăm nhóm vũ trang được Mỹ hỗ trợ để chống lại kẻ thù chung, những người không có đạo giáo/đức tin mà họ gọi là những người "cộng sản vô đạo".

Khi Liên Xô và chính quyền thân cộng thua trận và Mỹ buông tay, các nhóm quyền lực này quay sang tranh giành lẫn nhau và đẩy Afghan rơi vào nội chiến. Đây là bối cảnh ra đời của Taliban (có nghĩa là người đi học hay sinh viên).

Nhóm khởi đầu với 50 sinh viên người Afghan đang tị nạn tại Pakistan. Chứng kiến nội chiến và tranh giành quyền lực, Taliban có tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của tôn giáo. Hành động đầu tiên của họ là giải cứu 2 bé gái bị quan chức địa phương gọt đầu hãm hiếp và một bé trai bị đe dọa cưỡng bức. Taliban bắt kẻ có tội đền tội theo luật Hồi giáo. Trong bối cảnh các nhóm quyền lực bắn giết lẫn nhau, nhiều người thấy vui mừng khi Taliban phần nào đem lại sự ổn định và công bằng.

Tuy nhiên, mặt trái của ổn định và công bằng là là cực đoan và tàn khốc. Lý tưởng này có ảnh hưởng mạnh mẽ của Saudi- vương quốc dầu lửa rủng rỉnh tiền và đi theo chế độ Hồi giáo hà khắc. Dòng tiền Saudi trợ cấp cho các trường học tôn giáo nơi Taliban thành hình là một lý do đáng kể cấu thành bản chất tôn giáo cực đoan của Taliban.

Chính quyền ngắn ngủi của Taliban khiến cả thế giới rùng mình. Ăn cắp sẽ bị chặt tay. Tội ngoại tình bị ném đá đến chết. Âm nhạc, múa hát và giải trí bị cấm hoàn toàn. Đàn ông buộc phải để râu, phụ nữ ra đường buộc phải che hết cả mặt mũi, chỉ được nhìn qua một lớp vải đan thưa. Có những cô gái bị bắt quả tang đi cùng đàn ông không phải người nhà bị đánh cả trăm roi. Phụ nữ chỉ có quyền được làm việc trong bệnh viện, điều này khiến hàng triệu trẻ em gái không được đến trường và hàng trăm trường học phải đóng cửa.

Hai cuốn sách nổi tiếng "Người đua diều" và "Ngàn mặt trời rực rỡ"

là những tuyệt phẩm cho ta cái nhìn sâu đậm về cuộc sống dưới chế độ hà khắc của Taliban.

𝗧𝗔̣𝗜 𝗦𝗔𝗢 𝗠𝗬̃ 𝗖𝗔𝗡 𝗧𝗛𝗜𝗘̣̂𝗣?

Sau khi thất bại trong cuộc chiến tại Việt Nam, Mỹ và Liên Xô tiếp tục chiến tranh lạnh bằng những cuộc chiến uỷ nhiệm trên lãnh thổ của nước khác. Tại Afghanistan, mục tiêu của Mỹ không gì hơn là trả thù Liên Xô và lấy lại thể diện sau khi phải rút quân khỏi Việt Nam.

Chính vì thế, họ cung cấp vũ khí cho các nhóm quân du kích Afghan. Mỹ đã chơi với dao, coi kẻ thù của kẻ thù là bạn.

Vì chỉ có mục đích đối đầu với Liên Xô, Mỹ không hề tính toán đến kế hoạch dài hơi sau khi Liên Xô thua trận. Khi những người lính cuối cùng của Liên Xô rời bỏ chiến trường cũng là lúc Mỹ buông bỏ Afghanistan trong tình trạng những nhóm du kích thắng trận quay ra cắn xé lẫn nhau, tạo tiền đề cho Taliban ra đời.

Tuy nhiên, lần can thiệp thứ hai sau đó mấy thập kỷ, năm 2001, mới thực sự là sự sa lầy của Mỹ.

Không phải nội chiến, cũng không phải sự tàn bạo của Taliban khiến Mỹ quay lại nơi đây, mà chính là sự kiện Tháp Đôi bị đánh bom cảm tử. Trùm khủng bố Al-Qaeda chính là do Taliban cưu mang, cung cấp nơi trú ẩn an toàn. Trò chơi với dao đã đến ngày làm Mỹ đứt tay. Dù trong thời chống Liên Xô, Mỹ không trực tiếp cung cấp vũ khí cho Taliban - lúc đó chưa ra đời - nhưng việc hình thành Taliban sau này chính là hệ quả gián tiếp của sự cộng tác mạo hiểm đó.

Khi Taliban từ chối giao nộp Bin Laden, Mỹ tiến quân vào chiếm Afghanistan nhưng không bắt được trùm khủng bố. Hắn ta chạy sang Pakistan - đất nước vốn là đồng minh của Mỹ.

Kể từ thời điểm đó, các nhóm tàn quân Taliban ở cả hai bên biên giới dần dần gượng dậy, sống dai dẳng, dùng bom cảm tử để phá hoại kế hoạch tái thiết của đồng minh và chính phủ do họ dựng nên. Giống như những nhóm du kích đánh quân Liên Xô ngày xưa, Taliban coi đây là chính phủ bù nhìn, tham nhũng, tuy có đạo giáo nhưng băng hoại về đạo đức, phản bội lại tín ngưỡng và văn hóa nguyên thuỷ của Afghanistan.

Taliban lấy đâu ra tiền để sống dai dẳng trong suốt 20 năm như vậy? Nguồn ngân sách khổng lồ bao gồm kinh doanh thuốc phiện (hơn 400 triệu đôla, chiếm 90% tổng số thuốc phiện trên thế giới), khai thác khoáng sản (hơn 400 triệu đô la), đóng góp từ các cá nhân và tổ chức cực đoan từ nước ngoài (hơn 200 triệu đôla), các hoạth động kinh doanh xuất nhập khẩu (hơn 200 triệu đôla), đánh thuế các vùng nằm trong sự bảo trợ (hơn 100 triệu đôla).

Trong hai mươi năm ấy, lực lượng chính quyền của Afghanistan được Mỹ và Liên minh đào tạo với mục đích sau khi rút đi có thể trụ vững. Hàng nghìn tỷ đô la đã đổ vào đây, hơn 3,500 binh sĩ đồng minh đã hy sinh trong đó hơn 2000 là lính Mỹ, 69.000 binh sĩ Afghan bỏ mạng cùng hàng trăm ngàn dân thường.

Một lượng đầu tư khổng lồ về tiền bạc, công sức và mạng người trong suốt 20 năm ròng như vậy mà chỉ trong phút chốc đổ sông đổ bể.

Không ai có thể ngờ rằng mới ngày 1/5 quân chính phủ còn giữ quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, nhưng tới hôm nay thì quân Taliban đã bao vây và chặn các cửa ngõ thủ đô Kabul. Liên minh chưa kịp rút đi quân chính phủ đã thua trận, thậm chí tổng thống cũng bỏ chạy.

𝗧𝗔̣𝗜 𝗦𝗔𝗢 𝗧𝗔𝗟𝗜𝗕𝗔𝗡 𝗩𝗔̂̃𝗡 𝗖𝗢́ 𝗡𝗚𝗨̛𝗢̛̀𝗜 𝗨̉𝗡𝗚 𝗛𝗢̣̂?

Lời hứa về cuốn sách tiếp theo của tôi được đưa ra khi Taliban đã bị đánh bại. Gương mặt của nữ thần chiến thắng có tên là Malala - cô bé Pakistan 15 tuổi - nhà hoạt động chính trị bảo vệ quyền được đi học bị Taliban ám sát hụt và bị thương nặng ở đầu.

Với giải Nobel Hòa Bình, từ cõi chết trở về, cô gái nhỏ đầu trùm chiếc khăn tôn giáo màu đen xuất hiện trước toàn thế giới, tiếng Anh không tỳ vết nói đĩnh đạc như một chính trị gia: "Với một cuốn sách và một cây viết, một bé gái sẽ làm đổi thay thế giới".

Hệt như bao người khác, tôi tan chảy vì Malala và căm ghét Taliban. Sự yêu ghét rõ ràng ấy chỉ bị đập tan tác cho đến khi chính bản thân tôi đặt chân đến Pakistan.

Gia đình cưu mang tôi ở Islamabad là một tổ ấm 5 người với ông bố là giáo sư giảng dạy tại một trường ĐH nhỏ. Tối hôm ấy từ trong phòng mình, tôi nghe thấy cô con gái 20 tuổi vừa đi học về khóc nức nở. Cậu em trai đi đón chị từ bến xe trên đường về bị một nhóm cướp chặn đường dí súng vào đầu để trấn lột.

Gia đình đã báo cảnh sát nhưng tất cả khẳng định rằng cảnh sát biết rất rõ tụi cướp là ai nhưng sẵn sàng làm ngơ. Bên bàn ăn, đôi mắt cậu bé mới 17 tuổi rực lên sự uất ức, căm phẫn và bất lực. Người bố thở dài: "Chính quyền tham nhũng, thối nát. Nếu phải chọn giữa Taliban và cái chính quyền tồi tệ này, tôi chọn Taliban. Ít nhất với Taliban, chúng tôi có thể đòi lại sự công bằng".

Tại những vùng bị tái chiếm đóng và quân chính phủ thua chạy, Taliban tuyên bố họ đã thay đổi không còn cực đoan như trước. Ví dụ, các bé gái giờ đã được đi học dù những lớp học chỉ dạy kinh Quran. Cộng với sức mạnh của tôn giáo, Taliban với khuôn mặt của những kẻ ngoan đạo từ chỗ là kẻ thua trận dần dần trở thành một lực lượng chính trị không thể bị tiêu diệt mà buộc phải coi như một đối tác trên bàn đàm phán.

Tại sao? Vì những câu chuyện như đã xảy ra với gia đình cưu mang tôi ở Pakistan: Khi tội ác đã rõ rành rành và quan chức địa phương đứng khoanh tay, Taliban dường như là kẻ cuối cùng có thể đòi lại chân lý, mặc dù việc chọn Taliban đồng nghĩa với lựa chọn một nhà tù. Cuối cùng, trong cơn uất ức, tức nước không vỡ được bờ, khát khao trả thù đã mạnh hơn sự đe dọa mất tự do.

𝗔𝗙𝗚𝗛𝗔𝗡𝗜𝗦𝗧𝗔𝗡: "𝗠𝗢̂̀ 𝗖𝗛𝗢̂𝗡 𝗖𝗨̉𝗔 𝗡𝗛𝗨̛̃𝗡𝗚 Đ𝗘̂́ 𝗖𝗛𝗘̂́"

Vào thế kỷ thứ 19, Afghanistan là một vùng đất hiểm trở với hơn 20.000 cộng đồng làng xã nhỏ lẻ sống tách biệt nhau như những vương quốc tý hon.

Vào thời điểm đó, cái vùng đất bao la, nghèo đói, không cửa biển, chưa thấy dấu hiếu tài nguyên ấy nằm giữa Nga và Ấn Độ - khi đó là thuộc địa của Anh. Cả Anh và Nga đều lo lắng kẻ kia sẽ dùng Afghanistan làm bàn đạp để tấn công. Nỗi sợ hãi ấy khiến Anh đem quân vào Afghanistan và sau hai cuộc chiến, phải rút lui với thảm bại.

Vào thế kỷ 20, Afghanistan trở thành mồ chôn của đế chế thứ hai: Liên Xô. Những người cộng sản vì quá lo sợ chính quyền thân cộng tại Afghanistan bị suy yếu đã đem quân vào đây sau một cuộc chính biến. Từ vị thế của kẻ giật dây, Liên Xô trở thành "kẻ xâm lược vô đạo" trong con mắt những nhóm du kích mujahideen.

Người Liên Xô lúc đó không hề biết sự thật về cuộc chiến đã lấy đi 15.000 sinh mạng chiến binh Xô Viết. Khi một nhà báo Liên Xô sang Afghanistan viết bài, ông chỉ được chụp những bức ảnh đẹp đẽ thanh bình trong khi cách đó 20 mét là máu đổ. Nhìn những chiếc hòm chồng chất lên nhau, ông được cho biết đó là nơi chứa "những khối thịt đã không dùng được nữa". Quan tài của binh sĩ tử trận được hàn kín và chở về cho gia đình của họ trong bí mật.

Vào thế kỷ 21, như chúng ta đang chứng kiến trong những ngày qua, Mỹ và đồng minh hối hả rút quân trong khi Taliban theo thế chẻ tre lần lượt chiếm cứ từng thành phố, đẩy hàng trăm nghìn người dân hoảng loạn chạy trốn, tạo ra một cơn khủng hoảng tị nạn lớn lên tính theo giờ. Afghanistan lại một lần nữa trở thành nơi các đế chế đem quân tới trong hiên ngang và thoát thân trong màu cờ chiến bại.

Nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Quốc sẽ thế chân, điền vào khoảng trống quyền lực và trở thành đế chế thứ tư thử sức với mảnh đất khắc nghiệt này. Giàu có, khôn khéo, thực dụng, và cùng tư tưởng độc tài, liệu Trung Quốc có nước cờ khác không? Và nếu điều đó xảy ra, liệu Taliban có bỏ qua việc quốc gia này cũng là những người "cộng sản vô đạo" và có lịch sử không mấy nhân từ với người Hồi giáo ở Uighur?

*****

PGS. TS Nguyễn Phương Mai tiếp tục viết trong các cuộc hành trình tới nhiều nơi trên thế giới với tư cách nhà báo tự do. Chị là tác giả của hai cuốn sách "Tôi Là Một Con Lừa" và "Con Đường Hồi Giáo" xuất bản tại Việt Nam.

  

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

BÀI THƠ CHIA LY HAY NHẤT VĂN ĐÀN VIỆT CỦA NGUYỄN BÍNH

NHỮNG BÓNG NGƯỜI TRÊN SÂN GA 

Nguyễn Bính 

Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Có lần tôi thấy hai em bé
Áp má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi”.

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi”.

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly

Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Nguyễn Bính (1918 - 1966), tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Bính. Ông người Nam Định. Phải nói, ông là một nhà thơ của làng quê Việt Nam. Một thi sĩ tài hoa. Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ năm lên ba tuổi. Thi sĩ phải lấy bốn lần vợ. Có lẽ vì thế, thơ ông mang nặng những mối tình phân ly.
Tôi đọc thơ Nguyễn Bính từ hồi tôi còn bé.
Một trong những bài thơ đầu tay của ông là bài “Tâm Hồn Tôi”. Bài thơ ấy như thế này:

“Tâm hồn tôi là bình rượu nhỏ
Rót lần rót mãi xuống nàng Oanh
Không xua tay nhưng nàng đã vô tình 
Hất ly rượu hồn tôi qua cửa sổ”.

Cứ như ý thơ, giọng thơ thì phải chăng đây là một cuộc phân ly rồi. Một cuộc phân ly giữa hai tâm hồn. Nhưng buồn nhiều, có lẽ ở nơi tâm hồn thi sĩ.
Ngay lúc đọc xong bài thơ, tôi cảm thấy như có gì đồng điệu. Ngồi ghế đá ngắm sóng hồ, ngước mắt thưởng mây thu, tự nhiên hồn nổi hứng, tôi bèn ứng khẩu vài câu:
“Cảm ơn ông Bính viết bài thơ/Chắc để tặng tôi ông Bính nhỉ? Bình rượu vơi vẫn ngoài cửa sổ/Cái quai bình khéo ngoắc một nhành mai”.

Rồi thì cô lái đò, cô lái đò trên sông Châu.
Một con sông hữu tình trên quê hương thi sĩ.
Con đò mà thi sĩ hay qua sông Châu để đi chơi chợ. Con sông này còn có tên là sông Châu Giang. Cô lái đò kia tên là cô Thoa. Nguyễn Bính vẫn qua sông Châu Giang bằng con đò này. Không biết thi sĩ có bao giờ tặng thơ cô lái đò không, mà ông ngồi đò không bao giờ cô Thoa lấy tiền. Hình như… qua những chuyến sang sông đã có cái sự sinh tình. Ít nhất là thứ tình quen của cô lái đò và khách thơ hay sang sông.
Rồi bỗng, cô lái đò kia đi lấy chồng. Cô lái đò đi lấy chồng là sự thường.
Cô ấy đi lấy chồng thì mặc kệ cô ấy, việc gì đến ông? Can hệ gì đến ông nào?
Nhưng oái oăm thay, người khách hay sang đò nhờ lại là thi sĩ!
Tình khách sang đò, khiến thi sĩ làm thơ:

“Xuân đã đem mong ước trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng nhau đã nặng thề
Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về với bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông
Xuân này đến nữa đã ba xuân
Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành bội ước với tình quân
Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong/
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông”.

Cô Thoa đi lấy chồng.
Khách sang sông buồn.
Thi sĩ buồn.
Lại một cuộc phân ly.
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc, làm thành bài hát. Bài hát cũng mang tên “Cô Lái Đò”. Một bài hát có thể nói là đã được nhiều thế hệ hát. Ca sĩ hát. Những cô gái làng hát. Tôi thấy những bà già nhà quê cũng thích hát bài hát này. Bài hát “Cô lái đò” có thể gọi là một bài tình ca. Một bài tình ca dân dã đã sống qua nhiều thế hệ. Một bài tình ca mang hồn của sự chia ly.
Quay về “Những bóng người trên sân ga”.
Bài thơ được thiết kế theo thể thất ngôn trường thiên, gồm tám khúc, ba mươi hai câu. Với đủ cảnh phân ly.
Có lẽ bài thơ phản ảnh đầy đủ nhất các vẻ phân ly trên sân ga xe hỏa, mà thi sĩ gọi là nơi khởi đầu: “Những cuộc chia lìa khởi từ đây/Cây đàn sum họp đứt từng dây”. Dĩ nhiên, sự chia lìa ở chỗ này thì có thể sum họp ở chỗ khác. Chia lìa lúc này thì sum họp ở lúc khác. Nhưng ngay bây giờ thì là chia lìa cái đã. Mà đã chia lìa thì tự nhiên thành đơn chiếc ngay. “Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc”.
Ai đã ở gần ga tàu hỏa, chắc buồn lắm. Bởi vì phải chứng cảnh chia lìa diễn ra ở đây “suốt tối ngày”. Dĩ nhiên trên sân ga cũng có sự sum họp. Người ta đón nhau. Người ta gặp nhau. Người ta cầm tay nhau mừng mừng tủi tủi. Nhưng trước con mắt Nguyễn Bính, một thi sỹ nặng về sự chia ly, nên thi sỹ chỉ thấy cái góc chia ly chăng?
Cảnh chia ly diễn ra suốt ngày trên sân ga.
Cảnh chia ly được san sẻ cho đủ các thành phần, đủ các lứa tuổi.
“Có lần tôi thấy hai em bé/Áp má vào nhau khóc sụt sùi”. Cảnh buồn quá. Rồi thì có lần lại thấy: “Một người yêu tiễn một người yêu một buổi chiều” Chỉ trong một câu thơ rưỡi, mà từ “một” được láy đi láy lại đến ba lần. Mà “một” thì nhất định là lẻ rồi, là đơn chiếc rồi chứ còn gì nữa? Cả đến buổi chiều cũng bỗng dưng thành lẻ: “một buổi chiều”. “Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu” Bóng hai người tiễn nhau xiêu xiêu trong chiều tàn. Thật đúng như ai đã nói: Trong thơ có họa. Một bức họa cảnh chia ly của hai người đang yêu nhau trong chiều đang tàn trên sân ga nào! Một bức họa thật sống động. Sống động đến buồn tênh.
Đôi bạn cũ tiễn nhau trên sân ga cũng buồn lắm. “Kẻ ở trên toa, kẻ dưới tàu”. Người trên toa giục người dưới tàu về đến “ba bốn bận”. Nhưng người dưới tàu lưu luyến quá, có về nổi đâu? khiến người trên toa lại phải xuống. Và “bóng nhòa trong bóng tối từ lâu!”.
Một tình bạn cũ. Hai cái bóng chiều trên sân ga.
Cảnh ấy, tình ấy, hỏi buồn không? Bịn dịn quá!
Rồi vợ tiễn chồng.
Có lẽ cô gái quê tiễn chồng đi làm ăn xa. Chắc họ còn trẻ cả, nên vợ chồng tiễn nhau trên sân ga, nàng còn tỏ ra “thèn thẹn”. Nàng mở khăn giầu để lấy tiền đưa thêm cho chồng. Nhưng cô nàng vừa “mở khăn giầu” ra thì anh chồng vội vàng “thắt lại”. “Chị mở khăn giầu, anh thắt lại/Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi”. Giùng giằng người mở, người thắt, nom thật cảm động!
Hình ảnh một bà già lưng đã còng, trong chiều tàn lọ mọ tiễn con trên sân ga nom mới thật buồn. Buồn đến rầu rĩ!
“Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga”. 

Chắc gia đình này chỉ có hai mẹ con, tôi chắc chắn là như vậy.
Chiều tàn.
Tàu chạy lâu rồi.
Sân ga vắng teo.
Bà cụ vẫn đứng. Cái “lưng còng đổ bóng xuống sân ga” chiều. Một hình ảnh mới thê lương làm sao? Tàn tạ làm sao? Ảm đạm làm sao? Buồn làm sao? Hai người trẻ tiễn nhau trên sân ga đã buồn. Một bà già lưng đã còng, tiễn con vào một chiều đang tàn trên sân ga thì càng buồn nhiều lắm. Ôi, một cảnh chia ly trong tình mẫu tử sao mà buồn đến thế? Buồn đến nẫu ruột, nẫu gan.

Trên sân ga, có những cuộc, hình như không phải chia ly.
Vì thấy anh ta lầm lũi lang thang trên sân ga chỉ có một mình. Một mình thì chia ly cái gì? Chia ly với ai? Không thấy người ra tiễn. Bố, mẹ, anh, em, bạn hay người yêu chẳng hạn. Cũng không thấy ai ra đón. Một mình, khiến cái “bóng lẻ”, bước “hững hờ” trong chiều tàn trên sân ga. Tâm trạng kia, rõ ràng là anh chàng ra đi, chứ không phải về nhà: 

“Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu, nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly”.

Ôi! Sao mà đơn chiếc!
Đơn chiếc trên sân ga thì lại càng đơn chiếc nhiều lắm.
Trên sân ga, lại là lúc chiều tàn, thì sự đơn chiếc phải buồn đến phát khóc. Ôi, mới cô đơn làm sao? Mới hưu quạnh làm sao?
Tôi cũng đã từng có những cuộc như thế này. Hình như đâu vài cuộc như thế rồi. Nên đọc thơ ông Bính cảm vô cùng.
Nguyễn Bính, thi sĩ nặng nhiều về sự chia ly, nào biết người kia đang nghĩ ngợi gì? Và anh ta lên tàu rồi sẽ đi đâu? Về đâu? Trong cái mênh mang “ba phần tư nước mắt” này? (Ý thơ Xuân Diệu). Cảnh chiều trên sân ga sao lại buồn đến thế? “Một mình làm cả cuộc phân ly!”.
Khổ kết của bài thơ, có bốn câu thì mang nặng bốn từ “Những”:

“Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này”.

Ôi, một bức tranh chiều trên sân ga.
Bức tranh vẽ một lúc nhiều cuộc phân ly.
Cuộc phân ly nào cũng buồn rười rượi.
Người ta bước những bước “hững hờ”. Người ta “vẫy tay”. Người ta “vẫy khăn”. Và, “những đôi mắt ướt tìm đôi mắt”.
Thi sĩ Nguyễn Bính vẽ bức tranh buồn. Bức tranh chiều trên sân ga. Tôi nghĩ, có lẽ những chốn đông người, thì nơi sân ga xe lửa vào buổi chiều là nơi buồn nhất. “Buồn ở đâu hơn ở chốn này?”
“Những bóng người trên sân ga” của thi sĩ Nguyễn Bính là một bài thơ buồn. Buồn ngay từ câu đầu, buồn đến tận câu cuối, làm người thưởng thơ trong thư phòng cũng buồn lây. Buồn đến bã bời cõi lòng. Buồn đến tê tái cõi lòng. Nhưng nó là cái buồn của sự thưởng thức. Cái buồn thi sĩ.
Làm gì không buồn?
Nguyễn Bính là thi sĩ mang nặng chia ly mà.
Một lần nữa, tôi muốn nói, thi sĩ chia ly người mẹ yêu thương từ lúc mới ba tuổi. Có lẽ đây là cuộc chia ly lớn nhất, ảm đạm nhất, đau buồn nhất. Thi sĩ buồn ngay từ lúc ba tuổi buồn đi.
Trong bốn mươi chín năm, thi sĩ có bốn mối tình đầu. Không kể những mối tình mây gió người đời không biết. Thì làm sao mà biết được? Có thánh biết! Mà nhiều tình cũng phải thôi. Thi sĩ mà.
Thế nghĩa rằng, chỉ riêng đời luyến ái của thi sĩ, ít nhất cũng đã có ba cuộc chia ly với ba mối tình đầu trước. Và một cuộc chia ly với mối tình đầu thứ tư - Mối tình đầu cuối cùng. Vị chi là bốn cuộc. Bởi bốn mối tình mà Nguyễn Bính có bốn vợ. Lần lượt mỗi bà vợ đẻ cho thi sĩ một người con.
Tôi biết người con gái cả của thi sỹ, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu. Hiện, nàng đang ngụ tại quận Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh. Nàng là con gái do mối tình đầu thứ nhất giữa thi sĩ với Hồng Châu sinh ra.
Một lần, đi nghỉ dưỡng ở Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm Tuyên Quang, xem trong sổ lưu niệm của bệnh viện, tôi thấy bài thơ của Hồng Châu. (Bà là người vợ thứ nhất của Nguyễn Bính và là mẹ của Nguyễn Bính Hồng Cầu). Tôi chụp bài thơ, gửi cho Hồng Cầu. Nàng thích lắm, cứ gọi dây nói, cảm ơn hoài. Nàng bảo, nếu không, thì chẳng bao giờ em biết mẹ em có bài thơ ở Tuyên Quang. Ngẫm thế, làm gì thi sĩ đa tình, đa tài và đa đào hoa này không mang nặng chia ly?
Tôi muốn lấy một khúc của nhà văn Chu Văn viết về cô lái đò trên sông Châu, quê hương thi sĩ Nguyễn Bính để kết cho bài viết này.
Gặp cô lái đò, Chu Văn thông báo: “Cô Thoa, bác Bính làm thơ, vẫn hàng ngày đi chợ nhờ đò cô đưa sang sông, bác ấy mất rồi cô ạ”. Cô Thoa gục trên mái chèo, tiếng lạc đi: “Cháu biết. Giá chết thay được, thì cháu tự nguyện chết thay để bác ấy sống, bác ấy làm thơ”.
Ôi, từ nơi sâu thẳm của cõi lòng, tôi thầm ghen với Nguyễn Bính, mặc dù tôi với thi sĩ cùng họ. Từ thuở bé, tôi chưa thấy cô gái nào tình nguyện chết thay cho nhà văn để nhà văn sống mà viết ra những áng văn tuyệt đỉnh cho đời thưởng thức. Nay thấy một cô gái - Cô lái đò muốn chết thay cho Nguyễn Bính để nhà thơ sống mà làm thơ. Hỏi còn gì sướng hơn một đời thi sĩ?
Đời Nguyễn Bính - Đời thi sĩ nặng về sự chia ly.
“Những bóng người trên sân ga”
Một bài thơ buồn.
Một nỗi buồn được tắm bằng những áng thơ mênh mang tâm trạng.
Một nỗi buồn làm cho đời đẹp hơn, thi vị hơn.
* * *
Bài: Nguyễn Đình Lãm