NGOẠI TÌNH KHÔNG CÒN LÀ TỘI HÌNH SỰ Ở ẤN ĐỘ
Tòa tối cao Ấn Độ vừa đưa ra
một phán quyết thay đổi một điều luật 158 tuổi: ngoại tình không phải là một
tội phạm hình sự.
Trước đây, bất kỳ người đàn ông nào có quan hệ
ngoài luồng với một phụ nữ đã có chồng sẽ bị xử tội.
Trong khi đó, người phụ nữ không bị phạt nhưng
người đàn ông bị coi là kẻ đi quyến rũ và có thể bị phạt tiền hoặc giam giữ tới
5 năm, hoặc cả hai.
Ngược lại, điều luật cũng không cho phép phụ
nữ khiếu nại chồng nếu anh ta ngoại tình.
Kaleeswaram Raj, luật sư đại diện bên khởi
kiện nói rằng luật ngoại tình thường "bị lạm dụng" bởi những người
chồng trong các tranh chấp hôn nhân như ly dị.
"Những người đàn ông thường sẽ nộp đơn
khiếu nại hình sự với những người đàn ông bị nghi hoặc thậm chí là được tưởng
tượng ra là đã có quan hệ bất chính với vợ của họ. Những lời cáo buộc này có
thể sẽ không bao giờ được chứng minh, nhưng nó bôi nhọ danh tiếng của người phụ
nữ trong các cuộc ly dị," ông nói với BBC.
Tháng Tám 2017, Joseph Shine, một doanh nhân
Ấn Độ 41 tuổi sống ở Ý, đã yêu cầu Tòa án tối cao hủy bỏ điều luật này.
Ông lập luận rằng nó phân biệt đối xử với đàn
ông khi chỉ xử phạt đàn ông trong các mối quan hệ ngoài luồng, trong khi đối xử
phụ nữ như một tài sản sở hữu.
Trong đơn thỉnh nguyện 45 trang của mình, ông
Shine trích dẫn từ nhà thơ Ralph Waldo Emerson, nhà hoạt động nữ quyền Mary
Wollstonecraft và cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ.
Tuy nhiên, chính quyền của Đảng BJP cầm quyền
đã phản đối bản kiến nghị này, cho rằng ngoại tình vẫn nên được xem là tội phạm
hình sự.
"Bỏ lệnh cấm ngoại tình sẽ ảnh hưởng đến
sự thiêng liêng của một cuộc hôn nhân. Hợp pháp hóa ngoại tình sẽ làm ảnh hưởng
đến hôn nhân" và rằng "đạo đức người Ấn Độ" rất coi trọng tầm sự
thiêng liêng của một hôn nhân, đại diện chính quyền phát biểu tại tòa án.
Tuy nhiên, thú vị thay, văn hóa dân gian và sử
thi Ấn Độ luôn đầy những câu chuyện tình yêu, mối quan hệ ngoài luồng. Hầu hết
các bài thơ tình yêu trong tiếng Phạn, theo học giả J. Moussaief Masson, là
"về tình yêu bị ngăn cấm".
Nhưng Manusmriti, một văn bản Hindu cổ đại,
cũng viết rằng: "Nếu đàn ông cứ tiếp tục có quan hệ mật thiết với vợ của
đàn ông khác, nhà vua nên trừng phạt họ để làm gương và trục xuất họ".
Tất cả thẩm phán tối cao đều cho rằng điều
luật cũ này là cổ hủ, tùy tiện và vi hiến.
"Chồng không phải là chủ nhân của vợ. Phụ
nữ nên được đối xử bình đẳng như đàn ông," Chánh ánDipak Misra nói.
Và các vụ việc ngoại tình có thể là cơ sở cho
các vấn đề dân sự như ly hôn, chứ "không thể là một tội phạm hình
sự".
Thẩm phán Rohinton Nariman nói rằng "quan
niệm cổ xưa cho rằng đàn ông luôn là kẻ phạm tội và phụ nữ luôn là nạn nhân
không còn phù hợp."
"Luật pháp không nên kiểm soát việc một
người muốn ngủ cùng với ai," một giáo viên luật Rashmi Kalia nói.
Đây là điều luật thứ hai từ thời thuộc địa bị
Tòa án tối cao Ấn Độ hủy bỏ trong tháng này. Trước đó, tòa đã hủy lệnh cấm quan
hệ tình dục đồng giới.
Nơi nào trên thế giới còn
cấm ngoại tình?
Ngoại tình được cho là bất hợp pháp tại 21
bang của Hoa Kỳ, bao gồm ở New York. Tuy nhiên, hầu hết người Mỹ không cho rằng
ngoại tình là một tội.
Ngoại tình cũng bị cấm trong luật Sharia hay
luật Đạo Hồi, và là một tội phạm hình sự tại các nước Hồi giáo như Iran, Ả Rập
Saudi, Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, Somalia.
Đài Loan trừng phạt tội ngoại tình bằng cách
giam giữ tối đa 1 năm. Indonesia cũng coi ngoại tình là một tội, thậm chí đang
có một dự luật cấm mọi quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Hàn Quốc cũng chỉ mới bỏ lệnh cấm ngoại tình
vào 2015, sau khi một người đàn ông có thể bị giam giữ khoảng 2 năm vì ngoại
tình. Tòa tối cao Nam Hàn cho rằng điều luật vi phạm quyền tự chủ và quyền
riêng tư.
Tại Việt Nam, theo Điều 182, Bộ luật Hình sự
2015, quy định tội ngoại tình có thể bị phạt không giam giữ đến một năm hoặc
phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Theo Soutik Biswas BBC News, Delhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét