Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù
LTS: Báo Điện tử Giáo dục
Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm
1979 của quân và dân ta.
Chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch
sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử.
Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ.
Sẽ không thể không nhắc đến ngày 17/2/1979, ngày mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra; ngày
mà hàng ngàn con em chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Nhắc để dân ta nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào
đã hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao
nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Không những dân ta cần hiểu, mà nhân dân Trung Quốc cũng như nhân
dân các nước cũng phải hiểu đúng: đâu là sự thật, đâu là lẽ phải và coi đó là
bài học. Không thể quên lãng nó.
Nhiều người dân Trung Quốc đã hiểu sai cơ bản về cuộc chiến tranh
biên giới đó. Nhưng tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đó là sự
thật không thể chối cãi.
Có thể nào nghĩ rằng Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến tranh vô cùng
ác liệt kéo dài 30 năm, đang tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và đứng
trước vô vàn khó khăn lại có thể khiêu khích Trung Quốc, một nước lớn, một nước
xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ và giúp đỡ mình trong cuộc chiến tranh cứu nước vừa
qua?
Thực tế là quân dân Việt Nam khi đó đã phải chống lại một cuộc
chiến tranh biên giới to lớn để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Theo tôi, không chỉ đưa vào sách giáo khoa những sự thật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa mà
ngay cả cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cũng cần được nhắc đến đầy đủ.
Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì
mà ông cha đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch
sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù.
Chúng ta biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học
cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay.
Tôi ủng hộ con đường ngoại giao khôn ngoan, mềm mỏng, tôn trọng
các nguyên tắc quốc tế.
Kinh nghiệm trong đấu tranh, né tránh hay im lặng đều không có
lợi, vì như vậy chúng ta không làm rõ được sự thật, phải trái, đúng sai, có khi
còn khuyến khích đối phương, khiến họ cho rằng ta yếu thế và ngày càng lấn tới.
Tuy nhiên không bình tĩnh cân nhắc trong ứng xử cũng sẽ khiến cho
tình hình thêm phức tạp, không có lợi cho sự nghiệp.
Vậy bài học rút ra từ quá khứ mất mát của chúng ta là gì đây? Việt
Nam là một dân tộc hòa hiếu.
Xưa đến nay, ta rất chú trọng xây dựng quan hệ láng giềng tốt với
Trung Quốc dù trong lịch sử hai nước đã có bao lần xung đột.
Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần một môi trường hòa bình, ổn
định để xây dựng và phát triển đất nước và cần những bạn bè tốt để hợp tác nên
Việt Nam càng coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc – một nước lớn đang có
những bước phát triển thần kỳ.
Nhưng như bất cứ dân tộc nào, chủ quyền quốc gia đối với Việt Nam
là thiêng liêng và chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá, đồng thời chúng
ta chủ trương mọi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết bằng phương pháp hòa
bình, có sự tôn trọng lẫn nhau.
Trong đấu tranh, chúng ta đã làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ
bất biến, ứng vạn biến”, luôn giữ vững lập trường nguyên tắc độc lập dân tộc,
chủ quyền quốc gia, nhưng vẫn linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược.
Tôi tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của lẽ phải, tin vào sức
mạnh của khối đoàn kết toàn dân và tin ở sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân
thế giới.
Ta cần hành động theo tinh thần đó.
Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng sẽ khó để bảo vệ chủ quyền nếu
đất nước không có nội lực, không có nền tảng vững chắc về kinh tế, chính trị,
an ninh quốc phòng với đoàn kết dân tộc mạnh mẽ.
Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng ta cần phấn đấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét