Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

ĐỒNG GIAO CHO NGƯỜI LỚN LÀ LỄ MẤT- CÒN Ở ĐỜI

LỄ TRUY ĐIỆU NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO

Theo Trần Nhượng     





TNc: 13giờ 40 ngày 09/01/2019, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng đã diễn ra lễ truy điệu nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Trong lễ viếng đã có nhiều văn hữu, cơ quan đoàn thể còn có Phó Thủ tướng Trinh Đình Dũng, TGĐ Đài tiếng nói VN Nguyễn Thế Kỷ, ông Nguyễn Đức Chung chủ tịch Hà Nội. Tạp chí Văn học hải ngoại tại Canada và nhà văn Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Đức Tùng gửi vòng hoa viếng. Tôi gặp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từ Huế ra, nhà thơ Lê Huy Mậu có thơ chung làm nên ca khúc Khúc hát sông quê với Nguyễn Trọng Tạo từ Vũng Tầu ra và đông đảo bạn bè, người hâm mộ từ nhiều vùng đến tiễn đưa Tạo. Bạt ngàn hoa viếng, có vòng hoa của ông Nguyễn Hồng Chuyên TB Tuyên giáo, của nhà văn Võ Bá Cường từ Thái Bình gửi lên viếng Nguyễn Trọng Tạo.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân, phó CT Hội Nhà văn đọc lời điếu tiễn biệt nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.


ĐỒNG GIAO CHO NGƯỜI LỚN

Nguyễn Trọng Tạo


có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời

có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.



1992


Năm 1994, trong bài Người Ham Chơi  của HPNT đã viết :
"ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN, là tiếng hát ngu ngơ của con người Ham Chơi. Đồng dao lũ giang hồ đàng đúm đông hơn họp, đồng dao đêm cộng cảm nhảy múa với ma, đồng dao tượng mồ khoe Âm khoe Dương, cánh cửa phòng mở ra khép lại, cuộc tình bên miệng núi lửa, hoặc tiếng mèo rên lạnh buốt linh hồn. Đồng dao lang thang. Đồng dao rượu. Đồng dao em. Và đồng dao chợt nhiên cánh hoa đào rơi lặng im trong giấc ngủ… Người Ham Chơi đã qua bao nhiêu nẻo đường không tên của trần gian, đi xuyên đá để tới bên vực thẳm của phế tích, và đến cùng kiệt gã theo tờ lịch mỏng manh nhảy vào kiếp luân hồi.
Cuộc phiêu du của tâm linh tự do trước những ngã ba ngã tư bất ngờ được Nguyễn Trọng Tạo thuật lại bằng giọng lịch lãm bẩm sinh của con người Ham Chơi, với nụ cười hóm hỉnh, cái nhìn tinh nghịch và những ý tưởng ngu ngơ nhưng thông minh lạ thường. Ừ thì vậy, “chia cho em một đời say – một cây si / với một cây bồ đề” Đừng hỏi ta sao đem chia cây cối cho em làm gì, ta đâu có biết, có thể nhiều đêm say ta đã ngủ bên đường…
Nhớ lại mười lăm năm trước, tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo trên báo Văn Nghệ, qua một bài thơ rất hay, với điệp khúc nhắc lại nhiều lần về một điều:
thời tôi sống có rất nhiều câu hỏi
câu trả lời thật không dễ dàng chi
Bài thơ đó làm nhiều người khác khó chịu, bởi nó đã đụng tới nhiều thứ ngụy tín dầm dề của một thời. Riêng tôi, tôi thích thú giọng bông đùa tưởng như rất dễ dàng của nhà thơ lính hơn chục năm chiến trận này, để nói những điều nghiêm trọng thường khiến những người không thích đùa phải cau mặt. Nhớ một câu của Tùng Thiện Vương khen thơ Nguyễn Hàm Ninh rằng: “Cười một hơi mà thành ra bài thơ, không hề thấy dấu chạm trổ đẽo gọt ở chỗ nào”.
Đọc lại Nguyễn Trọng Tạo qua những bài ĐỒNG DAO đây, tôi nhận ra rằng quả thực mười lăm năm qua, nhà thơ vẫn không đổi giọng, chỉ thêm là bây giờ tôi đã gọi đúng tên chàng, Người Ham Chơi.
Nhưng không ai có thể dông dài suốt đời mình, và Người Ham Chơi có lúc cũng phải quay về.
ngác ngơ giữa phố
một thằng nhà quê
nhớ thương Mộ Tổ
biết bao giờ về…
Ở thời điểm khuya khoắt đó, thi sĩ chợt khám phá ra nỗi cô đơn nguyên ủy của con người, rằng Người Ham Chơi chỉ là hiện thân của Ý Thức Lưu Lạc. Người Ham Chơi bao giờ cũng giữ riêng cho mình một Cõi Nhớ, nhớ về một cái gì đã mất, và lầm lũi đi tìm. Dù đấy chỉ là chiếc trâm Cỏ Thi em đã cài tóc thuở lòng còn đầy khát vọng, và dù ta “rồi cũng khóc như em, khóc cho điều đã mất”. Chính giọt nước mắt rơi xuống cỏ giống như hạt sương hiếm hoi rốt cuộc đã bộc lộ một chút gì trong trẻo của niềm tin ẩn giấu đằng sau bộ mặt đã phong trần, sự trong trẻo muôn đời vẫn thuộc về căn cốt của giống nòi thi sĩ:
nhưng tôi người cầm bút, than ôi
không thể không tin gì mà viết…"
Huế, mùa hạ 1994 Hoàng Phủ Ngọc Tường 

Đỗ Trọng Khơi cũng cho rằng: Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ của người nhàn. Ông như vừa thong thả lao động, thong thả tản bộ, và thong thả nêu ra điều suy nghĩ tinh vi và sâu sắc về cuộc đời. Nhờ ở cái cách, cái khí cốt ấy, thơ ông có chỗ đạt tới sự minh triết. Xét vậy, cách nhàn  cũng là cả một sự học, sự tu dưỡng mới có. Thưởng thơ ông gây cho ta cảm khoái về cảnh phiêu dật, tiêu sái của trời xưa, người xưa. Xưa mà vẫn mới lạ. Ấy là sự thành của ông ở cõi này.
   Đồng dao cho người lớn phản ánh tiêu biểu cho cái cảnh - tình ấy.
                            có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
                            có con người sống mà như qua đời
   Thể đồng dao thường được hồn dân gian nuôi ở nhịp bốn chữ. Đồng dao của Nguyễn Trọng Tao viết ở thể tám chữ. Nhưng soi chẻ rạch ròi thấy thực chất vẫn tiếp nối thể bốn chữ dân gian. Là một nhạc sĩ, nên ông đã khéo đưa cái tài nhạc sang thơ, chuyển nhịp 4/4 (nhịp phức) sang nhịp 2/8 (nhịp đơn). Sự công phu gây hiệu qủa là, ở dạng nhịp đơn (8chữ) nhịp điệu thơ chuyển nhanh hơn, sáng hơn; bởi vậy, ông dấu được kín hơn cái ẩn ý của sự so sánh, tính đối chứng. Ông đã lấy cái sáng, cái trong trẻo của nhạc điệu để ém giấu cái u uẩn, cái nhòe mờ của tư tưởng tình cảm. Nào là cái chết (cánh rừng chết) nhưng lại vẫn xanh; nào là sự sống (con người sống) nhưng lại như đã qua đời...Sự hữu hạn lồng trong sự vô hạn, và ngược lại...
        Hữu hạn hay vô hạn không nằm ở hình thể vật chất mà nằm sâu trong tâm thể, tâm lý của tình. Hai câu thơ mở bài là một nốt đồng dao suy nghiệm do tình, là khúc dạo nhanh bắt vào bài thơ. Nốt nhấn tư tưởng thực sự lộ ra ở câu thơ thứ 3: Có câu trả lời biến thành câu hỏi... Thơ khơi lộ một mạch sống, cái mạch sống này do thiếu tính cơ bản, tính chân lý, hay là sự khơi lộ lên một cuộc vận động không ngừng của bản chất chung mang tính quy luật của đời sống? Một dấu hiệu bất khả tri của Kant. Nhưng có lẽ ý tưởng thơ của câu thơ này nghiêng về sự bất lực của tư tưởng - cấu trúc đời sống xã hội hơn là sự bất khả tri của tri thức(!). Chính bởi vậy, tính trớ trêu, chênh vênh của cảnh của tình mới liên tiếp thể hiện:
                      có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới...
                      có cả đất trời mà không nhà ở...
         Bài thơ có sáu khổ, mỗi khổ 2 câu. Bốn khổ trên là một bức ký hoành tráng, vẽ ra lẽ mất - còn  ở đời, và tình thơ nghiêng về gam màu tối. Phải tới hai khổ cuối bài, tình thơ mới sáng lên, bay trên đôi cánh phấn thích của niềm hy vọng. Lạc quan - hy vọng, một cội sinh tất yếu phải có cho sự tồn tại, cho tình yêu.
                        mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
                        mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
và:
                         có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi…

      Thơ vẽ lên một ảnh cười Di Đà. Nghìn năm vốn cũng chỉ trong chớp mắt. Thì những cái sự, cái tình kia là gì? Có chăng, chỉ là cái nếp nhăn mờ trong nét cười xám của cỏ, của chốn tịnh không trong hồn thi nhân mà thôi.Thơ như thế, chẳng tiêu dật, tiêu sái lắm ư?
       Thơ như thế, quyết không thể sinh ở cõi nhọc, mà chỉ có thể sinh ở cõi nhàn.
        Chợt nhớ cái cội sắc thơ Nguyễn Trãi "Mai rung hoa đeo bóng" rơi đã từ 600 năm rồi, nay còn "đeo bóng" nhuận sắc điểm màu cho cành thi ca Nguyễn Trọng Tạo? Cái dư ảnh của mệnh văn mãi còn chớp sáng, gây tình kỳ ngộ, se duyên bút mực đến vậy sao!
                                                                                        Thái Bình, 23.4.2001
                                                                             ĐỖ TRỌNG KHƠI

"10 BÀI THƠ VÀ MỘT ƯỚC MUỐN"  của người quá cố viết cách đây hơn 37 năm

(Thơ viết trong đêm tự tử)

Trái tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!

1.
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Tôi ra đi nào phải không yêu Mẹ
Tôi ra đi nào phải chẳng yêu người
Chưa phải thế nhưng mà nó thế

Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Bạn bè tôi còn hy vọng tôi nhiều
Những bài thơ còn mắc nợ mây chiều
Chưa phải thế nhưng mà nó thê

Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Tôi ra đi đừng nghĩ vắng tôi rồi
Tôi ra đi vì yêu quá cuộc đời
Chưa phải thế nhưng mà nó thế

2.
Vì sao tôi phải tự giết mình bằng hai viên đạn
Điều băn khoăn không phải chuyện tình cờ
Tôi không phải là người cố chết
Vậy thì lý do gì?

Một viên đạn tự giết tôi cũng đủ
Còn viên kia? Đáng dành cho kẻ khác
Nhưng tôi đã thương kẻ khác hơn mình
Viên đạn kia sẽ giết tôi lần nữa!

3.
Người ta sống thế nào thì chết cũng vậy thôi
Tôi sống không dối lừa tôi chết không lừa dối
Hơn 30 năm trước tôi đến với đời này
Cũng ra đi từ đời này sau hơn 30 năm tuổi

Có khác chăng những ngày tôi đã sống
Gặp người này bằng cái bắt tay người khác bằng cái hôn
Giờ tôi chết một mình trong phòng kín
Không cái bắt tay. Cái hôn cũng không.

4.
Hoa ơi! Nếu bạn buồn rầu về cái chết của tôi
Tôi không muốn can ngăn sự buồn rầu của bạn

Chúng mình sống cho nhau như cây với cội
Khuyên can để làm gì nếu chẳng ích gì hơn

Và bởi vậy Hoa ơi xin đừng trách
Tôi ra đi không hỏi bạn một lời.

5.
Không ngờ tôi có thể biết rõ ràng bài thơ cuối cùng tôi viết
Bài thơ nghiêm trang và run rẩy của tôi
Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây…

6.
Trên thế gian này tôi đến rồi đi như tia chớp mà thôi
Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Chia tay tuổi thơ vẫy tung mùa phượng đỏ
Áo lính thời trai chưa kịp cũ

Ngoảnh lại yêu đương như muối xát lòng
Con gái bé bỏng ơi! Con là bài thơ lớn nhất
Mãi hoài thai những câu thơ ba viết
Hoài thai ba những giây phút yếu lòng

Bạn bè đông
Một hai tâm đắc
Suốt cả thời mình sống trên trái đất
Sống thật lòng như tia chớp vậy thôi

Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Ghét bỏ làm chi tiếc nuối làm chi
Tia chớp thế nào phát sáng thế ấy
Người đến thế nào người cứ thế ra đi

“trên thế gian này tôi chỉ là người đi qua
em hãy vẫy cho tôi một bàn tay trìu mến”
Tôi đã vẫy cho Ê-xê-nhin cái vẫy tay anh muốn
Giờ đến lượt tôi. Ai sẽ vẫy tôi đây?

7.
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Đối diện với chân trời tuổi nhỏ
Đối diện với bất công đau khổ
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây

Lòng bộn bề và trời đầy mây
Khao khát tự do thì tự do bị trói
Khao khát yêu thương thì ba chìm bảy nổi
Sự thật thiêng liêng bị đánh tráo dối lừa

Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Để được hát bài hát mình lần cuối
Để được hát ngợi ca lẽ phải
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây

8.
Bạn ơi! Có thể bạn đã ủng hộ tôi mà chưa đạt được
Bạn ơi! Có thể tôi với bạn đã cãi cọ nhau không bằng lời
Bạn ơi! Có thể bạn thờ ơ lãnh đạm với tôi
Bạn ơi! Có thể tôi với bạn đã thỏa thuận điều này. Điều khác chưa thỏa thuận

Cuộc đời là vậy nó cứ vậy kéo dài

Hôm nay tôi chết ai chết ngày mai
Hôm nay ai thương tôi ngày mai ai thương người
Hôm nay ai ghét tôi ngày mai ai ghét người
Cuộc đời là vậy nó cứ vậy kéo dài

Hôm nay tôi chết ai chết ngày mai

9.
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Người ta sống với nhau dè dặt đến nghi ngờ
Nụ cười xã giao
Công việc cũng xã giao
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế

Có khi vì một cái gì đó
Như lòng ganh tị  nhỏ nhen
Sẵn sàng đánh vào kẽ hở của lòng tốt
Trâu bò húc nhau cánh đồng bị dẫm nát
Bố mẹ giận nhau bỏ đói đàn con

Vì sao người ta miễn cưỡng nghe lòng thành thật
Vì sao người ta lại vu cáo anh khi anh đang lâm nạn
Vì sao anh tự tử người ta uống rượu mừng
Vì sao anh không biết tựa lưng
Vào những người trung thực

Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Đời bao nhiêu phe phẩy đứng chắn đường
Bọn phe phẩy ăn diện sang trọng quá
Da dẻ hồng hào
Nụ cười ma giáo
Cũng có khi mang trang phục quân nhân

Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế

10.
Nếu tim tôi có thể bóp tơi ra thành muôn hạt li ti
Tôi sẽ ném lên trời cho gió mang đi

Nếu tim tôi có thể rung âm nhạc
Thì tôi đã dành nó cho bài hát

Nếu tim tôi có thể viết thành thơ
Nó đã ở trong thơ tôi bao giờ

Nếu tim tôi có thể yêu say đắm
Nó đã ở trong ngực em đằm thắm

Trái tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!


Vân Hồ 3, đêm 11.11.1981

Khi tôi viết xong 10 bài thơ này thì trời đã gần sáng. Tôi tháo 2 băng đạn ra khỏi 2 khẩu súng ngắn, cho vào bao súng. Một khẩu cất vào tủ của mình, một khẩu trả lại tủ Nguyễn Hoa, người bạn thân ở cùng phòng đang về quê.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét