Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Quê hương mỗi người chỉ một   

Phạm Thị Ly

TTO - Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe bài hát này rót từng giọt mật tha thiết vào tim: 'Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người'.
 

Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, quê hương là gì, và tại sao quê hương lại có ý nghĩa như thế với chúng ta? Vì sao mỗi lần năm hết Tết đến, hàng trăm triệu người không quản đường xa mệt nhọc tốn kém để về quê?

Mà đâu phải chỉ người Việt, người Trung Quốc hay dân châu Á? Các nước khác cũng vậy thôi, ngày lễ Tạ ơn, lễ Giáng sinh hay năm mới, mọi sân bay, bến tàu đều tràn ngập những người là người. 

Người ta vượt nhiều nghìn dặm về thăm gia đình, cha mẹ, ông bà, quê hương, để sum họp với gia đình lớn, gặp lại anh chị em, thăm lại nơi mình trải qua thời thơ ấu.

Tại sao chúng ta làm thế? Không chỉ là thói quen, thấy người ta làm thì mình cũng làm. Nếu chỉ là thói quen hay bắt chước, thật không đáng để mất chừng ấy tiền bạc, công sức, thời gian. Hẳn là nó bắt nguồn từ một nhu cầu sâu thẳm và mạnh mẽ hơn nhiều.

Những đứa trẻ là con nuôi, nhất là con nuôi xuyên quốc gia, khi trưởng thành hầu như luôn có nhu cầu tìm về nguồn cội. Cho dù cha mẹ nuôi có tốt đến đâu đi nữa, mối quan hệ giữa đứa trẻ và cha mẹ nuôi có gắn bó đến mức nào, cũng sẽ có một lúc đứa trẻ nung nấu ý định tìm hiểu xem cha mẹ đẻ là ai, cuộc sống của họ ra sao, quê hương, bản quán, ông bà mình như thế nào.  

Những thanh thiếu niên người Việt thế hệ thứ hai sống ở nước ngoài cũng vậy. Họ sinh ra ở nước ngoài, hoặc rời quê hương khi còn thơ ấu, giờ đây nói tiếng Việt không rành, nhưng vẫn cảm thấy một nhu cầu mạnh mẽ tìm hiểu về đất nước mà mình hay cha mẹ mình đã sinh ra và khôn lớn. Vì sao vậy?

"Ta là ai, ta đến từ đâu và sẽ đi về đâu?"

Trong bài diễn văn nhậm chức, bà Drew Faust, hiệu trưởng Trường ĐH Harvard, đã nói rằng bốn năm học đại học là thời gian để chúng ta trả lời câu hỏi “Ta là ai, ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu?”. Nói một cách văn hoa, bản chất con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự sinh tồn, và câu hỏi quan trọng nhất là câu hỏi về căn cước cá nhân, căn cước dân tộc của mình. 

Cái gì đã khiến chúng ta trở thành một cá nhân độc đáo, một thực thể không lặp lại, không thể nhân bản hay thay thế? Cái gì đã gắn chúng ta với dân tộc, đất nước, quê hương, tổ quốc? Và là một người Việt Nam thì có ý nghĩa như thế nào?

Bạn sẽ cảm nhận được những câu hỏi này rõ rệt như cứa vào da thịt bạn khi bạn sống ở nước ngoài, khi bạn nghe một người nói tiếng mẹ đẻ của bạn giữa một xứ sở xa lạ.

Cách đây vài chục năm, đi nước ngoài là cả một vấn đề. Khi có người từ nước ngoài trở về, cả làng xúm đến nghe anh ta kể chuyện về những xứ sở xa xôi, về những người da trắng, da đỏ, da đen mọi người chỉ thấy trong phim ảnh. 

Lúc đó lằn ranh phân biệt “nước ta” và “nước họ”, giữa “quê hương mình” và “xứ sở người ta” có vẻ rất rõ ràng, dễ hiểu. “Ta” là khăn đen mỏ quạ, là đống rơm, đàn bò, ngọn lúa, là cá kho canh chua bông điên điển. “Họ” là áo vét, cà vạt, là nhà chọc trời, là bơ là sữa.

Nhưng giờ đây, thế giới đã như một ngôi làng toàn cầu. Không chỉ người giàu mới đi Đông đi Tây, giờ đây người nghèo cũng đi, dù là đi bán sức lao động ở xứ người, thì cũng là tới một xứ sở khác xa lạ về văn hóa. 

 Đi học, đi làm, đi du lịch nước ngoài hôn nhân đa quốc gia, làm ăn xuyên biên giới ngày càng phổ biến. Ngày càng nhiều người biết ngoại ngữ, am tường âm nhạc, nghệ thuật của nước ngoài, làm việc với đồng nghiệp đủ mọi quốc tịch, thưởng thức đủ loại ẩm thực Tây Tàu.

Bằng kinh nghiệm cá nhân, người ta khám phá ra rằng, hóa ra dù da đen, da trắng, hay da vàng, ăn bơ sữa hay ăn nước mắm, con người ta đều chia sẻ những đau khổ, vui sướng, sợ hãi, hi vọng, dằn vặt chẳng khác gì nhau. 

Dù là một nước giàu như Mỹ, hay còn nghèo như Việt Nam, hóa ra chúng ta đều không hài lòng về giáo dục, đều đang đương đầu với nhiều thách thức rất giống nhau. 

Dù làm việc với đồng nghiệp Tây hay đồng nghiệp Việt, chúng ta đều có thể phải đối diện với sự cạnh tranh, kèn cựa, hoặc có thể tìm kiếm sự hợp tác, hỗ trợ bằng những cách rất như nhau. Vậy thì cái gì là căn cước của chúng ta như một cá nhân, và như một dân tộc? Và tại sao chúng ta phải tìm kiếm nó?

Mỗi người có một câu trả lời

Đây là câu hỏi không thể có câu trả lời chung. Không ai có thể trả lời thay cho ai. Cũng không phải chỉ trả lời một lần là hết. Vì bản thân chúng ta, cả với tư cách một sinh vật lẫn một con người xã hội, đều không ngừng diễn tiến, không ngừng thay đổi. Dân tộc, như một tập hợp những người cùng tiếng nói, màu da, lịch sử, cũng là một khuôn mặt không ngừng thay đổi.

Nhưng có lẽ có một điểm chung: chúng ta đi tìm căn cước của mình, bởi đó là nhu cầu tự nhiên của con người. Nó nằm ở ba bậc cao nhất trên đỉnh tháp nhu cầu Maslow: được yêu mến, được gắn bó và thuộc về một cộng đồng; được người khác tôn trọng; và đạt đến tất cả tiềm năng của cá nhân. 

Chúng ta đi tìm căn cước của dân tộc mình, cũng chính là để hiểu rõ về bản thân mình, để tìm kiếm cảm giác được kết nối, được thuộc về, cảm giác an toàn, vì con người vốn là một sinh vật bầy đàn. Có thể nhìn thấy điều này rất rõ khi chúng ta chứng kiến những hành động điên rồ trong các cuộc “đi bão” mừng chiến thắng bóng đá của đội nhà. 

Dường như niềm tự hào về những thành tích của Việt Nam có thể giúp khỏa lấp cảm giác thiếu tự tin về bản thân mình và cộng đồng mà mình thuộc về trong mỗi chúng ta.

Với nhiều người khác, sự gắn kết với dân tộc, tổ quốc, quê hương chính là những niềm vui và nỗi đau mà họ cảm thấy cùng những niềm vui và nỗi đau của dân mình, nước mình, của những con người, số phận cụ thể mà họ thấy mỗi ngày. 

Lê Duy Loan, một kỹ sư người Mỹ gốc Việt, là người châu Á đầu tiên và người phụ nữ duy nhất được chọn vào ban lãnh đạo kỹ thuật cho hãng công nghệ toàn cầu Texas Instruments trong lịch sử 83 năm của hãng này, đã nói với gương mặt rơm rớm nước mắt: “Tôi yêu quê hương từ khi mới thành người”. 

 Quê hương với cô là cha mẹ, ông bà, những người đã truyền cho cô niềm tin vào giá trị cốt lõi của học vấn và sự sẻ chia, là những đứa trẻ lớn lên bên bờ tre ruộng lúa đang khao khát được học hành và thay đổi số phận, là nỗi đau mà cô cảm thấy khi chứng kiến một người cùng dòng máu, màu da, tiếng nói với mình bị những người xứ khác coi thường. 

Có lẽ, với người ở trong nước, quê hương là nơi ta sẻ chia chung một số phận; với người sống ở nước ngoài, quê hương là nơi ta sẻ chia cùng nguồn cội và lịch sử, cùng thừa kế chung một di sản văn hóa tinh thần. 

Cái gì đã định nghĩa, đã tạo thành bản sắc cá nhân hay dân tộc của chúng ta? Ngoài một thứ bất biến là di truyền, một thứ ta rất ít khả năng can thiệp là hoàn cảnh sống thời thơ ấu, phần chủ yếu chính là những trải nghiệm sống của một người. 

Những trải nghiệm này làm thay đổi nhận thức của chúng ta về tất cả mọi thứ, kể cả về bản thân mình. Vì thế mà người ta không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm mới, và định nghĩa mình qua những thứ mình có hay từng trải nghiệm.

Nhưng tình yêu thì là một trải nghiệm không cần lý giải. Nhà thơ Đỗ Trung Quân rất có lý khi so sánh quê hương và mẹ. Con người ta có thể đi năm châu bốn bể, hưởng đủ mọi món ngon vật lạ trên đời, vẫn cảm thấy không gì ngon bằng những món mẹ cho ăn lúc còn thơ ấu. 

Chúng ta yêu mẹ, dù mẹ ta tóc bạc, da mồi, chân tay run rẩy, thậm chí khi mẹ thương yêu ta theo cách mà ta không muốn. 

Cũng như vậy, chúng ta yêu quê hương cho dù còn bao nhiêu xấu xí. Chúng ta thương đồng hương, đồng bào cả khi họ làm chúng ta tự hào và khi họ làm chúng ta xấu hổ, nhất là khi chúng ta thấy họ đau khổ bởi những gì không phải là lỗi của họ.

Toàn cầu hóa trong lúc xóa nhòa lằn ranh ngăn cách các quốc gia, dân tộc, và tạo điều kiện giao lưu văn hóa mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cũng đồng thời làm sản sinh nhu cầu bảo vệ những nét riêng có đặc biệt của mỗi nền văn hóa. 

Bạn phải có một cái gì của riêng bạn thì bạn mới có cái để đóng góp vào gia sản văn hóa chung của nhân loại, làm cho nó phong phú hơn. Mất đi cái căn cước đó, chúng ta chỉ còn là hạt bụi vô nghĩa giữa cuộc đời.

Quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, và cha sinh mẹ đẻ có một ý nghĩa như thế nào với những người con xa xứ?

Emma Phạm Thị Chín lớn lên trong một trại mồ côi ở Tân Mai (Biên Hòa), được đưa sang Úc lúc 4-5 tuổi để chữa khiếm thị (nhưng không thành công) và đã được thu xếp làm con nuôi từ nhà này sang nhà khác, tất cả là 13 gia đình cho đến khi cô 17 tuổi và có thể sống một mình. Trong từng ấy năm cho đến khi 50 tuổi, cô luôn mơ về Việt Nam, dù mất tiếng mẹ đẻ, đêm đêm cô vẫn nghe bài hát Lòng mẹ của Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”. Trong mơ cô vẫn hướng về đất mẹ, trò chuyện với người mẹ cô chưa bao giờ gặp… Và rồi có một cái gì thôi thúc mãnh liệt cô phải trở về. Gương mặt cô khi trở về cô nhi viện, gặp gỡ các sơ đã bồng ẵm cô lúc sơ sinh, sáng ngời một tình yêu lớn lao mà một số người trong chúng ta, những người đang sống hằng ngày trên mảnh đất này, có thể đã không cảm thấy. Gương mặt ấy đã gây xúc động mạnh cho cả những người đã còn và không còn cha mẹ, những người đang sống trên quê hương và phải rời bỏ quê hương.

Có một nỗi ám ảnh mang tên 'Tết'

Hà Phương

Vợ chồng lục đục về nội hay ngoại, các bà nội trợ giam mình trong gian bếp, thanh niên thì luôn phải trả lời bao giờ lấy vợ (chồng)... Tết vì thế trở thành nỗi sợ của nhiều người.

11h đêm 30 tháng Chạp trước thềm giao thừa Tết Mậu Tuất 2018, khi ba bố con đang ngủ gật trước TV thì chị Ngọc Hoa (45 tuổi, Hà Nội) vẫn lụi cụi trong bếp, tay trái canh lửa luộc gà cúng đêm giao thừa, tay phải đảo nồi xôi gấc. Luôn tay luôn chân, hết gà lại xôi, rồi bánh chưng, khoanh giò, chén rượu.
Tiếng pháo hoa giao thừa vang lên cũng là lúc chị Hoa bày biện xong xuôi mâm cỗ cúng rồi lẩm nhẩm bài khấn tiễn năm cũ, đón năm mới cầu chúc gia đình bình an.
"Có lẽ năm nay cũng lại bếp bếp núc núc vậy thôi. Lâu lắm rồi giao thừa không đi xem pháo hoa. Cúng bái dọn dẹp xong xuôi cũng đã độ 2h sáng. Nhưng sáng hôm sau lại vẫn phải dậy sớm để mổ gà, ngâm miến, rán nem chuẩn bị mâm cơm mùng 1" - chị Hoa chia sẻ, gọi vui là "cuộc chiến" chính thức bắt đầu từ chiều 30 Tết.  
Đây có lẽ là nhịp sinh hoạt của rất nhiều bà nội trợ dịp Tết không riêng gì chị Hoa.
Dù rất nhiều thủ tục cúng lễ được cắt bỏ, mâm cơm cúng cũng đơn giản hơn, chị Hoa cho biết mấy ngày Tết mình vẫn loanh quanh căn bếp. 
“Bếp là nơi ‘trú ẩn tạm thời’ của tôi. Không quần quật nấu cơm thì cũng ở bếp để ăn. Nấu ra rất nhiều món nào có ăn hết đâu. Ngày xưa mâm cao cỗ đầy bày biện cầu kỳ lắm, xong rồi còn phải rửa mấy mâm bát trong nước lạnh buốt, rồi phải tự nhóm bếp nấu ăn nữa”, chị Hoa nói thêm.


Co mot noi am anh mang ten 'Tet' hinh anh 1
Người Việt thường chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn để cúng tất niên, giao thừa. Ảnh: Quỳnh Trang


Gánh nặng bếp núc không phải là vấn đề đau đầu duy nhất của các bà nội trợ mỗi khi Tết đến, dịp mà tưởng chừng cho phép họ có thời gian để nghỉ ngơi tái tạo. Quần quật trong bếp để nấu cho cả gia đình. Vợ chồng lục đục vì ai cũng muốn về quê mình. Bị coi là “dâu đoảng" vì "lỡ" đặt cơm cúng ở ngoài để tiết kiệm thời gian. Người trẻ không muốn về quê để khỏi phải nghe những câu hỏi đến hẹn lại lên.


Và không khó để tìm được những câu chuyện mà ai cũng có thể thấy mình trong đó.


Về nội hay ngoại - tranh cãi triền miên

Lấy chồng 10 năm, chị Thu Hồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chưa được ăn cái Tết nào cùng bố mẹ đẻ. Quê chị ở Yên Bái, quê chồng ở Nghệ An, sinh sống và làm việc ở Hà Nội, Tết thì phải về quê thăm bố mẹ, họ hàng nhưng về nội hay ngoại ăn Tết lại là một câu chuyện khác.
Co mot noi am anh mang ten 'Tet' hinh anh 2
Tết nội hay Tết ngoại là nỗi niềm của rất nhiều người. Ảnh: Minh Hoàng

Chị Thu Hồng nói: “Lấy chồng theo chồng, các cụ dạy thế nhưng giờ xã hội hiện đại rồi, bố mẹ tôi vẫn còn khỏe, tôi muốn về quê ăn Tết với hai cụ. Chưa năm nào chúng tôi thỏa thuận được với nhau. Cứ đề cập đến chuyện về ngoại ăn Tết nhưng chồng tôi và gia đình chồng, dù không phản đối ra mặt, nhưng thái độ thì không đồng tình lắm”.

Tết nội hay Tết ngoại không chỉ là nỗi niềm của người lớn.

Hải Minh (lớp 9, con trai chị Hồng) chia sẻ: “Mỗi lần mẹ hỏi ‘Hay là về ông bà ngoại ăn Tết nhỉ?’ bố con cũng gắt lên. Chỉ có một năm là được ăn Tết ở nhà ông bà ngoại thôi vì năm đấy mẹ sinh em bé, còn lại đều về với ông bà nội. Năm nào mẹ cũng phải gọi điện cho ông bà ngoại nói Tết năm sau về, cho cả anh em con về nhưng con cũng chẳng biết bao giờ mới được ăn Tết với ông bà ngoại thật”.

Nếu như gia đình chị Thu Hồng đau đầu chuyện về đâu ăn Tết thì chị Thái Hoàng Oanh (34 tuổi, Quận 3, TP.HCM) lại đau đầu vì sắm Tết “thiếu công bằng” cho hai bên nội ngoại.

Giỏ quà Tết chị Oanh mua biếu bố mẹ mình trị giá 3 triệu đồng vì có chai rượu mạnh. Còn cho nhà chồng, do bố chồng bị bệnh gan, phải kiêng rượu, nên được thay bằng trà, do vậy giá thành giỏ quà rẻ hơn khoảng 1 triệu đồng. “Và thế là bỗng dưng sinh ra ‘tị nạnh’. Tết nhất rất bận rộn, bố mẹ hai bên so đo như vậy khiến tôi cũng mệt mỏi theo”, chị Oanh nói.

Tết là dịp để sum vầy, đoàn viên, nội hay ngoại thì cũng là gia đình cả.

PGS. TS Trần Minh Tâm

Theo PGS. TS Trần Minh Tâm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), ngày Tết cũng phải hướng về cả quê ngoại. Thời gian có thể du di cho phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình.

Bà Tâm nhận định: “Nói chung vẫn là sự tôn trọng và thỏa hiệp với nhau. Tết là dịp để sum vầy, đoàn viên, nội hay ngoại thì cũng là gia đình cả. Chọn cách ứng xử nào để cả nội ngoại cùng vui, con cháu thoải mái”.

Quan tâm nhau và khoảng cách thế hệ


Nhà báo Youyou Zhou, người ăn 20 cái Tết cổ truyền ở Trung Quốc trước khi chuyển sang Mỹ sinh sống, đúc kết trong một bài báo viết cho Quartz: Nếu ở Lễ Tạ ơn, người Mỹ tranh cãi với nhau về chính trị, tôn giáo, thì đối với người châu Á, những câu hỏi mang tính cá nhân trong dịp Tết Nguyên đán lại là nguyên do gây chia rẽ. Không ít người cảm thấy khó chịu với những câu hỏi “đến hẹn lại lên”: Lương tháng bao nhiêu? Thưởng Tết có cao không? Bao giờ lấy chồng (lấy vợ)? Khi nào sinh con?
Co mot noi am anh mang ten 'Tet' hinh anh 3

Không ít người cảm thấy khó chịu với những câu hỏi “đến hẹn lại lên”: Lương tháng bao nhiêu? Thưởng Tết có cao không? Bao giờ lấy chống (lấy vợ)? Khi nào sinh con? Ảnh: Lê Quỳnh

Đinh Hoàng Đức, đang làm việc trong lĩnh vực tài chính của một công ty nước ngoài, chia sẻ: “Thật sự tôi rất mệt mỏi với những câu hỏi về lương, thưởng. Hàng xóm, cô dì, chú bác cần biết tôi kiếm được bao nhiêu tiền để làm gì? Hơn nữa, tôi làm việc cho công ty nước ngoài, có thưởng khi hết mùa bận chứ không có thưởng Tết như công ty Việt Nam. Mỗi lần có người hỏi thưởng Tết cao không, trình bày ra thì dài dòng nên thôi, tôi chọn cách cười mỉm rồi đi thẳng, coi như mình không có thưởng vậy”.

Họ hàng và gia đình khi hỏi những câu hỏi đó, không phải họ có ý đồ xấu gì đâu, đơn giản vì đó là cử chỉ thể hiện sự quan tâm và yêu thương thôi. Dù cũng cần một chút tinh tế

Nhà báo Youyou Zhou

Nếu như Đức bị căng thẳng về những câu hỏi liên quan đến tiền nong thì Mai Anh (27 tuổi, Thái Bình) lại phát ngán với những câu hỏi dạng bao giờ mang người yêu về ra mắt hay bao giờ lập gia đình.

“Thời của ông bà hai mươi tuổi là dựng vợ gả chồng, còn bây giờ khác nhiều rồi. Mới 27 tuổi mà làng xóm gần xa đã đồn tôi ‘ế’. Tôi không nói sẽ không lập gia đình nhưng giờ chưa phải lúc thích hợp. Thật sự có những lúc tôi phát cáu, không muốn về quê ăn Tết vì những câu hỏi như vậy”, Mai Anh nói.

Tuy vậy, theo nhà báo Zhou: “Họ hàng và gia đình khi hỏi những câu hỏi đó, không phải họ có ý đồ xấu gì đâu, đơn giản vì đó là cử chỉ thể hiện sự quan tâm và yêu thương thôi. Dù cũng cần một chút tinh tế”.

Đừng “mua dây buộc mình"


Vì không giỏi công việc nội trợ, bếp núc và công việc quá bận rộn nên 3 năm trở lại đây chị Nguyễn Thanh Huyền (giáo viên) thường xuyên mua đồ làm sẵn về cúng Tết. Để tiết kiệm thời gian, chị cũng đặt cơm cúng giao thừa ở ngoài.
Co mot noi am anh mang ten 'Tet' hinh anh 4
Nhiều người chọn du lịch dịp Tết.

“Người ta cứ dị nghị tôi nói là con dâu đoảng, đặt ở ngoài cúng tổ tiên thế là không được nhưng tôi vẫn nghĩ quan trọng là cái tâm. Mình không làm được thì người khác làm thay. Thời gian nấu nướng tôi để dọn dẹp nhà cửa hoặc đi spa làm đẹp chẳng hạn”, chị Huyền nói, đồng thời cho biết ba năm kể từ khi chị đặt cơm cúng ở ngoài gia đình chị ăn Tết ngon hơn hẳn vì đỡ mùi dầu mỡ, bếp núc, dọn rửa cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Người nào, hoàn cảnh nào thì ăn Tết theo hoàn cảnh đó. Tự do lựa chọn là khẳng định chính mình, chứ đừng mua dây buộc mình, sinh ra chán nản, mệt mỏi mà làm mất đi vẻ đẹp của Tết

TS Sin Harng Luh

Còn như Lê Mai Anh, nhân viên ngân hàng ở Hà Nội, Tết năm nào cô cũng đi du lịch. Phần vì đây là thời gian được nghỉ dài, tận dụng để du lịch sẽ đỡ tốn ngày phép trong năm, phần để tránh những va chạm mà theo cô là “không đáng có” trong ngày Tết.

Theo bà Sin Harng Luh (Đại học Quốc gia Singapore), chẳng ai muốn chịu khổ, chịu cực cả bởi Tết là “hội”, và đương nhiên hội thì phải vui. Cỗ bàn, marathon chúc Tết hay những câu hỏi kiểu “châu Á” là chuyện thường tình ngày Tết. Tùy vào cách chúng ta giải quyết và tìm được phương án “ăn Tết” tối ưu với bản thân.
Hà Phương

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

VENEZUELA

TÌNH HÌNH VENEZUELA 

Biểu tình lớn ở Venezuela

image


Lần đầu tiên sau nhiều năm, phe đối lập dường như đoàn kết quanh một nhà lãnh đạo duy nhất - Juan Guaidó.

Guaido có thể là một gương mặt chính trị tương đối mới nhưng ông dường như đã truyền cảm hứng cho những người chỉ trích Tổng thống Maduro theo cách mà các nhà lãnh đạo đối lập khác trước không làm được.

Ông cũng thu hút những người từ trước đến nay ủng hộ chính phủ tham gia vào phong trào phản kháng.

Guaido, chủ tịch Quốc hội đang do phe đối lập kiểm soát, tuyên bố mình là tống thống lâm thời vào ngày 23 tháng 1.

Juan Guaido đã làm được điều mà những lãnh đạo đối lập trước chưa làm được

Getty ImagesCopyright: Getty Images


Đề cập đến các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra vào đầu tuần này, vị "Tổng thống lâm thời" 35 tuổi viết: 

"Các cuộc biểu tình ở phía Tây của Venezuela cho thấy không có rào cản nào. Chúng ta đều trên cùng một con thuyền: không có điện, không có thuốc, không có gas và không có một tương lai không chắc chắn. Tất cả chúng ta đều sa lầy trong cùng một cuộc khủng hoảng."

Những người nghèo nhất đang bắt đầu chống chính phủCopyright: Getty Images

Những người nghèo nhất đang bắt đầu chống chính phủ

Các cuộc biểu tình ở các khu vực nghèo hơn ở Caracas cũng là một tín hiệu chính cho thấy xu hướng chống chính phủ không chỉ tồn tại ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu.

Trước đây, những khu vực nghèo nhất trong xã hội thường là những người ủng hộ trung thành nhất của chính phủ vì họ là những người nhận các chương trình viện trợ do chính phủ tài trợ như nhà ở xã hội.

Nhưng cảnh quay của những người đập nồi và hét lên "Maduro hãy ra đi" trong một số khu vực này sẽ cho thấy lòng trung thành của họ không thể được cho là nghiễm nhiên nữa.

Hôm 26/1, ông Guaido, 35 tuổi, nhận được sự ủng hộ từ một quan chức cấp cao. Đại tá Jose Luis Silva, tùy viên quốc phòng Venezuela tại Washington, nói rằng ông đã ngưng quan hệ với chính phủ Maduro và công nhận Guaido là tổng thống lâm thời.

Phát biểu tại cuộc họp Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ kêu gọi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết "cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa" của Maduro đã khiến nền kinh tế sụp đổ và đẩy người dân Venezuela đến đường cùng phải bới rác tìm đồ ăn.

"Bây giờ là lúc để mọi quốc gia chọn một bên. Hoặc là quý vị đứng về phía lực lượng tự do, hoặc quý vị liên minh với Maduro và tình trạng hỗn loạn của ông ta," ông Pompeo nói trước hội đồng. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ của Venezuela và vai trò của Tổng thống lâm thời Guaido."

Ông Pompeo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ngắt kết nối hệ thống tài chính của họ với chính phủ Maduro.

Hôm 24/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được các báo dẫn lời: "Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định."

"Việt Nam cũng mong muốn góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Venezuela."

Ngày 26/1, Bloomberg đưa tin Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang tìm cách rút số vàng trị giá 1,2 tỷ USD ra khỏi ngân hàng Anh. Tuy nhiên ngân hàng đã từ chối yêu cầu.

Anh cùng với Mỹ và một số nước khác ngày 23/1 công nhận Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, là tổng thống tạm thời hợp pháp. Trong khi đó Tổng thống Nicolas Maduro nhận được sự ủng hộ của một số nước khác như Nga, Trung Quốc và sự ủng hộ của quân đội trong nước.

Theo Bloomberg, số vàng trị giá 1,2 tỷ USD nằm trong số 8 tỷ USD dự trữ ngoại hối do ngân hàng trung ương Venezuela nắm giữ. Không có nhiều thông tin về việc phần còn lại nằm ở đâu. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây trở thành một địa điểm mới cho vàng Venezuela.

Cũng theo Bloomberg, lấy lại vàng ở ngân hàng Anh gần đây là một ưu tiên lớn của chính quyền Maduro. Giữa tháng 12/2019, Calixto Ortege, chủ tịch ngân hàng trung ương Venezuela, đã dẫn đầu một phái đoàn đến London để tìm cách tiếp cận số vàng này, nhưng các cuộc đối thoại không thành công và giao tiếp giữa hai bên từ đó gặp trục trặc.

Ngân hàng Anh từ chối bình luận về cách quản lý số tài sản của Venezuela, nói họ cung cấp dịch vụ ngân hàng, bao gồm dịch vụ giữ vàng cho một số lượng lớn khách hàng và “không bình luận về những mối quan hệ này”.

Bộ tài chính Mỹ tiết lộ tuyên bố nói Mỹ “sẽ sử dụng các công cụ ngoại giao và kinh tế để đảm bảo các giao dịch thương mại bởi chính phủ Venezuela, bao gồm các giao dịch liên quan đến doanh nghiệp và dự trữ quốc tế do nhà nước sở hữu, phù hợp với việc Mỹ công nhận ông Juan Guaido là tổng thống tạm thời của Venezuela.

Theo Bloomberg, vàng là một phần quan trọng trong dự trữ ngoại hối của Venezuela nhiều năm nay. Hugo Chavez, người tiền nhiệm của Maduro được cho là khai thác phần lớn tài sản dầu của nước này thành vàng vì không đánh giá cao đồng USD.

Năm 2011, Chavez chỉ thị rút số vàng trị giá 11 tỷ USD từ ngân hàng Anh và các tổ chức nước ngoài khác. Khi Venezuela rơi vào khủng hoảng kinh tế sau đó, chính phủ Maduro bắt đầu bán chúng đi để có tiền cho nhập khẩu và cố cắng tránh các khoản nợ nước ngoài, nhưng không thành công.

Sau khi Mỹ và các đồng minh tuyên bố công nhận lãnh đạo đối lập là Tổng thống Venezuela, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro thông báo tập trận quân đội để chứng tỏ sức mạnh.


Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Tổng thống Maduro cho hay, ông đã lệnh cho Bộ Ngoại giao Venezuela xúc tiến đàm phán với Mỹ nhằm tạo ra các văn phòng lợi ích chung ở cả hai nước trong vòng 30 ngày. Trong khoảng thời gian này, các nhà ngoại giao đang làm việc tại các đại sứ quán cũng như lãnh sự quán của cả Mỹ và Venezuela sẽ không phải rời khỏi nước sở tại.

Bộ Ngoại giao Venezuela thông báo, sau lệnh triệu hồi của Tổng thống Maduro, các nhà ngoại giao Venezuela đã bắt đầu rời Mỹ về nước từ ngày 26/1. 

Nga - một trong số ít những nước ủng hộ Venezuela - đã phản đối quyết định của Tổng thống Trump. Kremlin cảnh báo Hoa Kỳ không can thiệp quân sự.

Nga đã đầu tư rất nhiều vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela. Nó có quan hệ quân sự chặt chẽ với đất nước này. Tháng 12 năm ngoái, hai máy bay ném bom tầm xa của Nga đã bay tới Venezuela như một cử chỉ ủng hộ Tổng thống Maduro, làm tức giận Washington.

Liên minh châu Âu đã kêu gọi một quá trình chính trị dẫn đến các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Nó gần giống như một cú ném ngược về thời Chiến tranh Lạnh, mặc dù với một bước ngoặt mới.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ủng hộ Tổng thống Maduro - một động thái mà đối với một số người sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một trục mới nổi của các chính phủ thiên về độc tài.

Châu Mỹ Latinh cũng đang phân chia chính trị với Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina, Paraguay và Costa Rica đều ủng hộ động thái của Mỹ.

Tổng thống Evo Morales của Bolivia - thường xuyên phê bình chỉ trích ông Trump - đã tấn công những gì ông gọi là một cuộc tấn công của đế quốc vào quyền dân chủ và quyền tự quyết của Nam Mỹ.

Nhưng cuộc khủng hoảng Venezuela sẽ không thể giải quyết nếu nó chìm trong căng thẳng lớn hơn giữa Washington và Moscow.

Và mặt trận thực sự đang diễn ra ở Venezuela.
Hoa Kỳ cảnh báo Venezuela rằng bất kỳ đe dọa nào gửi đến các nhà ngoại giao Mỹ hoặc lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido sẽ kích hoạt những ''phản ứng quan trọng".

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói rằng bất kỳ sự ''đe dọa'' nào sẽ là một ''công kích đối với pháp trị''
Lời cảnh báo của ông diễn ra vài ngày sau khi Hoa Kỳ và hơn 20 quốc gia khác công nhận ông Giaido là tổng thống lâm thời của Venezuela.
Trong khi đó, ông Guaido kêu gọi các cuộc biểu tình chống chính phủ từ người dân vào thứ tư và thứ bảy.
Khủng hoảng chính trị ở Venezuela ngày càng thêm căng thẳng khi phe đối lập tiếp tục nỗ lực để truất quyền Tổng thống Nicolas Maduro.
Ông Maduro đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của mình vào đầu tháng này, một cuộc bầu cử bị tẩy chay bởi phe đối lập và bị cáo buộc gian lận phiếu bầu, dẫn đến các cuộc biểu tình.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Một số quốc gia ở châu Âu bao gồm Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Anh nói rằng họ sẽ công nhận luôn ông Guaido là tổng thống nếu bầu cử không xảy ra trong tám ngày tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Maduro đã từ chối, và cho rằng tối hậu thư cân phải được rút lại, rằng ông sẵn sàng ''tham gia đối thoại'' với những bên phản đối ông. Ông nói rằng ông đã nhiều lần viết thư cho Tổng thống Trump, mặc dù ông nghĩ rằng Tổng thống Hoa Kỳ ''khinh thường chúng tôi''.

Ông Maduro chấm dứt quan hệ với Hoa Kỳ trong ngày thứ năm vừa rồi sau khi Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ ông Guaido, và ra lệnh các đặc sứ ngoại giao của Mỹ rời Venezuela ngay lập tức trong vòng 72 giờ đồng hồ tiếp theo.

Tuy nhiên, khi thời hạn sắp hết vào tối thứ bảy vừa qua, bộ Ngoại giao Venezuela cho biêt sẽ rút lệnh trục xuất, và thay vào đó cho phép 30 ngày để hai bên thiết lập các ''văn phòng lợi ích'' ở nước sở tại.
Cùng lúc đó, ông Guiado nói với Washington Post rằng ông đang làm việc với một số quan chức quân đội ở Venezuela để xây dựng sự ủng hộ cho nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Nga, Trung Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng công khai ủng hộ ông Maduro.

Tuy nhiên, hơn mười hai quốc gia Latin và Canada đã lên tiếng ủng hộ ông Guaido.

Ở châu Âu, chính phủ thiên tả của Hy Lạp ủng hộ ông Maduro.

Venezuela đang lấn sâu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, siêu lạm phát cũng như thiếu thốn về lương thực đã khiến hàng triệu người bỏ chạy.
Ông Maduro vấp phải nhiều sự phản đối từ nội bộ và chỉ trích quốc tế vì các vi phạm nhân quyền và cách điểu khiển kinh tế của mình.




 









 


SUY NGHĨ VỀ TẾT VIỆT NAM

Bà Phạm Chi Lan: Người Việt hoang phí cho Tết vì sĩ diện và phông văn hoá thấp 

Cả năm làm lụng, chi tiêu dè sẻn, nhưng không ít người lại phóng tay tiêu pha vào những thứ vô bổ, phù phiếm trong dịp Tết chỉ bởi một cái tặc lưỡi: Tết mà!
Người dân đã vậy, các cơ quan ban ngành cũng tốn kém thời gian, chi phí cho tiệc tùng, tết nhất, nên cả xã hội đang lãng phí.
Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra buồn bã khi nhắc đến sự hoang phí trong ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam, từ người dân, doanh nghiệp cho đến chính quyền và các cơ quan ban ngành. Lý giải về việc này, bà Phạm Chi Lan cho rằng chỉ có thể là do tính sĩ diện và phông văn hóa còn thấp.
Theo bà Phạm Chi Lan: ​“Tôi thấy tình trạng lãng phí ở nước ta hiện nay đã thực sự nghiêm trọng. Người dân, doanh nghiệp và các ban ngành vẫn quá coi trọng hình thức, nó đã trở thành một nếp văn hóa trong cộng đồng người Việt mà lâu nay chúng ta chưa thể thay đổi.
Tính sĩ diện đã ăn sâu vào trong đời sống người dân, ai cũng muốn đua nhau chạy theo hình thức bề ngoài, xu hướng này không hề tốt một chút nào trong bối cảnh kinh tế chung hiện nay đang khó khăn, đất nước còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo, chính bệnh sĩ này lại là nguyên nhân khiến cho nhiều hộ gia đình vừa thoát ra khỏi ngưỡng nghèo rồi lại ​tái nghèo”. 

“Tết năm nay các địa phương không tổ chức bắn pháo hoa, đó là một quyết định theo tôi là đúng đắn, nhưng sự lãng phí vẫn hiển hiện, đập vào mắt người dân qua việc trang trí đường phố bằng những bông hoa có kích thước khổng lồ, nhìn rất thô kệch, rồi đèn đóm lập lòe ở khắp các con phố, những thứ đó nhìn rất xấu và rối mắt chứ đâu có đẹp.

Nếu xét đến giá trị văn hóa, những thứ đó không hề có, thậm chí nó khiến cho các thành phố trở nên “quê mùa”, kệch cỡm, lố bịch, kiểu khoe mẽ chứ chưa thể hiện được tầm văn hóa thực sự. Đỉnh cao văn hóa thực sự nằm ở sự giản dị và tinh tế chứ không phải ở những thứ hoa hòe hoa sói như các thành phố đang cố đua nhau,” bà Phạm Chi Lan nói.​
Đối với người lao động, sự lãng phí thể hiện rõ rệt nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Anh Hải ở Nghĩa Hưng, Nam Định, một chủ cơ sở sản xuất nhỏ ở Biên Hòa (Đồng Nai) có cách chi tiêu khác người, đó là đầu tư... bắn pháo bông vào mỗi đêm giao thừa ở quê nhà.
“Ngày trước mình còn trẻ nên thích thú với mấy trò này, mặc dù biết là bị cấm. Nhưng nói thật là cũng thích thể hiện với dân làng, mọi năm đều mua pháo về bắn rồi, chả lẽ năm nay lại không mua?”, anh Hà cho biết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Bích (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) cho biết, lương công nhân làm thuê cho chủ đầm tôm tại Cà Mau mỗi tháng 4 triệu đồng, tích cóp cả năm để về ăn Tết với gia đình, nhưng vì “bệnh sĩ” nên Tết năm nào cũng phải sắm sửa cho thật tươm tất cho “xứng tầm” một người đi làm ăn xa trở về.
“Mỗi năm chỉ có một lần về quê vào dịp Tết, nên cứ sắm sửa cho thoải mái để các cháu vui. Năm nào gia đình tôi cũng phải mổ lợn, mua vài thùng bia lon để trong nhà, đào, quất đủ cả, Tết mà!” anh Bích nói.
Tết mà! Đó là một câu nói có phần ngậm ngùi của nhiều người lao động. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để một lần tặc lưỡi cho xong. Chị Nguyễn Thị Nga ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết, vợ chồng chị chuyển vào Tây Nguyên mua rẫy trồng cà phê đã 5 năm nay, gửi hai cháu nhỏ ở lại quê nhà cùng ông bà ngoại, nhưng hàng năm anh chị không chọn về quê vào dịp Tết mà lại chọn dịp nghỉ hè để về thăm gia đình. Theo chị Nga, ngày Tết chỉ ngắn ngủi có vài ngày, phương tiện đi lại khó khăn, mọi thứ chi phí đều đắt đỏ, nên dù có thèm được ăn Tết ở quê cũng nén nhịn để dịp hè về thăm bố mẹ và các con.
Trong khi đó, dịp cuối năm cũng là thời điểm các nhà hàng, quán karaoke từ sang trọng đến bình dân luôn quá tải bởi “phong trào” tất niên ở khắp mọi nơi. Anh Phạm Quang Dũng, nhân viên kinh doanh tại một công ty về CNTT tại Hà Nội cho biết, khoảng thời gian 2 tuần trước Tết là thời điểm mệt và tốn kém nhất của anh, ăn nhậu tất niên cùng cơ quan, rồi tất niên cùng phòng, tất niên cùng bạn học, cùng các hội nhóm khác…
“Đâu chỉ ăn nhậu là xong đâu, mỗi cuộc tất niên lại kéo theo một cuộc karaoke, không theo thì ngại, mà theo thì vừa mệt vừa tốn kém,” anh Phạm Quang Dũng nói.
Chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp trong việc kiếm tiền, bà Phạm Chi Lan cho rằng chính vì khó khăn như vậy nên càng cần phải biết trân trọng đồng tiền mình kiếm được, đừng vì thể diện bề ngoài mà chi tiêu lãng phí. Nếu có thể, hãy tích cóp để tái đầu tư để có được năng suất tốt hơn, hiệu quả cao hơn, hướng đến những giá trị về lâu về dài, thay vì chỉ hướng đến bề nổi trước mắt.
Dưới góc nhìn của bà Phạm Chi Lan, chính vì cách nhìn nhận thiên lệch này của xã hội mà tài sản của đất nước đang bị sử dụng một cách lãng phí vô cùng, có những địa phương hay cơ quan nợ đầm đìa ra nhưng trụ sở cứ phải xây thật hoành tráng, rồi việc trang hoàng công sở cũng như những nơi công cộng vào những dịp lễ tết thì lãng phí và không hiệu quả.
“Với doanh nghiệp cũng vậy, tôi rất buồn và rất tiếc khi thấy có nhiều doanh nghiệp mang nợ đầm đìa nhưng vẫn cố sắm xe hơi xịn để khoe mẽ với thiên hạ, thực ra những thứ phù phiếm đó chẳng để làm gì cả. Ngân hàng có cho doanh nghiệp vay hay không, đối tác có hợp tác với doanh nghiệp hay không là họ nhìn vào thực trạng và triển vọng kinh doanh của mình chứ không phải nhìn vào cái xe,” bà Phạm Chi Lan nói.​​
Hiền Anh

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

DI CHÚC CỦA HOÀNG ĐẾ TRẦN NHÂN TÔNG

"MỘT TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI, CŨNG KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ LỌT VÀO TAY KẺ KHÁC"




Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Đời người như chiếc lá


Ở đời có nhiều thứ, chỉ khi chúng ta sắp mất đi rồi mới ý thức được nó quan trọng như thế nào, bởi vậy đừng bao giờ để thứ quý giá nhất lưu giữ đến tận cùng.
Cuộc đời tuy dài mà ngắn, một cái chớp mắt mà vũ trụ đã xoay vần. Đừng quá mải mê nghĩ đến tương lai trong khi bạn đang bỏ quên hiện tại!
Có một nữ tiến sĩ 32 tuổi từ nước ngoài trở về trong “nhật ký những tháng ngày ung thư” của mình đã viết:
“Sức khỏe thật sự rất quan trọng, đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, bạn sẽ phát hiện, bất kì những lần tăng ca nào (một thời gian dài thức đêm chính là đồng nghĩa với tự sát), gia tăng áp lực cho chính bản thân mình, hay mua nhà lầu thầu xe hơi, tất cả thứ đó bỗng trở nên thật phù phiếm biết bao.
Nếu như có thời gian, hãy ở bên con bạn thật nhiều, dành số tiền tích góp để mua xe mua tặng đôi giày cho cha mẹ, đừng quá cật lực làm việc để đổi lấy một căn biệt thự, hay những thứ xa hoa nào khác, bởi chỉ cần được ở cạnh người mình yêu, cho dù ở một nơi nhỏ như vỏ ốc cũng cảm thấy ấm áp, yên bình.”
Đoạn tâm sự tưởng như vô cùng bình thường ấy, lại cảm động biết bao nhiêu con người.
Cô ấy dùng chính cuộc đời của mình để nhắc nhở chúng ta rằng: Nắm chắc lấy những thứ hiện tại, yêu thương bảo vệ cơ thể của chính mình, chú ý rèn luyện sức khỏe đừng khiến cuộc sống tương lai của chính mình sống trong vũng lầy của sự hối tiếc.
Còn nhớ nhà văn Mạc Ngôn từng kể một câu chuyện:
“Vợ bạn học của ông sau khi mất đi, trong một lần ông ấy dọn dẹp lại những kỉ vật ngày xưa, chợt phát hiện ra chiếc khăn lụa tơ tằm, mua trong cửa hàng cao cấp khi hai vợ chồng đi du lịch ở New York.
Đó là một chiếc khăn vô cùng thanh nhã lịch sự, bà ấy cực kì yêu thích nó, ngày thường chẳng nỡ lấy ra dùng, người vợ ấy luôn tâm niệm để vào một dịp thật đặc biệt bà ấy sẽ diện chiếc khăn đó.
Thế nhưng, đến cuối cùng chiếc khăn ấy vẫn còn nguyên nhãn mác treo trên đó, người vợ ấy lại chưa choàng lấy một lần.”
Đừng để thứ quý giá lưu giữ đến ngày đặc biệt mới dùng, bởi mỗi ngày bạn sống đều là một ngày đặc biệt.
Đúng vậy, đừng bao giờ trong những ngày mưa mới biết trân trọng những hình ảnh của ngày nắng, hay đến khi tóc đã điểm sương lại muốn sống lại những ngày thơ ấu.
Đời người hữu hạn, có rất nhiều thứ, chỉ khi chúng ta sắp mất đi rồi mới ý thức được nó quan trọng như thế nào, bởi vậy đừng bao giờ để thứ quý giá nhất lưu giữ đến tận cùng.
Trong tiểu thuyết của tác giả Sâm Sơn Đạo từng có câu:
“Mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta đều là những ngày hữu hạn, chẳng có cách nào có thể quay lại, bởi vậy đừng bao giờ để tuổi tác trở thành lý do khiến bản thân trở nên ngần ngại, hay lười biếng, chỉ cần nỗ lực hết mình, sống một cách trọn vẹn với cuộc sống này, bạn mới có thể nếm trọn hương vị của nó.
Đây là những câu nói bạn nên ghi nhớ để luôn sống hạnh phúc:
Sai lầm lớn nhất đời người là dùng sức khỏe để đánh đổi lấy những vật ngoài thân. Bi ai lớn nhất đời người là dùng sinh mệnh để đổi lấy phiền não và lãng phí lớn nhất đời người là dùng tính mạng để giải quyết rắc rối do bản thân mình tạo ra!
Dù rất chua chát nhưng sự thật là, nhà ở có sửa to, rộng hơn thế nào đi nữa cũng chỉ là nơi ở tạm thời. Cái quách sành mới là nhà ở vĩnh hằng của tất cả chúng ta. Thế nên, nhà rộng chẳng bằng tâm rộng, tấm lòng rộng mở, bề ngoài an yên không bằng cõi lòng an yên.
Nỗi đau lớn nhất đời người là con cái muốn báo hiếu nhưng cha mẹ không còn nữa! Bi kịch lớn nhất đời người là nhà chưa giàu người đã ra đi và đáng thương nhất đời người là vào lúc chiều tà mới ngộ ra mình đáng ra nên làm những gì!
Khi tâm linh có xu hướng bình tĩnh lại, tinh thần càng trở nên vĩnh hằng! Giảm, nén dục vọng xuống thấp một chút, đẩy lý tính lên cao, tôi, bạn và chúng ta sẽ cảm nhận thấy: Bình an là phúc, thanh sảng, mới mẻ là lộc và lòng thanh tịnh không chút dục vọng là thọ!
Cái gì cũng có thể không tốt nhưng tâm trạng không thể không tốt, cái gì cũng có thể thiếu nhưng tự tin thì không thế thiếu; cái gì cũng có thể không cần nhưng vui vẻ thì bắt buộc phải cần; cái gì cũng có thể quên nhưng việc rèn luyện tâm tính và sức khỏe không được phép quên.
Đời người không nằm ở việc sống lâu hay ngắn mà nằm ở việc giác ngộ sớm hay muộn. Sinh mệnh không dùng để đính chính người khác đúng hay sai mà dùng để thực hiện một cuộc sống nhiều màu sắc của chính bản thân chúng ta.