Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Càng gắn bó với Facebook - đời thực càng cô đơn

LĐO 

“Cô đơn trên mạng” là tên của cuốn sách khá nổi tiếng của Janusz Leon Wisniewski được xuất bản tại Việt Nam năm 2009, thế nhưng đây cũng là một hiện tượng xã hội, một nỗi lo mà nghiên cứu của Trường Đại học KHXH&NV Quốc gia công bố: Càng nhiều bạn trên Facebook, càng dành thời gian cho mạng xã hội thì con người ta càng có xu hướng bị cô đơn giữa cuộc đời thực.


Nghiện Facebook - tan vỡ gia đình

Tôi có anh bạn, hai vợ chồng là trí thức, họ có hai đứa con nhỏ, một căn hộ chung cư, một chiếc xe ôtô. Đó là mô hình lý tưởng. Thế nhưng, đùng một cái, nghe tin họ đã đệ đơn ly hôn, dù không ai trong số họ ngoại tình, hằng ngày vẫn gặp nhau, sống cùng nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường.
“Chúng tôi bị cái vỏ bọc gia đình lý tưởng ấy bao vây - người chồng tên Tiến nói - nhưng thật ra mỗi người đã nhìn về một hướng khác nhau. Chúng tôi gần như không nói chuyện, họa hoằn chỉ vài câu về chuyện học hành của con cái. Thời gian chủ yếu khi ở nhà, vợ tôi dành cho Facebook. Lúc ăn cơm, cô ấy để điện thoại trên bàn ăn. Trước khi đi ngủ cô ấy lướt Facebook nhiều giờ đồng hồ và buổi sáng, trước khi cả đánh răng, là vồ lấy điện thoại để vào… Facebook. Thứ Facebook ấy như quỷ ám, là chất a-xít ăn mòn gia đình tôi, đẩy chúng tôi xa hơn cho đến khi, chúng tôi cảm thấy không cần nhau nữa…”.

Tiến sĩ Trần Thành Nam thuộc Trung tâm Nghiên cứu tác động của Internet thuộc Đại học KHXH&NV Quốc gia đã công bố một kết quả gây sững sờ. Tiến sĩ Nam khảo sát 600 người ở lứa tuổi tương tác với mạng xã hội nhiều nhất (13 đến 40 tuổi), kết quả là con số đáng suy ngẫm. 20% số người khảo sát vào Facebook trên 3 giờ mỗi ngày, 54% dành cho Facebook hơn 1 giờ/ngày. Đó là chỉ khảo sát, thực tế có thể lớn hơn - tiến sĩ Nam cho biết
Ngạc nhiên hơn, trong số khảo sát ấy, 41% cho rằng nếu không dùng Facebook sẽ mất liên hệ với những người mà họ cho là có ý nghĩa; 39% cho rằng nếu không vào Facebook sẽ cảm thấy lạc hậu; 35% cảm thấy khó chịu khi không được vào Facebook 1-2 ngày.

“Vấn đề là - tiến sĩ Nam nói - qua các khảo sát trên, chúng tôi mạnh dạn đưa ra kết luận: Số lượng bạn trên Facebook càng nhiều thì điểm hài lòng với cuộc sống thực càng thấp, mức độ cô đơn càng cao, mức độ căng thẳng càng nhiều… Thời gian vào Facebook càng nhiều thì mức độ tự trọng càng thấp, điểm trầm cảm càng cao và mức độ lo âu càng lớn...”.
Bác sĩ Dương Minh Tâm - giảng viên bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội - đã kể câu chuyện về một bệnh nhân nam 14 tuổi, là con thứ ba của một gia đình, bố mẹ thương yêu nhau, gia đình đầm ấm và cả ba chị em đều học giỏi và thích học. Khi cậu thanh niên này được 10 tuổi thì gia đình nhận biến cố lớn: Chị cả tự tử vì trầm cảm khi đang học đại học. Cả gia đình đau buồn vì sang chấn đó. Đặc biệt là người mẹ, tự trách mình là con gái đã có biểu hiện từ lâu nhưng cứ cho rằng đó là biểu hiện “hiền, ít nói” của con, không chia sẻ được với con nên gia đình để con tự tử, đồng thời đổ lỗi là do con học nhiều mới bị trầm cảm.

Từ suy nghĩ đó người mẹ không cho cậu con út và chị của mình học nhiều, bắt chơi là chính, và chính từ đây gia đình bắt đầu cho con trai chơi các trò chơi trên máy tính. Sau 2 năm thì chàng trai đã có nhiều thay đổi tính tình so với trước đây: Sẵn sàng bỏ học, dành nhiều thời gian trong ngày cho chơi game, hay tức giận vô cớ, lơ là cả việc ăn uống và vệ sinh cá nhân, sẵn sàng tấn công lại hoặc đập phá đồ đạc, hận thù với mẹ vì bị nhắc nhở chơi game quá nhiều.
Trường hợp thứ hai mà bác sĩ Tâm kể, về một bệnh nhân nữ 16 tuổi, con thứ nhất trong gia đình có hai người con. Bệnh nhân tính tình hiền, hài hòa, ít nói, học lực trung bình. Bố mẹ là công chức nhà nước.

“Mọi việc bình thường khi bệnh nhân sử dụng mạng xã hội nhiều như Facebook, các diễn đàn... bệnh nhân sử dụng nhiều giờ trong ngày nhưng không liên tục, chia làm nhiều lần. Kết quả, từ cô gái hiền lành ít nói, bệnh nhân dần trở nên mất tập trung hơn, giảm việc học, hay khóc, nói năng giao tiếp với người thân thiếu thân thiện, câu từ cộc lốc... thỉnh thoảng đau đầu, ngủ ít ngon giấc. Khả năng tập trung và mức độ buồn chán nhiều hơn, lơ là việc học nhiều hơn. Gia đình phải đưa đi chữa trị - bác sĩ Tâm thông tin - rất may qua một số liệu trình, bệnh nhân của chúng tôi đã không phụ thuộc vào máy tính”.

Giải quyết chứng nghiện Facebook thế nào?

“72 giờ không Facebook” là tên một nghiên cứu thử nghiệm của Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc Gia Hà Nội.
TS tâm lý Trần Thành Nam - Đồng Trưởng ban Nghiên cứu Internet & Cuộc sống - cho biết: Kết quả nghiên cứu đáng chú ý là gần 43,1% số người tham gia thực nghiệm đã vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên tham gia.

Ngoài những lợi ích không thể phủ nhận của Facebook và Internet thì nó cũng có những mặt trái, tác động tiêu cực khôn lường. Các số liệu cho thấy, những hệ quả tiêu cực nhiều hơn tích cực. Các yếu tố tích cực thì thường chỉ là ngắn hạn, ứng phó nhất thời. Ví dụ, khi lên Facebook giúp bạn trẻ thoải mái hơn, quên đi những ưu buồn, khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng khi dành quá nhiều thời gian để dử dụng Facebook thì khi trở lại công việc sẽ dồn đống. Sau đó, lại tự dằn vặt chính mình tại sao lại dành quá nhiều thời gian để làm những việc vô nghĩa.
Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng, những người theo đuổi thử nghiệm đến cuối ngày cuối cùng bỗng nhận ra rằng trong 3 ngày tham gia thực nghiệm này mình đã có cơ hội làm được một số việc trước đây mình đã lên kế hoạch và có cảm giác hạnh phúc hơn, mình nhận ra được dấu hiệu hình như là mình “nghiện” Facebook. Vì vậy, thực nghiệm 72h không Facebook đã chỉ ra cho họ thấy rằng trong 3 ngày không sử dụng Facebook, họ đã tìm ra được một số cách thức phù hợp với bản thân mình như: Làm việc nhà nhiều hơn, đọc sách và tích cực đi ra ngoài với bạn bè..., ông Nam nói.

Từ thực trạng về giới trẻ sử dụng mạng xã hội, TS Lê Minh Công - Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết các dấu hiệu nổi bật của nghiện Facebook như: Mất kiểm soát, sự dung nạp (ngày càng gia tăng), nói dối gia đình, thầy cô về hành vi truy cập, có các biểu hiện của hội chứng cai (lo lắng, buồn chán, mất hứng thú) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, công việc, mối quan hệ xã hội.
Với kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu và điều trị nghiện chất ở Việt Nam, BS-ThS Vũ Huy Hoàng (Hiệp hội Y học Nghiện Quốc tế - ISAM) đưa ra nhận định: “Chúng ta có thể thấy rằng hiện tại thế giới đang có nhiều nỗ lực nghiên cứu, phân loại và đưa ra những tiêu chí chẩn đoán các rối loạn liên quan đến các ứng dụng trên Internet. Hiện các rối loạn do nghiện chất gây nên biểu hiện như buộc phải sử dụng, thèm nhớ, thời gian và tần suất sử dụng ngày càng tăng, mong muốn nhưng không giảm hoặc ngừng sử dụng được, và thậm chí còn sử dụng bất chấp các hậu quả để mà thuyên giảm các triệu chứng của bệnh nghiện. Với các thông tin đã có về nghiện hành vi và nghiện chất, chúng ta hiểu đây là các rối loạn có liên quan đến y sinh - tâm lý - xã hội.

Bởi vậy, cần dự phòng và can thiệp sớm nhất nếu có thể kể cả về mặt thực thể và hành vi, cũng như giải quyết sớm vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử, một yếu tố luôn là rào cản lớn trong giải quyết vấn đề nghiện. Trước mắt có lẽ các mô hình can thiệp ở viện, trường, hoặc ở các nhóm VPIS sẽ cung cấp thêm thông tin sâu hơn về những biểu hiện, các vấn đề về tâm lý và thể chất liên quan đến sử dụng mạng xã hội, giúp chẩn đoán sớm và cung cấp những can thiệp phù hợp”.

HOÀNG LONG - HUYÊN NGUYỄN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét