Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Có một nỗi ám ảnh mang tên 'Tết'

Hà Phương

Vợ chồng lục đục về nội hay ngoại, các bà nội trợ giam mình trong gian bếp, thanh niên thì luôn phải trả lời bao giờ lấy vợ (chồng)... Tết vì thế trở thành nỗi sợ của nhiều người.

11h đêm 30 tháng Chạp trước thềm giao thừa Tết Mậu Tuất 2018, khi ba bố con đang ngủ gật trước TV thì chị Ngọc Hoa (45 tuổi, Hà Nội) vẫn lụi cụi trong bếp, tay trái canh lửa luộc gà cúng đêm giao thừa, tay phải đảo nồi xôi gấc. Luôn tay luôn chân, hết gà lại xôi, rồi bánh chưng, khoanh giò, chén rượu.
Tiếng pháo hoa giao thừa vang lên cũng là lúc chị Hoa bày biện xong xuôi mâm cỗ cúng rồi lẩm nhẩm bài khấn tiễn năm cũ, đón năm mới cầu chúc gia đình bình an.
"Có lẽ năm nay cũng lại bếp bếp núc núc vậy thôi. Lâu lắm rồi giao thừa không đi xem pháo hoa. Cúng bái dọn dẹp xong xuôi cũng đã độ 2h sáng. Nhưng sáng hôm sau lại vẫn phải dậy sớm để mổ gà, ngâm miến, rán nem chuẩn bị mâm cơm mùng 1" - chị Hoa chia sẻ, gọi vui là "cuộc chiến" chính thức bắt đầu từ chiều 30 Tết.  
Đây có lẽ là nhịp sinh hoạt của rất nhiều bà nội trợ dịp Tết không riêng gì chị Hoa.
Dù rất nhiều thủ tục cúng lễ được cắt bỏ, mâm cơm cúng cũng đơn giản hơn, chị Hoa cho biết mấy ngày Tết mình vẫn loanh quanh căn bếp. 
“Bếp là nơi ‘trú ẩn tạm thời’ của tôi. Không quần quật nấu cơm thì cũng ở bếp để ăn. Nấu ra rất nhiều món nào có ăn hết đâu. Ngày xưa mâm cao cỗ đầy bày biện cầu kỳ lắm, xong rồi còn phải rửa mấy mâm bát trong nước lạnh buốt, rồi phải tự nhóm bếp nấu ăn nữa”, chị Hoa nói thêm.


Co mot noi am anh mang ten 'Tet' hinh anh 1
Người Việt thường chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn để cúng tất niên, giao thừa. Ảnh: Quỳnh Trang


Gánh nặng bếp núc không phải là vấn đề đau đầu duy nhất của các bà nội trợ mỗi khi Tết đến, dịp mà tưởng chừng cho phép họ có thời gian để nghỉ ngơi tái tạo. Quần quật trong bếp để nấu cho cả gia đình. Vợ chồng lục đục vì ai cũng muốn về quê mình. Bị coi là “dâu đoảng" vì "lỡ" đặt cơm cúng ở ngoài để tiết kiệm thời gian. Người trẻ không muốn về quê để khỏi phải nghe những câu hỏi đến hẹn lại lên.


Và không khó để tìm được những câu chuyện mà ai cũng có thể thấy mình trong đó.


Về nội hay ngoại - tranh cãi triền miên

Lấy chồng 10 năm, chị Thu Hồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chưa được ăn cái Tết nào cùng bố mẹ đẻ. Quê chị ở Yên Bái, quê chồng ở Nghệ An, sinh sống và làm việc ở Hà Nội, Tết thì phải về quê thăm bố mẹ, họ hàng nhưng về nội hay ngoại ăn Tết lại là một câu chuyện khác.
Co mot noi am anh mang ten 'Tet' hinh anh 2
Tết nội hay Tết ngoại là nỗi niềm của rất nhiều người. Ảnh: Minh Hoàng

Chị Thu Hồng nói: “Lấy chồng theo chồng, các cụ dạy thế nhưng giờ xã hội hiện đại rồi, bố mẹ tôi vẫn còn khỏe, tôi muốn về quê ăn Tết với hai cụ. Chưa năm nào chúng tôi thỏa thuận được với nhau. Cứ đề cập đến chuyện về ngoại ăn Tết nhưng chồng tôi và gia đình chồng, dù không phản đối ra mặt, nhưng thái độ thì không đồng tình lắm”.

Tết nội hay Tết ngoại không chỉ là nỗi niềm của người lớn.

Hải Minh (lớp 9, con trai chị Hồng) chia sẻ: “Mỗi lần mẹ hỏi ‘Hay là về ông bà ngoại ăn Tết nhỉ?’ bố con cũng gắt lên. Chỉ có một năm là được ăn Tết ở nhà ông bà ngoại thôi vì năm đấy mẹ sinh em bé, còn lại đều về với ông bà nội. Năm nào mẹ cũng phải gọi điện cho ông bà ngoại nói Tết năm sau về, cho cả anh em con về nhưng con cũng chẳng biết bao giờ mới được ăn Tết với ông bà ngoại thật”.

Nếu như gia đình chị Thu Hồng đau đầu chuyện về đâu ăn Tết thì chị Thái Hoàng Oanh (34 tuổi, Quận 3, TP.HCM) lại đau đầu vì sắm Tết “thiếu công bằng” cho hai bên nội ngoại.

Giỏ quà Tết chị Oanh mua biếu bố mẹ mình trị giá 3 triệu đồng vì có chai rượu mạnh. Còn cho nhà chồng, do bố chồng bị bệnh gan, phải kiêng rượu, nên được thay bằng trà, do vậy giá thành giỏ quà rẻ hơn khoảng 1 triệu đồng. “Và thế là bỗng dưng sinh ra ‘tị nạnh’. Tết nhất rất bận rộn, bố mẹ hai bên so đo như vậy khiến tôi cũng mệt mỏi theo”, chị Oanh nói.

Tết là dịp để sum vầy, đoàn viên, nội hay ngoại thì cũng là gia đình cả.

PGS. TS Trần Minh Tâm

Theo PGS. TS Trần Minh Tâm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), ngày Tết cũng phải hướng về cả quê ngoại. Thời gian có thể du di cho phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình.

Bà Tâm nhận định: “Nói chung vẫn là sự tôn trọng và thỏa hiệp với nhau. Tết là dịp để sum vầy, đoàn viên, nội hay ngoại thì cũng là gia đình cả. Chọn cách ứng xử nào để cả nội ngoại cùng vui, con cháu thoải mái”.

Quan tâm nhau và khoảng cách thế hệ


Nhà báo Youyou Zhou, người ăn 20 cái Tết cổ truyền ở Trung Quốc trước khi chuyển sang Mỹ sinh sống, đúc kết trong một bài báo viết cho Quartz: Nếu ở Lễ Tạ ơn, người Mỹ tranh cãi với nhau về chính trị, tôn giáo, thì đối với người châu Á, những câu hỏi mang tính cá nhân trong dịp Tết Nguyên đán lại là nguyên do gây chia rẽ. Không ít người cảm thấy khó chịu với những câu hỏi “đến hẹn lại lên”: Lương tháng bao nhiêu? Thưởng Tết có cao không? Bao giờ lấy chồng (lấy vợ)? Khi nào sinh con?
Co mot noi am anh mang ten 'Tet' hinh anh 3

Không ít người cảm thấy khó chịu với những câu hỏi “đến hẹn lại lên”: Lương tháng bao nhiêu? Thưởng Tết có cao không? Bao giờ lấy chống (lấy vợ)? Khi nào sinh con? Ảnh: Lê Quỳnh

Đinh Hoàng Đức, đang làm việc trong lĩnh vực tài chính của một công ty nước ngoài, chia sẻ: “Thật sự tôi rất mệt mỏi với những câu hỏi về lương, thưởng. Hàng xóm, cô dì, chú bác cần biết tôi kiếm được bao nhiêu tiền để làm gì? Hơn nữa, tôi làm việc cho công ty nước ngoài, có thưởng khi hết mùa bận chứ không có thưởng Tết như công ty Việt Nam. Mỗi lần có người hỏi thưởng Tết cao không, trình bày ra thì dài dòng nên thôi, tôi chọn cách cười mỉm rồi đi thẳng, coi như mình không có thưởng vậy”.

Họ hàng và gia đình khi hỏi những câu hỏi đó, không phải họ có ý đồ xấu gì đâu, đơn giản vì đó là cử chỉ thể hiện sự quan tâm và yêu thương thôi. Dù cũng cần một chút tinh tế

Nhà báo Youyou Zhou

Nếu như Đức bị căng thẳng về những câu hỏi liên quan đến tiền nong thì Mai Anh (27 tuổi, Thái Bình) lại phát ngán với những câu hỏi dạng bao giờ mang người yêu về ra mắt hay bao giờ lập gia đình.

“Thời của ông bà hai mươi tuổi là dựng vợ gả chồng, còn bây giờ khác nhiều rồi. Mới 27 tuổi mà làng xóm gần xa đã đồn tôi ‘ế’. Tôi không nói sẽ không lập gia đình nhưng giờ chưa phải lúc thích hợp. Thật sự có những lúc tôi phát cáu, không muốn về quê ăn Tết vì những câu hỏi như vậy”, Mai Anh nói.

Tuy vậy, theo nhà báo Zhou: “Họ hàng và gia đình khi hỏi những câu hỏi đó, không phải họ có ý đồ xấu gì đâu, đơn giản vì đó là cử chỉ thể hiện sự quan tâm và yêu thương thôi. Dù cũng cần một chút tinh tế”.

Đừng “mua dây buộc mình"


Vì không giỏi công việc nội trợ, bếp núc và công việc quá bận rộn nên 3 năm trở lại đây chị Nguyễn Thanh Huyền (giáo viên) thường xuyên mua đồ làm sẵn về cúng Tết. Để tiết kiệm thời gian, chị cũng đặt cơm cúng giao thừa ở ngoài.
Co mot noi am anh mang ten 'Tet' hinh anh 4
Nhiều người chọn du lịch dịp Tết.

“Người ta cứ dị nghị tôi nói là con dâu đoảng, đặt ở ngoài cúng tổ tiên thế là không được nhưng tôi vẫn nghĩ quan trọng là cái tâm. Mình không làm được thì người khác làm thay. Thời gian nấu nướng tôi để dọn dẹp nhà cửa hoặc đi spa làm đẹp chẳng hạn”, chị Huyền nói, đồng thời cho biết ba năm kể từ khi chị đặt cơm cúng ở ngoài gia đình chị ăn Tết ngon hơn hẳn vì đỡ mùi dầu mỡ, bếp núc, dọn rửa cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Người nào, hoàn cảnh nào thì ăn Tết theo hoàn cảnh đó. Tự do lựa chọn là khẳng định chính mình, chứ đừng mua dây buộc mình, sinh ra chán nản, mệt mỏi mà làm mất đi vẻ đẹp của Tết

TS Sin Harng Luh

Còn như Lê Mai Anh, nhân viên ngân hàng ở Hà Nội, Tết năm nào cô cũng đi du lịch. Phần vì đây là thời gian được nghỉ dài, tận dụng để du lịch sẽ đỡ tốn ngày phép trong năm, phần để tránh những va chạm mà theo cô là “không đáng có” trong ngày Tết.

Theo bà Sin Harng Luh (Đại học Quốc gia Singapore), chẳng ai muốn chịu khổ, chịu cực cả bởi Tết là “hội”, và đương nhiên hội thì phải vui. Cỗ bàn, marathon chúc Tết hay những câu hỏi kiểu “châu Á” là chuyện thường tình ngày Tết. Tùy vào cách chúng ta giải quyết và tìm được phương án “ăn Tết” tối ưu với bản thân.
Hà Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét